Giám đốc một doanh nghiệp chế biến thực phẩm cho biết, chỉ cần mỗi người dân ở đô thị lớn như TP.HCM dùng 50gr thịt heo, thịt gà hoặc cá, bò, dê, rau củ… chế biến sẵn mỗi ngày, là các công ty dù tăng năng suất gấp 3 lần hiện nay cũng không đáp ứng đủ. Thế nhưng, hạ tầng đáp ứng cho kênh phân phối thực phẩm đông lạnh, thủy sản chế biến còn khiêm tốn, chủ yếu tập trung vào kênh siêu thị ở các đô thị lớn, nên doanh nghiệp khó lòng nâng tỷ lệ doanh số nội địa.
Cậy nhờ siêu thị
Kênh phân phối chủ yếu hiện nay của mặt hàng thuỷ hải sản đông lạnh là hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện ích. Ảnh: Hồng Thái |
Bà Nguyễn Thị Hải, chủ siêu thị Hà Nội nói: "Người mua thực phẩm hiện nay sẽ chọn lựa và trả tiền cho sản phẩm nào đáp ứng sự an tâm khi sử dụng". Sự an tâm mà các nhà sản xuất nói đến ở đây, chính là yêu cầu khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm trong quy trình chế biến, cũng như điều kiện hạ tầng bảo quản tốt sản phẩm (tủ trữ lạnh, máy hút chân không, máy khử trùng, hệ thống quầy kệ...). Nhưng trong số nhà cung cấp hàng vào siêu thị hiện nay, số đơn vị có hệ thống chế biến hiện đại đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm HACCP chỉ khoảng 10%.
Chế biến thực phẩm an toàn đã khó, nhưng làm sao để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng còn gian nan hơn. Hầu hết doanh nghiệp thực phẩm có thị phần nội địa đều khẳng định, kênh phân phối duy nhất hiện nay là hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện ích. Các điểm bán hàng dạng này hiện nay chỉ tập trung ở một số thành phố, đô thị lớn; còn vùng sâu, vùng xa thì chưa có.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, phó tổng giám đốc SGFisco, một đơn vị kinh doanh hải sản đông lạnh chế biến, kể: "Trước đây đơn vị chúng tôi cũng từng thử xây dựng hệ thống cửa hàng, đầu tư tủ đông bán thủy sản đông lạnh, nhưng không hiệu quả". Theo bà, điều kiện bảo quản loại thực phẩm này khá nghiêm ngặt, như phải duy trì ở nhiệt độ -180C, chi phí bỏ ra nhiều mà doanh thu không bù đắp nổi. So với một số hàng hóa khô, tỷ lệ lợi nhuận chỉ cần mức 5% là đạt, nhưng với thủy sản đông lạnh chế biến phải là 10-15%, vì trong đó tiền chạy điện cho tủ đông đã chiếm 10%. “Lợi nhuận cao như vậy là không thể có được, vì nếu tăng giá sản phẩm thì người tiêu dùng không chấp nhận”, bà Lâm nói. Chính vì vậy, dù muốn tăng tỷ lệ nội địa, nhưng hiện nay sản phẩm thủy sản của SGFisco chỉ có mặt ở hệ thống siêu thị và một số cửa hàng ở một số đô thị lớn.
Theo tính toán, tiền mua một tủ đông cỡ nhỏ khoảng 5 - 10 triệu đồng, nhưng tiền chạy điện hàng ngày lại rất lớn, chiếm hết phần lời kinh doanh nên rất ít cửa hàng chịu mua sắm, cho dù đã được doanh nghiệp đầu tư. Ông Trần Thiện Lĩnh, giám đốc công ty thủy sản Thuận Phước - Đà Nẵng, còn chỉ ra nhược điểm của tủ đông bán lẻ thủy sản tại các cửa hàng là không đảm bảo điều kiện vệ sinh. “Khi bán lẻ thì tần suất mở ra mở vào sẽ tăng, khiến tủ đông không đủ lạnh, nên thời gian đảm bảo chất lượng sản phẩm rất ngắn, chỉ hai ba ngày là hư hỏng”, ông Lĩnh nói. Chính vì vậy, kênh phân phối duy nhất vẫn dựa hoàn toàn vào siêu thị, và chỉ có một phần nhỏ dân sống ở các đô thị mới tiếp cận được.
Trở về cửa hàng thời bao cấp
Thói quen mua sắm hiện đại là khi vào bất cứ cửa hàng nào, người tiêu dùng đều muốn mua một lần nhưng đầy đủ các loại thực phẩm cần thiết ở đó, như rau, cá, gạo, thịt, nước mắm… Chính vì vậy, khi doanh nghiệp đầu tư một tủ đông, bán chỉ một mặt hàng, sẽ khó cạnh tranh so với các điểm bán trong siêu thị.
Gần đây, tại TP.HCM đã xuất hiện mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp xây dựng chuỗ̉i cửa hàng bán lẻ. Hình thức này tương tự như quầy tạp hóa thời bao cấp. Doanh nghiệp sẽ cùng nhau đưa sản phẩm của mình vào các cửa hàng, mục đích cuối cùng là tăng doanh số thông qua sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các điểm bán lẻ và sự đa dạng hóa các mặt hàng, đáp ứng theo nhu cầu tiêu dùng của người dân. Công ty lương thực TP.HCM và Vissan là hai doanh nghiệp đầu tiên liên kết xây dựng ba cửa hàng tiện ích bán lương thực, thực phẩm. Đến nay có nhiều đơn vị như Cầu Tre, Phú An Sinh, SGFisco xin “ké” sản phẩm của mình trong hệ thống cửa hàng này.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, phó tổng giám đốc SGFisco cho biết, cuối năm 2008, SGFisco cũng dự định liên kết với một công ty sản xuất bánh kem nổi tiếng ở TP.HCM để xây dụng chuỗi cửa hàng bán lẻ. Sản phẩm thủy sản đông lạnh của công ty bán chung trong một tủ đông đựng kem. Tất nhiên khâu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và mỹ quan đã được hai đơn vị tính đến. “Một người tiêu dùng có thể vừa mua được bánh kem, vừa mua thực phẩm thủy sản trong cùng một cửa hàng”, bà Lâm nêu ý tưởng. Tuy nhiên, kế hoạch chưa thực hiện được do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, dự kiến trong năm nay hai đơn vị sẽ triển khai ý tưởng này.
Sự phát triển của ngành thực phẩm chế biến, nhất là hàng đông lạnh là xu thế tất yếu trong việc mua sắm ở đô thị, khi mà quỹ thời gian dành cho việc nấu các bữa ăn ngày một ngắn lại. Hiện đã có khá nhiều đơn vị, trước đây chỉ tập trung khai thác thị trường xuất khẩu, nay đã chú tâm đến phân khúc thị trường nội địa. Mức độ cạnh tranh về chất lượng, nhất là cách thức đưa sản phẩm đến người tiêu dùng, do đó cũng khắc nghiệt hơn. Trong lúc hạ tầng còn thiếu, thì biện pháp liên kết xây dựng cửa hàng theo mô típ như một bách hóa tổng hợp thời bao cấp xem ra lại không lạc hậu chút nào.
(Theo Đặng Hoàng - Bích Thủy // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com