Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chung quanh việc cá tra rớt giá

Phân loại cá tra phi-lê tại Công ty cổ phần thủy sản Bình An (Cần Thơ).Ảnh : Duy Khương (TTXVN)  
Ngày 27-5, giá thu mua cá tra tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ở mức 26 nghìn đồng/kg, giảm hai nghìn đồng đến 2.500 đồng/kg so tuần trước, tốc độ tiêu thụ rất chậm khiến người nuôi cá tra lo lắng...

Tiêu thụ ổn định nhờ ký hợp đồng bao tiêu

Ông Lâm Văn Dũng ở xã Ðại Thành, thị xã Ngã Bảy, thả nuôi ba hầm. Cách nay gần tháng, ông thu hoạch một hầm được 90 tấn cá thương phẩm, bán với giá 26 nghìn đồng/kg, lời tám nghìn đồng/kg. Ông Dũng ký hợp đồng bao tiêu với Công ty chế biến thức ăn Việt Long, theo phương thức công ty cung cấp thức ăn giá cố định, dao động từ 9.000 - 9.200 đồng/kg (không tăng theo giá thị trường), nên giá thành thấp. Còn đối với những hộ nuôi không theo hợp đồng, giá thức ăn ngoài thị trường bình quân khoảng 11 nghìn đồng/kg, khi đó vừa phải chịu lãi suất vay ngân hàng, cá giống, tiền thuốc... nên đội giá thành lên từ 21 nghìn đồng đến 22 nghìn đồng/kg cá thương phẩm. Ông Dũng so sánh: 'Nuôi cá không theo hợp đồng bao tiêu, sẽ có lợi khi giá cá tra tăng cao, nhưng nuôi theo hợp đồng thì tiêu thụ ổn định hơn'.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang Ðặng Ngọc Giao, từ đầu năm đến nay, giá cá tra liên tục tăng, người nuôi rất phấn khởi. Thời điểm giá cá tra tăng kỷ lục lên mức 29 nghìn đồng/kg. Nhưng đối với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thì bị áp lực bởi giá thị trường xuất khẩu chỉ đứng ở mức 3,4 USD/kg, do đó giá cá tra có giảm so lúc đỉnh điểm, nhưng phản ánh đúng giá thị trường, bảo đảm lợi ích cho các bên tham gia.

Thực tế cho thấy, những thông tin về giá cá tra thời gian qua chủ yếu được cung cấp từ phía các doanh nghiệp, riêng người nuôi lại đưa ra những thông tin hoàn toàn trái chiều. Chị Nguyễn Thị Tiếu, ngụ ấp Vĩnh Quý, xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú (An Giang) đang nuôi 10 ha cá tra xuất khẩu nói: 'Chúng tôi có nghe thông tin về giá cao nhưng thực tế giá cá tra tại đây và tình hình thu mua lại khác. Giá cá tra thịt trắng cũng chỉ dao động ở mức 26 nghìn đồng đến gần 27 nghìn đồng/kg. Các công ty thu mua cũng nhỏ giọt, công ty lớn đã ngưng, công ty nhỏ thì mua nhỏ chỉ mua khoảng 20 tấn đến 30 tấn/ngày'. Hiện gia đình chị Tiếu còn một hầm cá tra quá lứa (hơn 1,2kg/con) và  hai hầm đã rao bán hơn tuần qua nhưng chưa có công ty đến mua. Một chủ ao cá khác tại huyện cù lao Phú Tân cho biết, sở dĩ giá mà các công ty đưa ra cao là họ lấy giá của những hợp đồng tiêu thụ thuộc vùng nguyên liệu của riêng họ, còn cá tra nuôi trong dân chưa bao giờ bán được giá cao hơn 28 nghìn đồng/kg.

Thực tế, thị trường cá tra nguyên liệu hiện nay trên địa bàn An Giang cũng đang có chiều hướng đi xuống.  Tổng thư ký Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang (AFA) Lê Trung Dũng cho biết: 'Giá cá tra khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5 có cao do các doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu từ cuối năm 2010 đến hạn phải thanh toán xong. Trong khi đó, do sản lượng nuôi cá tra ao hầm từ giữa năm 2010 đã giảm nghiêm trọng nên đến thời điểm vừa qua cầu vượt cung, nên giá cao. Nhưng đó chỉ là tăng đột biến, không thể hiện theo đúng quy luật thị trường'. Tuy nhiên, mức giá hơn 28 nghìn đồng/kg thịt trắng cũng chỉ dừng ở vài tuần rồi tiếp tục đi xuống và hiện mức giá mà phần lớn người nuôi thực bán cũng chỉ 25 nghìn đồng đến trên 26 nghìn đồng/kg. Bên cạnh đó, những người nuôi cá tra riêng lẻ cũng khó bán do các doanh nghiệp chủ yếu tiêu thụ nguồn cá thuộc vùng nguyên liệu, cá ao hầm trong dân đang bị ép giá chỉ từ 25 nghìn đồng/kg.

Khó tiếp cận nguồn vốn vay

Một vấn đề liên quan đến con cá tra xuất khẩu trên địa bàn tỉnh An Giang là việc tiếp cận vốn vay quá khó. Chính việc giới hạn mức tăng trưởng tín dụng cùng với rủi ro nhiều năm qua của nghề nuôi và chế biến thủy sản đã khiến các ngân hàng không còn mặn mà và mạnh tay phát vay. Giám đốc một công ty chế biến và xuất khẩu cá tra tại An Giang chia sẻ: Ngân hàng không nói cắt cho vay đối với con cá tra, nhưng thực tế các ngân hàng không mặn mà lắm. Họ phát vay thấp hoặc viện cớ hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp, ngân hàng thiếu vốn... để hạn chế cho vay. Các công ty lớn tiếp cận vốn vay chủ yếu từ các ngân hàng 'mối ruột', còn các công ty nhỏ gần như không thể vay.

Từ nhiều năm qua, nhất là giai đoạn năm 2007 đến nay, đỉnh điểm giữa năm 2010, hầu hết các cuộc họp giữa Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang (AFA) với người nuôi, doanh nghiệp đều đưa ra vấn đề vốn. Thế nhưng, cái khó là chỗ, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cần kinh doanh có lãi, trong khi nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu tiềm ẩn rủi ro cao. Minh chứng là giá trồi sụt liên tục trong năm năm gần đây. Thứ hai là hiện tượng nợ quá hạn của cả doanh nghiệp lẫn người nuôi cá tra khiến hầu hết ngân hàng đều ngán ngại. Không ít hộ nuôi cá tra cho biết: 'Ngân hàng bây giờ sợ cho vay nuôi cá tra lắm. Nếu ai nuôi cá mà bị nợ quá hạn thì kể như trả rồi sẽ không bao giờ vay lại được ở ngân hàng đó nữa. Còn khách cũ thì cho vay nhưng hạn chế. Người nuôi cá giờ khó trăm bề'.

Hướng đi cần thiết

Phân tích hiện tượng giá cá tra như hiện nay, đồng chí Lê Trung Dũng cho rằng: 'Giá cá tra cao do cung thiếu, nhưng đây chỉ là hiện tượng tức thời. Trong vòng bốn đến sáu tháng nữa, khi lứa cá được thả đầu năm 2011 xuất bán sẽ tạo mặt bằng giá mới ổn định hơn và có thể chấp nhận được cho cả người nuôi lẫn nhà chế biến. Ðể giải quyết tốt vấn đề giá cá tra, không thể nào khác ngoài việc đi theo con đường chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi. Chuỗi liên kết thực sự sẽ giải quyết tốt vấn đề ép giá hay tạo giá ảo và kể cả tạo sự an tâm cho ngân hàng hỗ trợ vốn vay đối với cả doanh nghiệp lẫn người nuôi. 

Vấn đề quy định chất lượng cá tra nguyên liệu đang bỏ ngỏ. Cá tra được mua theo nhiều tỷ lệ, kích cỡ, mầu sắc thịt cá nhưng hiện chưa có quy định chung về vấn đề này. 'Bảng so mầu thịt cá chuẩn rất cần trong thời điểm hiện nay để xác định giá cá tra. Chúng tôi cần bảng so mầu để có cơ sở thương lượng quyết định giá cá khi mức chênh lệch giá giữa mầu thịt là rất lớn' - một chủ hầm tại xã Mỹ Hòa Hưng (TP Long Xuyên) cho biết. Bên cạnh đó, hiện nay việc cấp mã vạch cho cá tra được tỉnh An Giang đang tiến hành như một hình thức cấp chứng minh thư cho con cá tra xuất khẩu.

Vấn đề mấu chốt để giải quyết bài toán cá tra hiện nay là nhanh chóng quy hoạch, chuẩn quy hoạch nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu cho cả vùng về diện tích nuôi và nhà máy chế biến.

(Theo Bảo Quốc và Phùng Dũng/nhandan online)

  • Cá tầm Trung Quốc được “độc quyền” tại Việt Nam?
  • Thành tỷ phú nhờ nuôi cá lăng đuôi đỏ
  • Cá tra 'chiến lược' của Việt Nam trong cơn bĩ cực
  • Quảng Ngãi: Tôm chết trắng đồng
  • Nghề nuôi cá tầm: Chưa kịp lớn đã đối diện với cái chết?
  • Xây dựng thương hiệu cho loài cá rô đồng Việt Nam
  • Chăn nuôi, thuỷ sản: Nhọc nhằn chống chọi với lạm phát
  • Nuôi tôm công nghiệp ở Cà Mau
  • Doanh nghiệp thủy sản tiếp tục gặp khó
  • Bí quyết của "Vua tôm" Sáu Ngoãn
  • Xây dựng thương hiệu cho loài cá rô đồng Việt Nam
  • Giá cá tra giảm, người nuôi nhỏ lẻ bất lợi
  • Thủy sản Việt Nam sẽ tăng giá cá tra xuất khẩu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container