Theosố liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, tháng 1/2010, cả nước đã xuất khẩu được trên 2,9 nghìn tấn thủy sản chế biến (trừ tôm, cá ngừ và cá tra), đạt giá trị trên 13,6 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cua, ghẹ và giáp xác chế biến đạt trên 3,5 triệu USD; nhuyễn thể chế biến (bao gồm mực, bạch tuộc, ngao, sò…) đạt trên 3,4 triệu USD; cá chế biến đạt gần 6,7 triệu USD. Các thị trường nhập khẩu chính là Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Hiện nay nhu cầu thủy sản chế biến tại các hộ gia đình và các nhà hàng trên thị trường thế giới ngày càng tăng. Do vậy, ngoài việc duy trì các thị trường truyền thống (đặc biệt là Nhật Bản và Mỹ), các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã và đang tăng cường mở đất sang các thị trường mới, đồng thời không ngừng cải tiến chất lượng, đa dạng hóa các sản phẩm thủy sản chế biến, đẩy mạnh sản xuất hàng giá trị gia tăng. Tại Mỹ, hàng loạt chuỗi siêu thị chuyên thủy sản cũng được xây dựng khắp cả nước để phục vụ nhu cầu thủy sản chế biến, thủy sản đông lạnh…của người tiêu dùng trong nước. Tháng 1/2010, Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất mặt hàng cua, ghẹ và giáp xác chế biến của Việt Nam (bao gồm cua, ghẹ và giáp xác chế biến đóng hộp và ở dạng khác). Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường Mỹ đạt trên 2,05 triệu USD. Đối với mặt hàng nhuyễn thể chế biến, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu lớn nhất với 334 tấn, đạt giá trị trên 1,9 triệu USD. Cùng với các mặt hàng giáp xác và cá biển chế biến, nhuyễn thể chế biến cũng là mặt hàng được tiêu thụ mạnh nhất ở Nhật Bản. Theo thói quen và sở thích, người tiêu dùng Nhật Bản thường lựa chọn những mặt hàng thủy sản chế biến chất lượng cao. Tuy nhiên, điều kiện cung cấp tốt và nguồn hàng ổn định liên tục cũng là yếu tố quan trọng để họ quyết định chọn mua hàng. Đặc biệt, họ rất tin tưởng chất lượng của sản phẩm chế biến có đóng dấu Tiêu chuẩn Nông nghiệp Nhật Bản (JAS – Japanese Agricultural Standard). Trừ một số sản phẩm không được đóng dấu thì cần phải cung cấp một số thông tin cụ thể sau để người tiêu dùng có thể đánh giá được chất lượng sản phẩm như: tên sản phẩm, tên nước xuất xứ, nguyên liệu cấu thành sản phẩm, khối lượng tịnh, danh mục các chất phụ gia sử dụng trong sản phẩm… Bên cạnh Nhật Bản và Mỹ, sức tiêu thụ thủy sản chế biến của Việt Nam tại Trung Đông, EU và một số nước Châu Á khác cũng khá lớn. Như tại Hàn Quốc, các mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn đang rất được ưa chuộng, đặc biệt là cá chế biến. Do yêu cầu về dinh dưỡng, người Hàn Quốc đang có xu hướng chuyển sang tiêu dùng các mặt hàng thủy sản tươi sống và chế biến sẵn chất lượng cao. Tháng 1/2010, Hàn Quốc đã nhập 740 tấn cá chế biến của Việt Nam, đạt giá trị trên 3,1 triệu USD, chiếm 50,71% giá trị xuất khẩu cá chế biến của cả nước. Với những thuận lợi xuất khẩu hiện có, các doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam càng “trăn trở” hơn với bài toán nguyên liệu trong nước. Tuy nhiên, không lùi bước, các doanh nghiệp vẫn quyết tâm vượt khó đẩy mạnh thu mua những mặt hàng chiến lược của mình và sẵn sàng nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài để đảm bảo nguồn hàng cung cấp cho đối tác.
Vinanet
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com