Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Doanh nghiệp nhỏ châu Âu không ngại khủng hoảng?

Công nhân làm việc trong một nhà máy bao bì ở Thụy Sỹ
Kể từ khi bị Frederick Đại đế giành quyền kiểm soát vào năm 1763 tới nay, công ty sản xuất đồ sứ hoàng gia Die Königliche Porzellan-Manufaktur của Đức không có nhiều thay đổi.

Được bang Berlin tiến hành tư nhân hóa vào năm 2006, công ty này vẫn hoạt động với tốc độ chậm rãi, sản xuất những món đồ tinh xảo bằng tay, và đào tạo các thợ vẽ 3 năm rưỡi trước khi họ được chính thức làm việc. Giá sản phẩm của Die Königliche rất đắt, khoảng 110 USD một chiếc cốc.

Những con số sáng sủa

Tuy nhiên, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế không thể khiến công ty gồm 180 lao động này gặp khó. Một phần lý do ở đây là khách hàng vẫn sẵn sàng trả mức giá cao để có được những sản phẩm sứ chất lượng tuyệt hảo của công ty. Mặt khác, sự vững vàng này xuất phát từ việc công ty đã có chiến lược đầu tư và nhân lực khôn ngoan trong thời gian gần đây.

“Điều kiện trong lĩnh vực kinh doanh của chúng tôi vốn rất nhiều thách thức, nên chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ sự đi xuống kinh tế nào”, bà Christiane von Trotha, Giám đốc marketing của Die Königliche, cho biết.

Ngược lại với tâm trạng bi quan ở những công ty lớn nhất châu Âu thời gian này, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME - doanh nghiệp có từ 250 lao động trở xuống) ở đây đang tỏ rõ sự lạc quan thận trọng. Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức - tổ chức tập hơn hơn 4 triệu SME của nước này - dự báo, doanh số của các thành viên sẽ chỉ giảm 2% trong năm nay, trong khi kinh tế Đức được dự báo sẽ tăng trưởng âm 6%.

Một cuộc điều tra tổ chức vào tháng 4 vừa qua đối với 804 SME của Pháp cho thấy, khoảng một nửa số công ty trong số này cho hay, doanh thu của họ sẽ đi ngang hoặc tăng trong năm 2009 này. “Tôi ngạc nhiên về con số quá tốt này. Con số này khẳng định thêm những gì mà tôi nhìn thấy ngoài thực tế”, ông Jean-François Roubaud, Chủ tịch nhóm vận động hành lang cho các SME của Pháp, nhận xét.

Đối với các chính phủ ở châu Âu, đây là những thông tin tốt lành, vì các SME tạo việc làm cho 88 triệu người và chiếm 2/3 số lao động trong lĩnh vực kinh tế tư nhân của khu vực. Trong bối cảnh các công ty lớn đưa hoạt động sản xuất kinh doanh ra nước ngoài để tiết giảm chi phí, các SME càng trở nên quan trọng tại thị trường lao động trong nước.

Mặc dù phần lớn các SME có quy mô gia đình, ít có khả năng và tham vọng phát triển lớn, nhiều doanh nghiệp trong số này có tốc độ tăng trưởng nhanh, mức độ sáng tạo cao, và nếu được nuôi dưỡng tốt có thể trở thành những công ty lớn trong tương lai.

Theo ông Ludo Van der Heyden, một giáo sư tại trường kinh doanh INSEAD của Pháp, mặc dù các SME luôn dễ bị tổn thương hơn trước sự đi xuống kinh tế so với các doanh nghiệp lớn, nhưng các SME lại có khả năng quản lý để vượt khủng hoảng tốt hơn.

Đó là do đối tượng doanh nghiệp này thường hoạt động hiệu quả hơn và linh hoạt hơn. Các SME “thường không mắc phải những phản ứng ngớ ngẩn mà các công ty lớn hay mắc, như cắt giảm chi phí mạnh và không có sự phân biệt, do đó họ phục hồi nhanh hơn”, ông Heyden nói.

Thêm vào đó, các SME có quan hệ gần gũi hơn nhiều với khách hàng so với các doanh nghiệp lớn, đồng thời thường độ tin tưởng giữa nhà quản lý và người lao động cao hơn, nên mức độ linh hoạt trong vấn đề lao động vì thế cũng lớn hơn.

Lấy công ty Sonogar 5, một hãng bán lẻ ở Paris chuyên kinh doanh các mặt hàng định vị và đa phương tiện cho xe hơi làm ví dụ. Ông chủ của công ty này là Hugo Delpierre đã giảm lương của chính mình và dự định giảm diện tích mặt bằng cửa hàng ở khu vực trung tâm Paris xuống còn một nửa để duy trì sự tồn tại của công ty.

Sự hỗ trợ của chính phủ


Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế rằng, các SME châu Âu nói riêng và trên thế giới nói chung thời gian này đang đối mặt nhiều khó khăn. Họ là những doanh nghiệp có ít tài sản và “đệm giảm xóc” từ nguồn lợi nhuận tích lũy hơn so với những công ty lớn. Ngoài ra, họ không có khả năng phân bố rủi ro kinh doanh bằng nhiều dòng sản phẩm và thị trường. Cùng với sự sụt giảm của nhu cầu, các SME cũng phải đối mặt với sự thiếu hụt tín dụng diễn ra căng thẳng.

Cách đây 5 tuần, ông Laurent Vronski, Giám đốc điều hành của Ervor, một công ty sản xuất máy nén khí của Pháp, đã quyết định “kiểm tra” lòng trung thành của hai ngân hàng mà ông là khách hàng lâu năm, HSBC và Société Générale, bằng cách đề nghị họ cấp cho ông vay thấu chi một khoản lớn.

Mặc dù Ervor được Ngân hàng Trung ương Pháp định mức tín nhiệm ở mức cao nhất và công ty này dự báo doanh thu đi ngang trong năm nay, đề nghị của ông Vronski hiện vẫn chưa được HSBC và Société Générale trả lời. “Tôi không thích kiểu này. Cách đây hai năm, các ngân hàng thi nhau mời chúng tôi vay tiền”, ông Vronski nói.

Tuy nhiên, tới thời điểm hiện nay, dường như phần lớn các SME của châu Âu đã tìm ra hướng đi để vượt qua khó khăn. Tại Anh, số vụ thanh lý tài sản doanh nghiệp đã lên tới con số 4.941 vụ trong quý 1 của năm nay, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn nạn nhân trong số này là các SME.

Tuy nhiên, một cuộc điều tra do Liên đoàn Doanh nghiệp nhỏ, tổ chức đại diện cho những SME nhỏ nhất ở Anh, cho hay, 60% doanh nghiệp thành viên đang hoạt động tốt bằng hoặc thậm chí tốt hơn năm ngoái.

Tại Đức, số doanh nghiệp bị giải thể trong 3 tháng đầu năm nay không thay đổi gì nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Đó phần lớn là nhờ tiêu thụ nội địa tại Đức không sụt giảm, giúp các SME phục vụ thị trường trong nước hoạt động tốt. Ngược lại, các doanh nghiệp xuất khẩu chịu tác động tiêu cực khá nặng nề. Các nhà sản xuất máy công cụ tại nước này dự báo doanh thu sẽ sụt giảm 60% trong năm nay.

Mặc dù vậy, tỷ lệ sa thải nhân công ở những SME này vẫn sẽ thấp hơn mức bình quân toàn quốc, do kỹ năng của công nhân làm việc cho các SME ở Đức là rất quý giá.

Tại Pháp, số vụ phá sản doanh nghiệp tăng 21% trong quý 1 năm nay, nhưng 70% số vụ đổ vỡ diễn ra tại những doanh nghiệp nhỏ nhất, nơi ông chủ cũng là nhân viên, nên tác động không có gì nghiêm trọng.

Tới thời điểm này, những công ty lớn vẫn là đối tượng chính được nhận sự hỗ trợ của chính phủ, nhưng các công ty nhỏ cũng đã bắt đầu được giúp đỡ. Chính phủ nhiều nước đã yêu cầu ngân hàng cho các SME vay, cung cấp bảo đảm tín dụng, hoãn áp dụng một số loại thuế…

Bỉ, Pháp và Italy đã có những động thái can thiệp mạnh nhất vào hệ thống ngân hàng nhằm hỗ trợ SME. Bỉ và Pháp đã cùng tổ chức các mạng lưới trung gian tín dụng phủ rộng toàn quốc. Hệ thống này có quyền thay mặt các SME để yêu cầu các ngân hàng cho đối tượng này vay vốn. Italy thì giám sát các ngân hàng trong hoạt động cho các SME vay.

Giới doanh nhân cho rằng, các nhà trung gian tín dụng có thể đem lại hiệu quả rất tích cực, mặc dù các SME rất ngại làm phật ý các ngân hàng một khi họ sử dụng tới các nhà trung gian này. Một công ty nhỏ của Bỉ tên là Eyetronics thành lập cách đây 10 năm, chuyên về dịch vụ quét 3 chiều cho các xưởng phim Hollywood và các trò chơi video, đã mất 7 tháng để xin vay một khoản tiền từ ngân hàng, mặc dù hoạt động kinh doanh của họ diễn ra rất tốt.

Ông Reinhilde Veugelers, một quan chức của viện nghiên cứu chính sách Bruegel ở Brussels, Bỉ, chính các SME non trẻ và có năng lực sáng tạo là đối tượng chịu sự đe dọa nhiều nhất từ căng thẳng tín dụng và suy thoái kinh tế và cần tới nhiều nhất sự hỗ trợ của chính phủ, do sản phẩm của đối tượng doanh nghiệp này mới mẻ và chưa được chấp nhận rộng rãi. Các ngân hàng thường ngại cho SME vay tiền, khiến họ gặp nhiều trở ngại trong quá trình phát triển thành những doanh nghiệp lớn.

Theo số liệu của Bruegel, chỉ có 3 doanh nghiệp thành lập tại châu Âu từ năm 1975 tới nay được xếp vào hàng 500 công ty lớn nhất thế giới, so với con số 25 công ty của Mỹ và 21 công ty ở các nền kinh tế đang nổi lên. Bởi vậy, các nước châu Âu càng có lý do để giúp đỡ những SME giàu sức sáng tạo nhất của khu vực vượt qua cuộc khủng hoảng này.

(Theo MAI PHƯƠNG // Vneconomy/Economist)

  • Liên minh hợp tác xã tỉnh Bình Dương: Có khoảng 90% số hợp tác xã hoạt động có lãi
  • Quảng Ninh triển khai kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ
  • Hải Dương, Phú Yên củng cố và phát triển kinh tế hợp tác xã
  • Khi hợp tác xã đưa công nghệ thông tin vào quản lý...
  • Giáo sư-Tiến sĩ Võ Tòng Xuân: "Gắn kết nông dân vào hợp tác xã, con đường ngắn nhất để nông nghiệp phát triển bền vững…
  • Doanh nghiệp nhỏ châu Âu không ngại khủng hoảng?
  • Doanh nghiệp xuất nhập khẩu: lo rủi ro tỷ giá
  • Cần phát huy nội lực trong chống suy giảm kinh tế
  • Dự thảo Nghị định về trợ giúp phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
  • Quảng Trị nỗ lực phát triển kinh tế hợp tác xã
  • Hơn 50% Doanh nghiệp Nhỏ và vừa gặp khó khăn
  • Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển
  • Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sử dụng đồng vốn có hiệu quả ?
  • 80% Doanh nghiệp nhỏ và vừa không có chiến lược đầu tư cho khoa học công nghệ
  • Doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu tầm nhìn dài hạn