Nhiều tháng nay, các DN điện thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã gặp khó khăn khi phải giảm sản xuất do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giảm huy động điện.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực dầu khí ( PV Power) thuộc PVN cho biết, trong 7 tháng qua, EVN đã giảm mua của PV Power tới 423 triệu Kwh. Sản lượng điện EVN huy động từ các nhà máy thuộc PV Power chỉ đạt khoảng 90% của kế hoạch mà hai bên đã đề ra.
Sản lượng điện giảm đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của PV Power và cả năm khó có thể đạt kế hoạch đã đề ra.
Hiện nay, sản lượng điện do PV Power sản xuất chủ yếu từ nhiệt điện khí, khi sản lượng điện giảm đã gây khó khăn trong cam kết mua khí vốn được thoả thuận với nhà cung cấp là PV Gas từ trước. Khi EVN giảm huy động điện thì PV Power phải giảm mua khí, dẫn đến có thể bị phạt do đã cam kết mà không sử dụng hết khí.
Với các nhà máy nhiệt điện khí, khi giảm sản xuất, cấu hình nhà máy sẽ chuyển từ 2-2-1 sang 1-1-1, tức là vận hành theo chu trình đơn, sẽ ảnh hưởng xấu tới thiết bị máy móc, có thế phải đưa vào bảo hành bảo dưỡng sớm hơn định kỳ. Hiện PV Power đã phải cắt giảm 10% chi phí thường xuyên để duy trì hoạt động.
Tương tự như PV Power là Vinacomin - một bạn hàng lớn khác của EVN cũng gặp cảnh thừa điện do EVN không huy động hết công suất. Số liệu từ Vinacomin cả tháng 7/2011, lượng điện EVN mua từ các nhà máy thuộc Vinacomin chỉ bằng 70% sản lượng của tháng 6. Dự kiến lượng điện EVN mua từ các doanh nghiệp thuộc ngành than sẽ còn giảm nữa trong tháng 8 này.
Theo Vinacomin, đã bắt đầu có nhà máy nhiệt điện phải ngừng hoạt động 1số lò đốt và gây ra thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Với nhiệt điện than, các lò đốt cần hoạt động ổn định trong thời gian dài, việc phải ngừng 1 vài lò đốt sẽ làm ảnh hưởng xấu thiết bị máy móc và khi khởi động lại sẽ rất tốn kém.
Biết là thiệt hại như vậy, nhưng các DN này cũng chẳng biết làm cách nào, bởi EVN chính là người mua duy nhất của họ, không bán cho EVN thì điện sản xuất ra cũng chẳng bán được cho ai.
Giải thích từ EVN cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến thừa điện là do tăng trưởng kinh tế thấp nên nhu cầu về điện giảm. Tăng trưởng điện 7 tháng năm 2011 chỉ ở mức 9,1% so với cùng kỳ năm trước, trong khi các năm trước luôn ở mức trên 15%.
Bên cạnh đó, năm nay lượng nước về các hồ thủy điện nhiều nên EVN đã đưa một số nhà máy nhiệt điện ra khỏi danh sách mua điện để các nhà máy này thực hiện đại tu bảo dưỡng.
Các ý kiến nhận đinh, EVN đang tập trung tận dụng nước về nhiều để đẩy mạnh phát điện bởi giá thành điện sản xuất từ thuỷ điện rẻ hơn so với từ các nguồn khác, điều này sẽ giúp EVN giảm lỗ bởi 6 tháng đầu năm 2011 EVN đã lỗ tới 3.500 tỷ đồng.
Nói về việc bảo dưỡng nhà máy điện, các chuyên gia cho biết không phải muốn bảo dưỡng lúc nào cũng được, mà phải theo định kỳ, theo kế hoạch xây dựng trước. Các nhà thầu nước ngoài không phải bất cứ lúc nào gọi cũng ngay lập tức vào Việt Nam để bảo dưỡng nhà máy điện mà phải ấn định thời gian, kế hoạch cụ thể. Cho nên khi giảm sản xuất, các nhà máy cũng chỉ làm những công việc lặt vặt với nguồn nhân lực tại chỗ mà thôi.
Có ý kiến nêu ra rằng Việt Nam hiện có khoảng 80 nhà máy điện có giá thành khác nhau từ thấp đến cao. Nếu chúng ta không tận dụng những nhà máy có giá thành thấp mà huy động nhà máy giá thành cao thì sẽ gây thiệt hại cho nhà nước. Nếu ta huy động than, khí nhiều thì sẽ dẫn đến nhanh chóng cạn kiệt tài nguyên, vì vậy giảm được phần nào tốt phần đó.
Nói về việc tiết kiệm nguồn tài nguyên cũng có ý kiến ngược lại. Hiện nay nhiệt điện Cà Mau không sử dụng hết khí do sả lượng điện huy động bị giảm, lượng khí này đang phải chuyển cho các khách hàng nước ngoài và thiệt hại cho phía Việt Nam vì không sử dụng quả nguồn tài nguyên quốc gia, chứ không phải là "cơm không ăn thì gạo còn đó" như nhiều người quan niệm.
Phân tích về vấn đề này, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết: Chúng ta luôn trong tình trạng thiếu điện, nay bỗng dưng thừa điện đúng là vừa vui vừa buồn. Vui vì điện được cung cấp đầy đủ cho cả sản xuất lẫn sinh hoạt, không còn khó khăn nữa, nhưng buồn vì điện thừa, các doanh nghiệp sản xuất điện lại gặp khó khăn lớn, trong khi chúng ta đang kêu gọi đầu tư vào các nhà máy điện. Vốn đầu tư lớn thì phải phát huy hết công suất của nó. Nay không huy động hết thì kế hoạch sản xuất kinh doanh không đạt được mà thiết bị máy móc còn bị ảnh hưởng xấu, thiệt hại khôn lường.
Trong lúc này cần có sự chia sẻ. EVN với tư cách là người mua điện duy nhất cần phải chịu thiệt 1 chút để cho các khách hàng đỡ khó khăn. Nếu đẩy hết khó khăn cho khách hàng, điều này sẽ tác động tới các dự án đầu tư nguồn điện, có thể dẫn đến chậm, thiếu nguồn và đến khi nhu cầu điện tăng cao, lại không biết huy động điện ở đâu.
Trên thực tế các năm trước đây, vào một số thời điểm nhu cầu điện không cao, nguồn phát thừa công suất thì EVN cũng đã từng giảm mua điện của các bạn hàng như PVN, khiến doanh nghiệp này gặp không ít khó khăn do hoạt động dưới công suất..
(Theo VEF)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com