Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học hát cho trẻ em tại Hà Nội
Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học múa cho trẻ em tại Hà Nội
Quản lý dòng tiền luôn là một bài toán khó đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam |
Vay vốn bao nhiêu là hợp lý?
Ông Hải ví một doanh nghiệp (DN) trong quá trình kinh doanh đi vay quá nhiều như người có một khẩu súng đang chĩa vào thái dương, ngón tay để trên cò súng không phải của ông ta mà là của ngân hàng, nhà cung cấp… họ siết lúc nào là DN “chết” lúc đó, nếu nợ đến hạn không có tiền để trả. Do vậy, để duy trì hoạt động của DN, ông cho rằng, DN nên dùng nguồn vốn nội bộ, còn để tăng trưởng về doanh thu thì dùng nguồn vốn bên ngoài. Đừng bao giờ vay thấu chi, hoặc đi vay ngắn hạn ngân hàng để mua sắm và tài trợ cho tài sản cố định; tài sản dài hạn phải được mua sắm và tài trợ bằng nguồn vốn dài hạn.
Theo quan điểm của bà Nguyễn Cảnh Tiên - Thạc sĩ tài chính đại học Queensland (Australia), rủi ro tài chính khi toàn bộ lợi nhuận DN làm ra hầu như phải trả nợ các khoản vay chính là mặt trái của việc đi vay. Do vậy, cơ cấu vốn là cực kỳ quan trọng. Mới nhìn thì thấy ở các DN đều có một khoản vay nào đó và công ty càng vay nhiều có vẻ như lợi nhuận càng cao hơn!
Bà Tiên ví dụ, nếu đem so sánh giữa hai công ty có cùng quy mô sản xuất và cùng một mặt hàng, trong 100 triệu đồng DN làm ra thì mất 50 triệu phải trả nợ cho ngân hàng, nhưng 50 triệu đó được coi là một khoản chi phí và được khấu trừ trước khi tính thuế. Như vậy, DN đi vay càng nhiều, tỉ lệ vay càng cao thì khoản khấu trừ, hay giảm thu nhập trước thuế DN phải trả càng thấp và người ta gọi đó là hiệu ứng của “lá chắn thuế”.
Thế nhưng, trong thời điểm hiện tại Chính phủ giảm thuế thu nhập DN, do việc hưởng lợi từ lá chắn thuế không còn nhiều nên DN cần phải cân nhắc liệu có nên đi vay và vay bao nhiêu.
Hạn chế hàng tồn kho
Ông Hải cho rằng, việc quản lý dòng tiền trong ngắn hạn là một trong những điểm yếu mà SME hay mắc phải. Các DN thường hay bị lúng túng khi có dấu hiệu bán hàng chậm lại, hàng tồn kho nhiều…; ngần ngại trong việc thay đổi cơ cấu sản xuất, hoặc cho một số công nhân nghỉ việc tạm thời hay dài hạn. Nhiều DN hay có tâm lý “ngày mai tươi đẹp hơn” do đó vẫn tiếp tục sản xuất với tốc độ gần như cũ, trong khi đó việc bán hàng chậm lại rất nhiều, khiến hàng tồn kho với số lượng lớn! Vẫn chuyên gia này dẫn chứng, theo thống kê, cuối năm 2008 số lượng hàng tồn kho của các DN chiếm trên 5% GDP, tương đương 4-5 tỉ đô la, trong khi các năm trước chỉ khoảng 2-3% GDP. Điều này có nghĩa là hàng hóa không bán được và sản xuất đi vào đình đốn, các DN đang bị đọng vốn gấp đôi so với những năm trước.
Ngoài ra, khi khách hàng có dấu hiệu trả nợ không đúng hạn, nhiều DN nể nang, tiếp tục giao hàng cho những khách hàng đang thiếu nợ đến hạn chưa trả, do sợ nếu không bán chịu tiếp thì sẽ mất khách. Điều này vô hình trung làm cho vấn đề đã xấu trở thành xấu thêm, làm cho khách hàng đang xấu ít trở nên xấu nhiều.
Theo quan điểm của ông Hải, DN nên mạnh dạn tìm kiếm khách hàng mới thay vì vẫn tiếp tục giữ quan hệ với những khách hàng “có vấn đề” (vấn đề ở đây là không phải họ xấu mà môi trường làm cho họ xấu đi), mặc dù DN đó vẫn là những bộ phận ấy, vẫn người quản lý cũ, vẫn chủ DN đó.
Xác định cơ cấu vốn hợp lý
Khi bắt đầu khởi nghiệp, một số người nghĩ rằng mình không cần bỏ nhiều tiền, cốt làm sao lấy tiền của thiên hạ bằng các hình thức như: đi vay tiền của ngân hàng, chiếm dụng vốn của nhà cung cấp (như thế mới là tài, là lỗi lạc?!). Nhưng theo quan điểm học thuật, việc làm trên không phải là thông minh.
Do vậy, việc xác định cơ cấu vốn DN cần phải làm một cách nghiêm túc trong trung cũng như dài hạn. DN cần quản lý dòng tiền trong ngày hôm nay, trong tuần tới, tháng tới. Thực ra mọi câu chuyện không phải bắt đầu bằng việc chúng ta có bao nhiêu tiền trong tài khoản ngân hàng, hay sắp tới khách hàng nào sẽ trả tiền, sắp tới chúng ta sẽ trả tiền cho ai, mà bắt đầu từ trước đó khá lâu: 1, 2 hay thậm chí 3 năm.
Có những trường hợp, trong hoạt động kinh doanh, nhìn vào các báo cáo tài chính của DN thấy rõ họ có lợi nhuận nhưng lại không thể trả được các khoản nợ đến hạn hoặc chậm trả lương cho nhân viên... Những việc này làm cho DN mất uy tín, sản xuất kinh doanh đình trệ. Vì vậy, để tránh rủi ro và đảm bảo được hoạt động kinh doanh, DN cần lập các dự báo về dòng tiền hàng tháng, hàng quý trên cơ sở dự báo được các khoản phải chi, các khoản thu được và không thu được từ khách hàng.
Nguyên tắc, ở DN mà kinh doanh mang tính thời vụ không quá cao thì dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh luôn phải dương tháng này qua tháng khác. Ngược lại thì dòng tiền phải dương từ quý này sang quý khác, từ nửa năm này sang nửa năm khác. Kinh nghiệm cho thấy, một khi dòng tiền đã bị âm rồi thì phải rất vất vả mới hồi phục được.
Trong thời điểm khó khăn như hiện nay, nếu lựa chọn giữa tiền “tươi” và lợi nhuận kế toán thì nên chọn tiền “tươi” - mặc dù về trung và dài hạn thì DN cần chọn cả hai. Và nếu phải chọn một trong hai thì nên chọn cái “chết từ từ.” Điều này liên quan đến cơ cấu vốn. Nếu đi vay quá nhiều đến hạn trả lãi, nợ, phải có tiền mặt chứ không phải bằng lợi nhuận kế toán.
Do vậy, để nắm rõ được dòng tiền của mình đang đi đâu về đâu, DN cần lập cho mình báo cáo lưu chuyển tiền tệ hàng tháng, quý, để biết phản ánh quá khứ của DN trong tháng vừa rồi như thế nào; như thế mới có thể quản lý dòng tiền một cách có hiệu quả. Trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, ông Hải cho đây là cơ hội để các SME có thời gian nhìn nhận, xem xét lại cách tổ chức, quản lý dòng vốn của mình. Và đây là vấn đề sống còn của DN trong các chu kỳ kế tiếp.
Xin mượn thông điệp của bà Cảnh Tiên làm đoạn kết: “Chắc chắn trong thời kỳ khủng hoảng DN không thể đổi được chiều gió, DN phải đi theo chiều của nền kinh tế đang đi. Nhưng chắc chắn DN có thể điều chỉnh hướng cột buồm như thế nào để đi theo chiều gió một cách thuận lợi nhất”.
(Theo Nguyễn Quân - Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com