Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thất mùa, mất giá cây tiêu liệu còn đất sống?

Những vườn tiêu xanh tốt như thế này liệu còn tồn tại nếu liên tiếp thất mùa, mất giá?

Tiêu được coi là loại cây trồng truyền thống của các tỉnh vùng Đông Nam bộ. Loại cây trồng này đã đem lại cuộc sống khá giả cho nhiều hộ gia đình trong thời gian qua. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cùng với tình hình của các loại cây trồng khác, cây tiêu cũng đang trong tình trạng thất mùa, mất giá. Người trồng tiêu hiện đang tỏ ra ngao ngán với loại cây trồng này vì đầu tư nhiều, chăm sóc khó khăn, nhưng lợi nhuận đem lại chẳng được bao nhiêu...

Nông dân thấp thỏm với giá tiêu


Gia đình ông Nguyễn Văn Xẻn, ngụ ấp 3, xã An Bình, huyện Phú Giáo than thở với chúng tôi: “Gia đình tôi bắt đầu trồng tiêu từ năm 1977. Có được cuộc sống sung túc như ngày hôm nay cũng nhờ vào hơn 1.200 gốc tiêu, nhưng chưa bao giờ chúng tôi lại thấy ngao ngán với cây tiêu như hiện nay”. Sự than thở của lão nông có hơn 30 năm gắn bó với loại cây trồng này là có lý do. Hiện giá tiêu trồi sụt thất thường, thương lái lại không nhất quán về giá mua nên gây ra nhiều khó khăn cho những người trồng tiêu như ông. Ông Xẻn cho biết thêm: “Mỗi năm tôi đầu tư cho vườn tiêu hàng chục triệu đồng. Nếu giá cả ổn định, sau khi trừ đi chi phí thì cũng còn có lời. Nhưng với giá tiêu hiện nay, thì chúng tôi không còn lời lãi bao nhiêu”. Ông Xẻn còn cho biết, năm ngoái, gia đình ông thu hoạch được hơn 1 tấn hạt tiêu, nhưng năm nay đến thời điểm này vườn tiêu của ông thu chưa được một nửa sản lượng so với năm rồi mà đã... hết trái!

Bà Phạm Thị Mùi, một hộ trồng tiêu ở xã Tam Lập (Phú Giáo), cho biết so với các loại cây trồng khác như cao su, mì, điều thì cây tiêu là một trong những loại cây trồng khó tính nhất, đòi hỏi người trồng phải đầu tư, chăm sóc kỹ lưỡng, trong khi nó lại là loại cây dễ mất mùa nhất. Bà Mùi cho biết hiện gia đình bà có 7 sào trồng 800 gốc tiêu, mỗi vụ đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng hết khoảng hơn 20 triệu đồng. Nếu được mùa, 800 gốc tiêu cho khoảng 1 tấn hạt, với giá từ 50.000 - 60.000 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí gia đình còn lời khoảng 40 triệu đồng/năm. Năm nay, do mất mùa nên vườn tiêu của bà Mùi chỉ đạt khoảng 400- 500 kg, với giá tiêu dao động từ 28.000 đến 30.000 đồng/kg như hiện nay thì vụ tiêu năm nay vườn tiêu gia đình bà Mùi chỉ đạt từ 14 - 15 triệu đồng. Với mức thu như vậy, coi như lỗ phần đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu, công chăm sóc từ đầu vụ.

Nhiều người trồng tiêu còn cho biết, không những mất mùa, rớt giá mà họ còn lỗ nặng vì trữ tiêu giá cao từ năm trước. Một hộ trồng tiêu ở Bến Cát cho hay: “Vụ tiêu năm trước giá tiêu dao động từ 50.000 đến 60.000 đồng/kg, chúng tôi nghĩ giá tiêu sẽ lên nữa nên không bán mà cất giữ chờ giá. Ai dè giá không lên mà cứ hạ dần cho đến vụ tiêu năm nay thì giá đã xuống thấp hơn phân nửa. Giờ muốn bán không được mà trữ lại chờ giá cũng không xong! Bây giờ chúng tôi chỉ cầu mong giá tiêu nhích thêm để vớt vát chút đỉnh”.

 

Hiện nay, diện tích trồng tiêu trên toàn tỉnh còn khoảng 500 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Phú Giáo, Tân Uyên. Năng suất bình quân vào khoảng 2,5tấn/ha, sản lượng năm qua đạt khoảng 1.200 tấn. Cây tiêu là loại cây trồng đòi hỏi có sự đầu tư đúng về mặt kỹ thuật trồng, chăm sóc mới cho năng suất cao. Trong thời gian qua, do không được chú trọng về mặt kỹ thuật nên cây tiêu nhiều vùng trên địa bàn tỉnh đang bị nhiễm bệnh nặng. Loại bệnh phổ biến hay gặp trên cây tiêu mà người trồng tiêu thường gọi là tháo khớp, rụng cuống... khiến năng suất giảm và có thể làm cho tiêu chết hàng loạt.

 

Cây tiêu liệu còn đất sống?

Không riêng ông Xẻn, bà Mùi mà năm nay nhiều nhà vườn trồng loại cây này đang trong tình trạng bi đát, bởi không những bị mất giá mà còn bị mất mùa nặng. Theo quan sát của chúng tôi tại một số vườn tiêu tại địa bàn Phú Giáo năm nay cho rất ít trái, có vườn thậm chí chỉ có lá mà không cho trái. Bà Lê Thị Vân, một hộ trồng tiêu ở xã Tân Định, huyện Tân Uyên, ngao ngán: “Với tình trạng này chắc cây tiêu không còn chỗ đứng, bởi giá trị kinh tế cây tiêu mang lại so với các loại cây trồng khác rất thấp, trong khi các khoản đầu tư như phân bón, công chăm sóc lại nhiều hơn”.

Tương tự, anh Đỗ Ngọc Khải, ngụ ấp Bình Thắng, xã An Bình, Phú Giáo tâm sự: “Đầu mùa năm ngoái khi giá tiêu ở vào mức hơn 60.000 đồng/kg, gia đình chúng tôi cũng có ý định cải tạo lại vườn tiêu để đạt năng suất cao hơn. Nhưng với giá tiêu như hiện nay, tôi không còn mặn mà với nó nữa”. Cũng theo anh Khải, hiện nay anh đầu tư theo kiểu cầm chừng, không dám đầu tư mạnh nhưng cũng không dám bỏ hẳn vì đây là nguồn thu duy nhất của gia đình. Trước tình trạng cây tiêu chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho các chủ vườn, anh Khải cho biết đang áp dụng trồng xen cao su vào vườn tiêu theo kiểu 50-50. “Bây giờ trồng loại cây trồng nào cũng bấp bênh, trồng xen 2 loại cây cho chắc ăn. Nếu cao su có giá thì sẽ phá bỏ tiêu để tập trung đầu tư vào cao su. Còn nếu cây tiêu có giá trở lại thì sẽ chặt bỏ cao su để tập trung cho cây tiêu”, anh Khải nói.

Hiện nay, nhiều nhà vườn cũng đang có ý định chuyển đất trồng tiêu sang trồng cao su. Một nhà vườn tại ấp 3, xã Phước Sang, huyện Phú Giáo cho hay: “Gia đình tôi hiện còn khoảng 500 gốc tiêu, mỗi năm cũng cho thu hoạch khoảng 40 triệu đồng. Nhưng trong thời gian gần đây năng suất vườn tiêu giảm dần. Do vậy, những hộ trồng tiêu như tôi đang ít dần vì họ chuyển đất trồng tiêu sang trồng cao su. Tôi thấy vậy cũng khá sốt ruột nhưng chưa dám chuyển hẳn qua trồng cao su vì giá cả cao su cũng bấp bênh không kém gì cây tiêu”.

Liên tiếp những “cú sốc” do giá cả các mặt hàng nông sản xuống thấp gây ra, người nông dân các tỉnh miền Đông Nam bộ nói chung và Bình Dương nói riêng đang gặp rất nhiều khó khăn. Sau cao su, mì và hạt điều rớt giá, thêm một lần nữa người nông dân lại phập phồng, thấp thỏm mong chờ tín hiệu tốt lành về giá cả đầu ra cho hạt tiêu. Trước tình hình này, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc ngay để có các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho người nông dân, để cây tiêu không bị phá bỏ oan uổng như các loại cây khác trong thời gian qua

 

( Theo báo điện tử Bình Dương)

  • Hạt tiêu Việt Nam chiếm lĩnh thị trường thế giới
  • Xin đừng đánh mất thế mạnh
  • Người nuôi gà trước nguy cơ phá sản
  • Hiệu quả từ mô hình thanh long ruột đỏ
  • Chăm bò như chăm con
  • Xây dựng cơ chế thu mua hàng nông sản
  • Việt Nam xuất khẩu điều số 1 thế giới
  • Các nhà xuất khẩu gạo Pakistan tìm kiếm cơ hội kinh doanh
  • Nhu cầu gạo thế giới tăng nhanh hơn sản lượng
  • Giải pháp giúp ngành hồ tiêu phát triển bền vững
  • Việt Nam - nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về hạt tiêu
  • Nông sản xâm nhập thị trường Philippines
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container