Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phát triển năng lượng mới: Manh mún, tự phát

Ngành công nghiệp năng lượng mới du nhập vào nước ta từ thập niên 90 thông qua nhiều dự án hỗ trợ của các nước phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, việc phát triển ngành năng lượng mới vẫn manh mún, tự phát. Đó chỉ mới là cuộc chơi của những doanh nghiệp có tiềm lực mạnh về tài chính.

Thị trường tiêu thụ hẹp

Ông Trịnh Quang Dũng, Giám đốc Trung tâm năng lượng mặt trời Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam cho biết, từ những năm 90, chính phủ các nước phát triển như Tây Ban Nha, Hà Lan, Nhật Bản… đã đến tìm hiểu đầu tư ngành công nghiệp năng lượng mới tại Việt Nam. Nhiều dự án sử dụng năng lượng mới dưới sự tài trợ của các chính phủ này dành cho người dân và các tỉnh thành đã được đầu tư, xây dựng. Hiệu quả về mặt môi trường và kinh tế đều được người dân và chính quyền địa phương các tỉnh thành công nhận, nhưng để chuyển hóa thành ngành công nghiệp của tỉnh nhà địa phương nào cũng e ngại.

Còn theo ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất rắn (Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM), đến nay, duy nhất tại TPHCM đã xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất điện từ rác tại bãi rác Gò Cát. Nhưng đáng tiếc, lượng điện sạch do nhà máy sản xuất ra chỉ để phục vụ cho nhà máy. Nguyên nhân do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đồng ý mua điện sạch với giá 4 cent/kWh. Trong khi giá thành sản xuất tối thiểu cũng đã là 6 cent/kWh.

Ông Huỳnh Tuấn Ân, Chủ tịch Tập đoàn Tuấn Ân khẳng định, một dự án sản xuất điện sạch nếu không nhận được hỗ trợ vốn từ các nước phát triển hoặc tổ chức phi chính phủ giá thành sẽ cao hơn rất nhiều, khoảng 20 cen/kWh điện.

Nhiều doanh nghiệp mạnh dạn nhập khẩu thiết bị sử dụng năng lượng mới (chủ yếu là thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời và gió) về lắp ráp và bán trong nước. Thế nhưng, họ cũng gặp không ít khó khăn do thị trường tiêu thụ quá nhỏ hẹp.

Nói như ông Lê Trọng Đỉnh, Chủ tịch Tập đoàn Kim Đỉnh, công ty đã tiếp cận với nhiều tỉnh thành có mong muốn thay mới toàn bộ hệ thống chiếu sáng công cộng bằng hệ thống đèn sử dụng năng lượng mặt trời. Tất cả đều thừa nhận rằng việc thay mới này sẽ giúp tiết kiệm điện, thu hút du lịch sinh thái. Thế nhưng khi đề cập đến đầu tư rất ít địa phương đồng ý triển khai vì giá thành quá cao, gấp 4 – 5 lần chi phí đầu tư thiết bị sử dụng năng lượng điện truyền thống.

Rào cản khác khiến việc ứng dụng thiết bị sử dụng năng lượng mới bị từ chối là do tâm lý ngại thay đổi tại nhiều địa phương. Khi các doanh nghiệp đồng ý đầu tư thay mới hệ thống chiếu sáng công cộng sử dụng năng lượng mặt trời chỉ bằng với giá thành đầu tư hệ thống chiếu sáng sử dụng điện, nhiều địa phương vẫn ngại.

Ông Huỳnh Tuấn Ân dẫn chứng, công ty đang đầu tư xây dựng hệ thống điện chiếu sáng công cộng bằng điện mặt trời cho đảo Phú Quý. Theo đó, chính quyền địa phương chỉ phải trả trước 70%. 30% còn lại (phần lợi nhuận của doanh nghiệp) chính quyền địa phương sẽ trả dần theo tổng chi phí tiền điện tiết kiệm được hoặc lượng điện sạch bán được cho EVN, nhưng địa phương vẫn rất e ngại.

Trên thực tế, hiện chỉ mới có tỉnh Tiền Giang mạnh dạn triển khai đầu tư hệ thống chiếu sáng bằng điện mặt trời kết hợp với gió tại con đường dẫn vào khu công nghiệp Mỹ Tho.

Sử dụng pin mặt trời tại hộ gia đình. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Thiếu hành lang pháp lý

Trên thực tế, ngành công nghiệp năng lượng mới nước ta chưa thực sự bắt đầu, thậm chí là chỉ bắt đầu với những bước đi chập chững. Lý giải cho tất cả những bất cập trên, ông Trịnh Quang Dũng cho biết, nước ta đang phải mua và bán thiết bị sử dụng năng lượng mới với giá thành cao hơn gấp nhiều lần so với các nước trên thế giới.

Có 2 nguyên nhân quan trọng dẫn đến vấn đề này. Một là do nước ta chưa nội địa hóa được công nghệ sản xuất sản thiết bị sử dụng năng lượng mới nên phải nhập khẩu từ nước ngoài với giá rất cao. Hai là chính phủ chưa thực sự xây dựng được hành lang pháp lý đủ để khuyến khích các nhà đầu tư, thậm chí các nhà khoa học dốc sức cho lĩnh vực này.

Việc EVN mua điện sạch với giá thấp hơn giá sản xuất cũng rất dễ hiểu vì đơn vị này hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Bản thân họ phải cân đối giữa giá mua điện và bán điện. Vậy thì không thể bắt buộc họ phải mua điện sạch với giá cao và bán điện với giá thấp được.

Còn về phía các nhà đầu tư, với giá 4 cent/kWh điện EVN thu mua rõ ràng thu không đủ bù chi. Do đó, nếu không có sự trợ giá nào khác từ phía nhà nước chắc chắn sẽ không có nhà đầu tư nào dám liều lĩnh đầu tư vào lĩnh vực sản xuất điện sạch. Điều này lý giải tại sao cho đến nay nước ta vẫn chưa có dự án đầu tư sản xuất điện sạch với quy mô công nghiệp được hình thành. Những công ty đang đầu tư trong lĩnh vực này thường là những công ty đã vững tài chính ở một lĩnh vực khác. Họ đầu tư vào lĩnh vực này ở mức thăm dò chứ chưa đặt mục tiêu sinh lợi.

Để làm được điều này, nhất thiết phải có sự tham gia của nhà nước bằng cách trợ giá cho điện sạch. Có như vậy mới kích thích thị trường tiêu thụ thiết bị sử dụng năng lượng mới. Từ đó, tác động ngược lại kích thích thị trường sản xuất. Và chỉ khi thị trường sản xuất thiết bị năng lượng mới càng phát triển giá thành sản phẩm sử dụng năng lượng mới mới thực sự giảm nhiệt. 

(Theo ÁI VÂN // SGGP Online)

  • Vì sao Việt Nam vẫn phải mua điện từ Trung Quốc?
  • Xăng dầu: Cuộc chơi vẫn của các 'ông lớn'
  • Giá điện sẽ được điều chỉnh từ ngày 1/7?
  • Tổng giám đốc Petrolimex nói gì về “minh bạch xăng dầu”?
  • Sếp Petro Vietnam “chẳng tin” dự án lọc dầu 27 tỷ USD
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container