Việc điều chỉnh biên độ tỷ giá đang đưa đến nhiều cách tính toán hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy, hải sản trước khó khăn về thị trường, nguyên liệu, chi phí đầu vào.
Ngay trong ngày đầu năm Canh Dần, công ty cổ phần xuất khẩu thủy sản Bạc Liêu đã ký hợp đồng trị giá 1,5 triệu USD xuất khẩu tôm sú bỏ đầu sang thị trường Nhật Bản với giá tăng 1-1,5 USD/kg so với cùng thời điểm tháng 2.2009. Ông Nguyễn Thanh Đạm, tổng giám đốc công ty cho biết, đây là hợp đồng có ý nghĩa rất lớn trong hoạt động sản xuất đầu năm nay của công ty, không những mang về lợi nhuận mà còn có việc làm, duy trì đời sống công nhân. Bởi theo ông, bước qua năm 2010, cũng như nhiều doanh nghiệp khác trong ngành, thủy sản Bạc Liêu gặp nhiều khó khăn, từ việc phải chịu mức thuê vốn vay cao hơn khi nguồn hỗ trợ lãi suất ngắn hạn 4% không còn nữa, chi phí cước vận tải biển tăng 5% cuối 2009 cho đến chi phí vận tải nội địa tăng do xăng dầu tăng giá, điện, nước, áp lực tăng lương công nhân…
Ông Đạm nói, hợp đồng vừa có giá trị lớn, cộng thêm ký được giá cao hơn mọi năm giúp chúng tôi bù đắp được vào những chi phí phát sinh. Chưa hết, tưởng chừng như áp lực tăng chi phí đầu vào sẽ kéo giảm kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận của công ty trong năm nay, thế nhưng, cùng với việc ký hợp đồng giá cao thì chính sách thay đổi tỷ giá đã mang về thêm gần 1 tỷ đồng ngay trong đơn hàng đầu năm cho công ty.
Theo ông Đạm, so với 2008, giá tôm nguyên liệu thời điểm này đã tăng khoảng 20-30%, đây là nổ lực của doanh nghiệp nhằm giúp nông dân duy trì đầu tư. Cụ thể, tôm loại 8 -12 con/kg có giá 256.000 đồng/kg, 13-15 con/kg giá 255.000 đồng/kg, 16-20 con là 210.000 đồng/kg, 21-25 con/kg 185.000 đồng/kg. Trong năm 2009, do giá tôm quá thấp, cùng với dịch bệnh phát sinh khiến tỷ lệ tôm chết tăng, người nuôi không có lời. Nhưng bước qua năm 2010, giá tôm đang đưa đến mức lợi nhuận hấp dẫn cho người nuôi, nhờ vào giá xuất khẩu và những khoản thu thêm từ quy đổi ngoại tệ của doanh nghiệp.
Từ nhiều năm nay, theo doanh nghiệp xuất khẩu tôm, nguyên liệu nhập từ Thái Lan, Ấn Độ luôn rẻ hơn khoảng 1 USD/kg so với cùng loại của Việt Nam. Ông Lê Văn Quang, tổng giám đốc công ty cổ phần thủy sản Minh Phú cho biết chi phí nuôi tôm tại Việt Nam vẫn cao hơn nhiều so với một số nước trong khu vực, nên nhiều lúc doanh nghiệp nhập khẩu về chế biến, xuất khẩu có lời hơn so với mua nguyên liệu ở trong nước. Tuy nhiên, nếu cứ thấy giá rẻ mà đi nhập khẩu về làm mà không đầu tư vào nuôi nội địa sẽ có lúc bị hụt chân hàng hoặc không chủ động được nguyên liệu. Ông Quang cho rằng, mọ̣i chi phí đầu vào như điện, nước, vận tải, xăng dầu rục rịch tăng từ 1.3; giá bao bì cũng vừa tăng thêm 10%, lúc này mà mua giá nguyên liệu trong nước chế biến sẽ không có lời nhưng công ty ông vẫn phải làm để tạo việc làm công nhân. Đồng thời, việc thu thêm 600 đồng/đô la thu về từ xuất khẩu tôm cũng đã giúp doanh nghiệp bù đắp khá nhiều khoản chi phí phát sinh, ông Quang khẳng định.
Đầu năm, mặc dù giá xuất khẩu cá tra vẫn đứng mức thấp, nhưng cùng với việc thiếu nguyên liệu, hơn nữa doanh nghiệp có thêm khoản thu từ thay đổi tỷ giá nên vẫn mạnh tay mua giá cao cho người nuôi. Tại ĐBSCL, giá cá tra nguyên liệu hiện đang hình thành ở mặt bằng khá cao, từ 16.500-16.800 đồng/kg tùy loại. Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở Đồng Tháp cho hay, tuy giá xuất khẩu không tăng, thị trường chưa hút hàng nhưng vẫn phải mua cá nguyên liệu giá cao để chế biến. Vị giám đốc trên cho rằng, trong lúc này mà bỏ người nuôi cá chịu đựng một mình thì một vài tháng tới chắc chắn cả vùng đồng bằng chỉ còn lèo tèo vài ao nuôi cá, lúc đó chính doanh nghiệp cũng khốn đốn.
Từ đầu 2008 đến nay, người nuôi cá tra mới bán được giá cá 16.500-16.800 đồng/kg, trừ lợi nhuận còn lời 1.500-2.000 đồng/kg nên việc doanh nghiệp mua giá cao sẽ kích thích người nuôi tiếp tục đầu tư, duy trì sản lượng cá.
(Theo Hoàng Bảy // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com