Dưới đây là tóm tắt một số qui định của Luật FDCA, và một số qui định dưới luật của FDA liên quan đến nhập khẩu thực phẩm vào Hoa Kỳ. Ngoài các qui định chung đối với nhập khẩu thực phẩm được nêu trong mục này, các nhà xuất khẩu cần phải tìm hiểu thêm những qui định riêng có thể có đối với từng mặt hàng cụ thể. Các nhà xuất khẩu cũng có thể và nên liên hệ với các cơ quan quản lý Hoa Kỳ liên quan đến sản phẩm của mình để biết thêm các chi tiết cụ thể.
Luật về Thực phẩm, Dược phẩm, và Mỹ phẩm
FDCA là luật bao quát nhất về thực phẩm tại Hoa Kỳ. Nếu muốn nhập khẩu thực phẩm vào Hoa Kỳ, cần phải làm quen với các điều khoản của luật này. Dưới đây là những mục đích và yêu cầu cơ bản của Luật FDCA áp dụng cho cả thực phẩm sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu từ nước ngoài.
Bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng
Thực phẩm làm giả, kém phẩm chất được coi là bất hợp pháp, và không được phép tiêu thụ và nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Thực phẩm bị coi là hàng giả, kém phẩm chất thuộc các trường hợp sau:
Có tạp chất độc hoặc có khả năng gây hại lẫn vào trong quá trình sản xuất, chế biến hoặc tự nhiên phát sinh;
Có chất chứa phụ gia mà FDA đã xác định không an toàn;
Có dư lượng thuốc trừ sâu không được phép sử dụng, hoặc vượt quá mức cho phép của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA);
Dùng các chất phẩm mầu không được FDA cho phép;
Có thành phần bị coi là bẩn, ôi thiu, bị phân huỷ;
Sản phẩm từ động vật có bệnh hay chết không phải do giết mổ;
Sản phẩm được chế biến, đóng gói, hoặc lưu giữ trong điều kiện không vệ sinh mà có thể bị ô nhiễm do bẩn hoặc gây hại cho sức khoẻ;
Hàng đựng trong vật liệu bao bì có chứa chất độc hoặc chất có hại. Một số vật liệu bao bì được coi là chất phụ gia và phải tuân thủ các quy định về chất phụ gia
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Không được che dấu dưới bất kỳ hình thức nào về những hư hỏng hay kém chất lượng có trong thực phẩm.
Nhãn hàng thực phẩm không được có các nội dung giả mạo hoặc gây hiểu lầm; hoặc không ghi đầy đủ các thành phần theo quy định của pháp luật.
Mỗi một loại thực phẩm không được bán dưới tên một loại thực phẩm khác, không được loại hoặc tách bỏ một phần hoặc toàn bộ chất được coi là thành phần có giá trị của một loại thực phẩm, và không được dùng bất kỳ chất nào khác để thay thế.
Các hộp đựng thực phẩm không được làm, tạo hình hoặc bao gói để có thể gây hiểu sai lệch. Trong trường hợp nhập khẩu một loại thực phẩm đã hình thành tiêu chuẩn đóng hộp, mặt hàng đó phải phù hợp với tiêu chuẩn của nó hoặc trên nhãn hàng phải ghi rõ. Tất cả những qui định nói trên của luật là nhằm đảm bảo cho người mua và người tiêu dùng biết được giá trị đích thực của hàng hoá.
Thông tin trên nhãn hàng
Luật quy định rằng các thông tin trên nhãn hàng phải được ghi rõ ràng để người tiêu thụ bình thường có thể đọc và hiểu được trong điều kiện mua và sử dụng thông thường.
Nếu nhãn hàng có ghi bằng tiếng nước ngoài, thì trên nhãn đó vẫn phải ghi cả bằng tiếng Anh tất cả các
thông tin theo qui định. Tất cả thực phẩm nhập khẩu đều phải ghi bằng tiếng Anh tên nước xuất xứ. Điều luật 21 CFR101 qui định chi tiết về kích cỡ và thể loại, vị trí v.v... của các thông tin ghi trên nhãn hàng. Dưới đây là tóm tắt các thông tin cần thiết ghi trên nhãn hàng dán/gắn trên bao bì hàng hoá:
Tên và địa chỉ đầy đủ của người sản xuất, người đóng gói, hoặc người phân phối.
Ghi chính xác số lượng thực phẩm bên trong.
Tên thông thường của thực phẩm phải được ghi trên mặt chính, cùng với hình dạng của sản phẩm (ví dụ: "thái miếng", "nguyên con", "cắt lát", v.v...).
Trừ khi thực phẩm đã được tiêu chuẩn hoá, các chất thành phần phải được ghi bằng tên thông thường theo thứ tự trọng lượng từ cao đến thấp. Nhãn của các thực phẩm đã được tiêu chuẩn hoá chỉ cần ghi các thành phần mà trong tiêu chuẩn ghi là tuỳ ý (optional).
Thông tin về dinh dưỡng
Nhãn hàng thực phẩm phải có thông tin về dinh dưỡng nhằm giúp cho người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm phù hợp và tốt cho sức khoẻ của mình. Điều luật 21CFR phần 101 quy định rất cụ thể và đầy đủ các thông tin cần có trên nhãn hàng.
Đối với một số sản phẩm hay nhóm sản phẩm đặc biệt còn có thêm các quy định riêng. Các quy định về ghi thành phần dinh dưỡng đã được sửa đổi bổ sung đầy đủ hơn năm 1993. Những điều khoản và yêu cầu mới có hiệu lực từ 8/5/1994. Yêu cầu tối thiểu, được quy định trong điều luật 21CFR101.9, bao gồm các nội dung như sau:
- Liều lượng dùng và số lần dùng của mỗi hộp.
- Tổng lượng calo và lượng calo từ chất béo mỗi lần dùng;
- Tổng lượng chất béo và lượng chất béo no (saturated) tính theo gram;
- Phần trăm của tất cả các thành phần liệt kê tính theo tỷ lệ cần cho cơ thể trong một ngày trên cơ sở lượng calo cần thiết hàng ngày là 2.000 calo;
- Tỷ lệ % trong mức khuyến cáo tiêu thụ hàng ngày RDA của Mỹ của một số loại vitamin và chất khoáng của một lần dùng;
- Ghi các giá trị cần hàng ngày, các giá trị kiến nghị tính bằng gram hoặc miligram - tuỳ theo từng thành phần đối với chất béo, chất béo no, cholesterol, sodium, carbohydrate, dietary fiberm, cùng với lượng calo trên gram đối với chất béo, carbohydrate, và protein.
- Các chất dinh dưỡng khác được coi là thành phần cơ bản trong thức ăn của người có thể được liệt kê nếu những chất này chiếm ít nhất 2% RDA của Mỹ.
Bắt đầu từ ngày 01/1/2006, trên nhãn cung cấp thông tin về dinh dưỡng thực phẩm phải ghi thêm hàm lượng chất béo chuyển hoá (Trans Fat) ngay sau dòng về hàm lượng chất béo no (Saturated Fat). Yêu cầu này trên nhãn đối với rau quả và cá tươi là tự nguyện.
Kể từ ngày 1/1/06, các sản phẩm trên nhãn không ghi hàm lượng axít béo chuyển hoá sẽ không được phép lưu thông trên hoặc nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.
Căn cứ theo luật Bảo vệ người tiêu dùng và dán nhãn chất dị ứng thực phẩm ban hành năm 2004, kể từ ngày 01/1/2006, các nhà sản xuất phải ghi rõ (bằng tiếng Anh, đơn giản, dễ hiểu) trên nhãn các loại thực phẩm chứa protein có nguồn gốc từ 8 loại thực phẩm gây dị ứng như: Sữa, trứng, cá, thuỷ sản giáp xác cua, tôm, tôm hùm), các hạt cây (almon, pecan, walnut), lạc, lúa mì, và đỗ tương. Trên trang web tại địa chỉ http://www.cfsan.fda.gov/~dms/whalrgy.html có thông tin và hướng dẫn cụ thể cách ghi nhãn.
Các quy định về nhãn hàng thực phẩm còn hướng dẫn cụ thể cho từng loại nhãn hàng, và cho phép thể hiện nhãn hàng theo nhiều kích thước và dạng khác nhau tuỳ theo hình dạng và kích thước của bao bì. Nếu cần thêm thông tin về nhãn hàng, có thể tham khảo điều luật 21CFR phần 1, hoặc liên hệ trực tiếp với FDA,hoặc vào trang web: http://www.cfsan.fda.gov/~dms/foodlad.html
Đối với những nhà xuất khẩu chưa có kinh nghiệm xuất khẩu thực phẩm sang Hoa Kỳ và chưa nắm chắc các yêu cầu về thông tin trên nhãn hàng, cách tốt nhất để thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu này và tránh những tranh chấp có thể xảy ra sau này giữa hai bên là yêu cầu người mua hướng dẫn và thống nhất bằng văn bản với họ về nội dung nhãn hàng.
Trong trường hợp người xuất khẩu đã thực hiện đúng như thống nhất giữa hai bên mà nhãn hàng vẫn không được FDA chấp nhận thì trách nhiệm thuộc về người nhập khẩu chứ không phải người xuất khẩu. Hãy xem chi tiết và bạn có thể rút ra các yêu cầu lập pháp. Ví dụ các sản phẩm chỉ có thể được phép nhập khẩu vào Mỹ nếu chúng có nguồn gốc chính thức được chấp thuận từ quốc gia thứ ba bao gồm cả một danh sách xác thực của các quốc gia có đủ tư cách để lựa chọn cho sản phẩm có liên quan, được đính kèm theo các chứng nhận sức khỏe phù hợp, và tiếp theo là bắt buộc kiểm tra tại trạm kiểm soát biên giới của quốc gia.
Để biết thêm chi tiết, có thể truy cập website dưới đây:
Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ - FDA: http://www.fda.gov/
(Vietrade)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com