Nhiều mô hình tiên tiến, hiệu quả
Theo báo cáo của Liên minh HTX và doanh nghiệp ngoài quốc doanh Quảng Trị, trên địa bàn tỉnh có 138 HTX khá, giỏi (chiếm 40%), 147 HTX trung bình (chiếm 42%) và 63 HTX yếu kém (chiếm 18%). Sau ba năm triển khai xây dựng và nhân rộng mô hình HTX điển hình tiên tiến, tỉnh Quảng Trị đã thu được những kết quả quan trọng từ đóng góp của loại hình kinh tế này trong phát triển kinh tế - xã hội nhân rộng được hàng chục HTX điển hình tiên tiến trên nhiều lĩnh vực, trong đó có nhiều HTX nông nghiệp. Các HTX khá, giỏi bình quân thu lãi từ 100 đến 150 triệu đồng/năm, một số HTX thu lãi 500 triệu đồng/năm trở lên. Hầu hết các HTX nông nghiệp đảm nhận các khâu dịch vụ, ngành nghề cơ bản, đem lại lợi ích và nâng cao đời sống cho xã viên, hộ xã viên. Những HTX ở vùng cây công nghiệp đã mở rộng liên doanh, liên kết, tổ chức thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản hàng hóa như thu mua cà-phê, cung ứng hàng nghìn tấn vật tư, phân bón, tổ chức ký hợp đồng trao đổi hàng hóa hai chiều. Nhiều HTX tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ, tích cực chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh phù hợp nhu cầu thực tế của xã viên.
Bên cạnh đó, các HTX đầu tư nguồn vốn tích lũy được kết hợp với sự huy động vốn góp của xã viên và cộng đồng dân cư, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án của các tổ chức trong và ngoài nước để triển khai xây dựng, phát triển các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh góp phần xây dựng nông thôn mới...
Trong quá trình hoạt động xuất hiện nhiều HTX có cách làm hay, đem lại hiệu quả kinh tế cao. HTX Tiến Ðạt, xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa, sau khi được Ðại hội xã viên thông qua phương án xây dựng HTX điển hình tiên tiến đã đầu tư hơn 3,5 tỷ đồng, xây dựng 3.000 m2 chuồng trại để nuôi lợn công nghiệp, với quy mô 200 con lợn nái sinh sản và gần 1.000 con lợn thịt. Hằng năm cung cấp cho bà con quanh vùng hơn 3.000 con lợn giống, hàng trăm tấn thức ăn cho gia súc do HTX tự sản xuất, bán ra thị trường hàng trăm tấn thịt lợn hơi. Ngoài ra, HTX còn xây dựng hàng chục hầm khí Bi-ô-ga để vừa bảo đảm vệ sinh môi trường, vừa cung cấp chất đốt cho hơn 30 hộ gia đình ở trong khu vực trang trại của HTX. Lợi nhuận của HTX Tiến Ðạt thu được hằng năm hơn 500 triệu đồng.
HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Ðông Thanh, thị xã Ðông Hà là HTX làm tốt bảy loại dịch vụ cho xã viên, từ dịch vụ hướng dẫn, chỉ đạo quy trình sản xuất, đến dịch vụ thủy lợi, bảo vệ thực vật, giống, cung cấp vật tư, chăn nuôi thú y, dịch vụ xây dựng đem lại hiệu quả, tạo được tín nhiệm cao đối với xã viên.
HTX Thiện Tây, xã Hải Thiện, huyện Hải Lăng là một HTX thuần nông, từ khi chuyển đổi theo mô hình HTX kiểu mới, Ban quản trị HTX đã tổ chức thực hiện đầy đủ chín khâu dịch vụ. Do yêu cầu của xã viên, Ban quản trị HTX đã tổ chức thêm dịch vụ mới là tín dụng nội bộ để giúp người nghèo có điều kiện vay vốn phát triển sản xuất.
HTX Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng tổ chức nhiều loại dịch vụ không tính đến lợi nhuận cho HTX mà nhằm phục vụ cho lợi ích, lợi nhuận của xã viên như dịch vụ giống, thủy lợi, thú y, bảo vệ thực vật... HTX chỉ kinh doanh dịch vụ vật tư, phân bón, tín dụng nội bộ, trồng rừng, hằng năm thu lãi từ 600 đến 700 triệu đồng. HTX Long Hưng, xã Hải Phú là một HTX điển hình tiên tiến của tỉnh, ngoài việc tổ chức được chín khâu dịch vụ phục vụ kinh tế hộ sản xuất nông nghiệp và phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng hệ thống bể đẻ và ao nuôi để sản xuất cá giống các loại. Hằng năm HTX cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 800 nghìn con cá giống và gần 10 triệu cá bột các loại, lợi nhuận thu được bình quân hằng năm hơn 400 triệu đồng.
Ðể giúp đỡ các HTX điển hình tiên tiến phát triển và nhân rộng mô hình này trên địa bàn, tỉnh Quảng Trị và các huyện đã ký văn bản thỏa thuận, thống nhất huy động lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án và kế hoạch đầu tư hằng năm của Nhà nước hỗ trợ cho HTX. Ðồng thời các tổ chức tín dụng Nhà nước cùng tham gia thẩm định ngay từ đầu khi HTX xây dựng các phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm bảo đảm tính khả thi và hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi khi giải quyết cho HTX vay vốn của ngân hàng. Nhờ vậy, ngay sau khi các đề án, phương án của HTX được Ðại hội xã viên thông qua đã nhanh chóng được đưa vào thực tiễn lao động sản xuất hằng ngày của xã viên, từ đó tạo được niềm tin và khích lệ xã viên nhiệt tình đóng góp công sức, cùng đồng tâm hiệp lực xây dựng HTX ngày càng vững mạnh.
Thực trạng và giải pháp phát triển
Vì sao đến nay ở Quảng Trị vẫn còn nhiều HTX yếu kém? Trước hết là do trình độ của lực lượng sản xuất thuộc khu vực kinh tế tập thể còn thấp, chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Nhiều HTX còn thiếu chủ động trong định hướng sản xuất, kinh doanh và tổ chức các dịch vụ, chưa nỗ lực bứt phá vươn lên tìm hướng đi thích ứng và hiệu quả. Việc huy động nguồn lực nội tại còn yếu, chưa nhanh nhạy với cơ chế mới. Ðội ngũ cán bộ chủ chốt HTX chưa được đào tạo cơ bản. Nhiều HTX đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn từ cổ phần xã viên, vốn vay từ các ngân hàng thương mại để đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Nguồn vốn và cơ sở vật chất kỹ thuật của HTX còn lạc hậu. Một số HTX khoán vốn cho ban quản trị nhưng lại gặp khó khăn trong việc quay vòng đồng vốn, nguồn vốn của nhiều HTX bị chiếm dụng vào công nợ. Công nợ của xã viên đối với một số HTX kéo dài dây dưa, không thu hồi được. Với cơ chế thuận mua, vừa bán, xã viên có thể khai thác các nguồn vật tư trên thị trường mà không cần đến vai trò "bà đỡ" của HTX.
Bên cạnh đó, nhiều chính sách quan trọng hỗ trợ HTX như chính sách tài chính tín dụng, hỗ trợ HTX xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ về khoa học, công nghệ sinh học, bảo quản và chế biến nông sản, xây dựng mô hình trình diễn... chưa thật sự đến được với HTX. Một số chính sách thiếu đồng bộ, kịp thời, chưa phù hợp thực tế sản xuất, kinh doanh, quản lý, điều hành của HTX. Sự hỗ trợ của các cấp, ngành, đoàn thể xã hội đã có nhưng chưa đủ sức để tác động hữu hiệu, giúp loại hình kinh tế này phát triển đúng hướng, khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của mình trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa...
Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh Quảng Trị khóa 14 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể đặt ra mục tiêu đến năm 2010 đưa kinh tế HTX thoát khỏi tình trạng yếu kém hiện nay, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, tiến tới có tỷ trọng ngày càng lớn trong GDP của tỉnh (chiếm khoảng 10%). Nâng số HTX sản xuất, kinh doanh và dịch vụ có hiệu quả từ 80% trở lên, số HTX làm ăn có lãi chiếm từ 85 đến 90%... Ðể HTX từng bước đổi mới và phát triển, theo chúng tôi, tỉnh Quảng Trị và các cơ quan chức năng cần tổ chức điều tra, nắm lại tình hình và đánh giá phân loại HTX ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Song song với phân loại, đánh giá là chỉ đạo kiện toàn lại tổ chức bộ máy quản lý HTX đủ mạnh, đủ sức đề ra các phương án sản xuất, kinh doanh và dịch vụ theo hướng đa dạng, đa ngành nghề, dịch vụ tổng hợp, có tính khả thi và hiệu quả cao. Các HTX phải hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả sản xuất, kinh doanh làm mục tiêu hoạt động, trên cơ sở đó lựa chọn phương thức kinh doanh phù hợp năng lực và điều kiện của mình. Thông qua quá trình điều hành hoạt động của HTX mà tạo uy tín với xã viên, làm cho xã viên tin tưởng, tự nguyện hợp tác.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX và doanh nghiệp ngoài quốc doanh tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Thịnh cho biết, muốn đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX trước hết phải từng bước mở rộng quy mô HTX để sản xuất ra hàng hóa; xã viên và vốn góp của xã viên phải trở thành người lao động đích thực và tài sản của HTX; có chính sách thỏa đáng về cán bộ, nhất là về đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ và các khoản lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... đối với cán bộ HTX. Có cơ chế huy động vốn góp bằng nhiều hình thức khác nhau như bằng tiền, bằng quyền sử dụng đất, bằng các tư liệu sản xuất. Cần xác định giải pháp về vốn là rất quan trọng. Sự cần thiết phải cân đối lại cơ cấu vốn lưu động và phát huy khả năng sản xuất của vốn cố định, giải quyết dứt điểm tình trạng nợ khó đòi, nợ dây dưa ở một số HTX. Việc nâng cao chất lượng dịch vụ cũng là điểm mấu chốt để nâng cao khả năng cạnh tranh của HTX với các thành phần kinh tế khác ở nông thôn. Công tác dự báo nhu cầu thị trường, xúc tiến thương mại, liên doanh liên kết để tiêu thụ sản phẩm phải được đặt ra như là một nhiệm vụ thường xuyên ở những HTX có lợi thế. Ðây là yếu tố thể hiện rõ nhất vai trò "bà đỡ" của HTX đối với xã viên. Chú trọng, tạo điều kiện cho các HTX hình thành vùng chuyên canh lớn để thúc đẩy trồng trọt, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa... Ðể khơi dậy tinh thần làm chủ của xã viên, các HTX cần tiến hành củng cố lại tư cách xã viên theo hướng xã viên đích thực, gắn với việc quy định góp vốn của xã viên để nguồn lực tài chính chủ chốt này phát huy hiệu quả và tạo mối ràng buộc bền chặt giữa xã viên với HTX.
Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đang tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế HTX trên cơ sở mở rộng việc liên kết kinh tế giữa kinh tế hộ với kinh tế tập thể, giữa kinh tế tập thể với các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là kinh tế Nhà nước, làm cho kinh tế tập thể ngày càng đứng vững và vươn lên.