Vấn đề nguyên liệu trong vùng ĐBSCL đang có những thách thức |
Báo DĐDN vừa có bài “XK thủy sản 2010: Không quá lạc quan” phản ánh về dự báo khá lạc quan trong khi thực trạng sản xuất, xuất khẩu vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức. Để làm rõ các cơ hội và thách thức,PV DĐDN đã trao đổi với các nhà chế biến, XK thủy sản về những lo toan và ghi nhận tình hình vùng nguyên liệu tại ĐBSCL.
Nói về thuận lợi, khó khăn của hoạt động XK thủy sản 2010, ông Phạm Hoàng Việt - Phó TGĐ Cty cổ phần thực phẩm Sóc Trăng (Sao Ta - Fimex VN) cho rằng: Với DN, cơ hội phát triển và thách thức luôn cùng tiềm tàng. DN không thể lạc quan kiểu “hồn nhiên” mà phải căn cứ trên những cơ sở vũng chắc, từng thời điểm, giai đoạn của tiến trình vận động. Thành hay bại đều do sự ứng phó linh hoạt, hợp thời của DN.
Dự định và thực tế
Ba tháng đầu năm nay, Fimex đã XK hơn 9 triệu USD (tương đương cùng kỳ năm trước); mặt hàng chủ lực vẫn là tôm sứ; thị trường chủ yếu vẫn là Nhật Bản, EU chỉ chiếm khoảng 10%. Hoạt động hiện tại khá yên ổn – sự yên ổn trong tình trạng thiếu nguyên liệu chung của tất cả các DN chế biến, XK thủy sản. Hai mối lo lớn mà Fimex đang tập trung quan tâm là nguồn nguyên liệu và công nhân. Từ trước Tết đến nay, giá và sản lượng nguyên liệu trồi sụt liên tục nên hầu hết các nhà máy ở ĐBSCL đều hoạt động với hơn nửa công suất. Fimex trong bối cảnh đó vẫn tuyển dụng thêm công nhân có tay nghề vững để giảm giờ làm cho 2.000 công nhân hiện có. Hoạt động đều và ổn thỏa mọi mặt, Fimex cần có 3.000 công nhân. “Tăng trưởng chắc chắn và ổn định là điều Fimex luôn tâm niệm. Năm 2009 xuất khẩu hơn 52 triệu USD thì năm nay cố gắng đảm bảo tăng 10-12% khi hội đủ các điều kiện cần và đủ để phát triển an toàn” - ông Phạm Hoàng Việt cho biết.
Còn ông Trần Văn Phẩm - Tổng Giám đốc Stapimex (Cty CP Thủy sản Sóc Trăng) chia sẻ mối lo toan về nguồn nguyên liệu mà theo ông là năm nay có những nét khác. Ông Phẩm nhận định nguồn nguyên liệu năm nay sẽ khả quan hơn, ví như tôm thẻ chân trắng miền Trung đang rất “đắt hàng”. Nhắc đến trở ngại trong nuôi trồng vì ảnh hưởng mặn và hạn, ông cho hay: So với Cà Mau và Bạc Liêu, diện tích nuôi của Sóc Trăng nhỏ hơn nhưng bù lại năng suất cao gấp 5-7 lần. Chuyện cứu lúa, làm ảnh hưởng tôm ở Bạc Liêu là có thật nhưng nếu giảm chút ít sản lượng ở đây không ảnh hưởng nhiều đến sản lượng chung, trong khi tổng diện tích nuôi trồng trong cà vùng ĐBSCL đang mở rộng. Năm 2010, Stapimex không đặt nặng tăng trưởng doanh số mà quan tâm hiệu quả cân đối nhiều mặt. Giá điện tăng sẽ tạo mặt bằng giá nguyên liệu, chế biến và giá thành sản phẩm; nói cách khác, sẽ làm ảnh hưởng kết quả chung cho toàn bộ ngành hàng.
Cạnh tranh nhân công
Trở lại vấn đề kinh doanh XK, TGĐ Trần Văn Phẩm cho biết: Nhận định của Vasep về triển vọng XK 2010 với 500 ngàn tấn cá và 200 ngàn tấn tôm là có cơ sở. Ở Stapimex, 3 tháng đầu 2010 đã XK được 6 triệu USD (thấp chút ít so cùng kỳ 2009) nhưng kinh doanh 2009 có cái dễ, cái khó khác. Năm 2009 nhờ có gói hỗ trợ lãi suất, người nuôi tôm duy trì được diện tích và làm ra nguyên liệu tốt hơn cho chế biến.
Hiện Stapimex có 2.500 công nhân (vào vụ sẽ lên 3.500 công nhân). “Ở VN nói thiếu công nhân là không chính xác. Có chăng là do cạnh tranh, lúc vào vụ chế biến DN nào nuôi công nhân tốt thì ổn định hơn. Mặt bằng lương công nhân ở ĐBSCL là trên dưới 4 triệu đồng/người/tháng, nếu không đủ nguyên liệu sản xuất mà có công nhân đông sẽ khó khăn. Không những thế, vẫn còn hiện tượng thu nhận công nhân nhưng ngoài lương không mua bảo hiểm cho họ. DN sử dụng công nhân rẻ đó sẽ có giá thành chế biến thấp, đó là cạnh tranh không công bằng” - ông Trần Văn Phẩm nhấn mạnh.
Thách thức từ nguồn nguyên liệu
Vấn đề nguyên liệu trong vùng ĐBSCL đang có những thách thức, đe dọa do nguy cơ biến đổi khí hậu (mặn và hạn hán) đang hiển hiện. Ở ba tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng có hơn 50 DN thu mua chế biến thủy sản xuất khẩu với gần 100 nhà máy. Để đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu cho số nhà máy chế biến này hàng năm cần gần gấp đôi tổng sản lượng tôm nuôi toàn vùng. Chuyện khan hiếm nguồn nguyên liệu đã được cảnh báo từ trước do công tác quy hoạch và đầu tư diện tích nuôi trồng. Bộ NN-PTNT trong năm 2009 đang tái khởi động công việc này, tuy nhiên, nông dân mỗi khi biến động giá lên/xuống hoặc mặt hàng ế thì vẫn luẩn quẩn trồng/chặt (lúa, mía) hoặc đào/lấp hay “treo” ao đầm.
Tháng 3/2010, 14 DN ở Cà Mau áp dụng phương án cho công nhân nghỉ việc luân phiên. Lãnh đạo Cty Chế biến thủy sản XK Cà Mau (Camimex) nhận định đây là tình trạng chung của các nhà máy khi hết mùa tôm nên đã tổ chức mạng lưới thu mua đến tận cơ sở với giá cao, dù vậy, vẫn không tìm đủ nguồn nguyên liệu để chế biến. Tại Bạc Liêu, hiện 13 DN chế biến thủy sản hầu hết hoạt động không đủ công suất, cầm chừng vì thiếu nguyên liệu. Cty chế biến thủy sản xuất khẩu Giá Rai, huyện Giá Rai hơn tháng nay hoạt động có thời điểm chỉ 30% công suất thiết kế do thiếu nguyên liệu. Động thái này liên quan đến chủ trương trên 20.000ha lúa đông xuân cuối vụ đang khát nước nghiêm trọng. Tỉnh Bạc Liêu quyết định hạn chế lấy nước mặn vào vùng ngọt hóa Quản Lộ - Phụng Hiệp. Việc làm này vô tình ảnh hưởng trực tiếp đến trên 40.000 ha diện tích nuôi tôm tại khu vực lân cận. Ở xã Phong Thạnh A, huyện Giá Rai có 2.427ha nuôi tôm, đến thời điển này đã có đến 1.519ha bị thiệt hại, trong đó có đến 419ha thiệt hại trên 50% không khả năng khắc phục. Phòng NN-PTNT Giá Rai - cho biết: Trong 20.000 ha đã thả tôm, có đến 5.482 ha bị thiệt hại, mức độ thiệt hại từ 30% trở lên. Đáng báo động là có đến trên 10.000 ha đang đứng trước nguy cơ thiếu nước. Ông Võ Hồng Ngoãn, người nuôi tôm có tiếng tăng ở Bạc Liêu cho biết: “Ai cũng biết nuôi trồng cái gì trái mùa, nếu thành công sẽ lời rất nhiều, nhưng đối với con tôm nuôi trái vụ rất nhiều rủi ro, nếu thất bại là thiệt hại tiền tỉ như chơi”.
(Theo Huy Bình – Hồ Nhật // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com