Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trung Quốc tranh mua nông sản: Hai mặt của một chiêu thức thị trường

Cần nắm số liệu nhập khẩu hàng của Trung Quốc để cân đối sản xuất.

“Không thể dùng biện pháp hành chính ngăn cản việc thương nhân Trung Quốc đẩy mạnh thu mua nông sản của Việt Nam. Việc cần làm của cơ quan chức năng là đưa ra con số thống kê chính xác về nhu cầu, số lượng hàng xuất khẩu... để có đối sách với thị trường này” - ông Phạm Quang Diệu, Giám đốc Công ty Cổ phần Phân tích và dự báo thị trường (AGROMONITOR), đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về việc thương nhân Trung Quốc giành mua nông sản tại Việt Nam.

“Không mua, tụi tôi chỉ có chết”

Ông Nguyễn Trí Công, chủ trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn tại Đồng Nai, cho biết hai ngày nay lượng thịt heo từ phía Nam xuất qua Trung Quốc có dấu hiệu giảm, giá khựng lại do thương nhân nước này đã hạn chế thu mua. Tuy nhiên, thời gian qua với việc trung bình một ngày có 2.000-3.000 con heo của các tỉnh phía Nam được thu gom xuất qua Trung Quốc khiến giá heo hơi tăng lên 38.000-40.000 đồng/kg (phía Bắc là 44.000 đồng/kg) so với trước đó chỉ 30.000 đồng/kg.

Về việc thương nhân Trung Quốc trong thời gian gần đây đẩy nhanh thu mua nông sản, trong đó có thịt heo, theo ông Công là chuyện bình thường nếu không muốn nói là có lợi cho người sản xuất. “Đó là kiểu nước chảy vào chỗ trũng khi bên đó thị trường thiếu thịt. Trước đây, doanh nghiệp Việt Nam cũng qua bên Trung Quốc nhập thịt heo khi trong nước khan hàng. Nếu đợt này họ không mua thì e rằng thịt heo còn ứ đọng nhiều lắm, lúc đó tụi tôi chỉ có nước chết” - ông Công giải thích.

Thực tế thì trong một thời gian dài do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, cộng với dịch bệnh nên phần lớn người nuôi heo rơi vào tình trạng sống dở chết dở. Chỉ riêng Đồng Nai, nơi cung cấp phần lớn lượng thịt heo cho thị trường phía Nam thì tổng lượng đàn heo giảm khoảng 40% so với trước. Ngay bản thân ông Công dù có nhiều kinh nghiệm và vốn liếng cũng phải giảm đàn từ hơn 1.000 con xuống còn 500-600 con heo nái.

Cái gì cũng mua

Theo ông Chung Kim, Giám đốc Công ty TNHH CN&CB thức ăn gia súc Kim Long (Bình Dương), việc thương lái miền Bắc vào gom heo ở phía Nam rồi xuất sang Trung Quốc là một việc làm rất tốt. Thời gian qua, nếu không nhờ việc bán heo cho thương lái xuất sang Trung Quốc thì nhiều doanh nghiệp và người chăn nuôi heo ở các tỉnh phía Nam đã bị phá sản vì heo đến ngày xuất chuồng nhưng không có khách mua hoặc mua với giá cực thấp.

Hiện nay, ngoài cao su xuất khẩu sang Trung Quốc với số lượng khá ổn định (chiếm khoảng 60% tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam) thì các mặt hàng như thủy sản, trái cây, gạo... được thương nhân Trung Quốc thu gom theo kiểu mùa vụ. Nghĩa là khi nào nhu cầu của Trung Quốc tăng cao thì doanh nghiệp mới sang Việt Nam “ăn hàng” mạnh.

Đầu tháng 8-2010, doanh nghiệp gạo trong nước xôn xao khi trong thời gian ngắn, Trung Quốc mua tới hàng trăm ngàn tấn gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, việc thu mua đột biến này xuất phát từ việc Trung Quốc đang thiếu lương thực cục bộ và thị trường lương thực trên thế giới biến động.

Đối với mặt hàng thủy sản, nhất là tôm tại các tỉnh miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long, doanh nghiệp Trung Quốc đều thường xuyên thu mua từ giữa năm 2010 đến nay để phục vụ cho các nhà máy chế biến trong nước. Điều đáng nói là thương nhân Trung Quốc mua với giá cao, số lượng không hạn chế và không yêu cầu cao về chất lượng khiến doanh nghiệp thu mua thủy sản trong nước cạnh tranh không lại.

Doanh nghiệp trong nước yếu kém

Tuy nhiên, Giáo sư Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, lại cho rằng việc doanh nghiệp Trung Quốc thu mua ồ ạt nông sản về lâu dài là điều nguy hiểm. Nhiều năm gắn bó, nghiên cứu lĩnh vực nông nghiệp, ông Bửu đã thấm thía những “ngón đòn” mà doanh nghiệp Trung Quốc gây ra cho nông nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp Trung Quốc đã từng đẩy mạnh mua dưa hấu, sắn lát, rau quả... nhưng sau khi nông dân tập trung sản xuất thì họ không thu mua nữa.

Theo ông Phạm Quang Diệu, cơ quan quản lý cần đưa ra chính xác số lượng nhập khẩu hàng của Trung Quốc cho người sản xuất và doanh nghiệp nắm để từ đó biết đường mà cân đối sản xuất.

ông Diệu nhận định: Nếu không có con số thống kê chính xác số lượng hàng nông sản xuất sang Trung Quốc, thị trường sẽ xáo trộn và sốt ảo. Hiện chưa có cơ quan nào cập nhật đầy đủ tình hình xuất khẩu sang thị trường này một cách chính xác.

Một chuyên gia nông nghiệp cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Vì đã có lúc không có doanh nghiệp Trung Quốc thu mua thì nhiều mặt hàng nông sản rớt giá thê thảm. Thậm chí có doanh nghiệp trong nước còn lợi dụng thị trường ế ẩm để ép giá nông dân.

Theo vị này, cần phải xem lại khả năng cạnh tranh hay hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp Trung Quốc từ xa đến sẽ phát sinh nhiều chi phí hơn trong thu mua mà tại sao họ vẫn có thể trả giá cao, mà doanh nghiệp trong nước có nhiều thuận lợi lại không làm được.

(Pháp luật TPHCM)

  • Hạt tiêu Việt Nam chiếm lĩnh thị trường thế giới
  • Xin đừng đánh mất thế mạnh
  • Người nuôi gà trước nguy cơ phá sản
  • Hiệu quả từ mô hình thanh long ruột đỏ
  • Chăm bò như chăm con
  • Thiếu thông tin, nông dân thiệt thòi khi bán nông sản
  • Sản phẩm nông sản Việt Nam được đánh giá cao
  • Liên kết "bốn nhà" để xây dựng và quảng bá thương hiệu nông sản
  • “Thả cửa” cho nông sản ngoại
  • Ngành điều sắp cán đích 1 tỉ USD
  • Thời tiết khiến xuất khẩu nông sản lỡ cơ hội giá tốt
  • Hệ lụy bất thường từ sốt giá hồ tiêu
  • Xuất khẩu nông sản: Lợi về giá bù giảm về lượng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container