Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

An ninh năng lượng và phát triển bền vững: Bài học từ Hàn Quốc

Năm 2008 qua đi với rất nhiều sự kiện đã để lại biết bao điều cần trăn trở trong tư duy chính sách phát triển kinh tế ở mọi quốc gia trên thế giới. Một trong số những vấn đề gai góc nhất là mối quan hệ giữa an ninh năng lượng và sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Khi giá dầu mỏ từng bước leo thang từ năm 2007, bỗng đột ngột trở lên nóng bỏng từ đầu năm 2008 và đạt tới đỉnh điểm vào ngày 11/7/2008 với 147 USD/thùng, và rồi cũng bỗng chốc hạ nhiệt nhanh chóng vào cuối năm (ngày 20/12/2008 chỉ còn 33 USD/thùng, mức giá đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 10/2/2004 tới nay). Hơn bao giờ hết, người ta bỗng chốc cảm nhận bằng thực tế (chứ không chỉ còn là những cảnh báo mang tính lý thuyết) về tình trạng mất an ninh trong lĩnh vực năng lượng và kèm theo đó là tính bền vững trong phát triển kinh tế bị đe dọa. Trong bối cảnh như vậy, việc đảm bảo an ninh năng lượng để duy trì sự phát triển bền vững vốn đã được đề cập đến từ vài ba thập kỷ trước, giờ đã trở thành vấn đề thường nhật trong chương trình nghị sự của các quốc gia và các tổ chức quốc tế. Trong số nhiều bài học kinh nghiệm thành công trong chính sách đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ phát triển bền vững, Hàn Quốc là một trường hợp có thể tham khảo tốt.
   
Nền kinh tế Hàn Quốc đã từng được biết đến như một trong số ít ví dụ điển hình rất thành công trong quá trình công nghiệp hóa trong những thập kỷ 1970-1980, trở thành thành viên của OECD năm 1996. Nước này không chỉ ít tài nguyên thiên nhiên nói chung, mà tiềm năng năng lượng thiên nhiên cũng rất hạn chế. Trong lịch sử công nghiệp hóa của mình, Hàn Quốc luôn phải nhập khẩu năng lượng. Mức độ phụ thuộc năng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc rất cao. Nếu như năm 1980, Hàn Quốc phải phụ thuộc vào các nguồn năng lượng nhập khẩu là 73,5% (giá trị nhập khẩu là 6,7 tỷ USD), thì đến năm 2007, nguồn năng lượng nhập khẩu đã chiếm tới 96,7% với tổng giá trị chi cho nhập khẩu năng lượng lên đến 95 tỷ USD. Hàn Quốc hiện là nước tiêu thụ năng lượng đứng thứ 10 thế giới, trong đó tiêu thụ dầu mỏ đứng thứ 7 (105,3 triệu tấn), đứng thứ 2 về tiêu thụ khí gas hóa lỏng (25,6 triệu tấn) và đứng thứ 9 về mức tiêu thụ than đá (94 triệu tấn) năm 2007.


Đứng trước tình hình nhu cầu năng lượng tăng cao và mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu lớn, một chương trình sử dụng hiệu quả năng lượng đã được khởi động. Dấu mốc quan trọng nhất là từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính châu Á năm 1997-98. Dưới tác động rất mạnh của cuộc khủng hoảng này, Hàn Quốc đã tiến hành cơ cấu lại nền sản xuất. Nếu như giai đoạn 1987 - 1997, tốc độ tăng tiêu dùng năng lượng bình quân 10,3%/năm, tốc độ tăng GDP là 7,7%/năm, tức là độ co giãn giữa mức tăng tiêu dùng năng lượng so với mức tăng GDP là 1,34; thì giai đoạn 1998-2007, tốc độ tăng tiêu dùng năng lượng bình quân chỉ tăng 4,2%/năm so với tốc độ tăng GDP là 5,6%/năm, độ co giãn giữa mức tăng tiêu dùng năng lượng so với mức tăng GDP là 0,75. Một cơ cấu kinh tế tiêu dùng ít năng lượng hơn đã hình thành từ sau khủng hoảng (hình 1).

 
Hình 1: Tốc độ tăng trưởng GDP và tiêu dùng năng lượng hàng năm ở Hàn Quốc


Trước đây, khi nghiên cứu quá trình phục hồi kinh tế sau khủng hoảng của Hàn Quốc, các báo cáo phân tích thường tập trung vào khía cạnh cải cách thể chế, mà trọng tâm là giải mã bộ ba quan hệ tạo nên cái gọi là “chủ nghĩa tư bản thân hữu” (crony capitalism): Nhà nước - Ngân hàng - các Cheabol, vốn được xem là căn nguyên sâu xa gây ra khủng hoảng. Một nội dung khác của việc cơ cấu lại nền kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng là tạo ra một cấu trúc kinh doanh tiêu tốn ít năng lượng hơn cũng rất nên chú ý, đặc biệt là dưới góc nhìn của tình hình giá cả các loại nguyên nhiên liệu tăng cao và dao động rất mạnh như năm 2008.

Cho đến nay, các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng của Hàn Quốc vẫn chiếm tỷ trọng cao hơn hẳn các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Nhật, Đức.

Trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, Hàn Quốc đã triển khai một chiến lược năng lượng mới, giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch từ bên ngoài. Bên cạnh việc tăng cường nghiên cứu các loại năng lượng mới, một trong các hướng ưu tiên trong thời kỳ 20-30 năm tới là tăng cường sử dụng năng lượng hạt nhân.

Hình 2: Xu hướng tiêu dùng năng lượng ở Hàn Quốc


Ở Hàn Quốc, trong gần 30 năm qua, từ lúc nguồn năng lượng hạt nhân chỉ chiếm 1,6% tổng lượng năng lượng tiêu dùng năm 1981, đến năm 2007, tỷ lệ này đã lên đến 15%.

Ưu điểm lớn của năng lượng hạt nhân so với các loại nhiên liệu hóa thạch truyền thống (than, dầu mỏ) là không phát thải khói bụi, phát thải khí CO2 (loại khí làm tăng hiệu ứng nhà kính) và giá thành rẻ. Trong các loại năng lượng điện đang sử dụng ở Hàn Quốc, giá điện hạt nhân là thấp nhất.

Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của năng lượng hạt nhân là nỗi lo về sự an toàn, đặc biệt sau sự cố Trecnôbưn ở Ucraina (tháng 4/1986). Vì vậy, bên cạnh những giải pháp về kỹ thuật và xây dựng nguồn nhân lực để phát triển năng lượng hạt nhân, Hàn Quốc còn rất chú trọng đến việc xây dựng sự đồng thuận về mặt xã hội của việc sử dụng năng lượng hạt nhân, nhất là với cộng đồng dân cư địa phương nơi đặt nhà máy điện hạt nhân. Về mặt này, có thể xem cách làm của Hàn Quốc là một ví dụ tốt, nhất là với những nước đang có ý định triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân như Việt Nam hiện nay.

Để tạo sự đồng thuận trong xã hội về phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân, Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập Quỹ Năng lượng hạt nhân (Korea Nuclear Energy Foundation - KNEF) với nhiệm vụ chính là nghiên cứu các vấn xã hội của việc phát triển năng lượng hạt nhân, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận, tạo ra môi trường xã hội thuận lợi cho sự phát triển loại năng lượng này.


Theo kết quả thăm dò hàng năm của Quỹ Năng lượng hạt nhân Hàn Quốc cho thấy, phần lớn số người được hỏi đều cho rằng việc phát triển năng lượng hạt nhân là cần thiết. Hiện nay, điện hạt nhân cung cấp khoảng 16% tổng sản lượng điện trên thế giới. Trong đó, những nước có sản lượng điện hạt nhân/tổng công suất điện phát ra là Pháp: 78%,  Slovakia: 57%, Bỉ: 56%, Thụy Điển và Ucraina: 48%, v.v...

Tuy vậy, ở Hàn Quốc cũng đã diễn ra không ít các cuộc biểu tình của nhân dân phản đối việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại nơi sinh sống của họ. Chính phủ thông qua hoạt động của Quỹ Năng lượng hạt nhân tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân, mở các lớp tập huấn và các hoạt động cần thiết khác. Kết quả là, tỷ lệ dân cư địa phương đồng ý cho xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở địa phương họ đã tăng lên theo thời gian, tuy cũng có thời điểm lại giảm xuống, phụ thuộc vào mức độ tin tưởng vào độ an toàn của công nghệ vận hành.

Hiện tại Hàn Quốc đang vận hành 20 tổ hợp điện hạt nhân, tổng công suất 17.716 MW, đang tiến hành xây dựng 6 tổ hợp (công suất 6.800 MW) và đã có kế hoạch tiếp tục xây dựng thêm 12 tổ hợp (công suất 16.800 MW). Đội ngũ lao động các loại làm việc trong lĩnh vực điện hạt nhân hiện nay khoảng 10.000 người (2008).
 

Hình 3. Dự báo tiêu dùng năng lượng của Hàn Quốc thời kỳ đến 2030


Dự báo, trong tương lai, tỷ lệ sử dụng điện hạt nhân thương phẩm sẽ tiếp tục tăng lên. Theo Viện Kinh tế năng lượng Hàn Quốc (KEEI), đến năm 2030, tiêu dùng năng lượng hóa thạch của Hàn Quốc sẽ chiếm khoảng 83 - 61%, điện từ nguồn có khả năng tái tạo khoảng 2,4 - 11%, điện hạt nhân: 36 - 59% và điện từ năng lượng tự nhiên  chiếm từ 47% trở lên.

Tóm lại, từ trong khủng hoảng, Hàn Quốc đã vừa cải cách cơ chế, lại vừa cơ cấu lại cấu trúc các ngành công nghiệp theo hướng tiết kiệm năng lượng. “Tăng trưởng xanh” (Green Growth) trong phát triển bền vững có mục tiêu cụ thể là tăng trưởng kinh tế nhưng phải đảm bảo giảm khí thải nhà kính và ô nhiễm môi trường. Trong quá trình phát triển năng lượng mới, đặc biệt là năng lượng hạt nhân, do không phải là nước có công nghệ nguồn về lĩnh vực năng lượng hạt nhân, nên khi phát triển loại năng lượng này, Hàn Quốc rất chú trọng đào tạo lực lượng lao động vận hành, đảm bảo an toàn tuyệt đối, đồng thời với tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xã hội, tạo môi trường xã hội thuận lợi nhất cho sự phát triển năng lượng hạt nhân, góp phần quan trọng duy trì an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế của đất nước./.
 

(PGS. TS Bùi Tất Thắng- Tạp chí kinh tế và dự báo)

  • Vì sao Việt Nam vẫn phải mua điện từ Trung Quốc?
  • Xăng dầu: Cuộc chơi vẫn của các 'ông lớn'
  • Giá điện sẽ được điều chỉnh từ ngày 1/7?
  • Tổng giám đốc Petrolimex nói gì về “minh bạch xăng dầu”?
  • Sếp Petro Vietnam “chẳng tin” dự án lọc dầu 27 tỷ USD
  • EIA dự kiến giá dầu sẽ lập lại kỷ lục vào 2030.
  • Phụ gia Maz cho nhiên liệu: Tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng
  • Petro Vietnam sẽ khai thác dầu tại Nicaragua
  • Trung Quốc nỗ lực tích trữ dầu mỏ
  • Venezuela khởi động dự án khí đốt 20 tỷ USD
  • Điện lực, Dầu khí lại “đá” nhau
  • Châu Á "vỡ mộng" sản xuất nhiên liệu sinh học
  • Nghiên cứu xây dựng nhà máy nhiệt điện tại Bắc Giang
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container