Những năm gần đây, huyện Ba Vì đã tích cực chuyển đổi những vùng đất cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản (NTTS), nhiều trang trại NTTS thu nhập đạt 200 triệu đồng/ha, tăng gấp 4-5 lần so với cấy lúa. Tuy nhiên, khi triển khai các dự án NTTS người nông dân gặp không ít vấn đề như quy hoạch, vốn đầu tư...
Vẫn nan giải chuyện vốn
Các diện tích chuyển đổi cơ cấu theo mô hình nuôi trồng thủy sản và
chăn nuôi ở huyện Ba Vì đạt hiệu quả cao. Ảnh: Thái Hiền
Hiện Ba Vì có 1.800ha NTTS, tập trung ở các xã Cổ Đô, Vạn Thắng Phú Cường... Những năm qua, huyện đã chuyển đổi nhiều vùng trồng lúa kém hiệu quả sang NTTS. Điển hình là việc chuyển đổi 90ha của xã Vạn Thắng thành khu chuyên nuôi thả cá và cấy lúa một vụ. Đây là dự án có số lượng hộ tham gia dồn điền đổi thửa đông nhất từ trước đến nay với khoảng 1.500 hộ. Theo tính toán, mỗi năm các hộ tham gia dự án thu hoạch 2 vụ cá, sản lượng 5-6 tấn/ha (thu nhập 200 triệu đồng/ha) cao gấp 5 lần so với cấy lúa. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án các hộ dân lại gặp rất nhiều khó khăn về quy hoạch, vốn.
Ông Phùng Xuân Thịnh, Phó phòng Kinh tế huyện Ba Vì cho biết: Dự án 90ha NTTS ở xã Vạn Thắng, tổng mức đầu tư hơn 31 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố hỗ trợ gần 9,5 tỷ đồng, còn lại là ngân sách của huyện và đầu tư của nông dân trong xã. Sau khi quy hoạch địa phương đã xây dựng đường điện cho khu dự án tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình chăn nuôi; các tuyến bờ bao xung quanh, hệ thống cống dẫn, kênh tiêu thoát nước, đắp nền chợ cá và gói thầu làm 2 tuyến đường dẫn vào khu vực NTTS cũng sớm được hoàn thành theo thiết kế. Theo kế hoạch đầu năm 2010, toàn bộ hạ tầng kỹ thuật khu NTTS xã Vạn Thắng hoàn thành. Tuy nhiên, khi lập dự án khảo sát, nhiều hạng mục công trình chưa được tính toán kỹ, dự toán tổng mức đầu tư quá thấp nên chậm tiến độ thi công 4 tháng chờ phê duyệt bổ sung thêm vốn đầu tư. Đến nay, dự án vẫn chưa hoàn thành vì còn chờ điều chỉnh vốn và quy hoạch.
Bên cạnh đó, việc NTTS trên địa bàn còn có không ít vấn đề như đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật chuyên ngành còn thiếu dẫn đến công tác quản lý chất lượng con giống, phòng trị bệnh chưa được quan tâm. Chương trình tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật hạn chế. Việc cung ứng, sản xuất con giống có chất lượng, thức ăn, thuốc phòng trị bệnh, vật tư chuyên dùng, thông tin thị trường, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân chưa được thực hiện đồng bộ, chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa các cấp, ngành. Nông dân vẫn nuôi trồng theo kiểu tự phát, diện tích manh mún nên năng suất chưa cao, môi trường sinh thái bị ảnh hưởng.
Đánh thức tiềm năng
Ông Nguyễn Đình Dần, Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết, để khắc phục những tồn tại trên, thời gian qua, Ba Vì đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chuyên môn khẩn trương lập quy hoạch các vùng NTTS tập trung, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, nâng cao năng suất, thâm canh theo hướng sản xuất hàng hóa. Ngoài ra, huyện khuyến khích các mô hình sản xuất theo hướng tập trung để xây dựng mối liên hệ chặt chẽ giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện quy trình sản xuất giống, nhập giống có chất lượng cao, sạch bệnh; giám sát công tác vệ sinh môi trường, phòng bệnh, kiểm soát con giống, thức ăn, thuốc thú y, hóa chất dùng trong NTTS... Ba Vì chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản theo công nghệ sạch, thực hiện quy trình kỹ thuật nhằm cung cấp sản phẩm thủy sản chất lượng và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án đầu tư 342,42ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang NTTS ở 5 xã Cổ Đô, Phú Đông, Phú Cường, Phong Vân và Vạn Thắng, với tổng kinh phí gần 130 tỷ đồng. Khi dự án này đi vào triển khai sẽ tạo cú hích đánh thức tiềm năng vùng trũng Ba Vì phát triển đúng hướng.
Ông Nguyễn Văn Thông, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ kỹ thuật chăn nuôi và thủy sản Tân Đô, xã Cổ Đô cho biết, để phát triển lợi thế các vùng trũng, đưa NTTS cho giá trị thu nhập cao, đề nghị có sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền như hỗ trợ về nguồn vốn. Các ngân hàng thương mại nên có chính sách tạo điều kiện cho các hộ nông dân được vay vốn với lãi suất ưu đãi để mở rộng, phát triển vùng chuyên canh sản xuất.