Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học hát cho trẻ em tại Hà Nội
Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học múa cho trẻ em tại Hà Nội
Sau khi báo An Giang đăng loạt bài về phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, đã nhận được những phản ứng hết sức tích cực từ phía ngành Nông nghiệp, nhất là các nhà khoa học. Chúng tôi đã có buổi trao đổi với Giáo sư-Tiến sĩ Võ Tòng Xuân xoay quanh vấn đề này.
Phóng viên (P.V): Thưa Giáo sư, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản xuất nông nghiệp tràn lan đã đến mức báo động. Với góc độ một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, Giáo sư có suy nghĩ gì về vấn đề này ?
Giáo sư-Tiến sĩ (GS-TS) Võ Tòng Xuân: Quả thật, thực trạng sử dụng thuốc BVTV tràn lan trong sản xuất nông nghiệp như hiện nay là đáng báo động. Tồn dư thuốc BVTV trong đất, nguồn nước, sản phẩm nông nghiệp ngày một nhiều sẽ tác động trực tiếp đến nguồn sống của chúng ta. Thời gian qua, để tăng năng suất cây trồng, phần lớn bà con nông dân có thói quen sử dụng thuốc BVTV như cứu cánh. Điều này chẳng mang lợi ích gì, ngược lại những tác hại sau này sẽ khôn lường. Không chỉ nông dân Việt Nam, hiện nay nông dân Thái Lan, Campuchia cũng bắt đầu nâng cao năng suất lúa cao sản bằng thuốc BVTV, một ngày không xa môi trường sinh thái, nhất là nguồn nước và thủy sản lưu vực sông Mê Kông sẽ chịu tác động nặng nề nhất bởi những ảnh hưởng từ việc làm trên.
P.V: Còn về góc độ kinh tế, theo Giáo sư sẽ như thế nào ?
GS-TS Võ Tòng Xuân: Bài học về dư lượng hóa chất trong con cá tra, basa Việt Nam thời gian qua đã quá rõ. Tuy nông sản của Việt Nam nói chung, sản phẩm xuất khẩu nói riêng, đặc biệt là hạt gạo Việt Nam đến nay chưa phát hiện dư lượng thuốc BVTV quá mức cho phép. Thế nhưng, chúng ta không nên chủ quan mà ngay từ bây giờ phải có những động thái tích cực để giảm thiểu một cách hiệu quả nhất việc sử dụng thuốc BVTV của bà con nông dân. Để nâng chất lượng nông sản thương phẩm, hướng đến việc xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, thân thiện môi trường bắt buộc chúng ta giảm thiểu tối đa việc sử dụng thuốc BVTV.
P.V: Để làm được điều ấy cần bắt đầu từ đâu, thưa Giáo sư ?
GS-TS Võ Tòng Xuân: Chỉ có một cách duy nhất là phải thực hiện theo Nghị quyết TW 5 (Khóa IX), tức phải xây dựng bằng được kinh tế hợp tác xã. Nghị quyết đã có, cái cần bây giờ là từng địa phương đã thực sự bắt tay vào thực hiện rốt ráo hay chưa. Hợp tác xã ở đây không phải hiểu theo cách làm cũ mà phải làm theo chuỗi giá trị. Hợp tác xã nhiều nơi hiện chỉ dừng ở mức độ cung cấp một vài khâu sản xuất đơn thuần như: Bơm tiêu, gặt đập… Ở Hàn Quốc, Nhật Bản đã có những mô hình HTX rất đáng để chúng ta học tập. Họ xây dựng HTX thật sự theo chuỗi giá trị một cách bài bản như: Hướng dẫn kỹ thuật, tài chính, tiêu thụ, bảo hiểm mùa màng, nông sản, sinh mạng người nông dân… Khi người nông dân tự nguyện vào HTX, tức họ đã thấy được những cái lợi hơn khi sản xuất nhỏ lẻ bên ngoài. Nếu vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ như hiện nay, thị trường biến động, chi phí sản xuất tăng cao, chậm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất… tất cả sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người nông dân. Do đó, bằng mọi cách chúng ta giúp người nông dân khi vào HTX sẽ thấy mình thật sự là ông chủ, nhưng cũng là công nhân trên chính mảnh ruộng của mình. Gắn kết nông dân vào HTX là con đường ngắn nhất đưa nông nghiệp phát triển thật sự bền vững.
P.V: Lời khuyên nào của Giáo sư đối với các nhà hoạch định nông nghiệp và người nông dân ?
GS-TS Võ Tòng Xuân: Điều đầu tiên trong sản xuất nông nghiệp bền vững bắt buộc chúng ta phải nghĩ đến môi trường. Bền vững cũng phải đảm bảo vững chắc về mặt kinh tế. Do vậy, để giúp nông nghiệp phát triển bền vững chúng ta nên lấy vị trí, vai trò người nông dân làm gốc. Người nông dân không chỉ sống được mà phải sống tốt hơn. Bên cạnh đó, người nông dân cũng cần tự nâng chất bản thân, gắn kết lại với nhau. Để làm được điều này, phải có sự hoạch định chiến lược và quy trình sản xuất hiệu quả. Chính vì lẽ đó, các nhà hoạch định nông nghiệp cần nâng cao hơn nữa tầm quan trọng của người nông dân, giúp họ có trình độ nhận thức và kỹ thuật sản xuất vững chắc…. Tất cả điều ấy sẽ là tiền đề đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển.
P.V: Xin cảm ơn Giáo sư !
(Theo Angiang Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com