Nuôi con gì để thủy sản Việt Nam đạt được con số xuất khẩu 8-9 tỷ USD vào năm 2020, khi xuất khẩu tôm và cá tra “sắp chạm ngưỡng giới hạn”?
Chiến lược phát triển ngành thủy sản đến năm 2020 đã được Chính phủ thông qua, đặt chỉ tiêu đến năm 2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản từ 8-10%/năm; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8-9 tỷ USD (gấp 2 lần hiện nay).
Nuôi con gì, và làm như thế nào để đạt được con số kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8-9 tỷ USD vào năm 2020 là vấn đề được đưa ra bàn luận trong hội thảo góp ý xây dựng Chương trình phát triển xuất khẩu thủy sản đến 2015 và tầm nhìn đến 2020 được Bộ NN&PTNT tổ chức tại TPHCM ngày 2/11.
2000-2010: Tăng trưởng nhờ cá tra và tôm
"Nguồn cung thủy sản tăng liên tục, mức giá giảm cộng với tầng lớp người có thu nhập trung bình tăng lên nhanh chóng cả ở nước phát triển và các thị trường mới nổi là động lực chính cho quá trình tăng trưởng liên tục hơn 15 năm của thủy sản Việt Nam kể từ khi hội nhập" - ông Trương Trí Vĩnh, một chuyên gia thủy sản trong nhóm chuyên gia xây dựng chiến lược phát triển xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2010-2020 phân tích.
Theo báo cáo của ông Vĩnh, thủy sản nuôi Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh. Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, sản lượng thuỷ sản nuôi đã vượt sản lượng khai thác. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tính đến 2008, diện tích nuôi trồng thủy sản đã mở rộng lên trên 1 triệu ha, sản lượng đạt gần 2,45 triệu tấn, tăng gấp 12 lần so với năm 1980. Hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực, chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là cá tra và tôm cũng là các sản phẩm nuôi.
Trong cơ cấu thủy sản nuôi của thế giới, nuôi biển chiếm tỉ trọng chính. Trong khi đó, Việt Nam mặc dù có đường bờ biển dài, nuôi nước ngọt và nuôi lợ vẫn chiếm tỉ trọng chính trong khi nuôi biển không đáng kể. Ngành nuôi nước lợ thế giới và Việt Nam chủ yếu tập trung vào các loại tôm nước lợ như tôm sú và tôm chân trắng, trong khi nuôi nước ngọt tăng trưởng mạnh mẽ với sự mở rộng của công nghiệp cá tra.
Tôm và cá tra là hai sản phẩm chủ lực, đóng góp vào con số 4,5 tỷ USD xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2010. Tuy nhiên, các chuyên gia của chương trình cho rằng xuất khẩu tôm và cá tra "sắp chạm ngưỡng giới hạn", đặc biệt là sản phẩm cá tra không thể tăng sản lượng một cách nhanh chóng như đã từng làm trong quá khứ vì sản lượng tăng đã tăng đến mức các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam như Mỹ, EU "buộc phải phản ứng" vì giá cá tra Việt Nam ngày càng rẻ đến mức không thể chấp nhận được.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, người phụ trách ngành thuỷ sản của Việt Nam từ năm 1994-2007, một chuyên gia của chương trình chiến lực xuất khẩu cho ngành thủy sản kể lại câu chuyện một doanh nghiệp Pháp kinh doanh thủy sản Việt Nam nói với các chuyên gia trong một cuộc họp rằng: "EU rất muốn cấm nhập cá tra Việt Nam, vì cá tra Việt Nam phá hủy ngành cá Châu Âu. Giá cá tra Việt Nam đã thấp nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cứ giảm giá liên tục".
Từng là một quan chức của nhà nước phụ trách ngành thủy sản, bà Minh đưa ra nhận xét rất thẳng thắn rằng nếu đặt chúng ta mình vào vị trí các quan chức thủy sản của châu Âu hoặc của Hoa Kỳ thì chúng ta cũng sẽ áp đặt các biện pháp kỹ thuật, kiện chống bán phá giá để bảo vệ ngành công nghiệp thủy sản trong nước.
Bà Minh dẫn lại lời doanh nghiệp người Pháp để nói với các doanh nghiệp và các nhà quản lý của thủy sản của Việt Nam: "Việt Nam phải làm thế nào để kiểm soát được cá da trơn?"
Bà Minh cũng nhắc lại một câu chuyện để cảnh báo ngành công nghiệp nuôi cá da trơn của Việt Nam: "Trước đây mã số hải quan cá tra nhập khẩu của Việt Nam được dùng chung với các sản phẩm cá đông lạnh khác nhưng bây giờ EU tách ra một số mã số hải quan riêng để theo dõi cá tra basa".
2010-2020: Nuôi con gì để tăng trưởng?
Nhóm chuyên gia xây dựng chương trình xuất khẩu cho Việt Nam cho rằng với tình hình như hiện nay, nếu chỉ dựa vào tôm và cá tra thì để đạt được mục tiêu xuất khẩu 6,5-6,7 tỷ USD vào năm 2015 và 8 tỷ USD vào năm 2020 là việc làm "bất khả thi".
Bà Minh đề xuất để đạt được những con số trên trong tình hình hiện nay, ngành thủy sản Việt Nam cần phải tìm ra những loài nuôi mới tương tự như con cá tra để phát triển nó trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Nhóm chuyên gia đề xuất 4 sản phẩm đã có thị trường nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa tận dụng để phát triển là cá chẽm, nghêu, cá bớt và ghẹ. Bà Minh cho biết với bốn đối tượng nuôi này, mỗi năm thủy sản Việt Nam có thể xuất khẩu 1-2 tỷ USD. Theo bà Minh, nhà nước cần phải quan tâm và trợ giá cho các đối tượng nuôi này trong thời gian đầu cho đến khi các sản phẩm này được nuôi với quy mô công nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng Giám đốc Công ty Cafatex cho rằng thủy sản Việt Nam có thể đạt được con số 8 tỷ USD vào năm 2020 nếu nhà nước khuyến khích nhập khẩu các loại thủy sản mà Việt Nam chưa nuôi trồng được để các doanh nghiệp chế biến và tái xuất khẩu. Ông Kịch cho rằng năng lực chế biến của ngành thủy sản Việt Nam hiện nay rất lớn nhưng lại đang lãng phí vì hoạt động không hết công suất.
Chương trình phát triển xuất khẩu thủy sản đến 2015, tầm nhìn 2020 sẽ được Bộ NN&PTNT tiếp tục xây dựng hoàn thiện để trình Chính phủ trong thời gian tới. Từ đây đến khi trình chính phủ, để chương trình đi vào đời sống thực tế của ngành thủy sản, các chuyên gia xây dựng chương trình còn nhiều việc phải làm.
(Báo điện tử Doanh Nhân Việt Nam toàn cầu)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com