Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thiếu vốn cho năng lượng tái tạo

VN là quốc gia có tiềm năng về năng lượng tái tạo để sản xuất điện. Tuy nhiên, để tiềm năng này trở thành lợi ích cụ thể lại là vấn đề không đơn giản

Trong tương lai gần, hầu hết các nhà máy nhiệt điện ở VN sẽ phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu than từ nước ngoài để duy trì hoạt động (Báo Người Lao Động ngày 23-2 đã thông tin), đã đặt ra mối nguy cấp và cần có giải pháp bền vững trong phát triển nguồn phát điện.

Cần hỗ trợ mạnh

VN là quốc gia có tiềm năng về năng lượng tái tạo để sản xuất điện. Tuy nhiên, để tiềm năng này trở thành lợi ích cụ thể lại là vấn đề không đơn giản.

Vụ phó Vụ Năng lượng kiêm Trưởng Ban Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), ông Lê Tuấn Phong, cho biết: Bộ Công Thương đã trình Chính phủ quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng tái tạo và chiến lược phát triển năng lượng tái tạo cùngtrình nghị định về cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng tái tạo như thủy điện nhỏ, điện gió, điện sinh khối (còn gọi là biogas – tận dụng chất thải động vật, thực vật...), điện mặt trời... với mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, giảm ô nhiễm môi trường... Theo đó, đến năm 2020, sản lượng điện tái tạo chiếm khoảng 5% tổng nguồn điện (tương đương 2.400 MW vào năm 2020). Trong đó, sẽ ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo nhằm tăng tỉ lệ các nguồn năng lượng mới và tái tạo chiếm khoảng 3% tổng năng lượng thương mại sơ cấp vào năm 2010 và 11% vào năm 2050.

Theo ông Phong, trước mắt, đối với năng lượng tái tạo, chủ trương của Bộ Công Thương là tập trung làm thủy điện nhỏ, tiếp đó là điện gió, điện sinh khối... Ông Phong chia sẻ: “Năng lượng tái tạo được sử dụng để phát điện chiếm tỉ lệ nhiều hay ít ở VN phụ thuộc rất lớn vào sự hỗ trợ và ngân sách của Nhà nước”.

Ông Vũ Đình Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Phong điện Fuhrlaender VN, cho biết từ năm 2007, Chính phủ đã ban hành quyết định về một số cơ chế , chính sách hỗ trợ các dự án theo cơ chế phát triển sạch. Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng hiện nay, các quy định ưu đãi theo quyết định này vẫn chung chung và bị vận dụng khác nhau. Ông Tuấn kiến nghị cần thiết phải xây dựng bộ luật điều chỉnh về phát triển năng lượng tái tạo và tiếp đó là nghị định hướng dẫn cụ thể. Theo ông Tuấn, nếu không có sớm chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển nhanh các dự án điện từ nguồn năng lượng tái tạo thì đến năm 2020, VN sẽ thiếu hụt khoảng 20 tỉ KWh điện.

Điện gió vẫn dè dặt

Được đánh giá là quốc gia có tiềm năng rất lớn về điện gió nhưng đến thời điểm này, số lượng nhà máy điện gió được triển khai ở VN còn rất ít và thường có quy mô nhỏ. Ông Phong nhận xét tiềm năng của VN về năng lượng tái tạo là rất dồi dào và phong phú về nguồn, đáng kể nhất là điện gió nhưng để phát huy là việc không đơn giản vì vốn đầu tư cho loại nhà máy điện này cao hơn các loại nhà máy sử dụng năng lượng khác.

Bên cạnh đó, cho đến nay, VN vẫn chưa lượng hóa một cáchđầy đủ và chính xác về năng lượng gió cho sản xuất điện. Hiện nay, đã có một số dự án điện gió được triển khai tại một số tỉnh ở miền Trung như Bình Định, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận nhưng hầu hết ở quy mô nhỏ, chỉ vài chục MW và hiệu quả chưa cao... Hiện Bình Thuận là địa phương duy nhất hoàn chỉnh quy hoạch điện gió trên địa bàn.

Tuabin điện gió nhập về cảng VN. (Ảnh do Công ty Cổ phần Phong điệnFuhrlaender VN cung cấp)

Mới đây nhất, Công ty Cổ phần Phong điện Fuhrlaender VN vừa được UBND tỉnh Bình Thuận cấp giấy phép đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất lắp ráp tuabin điện gió đầu tiên tại VN (trị giá 25 triệu USD) tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong. Nhà máy này có công suất sản xuất và lắp ráp tuabin gió để sản xuất 100 MW điện/năm.

Ông Tuấn cho rằng để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, VN sớm có cơ chế đặc thù hỗ trợ các dự án phát triển điện gió như giảm bớt một số thủ tục về giao đất, cho thuê đất để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và theo hướng xã hội hóa. Bên cạnh đó, Chính phủ cần sớm ban hành chính sách giá điện trong lĩnh vực điện gió để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Bởi trên thực tế, việc phát triển năng lượng gió gặp nhiều khó khăn do phải nhập khẩu công nghệ, suất đầu tư cao (khoảng 1.800 - 2.200 USD/KW) trong khi giá bán điện thấp (năm 2009, giá bán lẻ trung bình của EVN là 948,5 đồng/KWh, tương đương 0,052 USD).

Được biết, hôm nay (24-2), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải sẽ chủ trì cuộc họp về chính sách phát triển điện gió cùng Bộ Công Thương và các bộ, ngành tại Hà Nội.

VN đã được Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) thông qua Ngân hàng Thế giới để triển khai chương trình cho vay của dự án “Phát triển năng lượng tái tạo”. Tổng vốn đầu tư của dự án trên 318 triệu USD, trong đó vốn ODA là 204,275 triệu USD, vốn trong nước là 113,78 triệu USD. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2008 đến 2014.

VN có nhiều tiềm năng

Thủy điện: VN là một trong 14 quốc gia có tiềm năng lớn về thủy điện, với 9 con sông chính có vận tốc chảy lớn và hàng ngàn sông, suối nhỏ.

Năng lượng gió: Theo kết quả khảo sát chương trình đánh giá về năng lượng cho châu Á của Ngân hàng Thế giới, với lợi thế nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, chiều dài bờ biển trên 3.000km, VN là quốc gia có tiềm năng gió rất lớn, có thể đạt công suất513.360 MW điện, gấp 200 lần công suất Nhà máy Thủy điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện VN vào năm 2020. Theo Tổ chức TrueWind Solution (Mỹ), VN có tiềm năng về năng lượng gió lớn nhất trong 4 nước: VN, Lào, Campuchia và Thái Lan; có tiềm năng xây dựng các nhà máy điện gió đạt hiệu quả về kinh tế.

Năng lượng sinh khối: VN có nguồn sinh khối dồi dào và đa dạng (chất thải động, thực vật...) có thể khai thác cho sản xuất điện đạt công suất khoảng 250-400 MW.

Năng lượng mặt trời: Tổng tiềm năng có thể khai thác đạt công suất 6-10 MW điện.

T.Dũng

 

(Theo Thế Dũng // Nguoilaodong Online)

  • Vì sao Việt Nam vẫn phải mua điện từ Trung Quốc?
  • Xăng dầu: Cuộc chơi vẫn của các 'ông lớn'
  • Giá điện sẽ được điều chỉnh từ ngày 1/7?
  • Tổng giám đốc Petrolimex nói gì về “minh bạch xăng dầu”?
  • Sếp Petro Vietnam “chẳng tin” dự án lọc dầu 27 tỷ USD
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container