Các sản phẩm do doanh nghiệp tự thiết kế sau khi được chuyên gia Ý tư vấn. Ảnh: Thu Nguyệt |
Việc thiếu nguồn nguyên liệu đang gây khó cho những doanh nghiệp đang tự thiết kế và sản xuất giày.
Trong hội thảo về đổi mới, phát triển bộ sưu tập và xây dựng thương hiệu tại TPHCM hôm 20-7, 12 doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đã trưng bày bộ sưu tập sản phẩm giày do họ tự thiết kế, từ giày nữ, giày thể thao đến giày trẻ em.
Các sản phẩm này là kết quả của dự án “IN_TRADE: Đổi mới và Thương hiệu: Công cụ cạnh tranh thành công trên thị trường toàn cầu” do Ủy ban châu Âu tài trợ kéo dài từ tháng 8-2009 đến 8-2011.
Thông qua các hội thảo và chương trình tư vấn cho từng doanh nghiệp, các doanh nghiệp tham gia dự án được nâng cao hiểu biết về thương mại quốc tế, xây dựng thương hiệu, và được chuyên gia Ý hướng dẫn và chỉnh sửa thiết kế bộ sưu tập.
Sau khi được đào tạo thiết kế giày khoảng một năm, một số doanh nghiệp tham gia dự án bắt đầu tự thiết kế và làm ra sản phẩm để bán trong nước với số lượng nhỏ.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho biết, để đi từ thiết kế đến một sản phẩm thực, họ gặp không ít khó khăn, như việc thiếu nguồn nguyên phụ liệu cho ngành da giày.
Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam của công ty thời trang Hoài Nam (Hà Nội) cho biết công ty Hoài Nam có quy mô nhỏ nên gặp khó khăn trong việc tìm nguyên liệu da. Khi ông đến nhờ các công ty lớn hơn trong ngành, thì họ cũng không có thời gian để giúp tìm nguyên liệu.
Theo bà Nguyễn Thị Tòng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội da giày Việt Nam (Lefaso), nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành da giày của Việt Nam chủ yếu là nhập khẩu từ Trung Quốc, và hiện giao dịch nguyên phụ liệu của ngành đang rất yếu. Đế hay nguyên phụ liệu da giày có thể mua được tại Việt Nam nhưng chủ yếu qua giao dịch giữa các đối tác chứ khó mua được trên thị trường tự do.
“Nếu không có nguyên phụ liệu da giày thì các nhà thiết kế khó thể hiện được ý tưởng của mình”, bà Tòng cho biết.
Theo ông Phạm Hồng Việt, Giám đốc công ty cổ phần cao su Hà Nội (Harco), hiện nhiều công ty sản xuất giày dép ở phía Bắc gặp khó khăn trong khâu phụ liệu. Bản thân Harco vốn đang cung cấp đế và nguyên phụ liệu giày cũng khó tiếp cận được các công ty sản xuất giày. Hiện chưa có quy hoạch cho phụ liệu da giày, và các doanh nghiệp trong ngành đang nằm rải rác, ông Việt cho biết.
Theo Lefaso, hện có trên 450 doanh nghiệp sản xuất giày (chưa kể đến các cơ sở nhỏ và các hộ gia đình). Trong đó, 70% doanh nghiệp sản xuất gia công, với mẫu mã, đơn hàng kỹ thuật, quản lý, sản xuất phần lớn do đối tác đảm nhận. Do đó, dù xuất khẩu nhiều, nhưng giá trị gia tăng chỉ khoảng 15% giá trị sản phẩm. Trong vài năm trở lại đây, có một số doanh nghiệp bắt đầu có bộ phận thiết kế, phát triển và sản xuất các lô hàng nhỏ lẻ. Tuy nhiên, đội ngũ thiết kế chủ yếu tập trung cho khâu thiết kế kỹ thuật, thay vì phát triển ý tưởng và thiết kế phác họa. Đối với các doanh nghiệp nhỏ trong các làng nghề, 90% thiết kế là do chủ doanh nghiệp thực hiện dựa trên kinh nghiệm. |
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com