Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm 2011 đạt 835 triệu USD, tăng 54,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt khoảng 270 triệu USD.
Giá xuất khẩu được cải thiện cộng thêm lợi thế từ việc điều chỉnh tỷ giá sẽ khiến các doanh nghiệp chi mạnh tay hơn trong việc thu mua nguyên liệu. Trong 2 tháng đầu năm, sản lượng khai thác từ nuôi trồng đạt 348 ngàn tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, sản lượng cá tra ước gần 112.000 tấn.
Nửa đầu tháng 3/2011, giá cá nguyên liệu tại thị trường nội địa tăng từ 46,6% - 48,8%. Theo các chuyên gia nông nghiệp, sở dĩ giá cá tăng đột biến là do diện tích nuôi cá tra giảm đáng kể, hiện tại có khoảng 40% diện tích phải “treo ao” hay chuyển sang nuôi loại khác.
Tại Tiền Giang có 133,5 ha nuôi cá tra nhưng lại có đến 48,3ha bỏ trống, chiếm 40%. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, diện tích nuôi cá tra giảm trên 136 ha so với cùng kỳ. Tình hình thiếu nguồn cá tra nguyên liệu là hậu quả từ việc giá cá dưới giá thành trong những năm trước. Nhiều nông dân và doanh nghiệp nhận định giá cá tra sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Nhiều nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu phải tạm thời ngừng hoạt động hoặc giảm công suất do không mua được nguyên liệu. Tại Cụm công nghiệp Mỹ Quý, Long Xuyên (An Giang), Tổng giám đốc Công ty Cổ phần An Xuyên cho biết: “Cá nguyên liệu khan hiếm, giá tăng quá cao lại rất khó mua, công nhân phải nghỉ liên tục”.
Ở Cụm công nghiệp Thốt Nốt và Khu công nghiệp Trà Nóc (Cần Thơ), nhiều nhà máy, phân xưởng trống vắng. Theo nhiều doanh nghiệp, giá cá vượt 25.000 đồng/kg cho thấy mức độ thiếu hụt nguồn cá nguyên liệu rất căng thẳng.
Ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang cho biết, tình trạng này xảy ra từ hơn bốn tháng trước và đang diễn ra nghiêm trọng. Hiện không ít nhà máy phải tạm đóng cửa, số còn hoạt động cũng giảm từ 50% công suất. Dù giá bán cao, hiện nay người nuôi lãi khoảng 6.000-6.500 đồng/kg, nhưng đầu tư nuôi cá vẫn trầm lắng.
Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ, chi phí đầu tư nuôi cá hiện tăng gần gấp đôi so với ba năm trước, khiến giá thành nuôi cá từ mức 16.000 đồng/kg vào giữa năm 2010 đến nay đã vọt lên 18.500-19.000 đồng/kg.
Từ đó đến cuối năm 2010, qua nhiều đợt thua lỗ nặng nhiều hộ cạn vốn, thậm chí nợ nần, ngân hàng lại hạn chế cho vay nên người nuôi không thể đầu tư. Một số chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Đồng bằng sông Cửu Long cho biết họ không giải quyết vay đối với những hộ nuôi cá đang còn nợ.
Theo ông Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đồng Tháp, các chi nhánh ngân hàng thương mại trong tỉnh hiện rất thận trọng, chỉ cho vay đối với những trường hợp có hợp đồng liên kết và bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, đối với những hộ đang nuôi có tiềm lực kinh tế, nhưng cũng chỉ ở mức 30% trên số vốn đầu tư.
Một khó khăn nữa là lượng con giống thả nuôi đang thiếu hụt nghiêm trọng. Nguyên nhân từ thua lỗ đã làm hàng loạt cơ sở làm giống bị phá sản, nhiều đàn cá bố mẹ dùng sản xuất giống phải bán đổ bán tháo trước đó. Ở Đồng Tháp, giá cá bột mới ương đã tăng khoảng 50%, tức tăng từ 150-200 đồng/con so với tháng trước.
“Chưa biết vài ngày tới, giá con giống còn tăng bao nhiêu nữa”, một nhân viên Công ty Thủy sản Việt Long nói. Bởi với mức giá bán cá hiện tại, chủ các trại ương giống vẫn lỗ, vì giá thuốc xử lý, thức ăn, nhân công, điện đều tăng vọt. Đây cũng là nguyên nhân mà nhiều chủ trại ương giống hoạt động cầm chừng, dẫn đến nguồn cung khan hiếm.
Theo Cục Nuôi trồng Thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong hơn 4.000 hộ ương cá giống hiện nay, có đến khoảng 3.000 hộ quy mô nhỏ, không đăng ký, hoạt động ương dưỡng cá giống hiện đang bị thả nổi. Trong khi đó, việc thay thế toàn bộ giống cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long chưa đảm bảo chất lượng bằng giống chất lượng cao, sạch bệnh, theo kế hoạch phải đến năm 2015 mới hoàn thành.
Nhằm nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản đã hướng dẫn các biện pháp chống rét trong nuôi trồng thủy sản; chỉ đạo thu hoạch các sản phẩm nuôi trồng có khả năng chịu lạnh kém. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở sản xuất giống chuẩn bị tốt các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, nguồn giống bố mẹ; hướng dẫn các địa phương, cơ sở thực hiện các biện pháp kỹ thuật gia cố, sữa chữa, cải tiến kỹ thuật hệ thống ao đầm nuôi.
Ngoài ra, Tổng cục cũng đang hoàn thiện hệ thống nghiên cứu, sản xuất, cung ứng giống thủy sản từ Trung ương đến các địa phương. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, cung cấp 100% giống thủy sản cho nhu cầu nuôi; 70% giống các đối tượng nuôi chủ lực là giống sạch bệnh. Đến năm 2020, cung cấp 100% giống các đối tượng nuôi chủ lực là giống chất lượng cao sạch bệnh.
Theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2011, diện tích nuôi cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đạt 6.300 ha mặt nước, sản lượng con giống từ 2,5 - 2,6 tỷ con, sản lượng cá thương phẩm ước đạt từ 1,2 - 1,3 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt từ 1,45-1,55 tỷ USD.
Cũng trong năm 2011, 60% cơ sở nuôi cá tra sẽ được đánh số, đăng ký nuôi cá tra có điều kiện và thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ngày 3/3/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ra QĐ số 333/TTg phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020. Trong đó, mục tiêu cá tra đạt sản lượng khoảng 1,5 đến 2 triệu tấn, tăng trưởng trung bình 4,8% năm.
(VnEconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com