PV: Ông đánh giá như thế nào về các biện pháp của Chính phủ đối với chống suy giảm kinh tế?
Trả lời: Nhìn chung, hệ thống các biện pháp năm nay chỉ đạo tương đối sớm, kiên quyết và kịp thời. Nhưng cũng phải nói rằng, tất cả các biện pháp đã đưa ra thì kết quả vẫn còn chậm so với yêu cầu thực tế của nền kinh tế và doanh nghiệp. Bởi vì những thủ tục chúng ta phổ biến còn chưa đầy đủ, kịp thời.
Thứ hai nữa là việc tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn cho những đối tượng được hưởng quyền lợi cũng chưa được rõ ràng và thường xuyên. Cho nên, chính sách đề ra nhưng việc triển khai vẫn còn đang lúng túng và chưa tiếp cận được nhiều đến các đối tượng đang có nhu cầu.
Thứ ba là tất cả các gói kích cầu của chúng ta vẫn đang ở dạng tạo biện pháp tình thế, khắc phục biện pháp tình thế vẫn nhiều hơn là chuẩn bị cho các mục tiêu có tính chất dài hạn hơn.
Trong vấn đề về chuyển hướng thị trường như việc đưa hàng về nông thôn thì toàn bộ những vấn đề đó phải có những hoạch định dài hơi, biết rằng, cần giải quyết những tình thế trước mắt nhưng cũng cần đặt ra những mục tiêu dài hạn, có như vậy, khi chúng ta ổn định và phát triển sẽ không bị bỡ ngỡ và lúng túng.
PV: Theo các lý thuyết kinh tế và các giải pháp kinh tế mà các quốc gia khác đang áp dụng thì các giải pháp mà Chính phủ Việt Nam đang triển khai sẽ ở dạng nào, thưa ông?
Trả lời: Chúng ta đang trong quá trình phát triển, còn thiếu nhiều điều kiện và có nhiều vấn đề cần giải quyết trong ngắn hạn và dài hạn, vì vậy, chúng ta phải ưu tiên giải quyết các vấn đề ngắn hạn trước. Thứ nữa, việc hỗ trợ trực tiếp chưa đến thẳng tới người dân do còn vướng nhiều khâu trong thủ tục hành chính.
Thí dụ, ở các nước, người ta hỗ trợ trực tiếp tiền cho dân để tăng sức mua, hoặc người ta đưa tiền thẳng cho doanh nghiệp hoặc cho ngân hàng thì chúng ta không thể làm kiểu ấy được vì chúng ta dự trữ ít, tiềm lực ngắn và đó cũng là còn hạn chế cho nên chúng ta lại phải dùng kiểu bù lãi suất, cho vay không lãi, chúng ta phải thực hiện kiểu hỗ trợ mua bảo hiểm y tế,... đó là cách làm của các nước đang phát triển, các nước có điều kiện kinh tế đang eo hẹp.
Nhưng chúng ta vẫn thành công vì chúng ta khai thác được sức dân. Hơn nữa những biện pháp này cũng tạo tiền đề cho chúng ta phát huy nội lực và những sức mạnh của nền kinh tế.
PV: Về những tín hiệu khả quan qua các chỉ số cơ bản của nền kinh tế thời gian vừa qua, ông có đánh giá thế nào?
Trả lời: Quả thực đây là những tín hiệu rất rõ, thí dụ như thời gian vừa qua chúng ta đã hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, vì thế mà sản xuất của doanh nghiệp cũng bước đầu bớt khó khăn hơn, chi phí cũng giảm và giá thành cũng tốt hơn, bên cạnh đó, sức cạnh tranh cũng được cải thiện và nhu cầu việc làm cho người lao động bắt đầu tăng lên.
PV: Theo ông, làm thế nào để giám sát tốt gói kích cầu để có thể đến đúng đối tượng và kịp thời?
Trả lời: Đây quả thực là một vấn đề lớn và được đặt ra ngay từ đầu, mặc dù bây giờ đã giải quyết nhưng thực tế vẫn còn nhiều tồn tại. Theo tôi, muốn giải quyết đúng, trúng và kịp thời thì cần quan tâm đến những vấn đề sau:
Một là, những gói kích cầu hay những giải pháp thực hiện phải rất cụ thể và đúng địa chỉ. Và nếu muốn cụ thể và đúng địa chỉ thì phải có hai việc: một là các ngành khi ra chính sách, ra cơ chế phải có hướng dẫn đi theo; hai là những doanh nghiệp và các cấp lãnh đạo địa phương khi mà có chủ trương cần giúp cho địa phương, bản thân doanh nghiệp nhìn thấy rõ đâu là thiếu vốn, đâu là khó khăn, cần hỗ trợ ở chỗ nào?
Hai là, các giải pháp đưa ra còn nhiều vấn đề, trong khi thời gian thực hiện lại rất ngắn, đối tượng thì rất rộng cho nên việc kiểm tra, việc xử lý và giám sát cần đặt ra thường xuyên từ cơ sở và các cấp chỉ đạo, có như vậy, chúng ta mới có thể phát hiện những vấn đề chưa hợp lý để xử lý kịp thời, đó là ba cái cách mà chúng ta phải làm ngay trong suốt quá trình này, đặc biệt trong trường hợp chúng ta đưa gói kích cầu vào nền kinh tế.
PV: Ông đánh giá như thế nào về khả năng lạm phát trong năm nay trong điều kiện Chính phủ đề xuất để Quốc hội thông qua mức bội chi ngân sách 8%?
Trả lời: Lạm phát năm nay theo tôi chỉ ở mức 6-7% , vì chúng ta đang suy giảm, chỉ số giá đang âm và đang tiến lên dương nhưng cũng tiến rất chậm. Cho nên yếu tố để tạo nên lạm phát cũng không phải gay gắt, cấp bách ngay lập tức.
Tuy nhiên, nếu những gói kích cầu mà chúng ta thực hiện dài, số lượng tiền lớn và đưa ra không đúng địa chỉ và không mang lại hiệu quả, không cân đối giữa số tiền bỏ ra và số hàng đã có thì có thể sẽ làm tăng lạm phát. Nhưng trong tình hình hiện nay, với số lượng vốn đưa ra cùng cách kiểm soát như hiện nay thì tôi tin rằng lạm phát sẽ chỉ ở mức 6-7 %.
PV: Ông có nói là các yếu tố cơ bản có thể dẫn đến lạm phát là không đáng nói, vậy bằng cách nào để có thể minh chứng cho điều này không, thưa ông?
Trả lời: Thí dụ số tiền như chúng ta đưa ra, thì phần lớn là đã có địa chỉ, phần lớn là đã vào những nội dung đã quy định sẵn. Tất cả những cái này, nếu làm đúng nó sẽ cho ra hàng hóa, sản phẩm. Bên cạnh đó, hiện nay cách điều hành tiền tệ thực sự đang rõ ràng kể cả về giá và lãi suất, do đó số tiền bung ra hoàn toàn có thể kiểm soát được.
PV: Trong báo cáo của Hội thảo lần này có nói, nguy cơ lạm phát tại Việt Nam có thể trở lại khi mà cả kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam bắt đầu hồi phục?
Trả lời: Nguy cơ này cũng có cơ sở. Tuy nhiên, chúng ta cần có những nhóm giải pháp cho thời hậu khủng hoảng. Thời hậu khủng hoảng về hạ tầng, về nguồn lực, cách điều hành chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ lại phải theo một nội dung mới, một yêu cầu mới và những cơ chế mới.
Xin cảm ơn ông!
Hội thảo khoa học cấp quốc gia về “Ngăn chặn suy giảm kinh tế Việt Nam” do trường Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 9-5, nhằm tổng kết những vấn đề về lý thuyết và kinh nghiệm ngăn chặn suy giảm, kích thích kinh tế của một số quốc gia, đồng thời đề xuất các chính sách, những giải pháp với Quốc hội và Chính phủ nhằm ngăn chặn suy giảm, kích thích tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Hội thảo được đánh giá là một trong những hội thảo khoa học có quy mô lớn nhất từ trước tới nay cả về số lượng ý kiến đóng góp cũng như số lượng các nhà khoa học và đại biểu tham dự. Tại đây cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp trực tiếp, thiết thực của nhiều nhà khoa học, cán bộ quản lý kinh tế, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp và cả những chuyên gia, doanh nghiệp Việt kiều.
Hội thảo tập hợp 123 bài viết của các nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, hiệp hội và doanh nghiệp trong cả nước cùng những báo cáo, kiến nghị của hội thảo sẽ được biên tập thành kỷ yếu để gửi tới các cơ quan chức năng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do suy giảm kinh tế. |