Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quảng Ninh triển khai kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ

Tàu cập cảng Cẩm Phả, Quảng Ninh, ăn than. ẢNH: NGUYỄN SƠN

Từ đầu năm đến nay, cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Trong khó khăn chung, các DN vừa và nhỏ với tiềm lực tài chính hạn hẹp, thị trường bấp bênh là những đối tượng chịu tác động nhiều nhất của suy thoái kinh tế. Nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp DN có điều kiện vượt qua khủng hoảng, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nhanh chóng triển khai thực hiện chính sách kích cầu của Chính phủ theo Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP, Quyết định số 16/2009/QÐ-TTg và Quyết định số 58/2009/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từng bước giúp DN ổn định tình hình.

Các ngân hàng thương mại trên địa bàn đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn hỗ trợ lãi suất, giúp DN có nguồn vốn duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội. Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, gửi 15 nghìn văn bản cho hơn 5.000 DN trên địa bàn, công khai các chính sách thuế theo tinh thần Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP và Quyết định số 16/2009/QÐ-TTg. Ðồng thời ban hành 10 văn bản hướng dẫn và 26 văn bản trả lời chính sách thuế, tập huấn cho 240 DN về chính sách thuế mới... Trực tiếp chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện một số biện pháp trọng tâm và các giải pháp đột phá năm 2009 của Tổng cục Thuế, tổng hợp, theo dõi chặt chẽ tình hình miễn thuế, giảm thuế, giãn thuế và gia hạn thời hạn nộp thuế của từng DN...

Anh Ðặng Anh Tuấn, Kế toán trưởng Công ty TNHH một thành viên Khách sạn du lịch công đoàn Hạ Long cho biết: Từ đầu năm đến nay, do suy giảm kinh tế ở các nước, lượng khách du lịch nước ngoài đến Quảng Ninh nói chung và khách sạn của công ty nói riêng giảm nhiều so với trước. Nếu như năm 2008 công suất khai thác phòng đạt tới 70% thì đến nay giảm xuống dưới 50%, tỷ lệ khách quốc tế và nội địa năm 2008 là 70/30 đến nay đảo ngược 40/60. Hiện nay, quy mô kinh doanh của công ty có ba khách sạn từ hai sao đến bốn sao với tổng số phòng là 231 phòng và 270 lao động, năm 2008 đón 55 nghìn lượt khách. Quy mô đầu tư lớn, lao động đông, lại ra đời sau, thương hiệu chưa nổi tiếng, nếu lượng khách lưu trú giảm sút thì việc duy trì công ăn việc làm, cân đối tài chính sẽ rất khó khăn. Trong khó khăn, chính sách kích cầu của Chính phủ đã tác động tích cực, trực tiếp đến việc duy trì hoạt động của công ty. Trước hết, lãi suất vay ngân hàng từ 12% năm 2008 giảm xuống 10%, nay giảm tiếp xuống còn 6% do được Nhà nước hỗ trợ lãi suất là điều kiện quyết định đến hiệu quả kinh doanh của DN. Triển khai gói cho vay kích cầu của Chính phủ, công ty được vay hai tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động, chi trả tiền điện, nước, chi trả lương công nhân.

Về chính sách miễn, giảm thuế trước tình hình khó khăn của DN, trong quý IV-2008, công ty đã được giảm 30% thuế thu nhập DN. Tiếp đến công ty còn được giãn nộp thuế thu nhập DN thời hạn một năm, đến hết quý I-2010 mới phải nộp. Ngoài ra, thuế VAT cũng được điều chỉnh giảm làm cho doanh thu, lợi nhuận của DN tăng. Sự hỗ trợ về vốn vay với lãi suất ưu đãi cùng với chính sách giảm, giãn thuế của Nhà nước đã giúp DN vượt qua thời kỳ khó khăn, duy trì việc làm cho tất cả người lao động với mức thu nhập bình quân từ đầu năm đến nay đạt ba triệu đồng/ người/tháng.

Là một DN kinh doanh vật liệu xây dựng địa phương vừa trải qua giai đoạn cổ phần hóa, Công ty cổ phần gốm xây dựng Giếng Ðáy trong giai đoạn vừa qua cũng đương đầu với nhiều khó khăn. Hiện nay, công ty có ba xí nghiệp thành viên với số lượng lao động đông hơn 800 người, số vốn điều lệ chín tỷ đồng được xếp loại DN vừa và nhỏ, sản lượng gạch sản xuất khoảng 80 triệu viên/năm. Do đặc thù của DN sản xuất vật liệu xây dựng là rất cần vốn để trang trải các chi phí mua than dự trữ, chi trả tiền điện, tiền dầu và trả lương hằng tháng cho công nhân cùng các khoản bảo hiểm, mỗi tháng DN cần khoảng năm tỷ đồng vốn lưu động để duy trì hoạt động, cho nên khi được vay vốn hỗ trợ lãi suất DN rất phấn khởi. Trước đây, vay vốn với lãi suất 10%, lãi suất cao làm cho lợi nhuận DN giảm, đến nay được Nhà nước hỗ trợ 4% lãi suất vay sẽ là cơ sở để giảm giá bán các loại sản phẩm. Năm 2008, do vay lãi suất cao, khoản trả lãi vay ngân hàng tới 3,8 tỷ đồng, nay được hỗ trợ lãi suất mức trả lãi sẽ giảm xuống giúp DN tăng lợi nhuận. Trong năm 2009, mức vay vốn lưu động bình quân từ 10 đến 12 tỷ đồng, đây là cơ sở để công ty có điều kiện tăng lượng than, dự trữ từ một đến hai tháng, bảo đảm duy trì sản xuất liên tục, tránh được rủi ro do biến động giá nguyên liệu đầu vào.

Theo ông Ðoàn Ðình Huy, Kế toán trưởng công ty, đối với một DN sản xuất vật liệu xây dựng, cùng với chính sách hỗ trợ lãi suất, miễn giảm thuế trực tiếp cho DN thì chính sách kích cầu còn tạo ra cơ hội để DN đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Nhìn lại quá trình từ đầu năm đến nay khi nguồn vốn kích cầu của Nhà nước đã đến với các DN xây dựng, nhiều công trình được khởi công và đẩy nhanh tiến độ thì lượng sản phẩm tiêu thụ của công ty đang tăng lên đáng kể, hàng bán rất chạy, có thời kỳ hàng làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Sự tác động kép của chính sách kích cầu cũng đã làm giá bán vật liệu hạ, năm 2008 giá gạch đứng ở mức cao 1.500 đồng/viên đến nay đã kéo xuống còn 800 đồng, giá vật liệu hạ cũng làm giảm chi phí xây dựng các công trình, đồng thời đẩy nhanh việc tiêu thụ, từ đó DN sản xuất vật liệu có điều kiện quay nhanh đồng vốn sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, với sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, công ty đang phấn đấu quay nhanh đồng vốn vay ưu đãi, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, trả xong các khoản vay lãi suất cao trước đây để từng bước tăng lợi nhuận và tích lũy, tăng thu nhập cho người lao động và lợi nhuận của các cổ đông.

Cùng với việc đẩy nhanh giải ngân nguồn tín dụng hỗ trợ lãi suất cho DN, theo Cục Thuế Quảng Ninh, các giải pháp về thuế khi triển khai chủ trương kích cầu đầu tư và tiêu dùng nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế của Chính phủ được DN hết sức quan tâm. Ðây là liều thuốc hỗ trợ DN vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

(Theo PHAN HÙNG và PHAN HOÀNG // Báo Nhân dân điện tử)

  • Liên minh hợp tác xã tỉnh Bình Dương: Có khoảng 90% số hợp tác xã hoạt động có lãi
  • Quảng Ninh triển khai kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ
  • Hải Dương, Phú Yên củng cố và phát triển kinh tế hợp tác xã
  • Khi hợp tác xã đưa công nghệ thông tin vào quản lý...
  • Giáo sư-Tiến sĩ Võ Tòng Xuân: "Gắn kết nông dân vào hợp tác xã, con đường ngắn nhất để nông nghiệp phát triển bền vững…
  • Doanh nghiệp nhỏ châu Âu không ngại khủng hoảng?
  • Doanh nghiệp xuất nhập khẩu: lo rủi ro tỷ giá
  • Cần phát huy nội lực trong chống suy giảm kinh tế
  • Dự thảo Nghị định về trợ giúp phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
  • Quảng Trị nỗ lực phát triển kinh tế hợp tác xã
  • Hơn 50% Doanh nghiệp Nhỏ và vừa gặp khó khăn
  • Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển
  • Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sử dụng đồng vốn có hiệu quả ?
  • 80% Doanh nghiệp nhỏ và vừa không có chiến lược đầu tư cho khoa học công nghệ
  • Doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu tầm nhìn dài hạn