Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hơn 50% Doanh nghiệp Nhỏ và vừa gặp khó khăn

Ngành điện lực cũng đã một thời bị dư luận chỉ trích về việc xin chi khen thưởng vô lý

Ngành điện lực cũng đã một thời bị dư luận chỉ trích về việc xin chi khen thưởng vô lý

Áp lực sống còn buộc nhiều doanh nghiệp lên tiếng xin hỗ trợ, song không hiếm đề nghị mang hơi hướng ý lại.

Khoảng 50% doanh nghiệp đang rất khó khăn, 25% doanh nghiệp buộc phải tìm kiếm phao cứu trợ mới mong vượt qua thời điểm này. Đây là kết quả cuộc khảo sát mới được thực hiện đầu tháng 4 vừa qua của Hội các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam với đại diện các thành viên.

Từ chỉ biết mình…

Sẽ rất khó có lời bình nào thuận tai hơn khi đại diện một công ty vận tải biển chi nhánh tại Quảng Ninh thẳng thắn đề nghị được bảo hộ. Lý do là số đội tàu trong nước tăng mạnh trong khi hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các nước đa phần sử dụng đội tàu nước ngoài. “Tình hình cạnh tranh khó khăn quá nên đề nghị Chính phủ xem xét ưu tiên, bảo hộ đội tàu trong nước”, vị đại diện này đăng đàn đề nghị với Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng trong buổi “Tọa đàm doanh nghiệp trẻ góp phần chống suy giảm kinh tế” mới đây.

Khá nhiều hỗ trợ cần thiết và được phép lại chưa được doanh nghiệp đề xuất

Phải nói rõ là các doanh nghiệp vận tải biển đang thực sự đối mặt với cơn sóng gió hiếm có khi giá vận tải đảo chiều khó lường. Chưa bao giờ, thị trường vận tải biển lại ghi nhận mức giảm giá tới 70%. Cùng với đó là sự sụt giảm của nguồn hàng xuất khẩu khiến nhiều doanh nghiệp vận tải biển lao đao.

Song, điều này không có nghĩa là các doanh nghiệp Việt Nam đứng ra ngoài sân chơi chung. Ông Ngô Thịnh Đức - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, không thể có chính sách riêng về giá cước, phí vận tải cho doanh nghiệp vận tải biển trong nước. Về nguyên tắc, sự phân biệt này là vi phạm các hiệp ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Hơn thế, trong nền kinh tế thị trường, giá cước cũng như hình thức vận tải mua CIF, bán FOB được hình thành trên sự thỏa thuận của chủ hàng chứ không thể dùng chính sách của Nhà nước can thiệp một cách chủ quan được.

Ở đây, có lẽ cũng không thể không nhắc lại sự tăng trưởng quá nóng của những doanh nghiệp mới nổi trong lĩnh vực kinh doanh này. Vị đại diện doanh nghiệp cũng khó phủ nhận lý do lớn cản trở sự cạnh tranh của nhiều đội tàu trong nước chính là sự đầu tư ào ạt, thiếu định hướng, thiếu nhận định thị trường dài hạn của không ít các doanh nghiệp. Và tình trạng thừa tàu thiếu hàng là hậu quả tất yếu.

Điều đáng nói là những hơi hướng bảo vệ lợi ích cục bộ của nhóm đang được đề xuất một cách thiếu cẩn trọng. Ngay trong khó khăn của các doanh nghiệp vận tải biển, có phần nguyên nhân từ chính sự co cụm, chỉ sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp cùng ngành.

… đến thói quen hành xử không đẹp

Có thể kể thêm ví dụ nữa về sự “thiếu tính đồng cam cộng khổ” đã khiến cho cách hành xư ỷ lại, hay làm lợi trên lưng kẻ khác trở nên phổ biến với không ít doanh nghiệp. Chẳng hạn như, khi đề xuất về việc tái cơ cấu lại nợ xấu cho doanh nghiệp, đặc biệt là các hợp đồng tín dụng được ký kết vào thời điểm đầu năm 2008, thời điểm mà mức lãi suất cho vay có lúc tới đỉnh, khoảng 21%, không nhiều doanh nghiệp tính tới lợi ích của đối tác của mình - chính là các ngân hàng thương mại.

Vào thời điểm đầu năm 2008, khi lãi suất cho vay cao, thì lãi suất tiền gửi cũng ở mức ngất ngưởng không kém. Nhiều doanh nghiệp đã hưởng lợi không nhỏ, song, chưa có một đề nghị chung lưng với các ngân hàng thương mại - cũng là doanh nghiệp - để chia sẻ khó khăn này.

Còn nhớ, trong một cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ với các tập đoàn nhà nước hồi cuối năm ngoái, các tập đoàn nhà nước cũng không ngần ngại xin hỗ trợ. Khá nhiều đề xuất xin tăng vốn cho các tập đoàn để triển khai các dự án. Thậm chí, khi các gói chính sách hỗ trợ của Chính phủ hướng vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì nhiều tập đoàn than phiền về sự phân biệt và mong muốn được “nhỏ đi” để nhận hỗ trợ.

Có vẻ như xin được hỗ trợ đã trở thành một thói quen của nhiều nhóm doanh nghiệp. Yếu tố cục bộ thể hiện rất rõ trong cách tư duy, tác động khá lớn tới các đề xuất chính sách của doanh nghiệp, nhiều khi đến mức vi phạm các nguyên tắc của kinh tế thị trường. Điều đáng bàn là, hiện tại khá nhiều hỗ trợ cần thiết và được phép như hỗ trợ trong nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ chi phí kiểm định chất lượng sản phẩm... lại chưa được nhiều doanh nghiệp đề xuất!


 

(Theo Ánh Minh - Doanh nhân)

  • Liên minh hợp tác xã tỉnh Bình Dương: Có khoảng 90% số hợp tác xã hoạt động có lãi
  • Quảng Ninh triển khai kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ
  • Hải Dương, Phú Yên củng cố và phát triển kinh tế hợp tác xã
  • Khi hợp tác xã đưa công nghệ thông tin vào quản lý...
  • Giáo sư-Tiến sĩ Võ Tòng Xuân: "Gắn kết nông dân vào hợp tác xã, con đường ngắn nhất để nông nghiệp phát triển bền vững…
  • Doanh nghiệp nhỏ châu Âu không ngại khủng hoảng?
  • Doanh nghiệp xuất nhập khẩu: lo rủi ro tỷ giá
  • Cần phát huy nội lực trong chống suy giảm kinh tế
  • Dự thảo Nghị định về trợ giúp phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
  • Quảng Trị nỗ lực phát triển kinh tế hợp tác xã
  • Hơn 50% Doanh nghiệp Nhỏ và vừa gặp khó khăn
  • Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển
  • Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sử dụng đồng vốn có hiệu quả ?
  • 80% Doanh nghiệp nhỏ và vừa không có chiến lược đầu tư cho khoa học công nghệ
  • Doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu tầm nhìn dài hạn