Hiếm có dự án nào ngay từ giai đoạn triển khai, đã được Thanh tra Chính phủ vào cuộc như dự án Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng, cụ thể là gói thầu số bảy do Lilama làm tổng thầu (EPC).
![]() |
Hệ thống tua bin nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng do nhà thầu của Nga thực hiện. Ảnh: PV |
Khi đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chỉ đạo cơ quan điều tra vào cuộc, làm rõ vi phạm trong việc mua sắm thiết bị tại dự án. Tuy nhiên, mọi chuyện rơi vào im lặng…
Giá thầu không có căn cứ
Năm 2005, Tiền Phong có bài phản ánh xung quanh chuyện gói thầu số bảy (gói thầu có giá trị lớn nhất của dự án) mà chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ký với Tổng Cty Lắp máy Việt Nam (Lilama) vượt 50 triệu USD so với giá trị gói thầu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (hơn 216 triệu USD).
Theo báo cáo của EVN, đơn giá thiết bị tính trong tổng dự toán lấy theo đơn giá của các nước G7, trong khi giá của Lilama chào lần ba (và được chấp nhận) vẫn cao hơn 50,34 triệu USD nhưng những thiết bị chủ yếu (lò hơi, tua bin, máy phát…) là của Nga (chất lượng thấp hơn các nước G7).
Theo giải trình của Lilama, giá đó, nếu tính theo tỷ suất đầu tư vẫn thấp hơn tỷ suất đầu tư của nhà máy nhiệt điện Phả Lại II, được đầu tư xây dựng từ năm 1997 (Uông Bí là 881USD/KW và Phả Lại là 908 USD/KW).
Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ kết luận, giá trị của hợp đồng gói thầu số bảy mà EVN ký với Lilama là không có cơ sở. Bởi, theo giá chào thầu lần cuối (lần ba) của Lilama, tổng giá trị gói thầu là 267,10 triệu USD, trong đó gồm chi phí xây lắp hơn 66,7 triệu USD; chi phí thiết bị hơn 177,7 triệu USD; các thiết bị dự phòng thay thế hơn 5 triệu USD; lợi nhuận của Lilama, chi phí ban quản lý dự án… hơn 13 triệu USD; thuế hơn 3,5 triệu USD.
Riêng khoản chi phí khác, theo tổng dự toán được duyệt, chỉ được chấp nhận hơn 1,7 triệu USD, trong khi Lilama không biết căn cứ vào đâu chào giá tới 13,4 triệu USD, chênh lệch so với dự toán được duyệt hơn 11,7 triệu USD.
Theo quy chế về quản lý và đầu tư của Chính phủ, với các dự án đầu tư, xây dựng có sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, trước khi đấu thầu xây lắp phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán.
Tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ, với gói thầu số bảy, ngay cả khi triển khai thực hiện dự án, hầu hết các gói thầu đã ký hợp đồng (Lilama ký với các nhà thầu phụ) chưa hoàn thành thiết kế kỹ thuật, dự toán.
Chưa kể, có những gói thầu khi Lilama ký với các nhà thầu phụ có chênh lệch thấp hơn nhiều triệu USD so với giá ký với chủ đầu tư EVN.
Ví dụ như gói thầu M1 (lò hơi) và M2 (tua bin), Lilama ký với EVN là trên 102 triệu USD, nhưng Lilama ký với nhà thầu phụ của Nga chỉ với giá hơn 82 triệu USD, chênh lệch trên 20 triệu USD...
Trục trặc đã được cảnh báo
![]() |
Chuyên gia Nga trao đổi với Phó Giám đốc dự án Trương Văn Linh (phải) tại công trường. Ảnh: PV |
Cũng về giá gói thầu, khi thẩm định tờ trình số 63, ngày 10/3/2003 của EVN, đề nghị Chính phủ chấp thuận giá chào như trên của Lilama, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Võ Hồng Phúc (theo quy định, đây là dự án nhóm A, phải có ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch & Đầu tư) có văn bản gửi Thủ tướng, chỉ ra nhiều nội dung giá theo tờ trình số 63 của EVN chưa minh bạch, rõ ràng, nên không đảm bảo cơ sở để Lilama trúng thầu theo quy chế đấu thầu hiện hành.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng khuyến cáo, về mặt kỹ thuật, chưa đủ cơ sở đánh giá mức độ phù hợp so với yêu cầu của hồ sơ mời thầu, vì thiết bị chính quan trọng của nhà máy là lò hơi thì Lilama chọn nhà thầu Nga mới chỉ chế tạo lò hơi (loại tuần hoàn tự nhiên), có công suất tối đa là 230 MW. Trong khi đó, yêu cầu của hồ sơ mời thầu là trên 300 MW.
Như vậy, kinh nghiệm của nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Còn các thiết bị phụ chưa xác định được nguồn gốc, các đặc tính kỹ thuật chưa được nêu đầy đủ và chi tiết.
Từ những phân tích trên, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Võ Hồng Phúc khẳng định, chưa đủ cơ sở để thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét kết quả chỉ định thầu gói thầu số bảy và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ:
“Đây là gói thầu có giá trị rất lớn, kỹ thuật phức tạp và áp dụng hình thức chỉ định thầu EPC. Do vậy, để tiết kiệm thời gian và tăng tính thuyết phục, EVN cần lấy ý kiến của một số cơ quan như Bộ Tài chính, Bộ Khoa học&Công nghệ, Bộ Xây dựng…về những nội dung có liên quan trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.
Cho đến nay, theo ông Bùi Quang Nhật, Giám đốc dự án điện Uông Bí (Lilama), những trục trặc xảy ra trong quá trình vận hành, chạy thử chủ yếu xảy ra với gói thầu của nhà thầu Nga (lò hơi, tua bin...).
Như vậy, những trục trặc xảy ra tại nhà máy đã được cơ quan chức năng cảnh báo từ giai đoạn xét thầu. Tuy nhiên, khi đó lấy lý do nhà thầu Nga có kinh nghiệm lâu năm trong việc đốt than antraxit (loại than có nhiều ở Quảng Ninh), Lilama đã thuyết phục và được chủ đầu tư đồng ý.
Sau đó, gói thầu được phê duyệt (với giá 267,1 triệu USD, phần thiết bị chính do nhà thầu Nga cung cấp), dù những ý kiến của Bộ Kế hoạch & Đầu tư không được chủ đầu tư thực hiện.
Từ thực tế trên, Thanh tra Chính phủ cho rằng, với máy móc, thiết bị do Lilama nhập về và tự gia công, việc chỉ định các đơn vị thành viên và một số đơn vị khác thực hiện các hạng mục khác của dự án nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng có đảm bảo đúng trình tự và chất lượng không là vấn đề cần phải được kiểm tra, kết luận trước khi đưa nhà máy vào hoạt động.
Đây là câu hỏi, đến nay chưa có câu trả lời.
* Theo Thanh tra Chính phủ, đây là gói thầu do Chính phủ chỉ định thầu nhưng không chỉ định về giá. Giá phải được xác định dựa trên thiết kế kỹ thuật và tổng dự án hoặc giá phải xác định qua đấu thầu cạnh tranh của nhiều nhà thầu tham gia trên cơ sở tiên lượng của hồ sơ mời thầu. Như vậy, mới xác định được giá chuẩn mực. Trong khi đó, sau khi nhận tổng thầu, Lilama ký hợp đồng với 26 nhà thầu phụ, nhưng giá trị các hợp đồng chủ yếu là lựa chọn trên cơ sở chào hàng cạnh tranh hoặc chỉ định thầu, chứ không qua đấu thầu. * Ngày 23/5/2008, Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng giai đoạn hai được khởi công. * Các thiết bị như lò hơi, tuabin, máy phát điện... do Tập đoàn Chengda (Trung Quốc) chế tạo và lắp đặt. Dự án Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng 2 với tổng công suất 330MW, tổng vốn đầu tư trên 178 triệu USD và 653 tỷ đồng. |
(Theo Bá Kiên // Tienphong Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com