Theo Bộ Công Thương, XK dệt may vào các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Châu Âu... thời gian tới sẽ gặp khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu.
Các đơn hàng cho năm 2012 đang có dấu hiệu sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.
Khó trăm bề
Các chuyên gia dự báo, năm 2012 sẽ là năm rất khó khăn của ngành dệt may, đặc biệt do thiếu vốn nên nhiều công trình đầu tư cho ngành nguyên liệu dệt may kéo dài trong thời gian từ 2 - 3 năm đều chưa được hoàn thành. Bên cạnh đó, khó khăn về nguyên liệu vẫn tiếp tục làm “đau đầu” các DN dệt may. Các dự án lớn làm nguyên liệu cho ngành dệt may để giảm lệ thuộc nhập khẩu, tăng giá trị cho sản phẩm dệt may trong năm 2011 không thể triển khai được do thiếu vốn.
Mặt khác, do khó khăn về thị trường XK, một số nước như Ấn Độ, Indonesia... đã chấp nhận giảm giá để hút đơn hàng nên các DN VN sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn.
Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT- Tổng giám đốc TCty may Hưng Yên cũng thừa nhận những khó khăn đang chồng chất với các DN ngành may. Ông Dương cho biết, đa số các thị trường lớn hiện đang gặp khó khăn nên ngay bản thân người dân cũng thực hiện chính sách “thắt lưng, buộc bụng”. Cụ thể, năm 2011 so với cùng kỳ năm ngoái, lượng XK dệt may đã giảm khoảng 20% ở tất cả các thị trường. Chỉ có một số ít DN có uy tín, giữ được chất lượng, thời gian giao hàng... là duy trì được kim ngạch.
Nỗ lực khai thông” thị trường mới
Chỉ tính riêng trong tháng 10/2011, nhiều DN, đặc biệt là các DNNVV đã bị giảm đơn hàng từ 15% - 20% so với cùng kỳ. Tuy khó khăn như vậy, song các DN dệt may vẫn đang tự thân vận động và có những nỗ lực tìm cơ hội tại các thị trường mới, giảm phụ thuộc tại các thị trường như: Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản... Cụ thể, các DN đã tìm hướng xâm nhập và gia tăng XK vào các thị trường mới như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Angola, New Zealand, Ấn Độ, Nga... Nếu như trước đây, chỉ riêng thị trường Mỹ đã chiếm tới 60% hàng dệt may VN thì hiện tiêu thụ chỉ còn khoảng 51%, các thị trường nhỏ trước đây chỉ chiếm 10%, đến nay nhờ nỗ lực của các DN đã nâng lên con số 20%.
Trong số các thị trường mới phải kể tới Hàn Quốc, một thị trường có sức tiêu thụ khá lớn. Các chuyên gia dự báo, khi Hiệp định tự do thương mại song phương VN – Hàn Quốc ký kết sẽ là “đòn bẩy” quan trọng nâng kim ngạch thương mại trong đó có lĩnh vực dệt may.
Ông Hà Huy Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia: “Thận trọng là số 1” Trong năm 2012, quan điểm và nguyên tắc của tôi là các DN nên thận trọng trong mọi việc. Các nhà kinh tế có thể nói phải mở rộng thị trường, đa dạng hóa hàng hóa... nhưng tôi lại có quan điểm khác. Theo tôi, các DN vẫn nên ổn định thị trường cũ, bởi các bạn hàng cũ sẽ khó khăn hơn và có thể sẽ thay đổi cách kinh doanh và trong một tình thế nào đó, họ có thể buộc thay đổi đối tác. Nếu ta không nhanh nhạy, chủ động thì ta mất đối tác. Trong điều kiện hiện nay, hãy hạn chế mở rộng thị trường mới vì các kế hoạch này đòi hỏi phải gia tăng thêm chi phí. Việc này không hề đơn giản trong bối cảnh thắt chặt tín dụng, tiền tệ. Bên cạnh đó, các DN vẫn phải tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, phấn đấu giảm giá bán trước đã. Lúc này, DN cần tiết kiệm, hạn chế sử dụng vốn vay và đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư mới và dàn trải. Trong bối cảnh kinh tế 2012 còn bất ổn, phương châm kinh doanh tốt nhất là nên đánh nhanh, thắng nhanh, cắt lỗ nhanh, rút gọn nhanh. Đầu tư phải có trọng điểm và thu hồi vốn nhanh chóng. |
Quốc Anh // Diễn Đàn Doanh Nghiệp
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com