Ông Trần Văn Dũng - Giám đốc Cty CP chế biến thủy sản xuất nhập khẩu tỉnh (Baseafood) tính toán, với quyết định điều chỉnh nâng tỉ giá liên ngân hàng từ mức 18.932 đồng/USD lên 20.693 đồng kể từ ngày 11/2/2011, đơn vị ông sẽ có thêm một khoản lợi khoảng 2%. Tuy nhiên, chưa được 20 ngày “tận hưởng” lợi thế này và cũng chưa kịp bù lại những thiệt hại trước đó DN phải chịu trong một thời gian dài do quy định khống chế tỉ giá, thì việc tăng giá xăng dầu kể từ ngày 23/2, và tăng giá điện kể từ 1/3/2011 làm giảm lợi nhuận của đơn vị.
Lợi nhuận chỉ còn là “giấc mơ”
Ông Dũng cho biết, trong chế biến thủy sản, 70% chi phí cho nguyên liệu, 30% là các hoạt động khác và chính 30% này đang chịu tác động tăng giá. Với mức tăng giá xăng dầu và giá điện đã được công bố, đầu vào của 30% chi phí của đơn vị sẽ trực tiếp gánh thêm 24% giá xăng dầu, 15,3% giá điện, và chắc chắn cũng sẽ gánh thêm phí vận tải với mức tăng cũng khoảng 15%. Chưa hết, lãi suất ngân hàng cũng đã tăng 25%; Lương tối thiểu cũng tăng 15% kéo theo tăng khoản đóng bảo hiểm cho người lao động. Tựu trung mức tăng chi phí của doanh nghiệp khoảng 5%. Thường thì lợi nhuận của ngành chế biến thủy sản chỉ đạt 3%/doanh số. Cụ thể năm 2010, Cty Baseafood đạt 13 tỉ đồng lợi nhuận/450 tỉ doanh số. Năm nay, với 2% lợi nhuận có thêm được từ việc điều chỉnh nâng tỉ giá, đơn vị dự kiến tổng cộng lợi nhuận sẽ đạt 5%. Thế nhưng, với tình hình tăng chi phí đầu vào như thế này, nếu giữ được sản xuất ổn định như năm 2010 thì đơn vị cầm chắc “huề”.
Ông Lê Văn Kháng - Tổng giám đốc Cty CP thủy sản xuất nhập khẩu thủy sản Côn Đảo (Coimex) cũng đưa ra một loạt con số, trong đó, chỉ riêng chi phí vận tải tăng bình quân từ 15 cent/kg thành phẩm lên trên 20 cent. Các khoản tăng khác cũng giống như Baseafood. Chưa hết, hiện nay, tình hình khan hiếm nguyên liệu đã đẩy giá tăng thêm 15% so với giá cũ. Cụ thể, giá cá mối từ 13.000 đồng/kg trước Tết nay lên tới 15.000 đồng; Giá cá chỉ vàng tăng từ 16.000 đ/kg - 17.000 đ/kg lên 20.000 đồng. Năm 2010, Coimex xuất 20.000 tấn thành phẩm, đạt tổng doanh số 8.000 tỷ đồng, lợi nhuận 20 tỉ, tương đương 4%. Năm nay, với mức tăng các chi phí đầu vào như đã nêu, khoản lợi nhuận gộp 4% như năm 2010 chắc chắn chỉ còn là “giấc mơ”.
Đây cũng là tình trạng của Cty TNHH Thương mại dịch vụ và SX Tứ Hải và các doanh nghiệp cùng lĩnh vực khác đóng trên địa bàn. Không chỉ thế, hơn 2 năm nay hầu hết các doanh nghiệp chế biến thủy sản phải cạnh tranh khốc liệt để thu hút lao động. Để giữ chân lao động, họ đã phải tăng lương công nhân đến 40% so với hồi cuối năm 2010, nhiều hơn mức quy định tăng lương tối thiểu của Nhà nước tới 25%. Với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như Baseafood thì đây cũng là một bài toán hết sức nan giải. Các doanh nghiệp chỉ ra: họ lợi chỉ được 1 nhưng thiệt ít nhất 3.
Khó xoay xở
Ông Trần Văn Dũng - Giám đốc Cty Baseafood cho biết, không thể để cho hơn 1.200 lao động rơi vào tình cảnh bất ổn. Đối phó với tình hình tăng chi phí chóng mặt hiện nay, Cty đang chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, tăng sản lượng các mặt hàng khô, ít sử dụng năng lượng điện. Hiện Cty đã ký được hợp đồng chế biến hàng khô khoảng 3.000 tấn, gấp 2 lần sản lượng hàng khô của cả năm 2010. Thông thường, năng lượng dành cho SX hàng khô chiếm 20% so với các sản phẩm đông lạnh. Trước tình hình tăng giá đầu vào, Cty sẽ cắt giảm luôn 20% năng lượng điện để sấy khô hàng, chuyển sang phơi nắng hoặc dùng hơi nước từ các khâu khác để làm khô, hạn chế tối đa chi phí điện. Tuy nhiên theo ông Dũng, giải pháp này cũng chỉ bù đắp được phần nào chi phí điện, còn các chi phí khác thì không thể tránh. Doanh nghiệp cũng đang rất lúng túng không biết phải ứng phó thế nào khi tình trạng thiếu điện trong mùa khô bắt đầu tái diễn, phải chạy máy nổ thay thế, mà chi phí chạy máy nổ thường gây thiệt hại về tiền cho doanh nghiệp khoảng 6 tỉ mỗi năm, chưa kể những thiệt hại vô hình khác.
Với công ty Coimex, chuyên SX surimi, một sản phẩm đòi hỏi cấp đông từ khâu nguyên liệu đầu vào đến khâu thành phẩm thì mọi tính toán lúc này xem như đều không hiệu quả. Đơn vị thực sự rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn trước áp lực tăng giá hiện nay. Cái khó hơn là đơn vị đã nhận được rất nhiều hợp đồng của khách hàng từ cuối năm 2010. Mặc dù tiên lượng tình hình, Cty chỉ ký chốt giá bán theo từng tháng, nhưng với mức tăng mạnh các chi phí hiện nay khiến giá thành đội lên quá cao, khách hàng khó có thể chấp nhận. Trong bối cảnh này, càng SX nhiều thì thua lỗ càng lớn. Thế nhưng Cty cũng không thể để cho gần 400 lao động mất việc làm. Đơn vị đang tìm cách thuyết phục khách hàng để nâng phần nào giá bán, đồng thời tiếp tục tìm và áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Kháng, tìm ra được các giải pháp tiết kiệm điện lúc này là không dễ bởi từ hơn 3 năm qua đơn vị đã nhiều bước triển khai thực hiện nhiệm vụ này.
Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 150 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu. Trong đó khoảng 130 doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn. Các doanh nghiệp này đang giải quyết việc làm cho hơn 25.000 lao động. Sản lượng hàng xuất hàng năm bình quân hiện đạt khoảng 100.000 tấn, kim ngạch đạt trên 200 triệu USD. Riêng năm 2010 đạt 233,18 triệu USD, tăng 5,74% so năm 2009, chiếm 21,38%/tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. |
(Theo Hà My // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com