Hồ tiêu tăng sản lượng nhưng sụt giá. Theo nhiều chuyên gia kinh tế hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam bị thiệt hại hàng chục triệu USD mỗi năm vì... thiếu thương hiệu.


Theo Hiệp hội Hồ tiêu VN (VPA), 3 tháng đầu năm 2009, các DN đã XK được khoảng 25.000 tấn hồ tiêu các loại, tăng 65% về lượng so với cùng kỳ 2008 nhưng giá giảm khá mạnh. bình quân giá tiêu đen giảm 31%, còn 2.282 USD/tấn và tiêu trắng giảm 29%, còn 3.679 USD/tấn, thành ra giá trị xuất khẩu chỉ đạt 60 triệu USD. Với thị trường nội địa, giá hồ tiêu cũng chỉ dao động trên dưới 30.000 đồng/kg, chỉ bằng 50% so với lúc được giá.

Nhiều yếu kém

Yếu kém đáng chú ý nhất là chất lượng chưa cao, chưa có thương hiệu đủ mạnh nên hạt tiêu VN vì thế mà bị giảm giá, ép giá. Cây tiêu vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ bị nhiễm bệnh, có thể chết trên diện tích rộng trong vài ngày, năng suất còn thấp... Ông Đỗ Hà Nam- Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu VN nhìn nhận: Yếu nhất của hạt tiêu VN là vấn đề thương hiệu, đan xen và cộng hưởng với yếu kém về chất lượng.

Do các thương hiệu VN chưa mạnh, chưa có uy tín với nước ngoài nên thị phần hạt tiêu VN tại các thị trường cao cấp còn ít.


Hiện chất lượng hạt tiêu ngày càng được quan tâm, nhất là khi XK vào các thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật... thì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được kiểm tra rất khắt khe. Dù hạt tiêu VN đã XK vào Nhật năm 2008 được hơn 2.000 tấn, nhưng nói chung là chưa XK nhiều vào các thị trường này. Việc chủ yếu xuất thô và qua sơ chế, chất lượng chưa cao đã làm giảm khoảng 30 - 40% kim ngạch XK của hạt tiêu. Đơn cử về việc chế biến và XK hạt tiêu trắng. Năm 2008, trong khi giá XK bình quân cả năm của hạt tiêu trắng là 5.112 USD/tấn, còn giá XK bình quân của hạt tiêu đen là 3.251 USD/tấn, nhưng VN lại XK đến 79.729 tấn hạt tiêu đen, và chỉ XK 9.976 tấn hạt tiêu trắng. Một điều rất đáng nói là gần 10.000 tấn hạt tiêu trắng bán được giá cao trên chủ yếu là do nông dân tự chế biến bằng thủ công.


Việc XK đến gần 90% là hạt tiêu đen trong tổng số hạt tiêu XK nêu trên còn bị cộng hưởng bởi  yếu kém  trong xây dựng thương hiệu. Do các thương hiệu VN chưa mạnh,  chưa có uy tín với nước ngoài nên thị phần hạt tiêu VN tại các thị trường cao cấp còn ít. Đây là lý do khiến 13 nhà máy chế biến hạt tiêu (chủ yếu vốn của nước ngoài hoặc liên doanh) năm 2008 vừa qua chỉ sản xuất cầm chừng. Ông Nguyễn Văn Kinh - Phó Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước nói: Hơn 20 năm nay, người trồng tiêu vẫn sợ nhất là bệnh nấm thối rễ làm cây chết nhanh từng vườn, lan nhanh ra cả vùng. Cũng vì bệnh cây tiêu, và do giá bán các năm trước giảm nên Bình Phước đã giảm 20- 30% diện tích vườn tiêu.

Nhưng không ít tín hiệu lạc quan


Vụ tiêu năm 2009 đã bắt đầu với nhiều dự báo lạc quan của các DN chế biến và XK hạt tiêu. Dự kiến cả nước sẽ XK đạt 90.000- 95.000 tấn hạt tiêu, cao hơn năm 2008 khoảng 5.000- 6.000 tấn.  Ông Phan Minh Thông- GĐ Cty Phúc Sinh nói: Năm 2009 dự báo tiêu sẽ được mùa, giá tuy không cao bằng đầu năm 2008 nhưng đang phục hồi. Do Chính phủ hỗ trợ nên nhiều DN đang mạnh dạn mua tiêu dự trữ.


Đại diện Cty Olam (VN) dự báo: Nhu cầu hạt tiêu của thế giới không thể giảm, hiện lượng hạt tiêu tồn kho tại châu Âu, Mỹ còn khá ít, chỉ bảo đảm đủ nhu cầu cho khoảng 2 tháng nữa, nhiều nước XK nhiều hạt tiêu bị mất mùa, giảm sản lượng, là cơ hội cho hạt tiêu VN. Các DN cứ bình tĩnh không nên giảm giá bán và nên phát triển sang các thị trường chất lượng cao.


Theo các chuyên gia, cơ hội cho hồ tiêu rất rộng mở, tuy nhiên, hiện các DN xuất khẩu vẫn bán cái chúng ta có. Một số nơi, người trồng vẫn mang tính nhỏ lẻ, việc đầu tư về giống, kỹ thuật... chưa được chú trọng, tình trạng “trồng - chặt, chặt - trồng” làm ảnh hưởng tới chất lượng và sản lượng.


Hiện nay giá xuất khẩu hồ tiêu có thương hiệu luôn cao hơn từ 15 - 20% so với hồ tiêu xuất khẩu loại 1, đây là vấn đề để các DN xuất khẩu cần xem lại.

Phạm Nguyễn