Tuy nhiên, trong thực tế, tỷ lệ NS hàng hóa được tiêu thụ qua HÐ còn thấp. DN và hộ nông dân chưa thật sự gắn bó và thực hiện đúng HÐ. Qua khảo sát của Bộ Công thương và Liên minh HTX Việt Nam cho thấy, tại nhiều địa phương đã xuất hiện một số loại hình tổ chức tiêu thụ NS và cung ứng vật tư nông nghiệp hoạt động khá hiệu quả.
Một là, DN tiêu thụ nông sản thông qua HTX. Mô hình này có thể áp dụng với phần lớn hàng NS, nhất là mặt hàng có nhiều hộ nông dân cùng sản xuất trong cùng một vụ, trong khi DN không đủ điều kiện quan hệ trực tiếp với từng hộ nông dân. Ưu điểm là HTX tranh thủ được nguồn vốn đầu tư của DN, phát huy được mặt mạnh là cung ứng dịch vụ cho hộ nông dân có lợi hơn khi từng hộ tự làm. HTX nắm bắt và phản ánh kịp thời nguyện vọng của hộ nông dân tới DN tiêu thụ nông sản và cung ứng vốn, vật tư nông nghiệp cho nông dân để DN nhanh chóng hỗ trợ hoặc giải quyết vướng mắc, khó khăn nảy sinh trong quá trình thực hiện HÐ. Qua HÐ ký từ đầu vụ, nông dân biết được lợi nhuận mình có được, nên yên tâm sản xuất, bỏ vốn đầu tư; được cung ứng giống và vật tư nông nghiệp chất lượng bảo đảm, giá cả hợp lý.
Hai là, loại hình DN tiêu thụ NS và cung ứng vật tư nông nghiệp thông qua hộ kinh doanh. Hộ kinh doanh vừa là đại lý mua hàng nông thủy sản, vừa là đại lý bán vật tư nông nghiệp cho DN. Ưu điểm của mô hình này là so với DN và HTX, hộ kinh doanh thường nhanh nhạy hơn trong việc nắm bắt tâm lý, nhu cầu nông dân, thông tin thị trường; linh hoạt hơn khi điều chỉnh giá mua gom NS cho phù hợp giá thị trường, phương thức giao nhận đơn giản, thanh toán nhanh gọn. Hình thức HÐ linh hoạt, DN không phải ứng trước vật tư, tiền vốn từ đầu vụ. Các hộ kinh doanh tự quyết định phương án và kế hoạch kinh doanh, gắn lợi ích với kết quả thực hiện HÐ với DN nên rất năng động, thu gom NS tại các vùng sản xuất phân tán, nhỏ lẻ rất hiệu quả. Hạn chế là việc thu mua NS và cung ứng vật tư nông nghiệp qua hộ kinh doanh thường không ổn định. Do nhiều rủi ro nên DN ít ký HÐ với hộ kinh doanh từ đầu vụ sản xuất, nên DN không chủ động được nguồn hàng cho chế biến và xuất khẩu. Tình trạng ép cấp ép giá hàng NS và cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân không bảo đảm chất lượng xảy ra tại các hộ kinh doanh nhiều hơn so với DN. Hộ kinh doanh không ký HÐ tiêu thụ NS từ đầu vụ sản xuất nên không khuyến khích nông dân đầu tư mở rộng sản xuất.
Ba là, DN, HTX trực tiếp thu mua NS từ hộ nông dân. Thực hiện phương án sản xuất kinh doanh khép kín, các DN, HTX trực tiếp ký HÐ thu mua NS và cung ứng vật tư nông nghiệp trực tiếp tới từng hộ nông dân. Do vậy không mất chi phí trung gian và xử lý vướng mắc, kiến nghị của nông dân với DN nhanh và hiệu quả hơn. Tuy vậy, loại hình này chỉ phù hợp với lượng NS cần tiêu thụ không lớn do DN không đủ nhân lực làm việc trực tiếp với số đông hộ nông dân.
Bốn là, DN tiêu thụ NS và cung ứng vật tư nông nghiệp thông qua một số tổ chức đoàn thể. Trước khi vào mùa vụ, DN ký HÐ với các đoàn thể như chi hội nông dân, chi hội phụ nữ... có xác nhận của UBND xã. Sau đó, các tổ chức đoàn thể đó triển khai tổ chức sản xuất đến hộ nông dân. Tổ chức đoàn thể có trách nhiệm tiêu thụ NS và cung ứng vật tư như HTX và hộ kinh doanh. DN có trách nhiệm thanh toán, trả tiền hoa hồng trên tổng giá trị hàng hóa thu mua được cho UBND xã và tổ chức đoàn thể. Loại hình này tranh thủ được sự tham gia của các đoàn thể vào hoạt động kinh tế địa phương. Với hỗ trợ của chính quyền, HÐ được thực hiện nghiêm túc hơn.
Như vậy, từ thực tiễn các loại hình tiêu thụ NS và cung ứng vật tư nông nghiệp, cần lựa chọn xây dựng một số mô hình thí điểm tùy thuộc đặc điểm địa phương, vùng sản xuất nông - thủy sản hàng hóa. Từ đó tổng kết, rút kinh nghiệm, bổ sung, sửa đổi cơ chế chính sách để nhân rộng, phát triển. Ðây là một trong những giải pháp cơ bản góp phần phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm và không ngừng nâng cao lợi ích của nông dân.