Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển

Việt Nam là một nước đang phát triển, có mật độ dân số cao, lực lượng lao động tăng nhanh, quy mô vốn tích luỹ nhỏ, vì vậy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ở nước ta là một lựa chọn đúng đắn trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế thế giới suy giảm, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, DNNVV là đối tượng chịu tác động rõ nhất. Đang có rất nhiều doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng, trong đó có không ít doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản. Hơn lúc nào hết cần có các giải pháp để giúp DNNVV vượt qua những khó khăn trong thời kỳ này.
   

Thực trạng phát triển các DNNVV

Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần và triển khai Luật Doanh nghiệp, DNNVV Việt Nam đang phát triển nhanh chóng. Trong số khoảng 350.000 doanh nghiệp hiện nay có tới 95% là DNNVV. Các DNNVV giữ vị trí ngày càng quan trọng, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. DNNVV tạo ra hơn 50% việc làm cho lao động làm việc trong doanh nghiệp nói chung. Với các lợi thế như phát triển ở mọi vùng miền của đất nước, mọi thành phần kinh tế; là phương thức hữu hiệu để huy động nguồn lực từ người dân cho phát triển kinh tế; tạo nhiều việc là và thu nhập; DNNVV còn có vai trò quan trọng trong việc thay đổi cấu trúc của nền kinh tế, làm cho nền kinh tế trở nên linh hoạt, dễ thích ứng với những biến động của kinh tế toàn cầu.

Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh thêm một bước cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, gia nhập thị trường. Thực hiện Nghị quyết số 59/2007/NQ-CP của Chính phủ, ngày 29/07/2008, liên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an đã ban hành Thông tư liên tịch số 05/2008/TTLT-BKH-BTC-BCA về cơ chế phối hợp để giải quyết đăng ký kinh danh, mã số thuế và khắc dấu cho doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Những cải cách này đã làm giảm chi phí, thời gian và tiền bạc gia nhập thị trường. Năm 2008, cả nước có khoảng 65.800 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với tổng số vốn đăng ký ước đạt 484,2 ngàn tỷ đồng, đạt 113% về số lượng và 107,79 về số vốn đăng ký so với năm 2007. Trung bình trong năm 2008, mỗi tháng có khoảng 5.484 doanh nghiệp (năm 2007, các con số này là 4.321 doanh nghiệp).

Thực tế cho thấy, DNNVV có sự thích nghi cao với điều kiện và môi trường kinh doanh, có khả năng phân tán rủi ro. Trong số hơn ba trăm năm mươi ngàn doanh nghiệp đã ĐKKD, trong số các DNNVV có trên 60% có quan hệ tín dụng với ngân hàng, các doanh nghiệp còn lại huy động vốn chủ yếu từ bạn bè, gia đình. Do vậy, số doanh nghiệp này không phải lo trả lãi suất cho vay của ngân hàng, và do đó, giá thành sản phẩm không phải gánh thêm chi phí trên, mức cạnh tranh, khả năng tồn tại và hoạt động trên thị trường được tăng hơn so với những doanh nghiệp phải vay vốn ngân hàng hay những doanh nghiệp không phải là DNNVV. Hơn nữa, có thể nói, mức độ hội nhập DNNVV Việt Nam chưa sâu, những tác động của môi trường kinh doanh toàn cầu, sự tăng trưởng, sự suy thoái, diễn biến kinh tế, chính trị tác động chậm đến DNNVV Việt Nam.

Tuy số lượng doanh nghiệp ĐKKD trong 8 tháng vẫn giữ được đà tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng sự tăng trưởng đó ít nhiều chững lại. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thuế, đến hết tháng 8/2008 cả nước có gần 260 ngàn doanh nghiệp hoạt động và thực hiện nghĩa vụ thuế. Tính từ 1991 đến nay, cả nước có 350.000 doanh nghiệp đã ĐKKD, trừ đi 35 ngàn doanh nghiệp đã giải thể và bị thu hồi giấy chứng nhận ĐKKD, còn lại 315 ngàn. Như vậy, tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại và hoạt động sau 17 năm (tính từ năm 1991 đến nay) là 82,5%. Trong khi đó, tỷ lệ này của các nước OECD là 60-70% sau 2 năm, 40-50% sau 7 năm hoạt động.

Cuối năm 2007 đến nay, các doanh nghiệp phải đương đầu với nhiều bất lợi trong sản xuất kinh doanh. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoảng 20% doanh nghiệp khó có thể  tiếp tục hoạt động. Ngoài nhóm này, 60% thành viên Hiệp hội đang chịu tác động của khó khăn kinh tế, nên sản xuất sút kém. Lạm phát đang làm cho các công ty không kiểm soát được chi phí, mất thị trường và không đủ vốn để duy trì sản xuất. 20% là các công ty chịu ít ảnh hưởng và vẫn trụ vững do trước nay ít phải nhờ đến nguồn vốn vay và được các lãnh đạo có kinh nghiệm dẫn dắt.

Những khó khăn hiện tại của DNNVV tập trung vào các vấn đề như: thiếu vốn, khó tiếp cận đất đai làm mặt bằng kinh doanh, công nghệ lạc hậu, năng lực cạnh tranh yếu, trình độ quản trị doanh nghiệp hạn chế... là những khó khăn chung mà bất cứ DNNVV ở nước nào cũng phải trải qua với các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, những khó khăn trên sẽ trở nên trầm trọng hơn. Cụ thể:

Thứ nhất, về tiếp cận tín dụng. Trong những tháng cuối năm 2008, lạm phát đã được kiểm soát ở mức rất thấp, chỉ số CPI cả năm 2008 là 22,97% so với năm 2007 và thấp hơn mức dự báo. Ba tháng cuối năm, NHNN liên tục cắt giảm lãi suất cơ bản. Tuy lãi suất đã giảm nhưng việc tiếp cận vốn của ngân hàng Nhà nước thì không dễ, còn muốn vay ngân hàng thương mại, DNNVV lại không có tài sản để thế chấp. Hơn thế nữa, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện nay tuy lãi suất đã giảm nhưng vẫn còn cao so với hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DNNVV.

Từ năm 2001 đến nay, tuy đã có nhiều biện pháp thúc đẩy nhưng chỉ mới có 11/63 địa phương lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV, trong số đó chỉ có 3 Quỹ hoạt động (Trà Vinh, Yên Bái, Đồng Tháp). Về vấn đề Quỹ Bảo lãnh tín dụng, có thể nói chưa có nước nào trên thế giới có mô hình thành công, và điều này cũng thể hiện rất rõ trong 7 năm qua ở nước ta. Do đó, nên cân nhắc kỹ và có giải pháp thích hợp trong việc triển khai mô hình Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV.

Thứ hai,
về tiếp cận đất đai: Trong bối cảnh thị trường bất động sản có nhiều biến động, giá thuê mặt bằng tăng cao thì việc tiếp cận đất đai làm mặt bằng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp càng khó khăn hơn. Nhiều doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp thường phải tự giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng, đôi khi không nhận được sự hỗ trợ đầy đủ của chính quyền địa phương, vướng mắc trong thủ tục hành chính về đất đai,... Một số ý kiến cho rằng, các DNNVV trong nước do chỉ được lựa chọn hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất hàng năm, không được lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, và vì tiền thuê đất được tính trên cơ sở giá UBND cấp tỉnh công bố hàng năm (mà năm sau cao hơn năm trước) nên doanh nghiệp trong nước luôn phải đóng tiền nhiều hơn người nước ngoài.

Thứ ba, về năng lực cạnh tranh: những biến động lớn về giá cả đầu vào đã tác động mạnh đến hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt nhiều doanh nghiệp không có khả năng dự báo tình hình biến động của thị trường, ít được tiếp cận với các thông tin về tình hình kinh tế và giá cả thị trường. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh thị trường của doanh nghiệp.

Ngoài ra, những khó khăn tiềm tàng của DNNVV nước ta như trình độ công nghệ thấp, tiếp thu và vận hành công nghệ thụ động qua nhập khẩu máy móc mà không có nghiên cứu cải tiến công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, năng lực quản trị yếu kém,... cũng tác động xấu dến sự hoạt động của DNNVV hiện nay.

Khó khăn là như vậy, nhưng có thể thấy rằng hoạt động sản xuất, đầu tư và kinh doanh đã thuận lợi hơn nhờ có môi trường pháp lý đầu tư kinh doanh được cải thiện. Cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển cũng có được bước tiến đáng kể.

Chính phủ, các Bộ ngành luôn chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện một cửa liên thông đã thực sự là động lực thúc đẩy và khuyến khích gia nhập thị trường kinh doanh của các thành phần kinh tế, phát huy tích cực, năng động, tự chủ kinh doanh của các doanh nghiệp.

Công tác chỉ đạo điều hành và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tương đối kịp thời, việc bố trí kinh phí hỗ trợ đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra đã giảm bớt nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Một số giải pháp

Một là,
thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trên địa bàn đã được quy định rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật, song, thời gian qua, ở một số địa phương thực hiện chưa tốt, chưa quan tâm hoặc chậm tổ chức triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp dân doanh, DNNVV. Điều này cũng gây khó khă trong việc phân tích, nắm bắt tình hình chung để đưa ra những giải pháp, chính sách kịp thời. Do vậy, cần tiếp quán triệt và cụ thể hoá hơn nữa các quy định pháp lý về quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, tăng cường đối thoại “công - tư” giữa chính quyền với doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, xử lý các vướng mắc cho doanh nghiệp.

Hai là, đề nghị các tỉnh khẩn trương chỉ đạo để triển khai đồng bộ cơ chế một cửa liên thông trong đăng ký gia nhập thị trường của doanh nghiệp, kịp thời phản ánh những vướng mắc vượt thẩm quyền để liên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an xử lý.

Ba là,
tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận các nguồn vốn tín dụng

Cùng với việc triển khai tích cực các biện pháp kích cầu nên xem xét một số biện pháp khác để khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng quy mô và đối tượng cho vay với DNNVV.

Đối với một số ngân hàng thương mại đã có nhiều kinh nghiệm cho vay DNNVV, nhằm giúp tiếp tục mở rộng đối tượng cho vay, nên chăng cần triển khai một số dự án hỗ trợ kỹ thuật cho các ngân hàng thương mại thực hiện nhằm tăng cường năng lực lập dự án, phương án kinh doanh cho DNNVV và nâng cao năng lực thẩm định dự án cho cán bộ tín dụng. Đây là một giải pháp hỗ trợ tích cực cho DNNVV trong điều kiện hiện nay, tạo tiền đề để các ngân hàng có thể chuyển dần từ phương thức cho vay dựa vào thế chấp sang kết hợp phương thức cho vay trên cơ sở dự án khả thi.

Bốn là,
về tiếp cận đất đai: Hoàn thiện và công khai quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Cần sơ kết kinh nghiệm của một số địa phương làm tốt công các này, rút ra kinh nghiệm để nhân rộng ra toàn quốc. Thực hiện đấu thầu các dự án có sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất một cách công khai, minh bạch. Ngoài ra, tiến hành rà soát các chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng và tuyên truyền để người dân hiểu hợp tác với chính quyền trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng. Sớm triển khai nghiên cứu điều chỉnh giá bồi thường cho phù hợp. Thực hiện giãn hoặc giảm giá thuê đất hiện nay đối với các DNNVV có hợp đồng thuê đất với các cơ quan quản lý nhà nước (Cơ quan quản lý tài nguyên môi trường, đất đai các tỉnh, thành phố, Ban quản lý các khu công nghiệp, các công ty kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp...) nhằm chia sẻ khó khăn tài chính hiện nay cho các DNNVV.

Năm là,
cải tiến cơ chế và phương thức xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, coi công tác dự báo và cung cấp thông tin thương mại cho doanh nghiệp là một nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về doanh nghiệp, trước hết là quản lý nhà nước về thương mại và thị trường nhằm hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa./.

 

(Nguyễn Lê Trung - Tạp chí kinh tế và dự báo)

  • Liên minh hợp tác xã tỉnh Bình Dương: Có khoảng 90% số hợp tác xã hoạt động có lãi
  • Quảng Ninh triển khai kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ
  • Hải Dương, Phú Yên củng cố và phát triển kinh tế hợp tác xã
  • Khi hợp tác xã đưa công nghệ thông tin vào quản lý...
  • Giáo sư-Tiến sĩ Võ Tòng Xuân: "Gắn kết nông dân vào hợp tác xã, con đường ngắn nhất để nông nghiệp phát triển bền vững…
  • Doanh nghiệp nhỏ châu Âu không ngại khủng hoảng?
  • Doanh nghiệp xuất nhập khẩu: lo rủi ro tỷ giá
  • Cần phát huy nội lực trong chống suy giảm kinh tế
  • Dự thảo Nghị định về trợ giúp phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
  • Quảng Trị nỗ lực phát triển kinh tế hợp tác xã
  • Hơn 50% Doanh nghiệp Nhỏ và vừa gặp khó khăn
  • Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển
  • Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sử dụng đồng vốn có hiệu quả ?
  • 80% Doanh nghiệp nhỏ và vừa không có chiến lược đầu tư cho khoa học công nghệ
  • Doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu tầm nhìn dài hạn