Trong nông nghiệp, có lẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nhất bởi lạm phát là ngành đánh bắt thuỷ sản và chăn nuôi. Với thuỷ sản, hơn cả ngàn tàu đánh bắt cá xa bờ, đã phải nằm bờ la liệt. Còn ngành chăn nuôi, dẫu vượt được “bão” dịch bệnh, nhưng đang gặp khó vì lạm phát.
Việc tiêu thụ sản phẩm đình trệ khiến người chăn nuôi bỏ chuồng...
Chăn nuôi: Giá thành gần bằng giá bán
Ông Dương Anh Tuấn - Giám đốc Cty TNHH một thành viên Bình Minh ở Đồng Nai, doanh nghiệp (DN) cung cấp gà giống thả vườn lớn ở Đông Nam Bộ với năng lực xuất chuồng mỗi ngày khoảng 300 nghìn con gà giống và 10 nghìn gà thịt - cho hay: Giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) tính từ đầu năm đến thời điểm này trung bình tăng tới 6 lần. Tại Đồng Nai, đã có một số Cty tăng lên lần thứ 7, mỗi lần tăng lên khoảng 200 đồng/kg. Giá thức ăn cùng hàng loạt chi phí khác tăng vọt (điện, nước, xăng, công lao động, vận chuyển...) đã khiến giá thành nuôi 1kg xấp xỉ bằng với giá thành bán 1kg nên lời lãi chả bao nhiêu.
Cũng theo ông Tuấn, DN Bình Minh quyết định tham gia vào việc bình ổn giá, kiếm lời ít theo lời kêu gọi của chính quyền nhằm đổi được sự ưu đãi về lãi suất ngân hàng và đơn hàng ổn định. Tương tự, ông Cao Quang Khải - chủ trại 600 heo nái và 3.000 heo thịt (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) cho biết, giá heo hơi hiện dù được tăng cao nhưng giá thành cũng leo thang kèm theo muôn vàn dịch bệnh đã khiến lợi nhuận người chăn nuôi tụt so với mức giá heo thấp của năm 2010.
Ngay cả DN nước ngoài, dù được lợi thế hưởng lãi suất rất thấp (nhờ nguồn vay từ các ngân hàng ở nước ngoài - PV), cũng liêu xiêu bởi giá đầu vào tăng cao. Theo ông Trương Cảnh Giai - Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH dinh dưỡng Á Châu Việt Nam – DN này phải tăng giá TĂCN đến lần thứ 6 và khả năng chưa dừng lại bởi do giá nguyên liệu thức ăn nhập khẩu và trong nước đều tăng mạnh, nhiều nhất là bắp nguyên liệu (tăng 150%). Nhưng giá TĂCN tăng quá cao đã khiến người chăn nuôi nuôi giữ đàn cầm chừng và sản lượng TĂCN của Cty bán ra sụt giảm trên 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thuỷ sản: La liệt tàu cá nằm bờ
Giá vốn, giá đầu vào tăng cao cũng khiến ngành đánh bắt thủy sản khốn đốn. Tại BRVT - nơi có đội thuyền đánh bắt cá xa bờ lớn nhất, phát triển nhất, cảnh tàu cá nằm bờ đã không còn hiếm thấy. Sở NNPTNT tỉnh BRVT mới đây đã phải làm văn bản khẩn báo cáo về tình trạng 1.260 tàu trong tổng số hơn 2.500 tàu cá đang nằm bờ (chiếm khoảng 50%). Những tàu này không ra khơi bởi thiếu vốn đầu tư cho chuyến biển và sợ thua lỗ vì giá dầu tăng cao.
Cứ đến những cảng cá lớn ở BRVT như Phước Tỉnh (huyện Long Điền); Bến Đình (TP.Vũng Tàu); Bình Châu (huyện Xuyên Mộc); Lộc An (huyện Đất Đỏ)... sẽ thấy, tàu cá nằm bờ la liệt, có chiếc nằm 3 tháng trời chưa nhổ neo. Theo chủ tàu cá Nguyễn Luân, vì giá dầu tăng cao, dẫn tới chi phí mỗi chuyến biển đội thêm từ 30-40%. Trong khi đó, giá hải sản chỉ lên khoảng 15-20%. Chuyến mới đây anh Luân cho tàu liều ra khơi, lênh đênh gần 1 tháng trên biển nhưng khi về bến chỉ bán được 100 triệu đồng tiền cá, trong khi chi phí tới 160 triệu.
Tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, dù giữa mùa khai thác cá nổi, nhưng có đến hơn 50% số tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân đang nằm bờ hoặc chuyển nghề bởi lẽ cứ sau mỗi chuyến ra khơi, lỗ lại chồng lên lỗ. Nhiều ngư dân phát hoảng, tìm cách bán tàu, nhưng giữa mùa “bão” giá, chẳng ai dám đầu tư.
Ngoài nguyên nhân do lãi suất, giá đầu vào tăng cao khiến chi phí cho mỗi chuyến ra khơi đội lên, một nguyên nhân khách quan khác nữa là những tháng gần đây nhiệt độ nước biển nóng lên, đàn cá ngừ di chuyển nhanh đến các ngư trường khác hoặc lặn xuống tầng nước sâu hơn. Trong khi đó, đa số các chủ tàu không có máy dò cá, không dự báo chính xác được hướng đàn cá di chuyển, nên nghề câu khơi ngày càng không hiệu quả. Trước đây, mỗi chuyến đi câu chỉ khoảng 20 ngày, nay phải kéo thêm 5-15 ngày nữa, nhưng sản lượng đánh bắt không tăng.
Ông Phan Thuẫn - chủ tàu PY92179 ở phường 6, TP.Tuy Hòa (Phú Yên) - cho biết: “Ngư dân câu được cả tấn cá trên tàu rồi nhưng vẫn lo lỗ vốn, bởi giá cá liên tục “rớt” từ 165.000 đồng/kg xuống thấp còn 130.000 đồng/kg. Trong khi, vốn đầu tư xăng dầu, vật tư cho mỗi chuyến biển lên đến 120-140 triệu đồng/chiếc (tùy công suất tàu lớn hay nhỏ), tăng gấp đôi so với 2 năm trước. Hiện tàu nào càng bám biển, càng phí tổn nhiều, càng lỗ vốn nặng”.
Trưởng ban Quản lý cảng cá Hòn Rớ (Phú Yên) và chợ thủy sản Nam Trung Bộ - ông Đỗ Trung Hiệp - cho biết: “Từ đầu mùa đến nay, chỉ có 30% tàu câu cá ngừ có lãi, 70% số tàu còn lại huề hoặc lỗ vốn. Ngay cả các tập đoàn khai thác cá ngừ hùng mạnh ở Hòn Rớ như Tập đoàn Công ty hải sản Biển Đông Sài Gòn, đoàn tàu Biển Đông 45, Mạnh Hà... cũng khai thác không hiệu quả, thua lỗ và neo tàu trong bờ suốt nhiều tháng qua”.
(Báo Lao Động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com