Những năm gần đây, nguồn tôm, cá tra nguyên liệu cung cấp cho các công ty thủy sản ở ĐBSCL luôn trong tình trạng thiếu hụt, nhưng chưa năm nào thiếu hụt nghiêm trọng như năm nay.
Tại Cà Mau hiện có 264.500 ha nuôi tôm. Trong đó, tôm công nghiệp 1.300 ha, tôm quảng canh cải tiến năng suất cao 2.200 ha, phần lớn còn lại là diện tích nuôi theo phương thức quảng canh truyền thống năng suất thấp. Các nhà máy chế biến thủy sản của Cà Mau hiện chỉ hoạt động 48% công suất vì thiếu tôm nguyên liệu. Theo đánh giá, những tháng tới, nhất là đầu năm 2010, tình trạng thiếu hụt tôm nguyên liệu sẽ trở nên gay gắt hơn.
Tình trạng khan hiếm tuy đẩy giá tôm nguyên liệu tăng chút, lợi cho người nuôi nhưng gây nhiều khó khăn cho DN. Nhiều DN dù được các đối tác đặt hàng nhưng chưa dám nhận do không tự chủ được nguyên liệu. Hiện nay, nhiều công ty ở ĐBSCL phải ra các tỉnh và sang Indonesia, Ấn Độ... tìm mua tôm nguyên liệu trữ lạnh để sản xuất.
Trong khi đó, do bị thua lỗ thường xuyên nên tình trạng người dân “treo” hầm cá tra trong thời gian gần đây càng diễn ra với chiều hướng tăng dần. Theo Hiệp hội Thủy sản tỉnh Đồng Tháp, cả năm 2009, tỉnh có 1.600 ha nuôi cá tra (hiện nay còn khoảng 800 ha chưa thu hoạch), giảm hơn 200 ha so với năm trước, với diện tích này từ nay đến cuối năm, Đồng Tháp chỉ còn khoảng 40.000 tấn cá tra nguyên liệu.
Theo phân tích của các chuyên gia, chỉ có đa dạng hóa trong lĩnh vực chế biến, phá vỡ thế độc canh con tôm và quy hoạch lại vùng nuôi cá tra phù hợp thì ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung mới có thể chấm dứt được tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu cá - tôm luôn kéo dài.
(Vinanet)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com