Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ấn tượng Brazil...

Sự giao lưu văn hoá toàn cầu đã mang lại cho mỗi quốc gia những cách tư duy mới, và hoạch định chiến lược phát triển để hội nhập...

Tôi thường có cơ hội được dong duổi khắp nơi, trong nước và thế giới, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên tôi được đặt chân tới Brazil - một đất nước ở tít tận bờ Đại Tây Dương xa xôi.

Lần này, tôi được tham gia đoàn tham dự hội nghị Rio +20  về Phát triển bền vững.

RioDe Janero- những đêm không ngủ

Chuyến bay từ Paris đi Rio chở 15 đoàn đại biểu sang dự hội nghị. Chuyến bay hơn 10 tiếng đồng hồ vượt Đại Tây Dương làm tôi nhớ tới câu chuyện về các chuyến phiêu lưu, thám hiểm của các nhà thám hiểm người Tây Ban Nha, Bồ đào Nha, Anh...- những người phát hiện ra Châu Mỹ. Họ đâu được đi máy bay như con cháu thời nay, chỉ sau vài tiếng đã có mặt ở một phương trời xa lạ này.

Máy bay chao nghiêng liệng qua những khu rừng rậm nhiệt đới của vùng Amazon nơi con sông vĩ đại với những cánh tay vươn dài ra biển. Thành phố Rio đã hiện ra trong tầm mắt.

Rio De Janero - Con sông tháng Giêng là đây!

Thành phố Rio có nét đẹp gần giống thành phố Đà Nẵng của ta với những bãi cát trắng dài và một dải núi nhô ra biển như bán đảo Sơn Trà. Rồi lại một Vịnh biển như Vịnh Đà Nẵng với những bãi cát, đường đi bộ, những quầy giải khát với những chiếc ô màu sắc quyến rũ khách qua đường.

Đây đó ngoài khơi, vài hòn đảo nhô lên từ đáy biển, như những nàng tiên cá vừa nhô lên từ đại dương ngồi chải đầu quyến rũ các chàng thuỷ thủ đa tình.

Mặc dù rất choáng ngợp bởi nét đẹp của thiên nhiên nơi đây, bởi những đêm hội Carnival nổi tiếng bốc lửa của bờ biển thiên thần này, tôi vẫn thầm nghĩ: Bãi biển của Đà Nẵng vẫn tuyệt vời chẳng kém gì.

Bãi cát dài hơn, trắng hơn, bán đảo Sơn Trà, dãy núi Hải Vân vươn ra biển tạo những thế "long chầu hổ phục" đặc biệt cho Vịnh biển Đà Nẵng.

Ở Rio, toàn bộ mặt đứng của bờ biển bị những khu căn hộ cao tầng chiếm mất, chẳng khác gì bãi Waikiki của Hawaii, chỉ còn hở ra những con đường đi ra biển. Những khu căn hộ cao cấp này bị khai thác và bán đến triệt để tất cả các tầng.

Tôi vẫn thấy sẽ cảm giác dễ thở hơn, nếu toàn bộ tầng 1 được để lại dành cho khu dịch vụ cho con người ta ngồi nhâm nhi ly cà phê dưới những chiếc ô vui mắt. Hoặc chỉ là ngồi thưởng thức vẻ đẹp của bãi biển nơi đây với đám con gái mặc bikini vui nhộn, đám con trai cầm ván lướt vèo vèo trên những con sóng bạc đầu...

Bỗng nhớ những quán cà phê vỉa hè ở Paris - thật thư giãn và nên thơ - nơi đã từng chứng kiến biết bao bịn rịn của yêu đương...

Brazil - một đất nước ở tít tận bờ Đại Tây Dương xa xôi

Các cô gái Brazil tự hào trong những chiếc quần sooc trắng với dáng hông cong đặc biệt- kết quả của bao thế hệ đắm say những điệu săm ba. Sang đây rồi tôi mới cảm nhận được men say của vũ điệu này.

Chưa kịp tìm hiểu vẻ đẹp của các thiếu nữ nơi đây, cả đoàn đã phải đi thẳng tới Hội nghị Rio + 20, để Phó TT Nguyễn Thiện Nhân, người dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam kịp phát biểu tại Hội nghị "Đánh giá năng lượng toàn cầu" do UNDP tổ chức. Nhưng hoá ra, thực tế lại phức tạp hơn chương trình rất nhiều lần.

Hội nghị được tổ chức tại một khu trại nằm cách trung tâm khoảng 40 km, ngày thường đi mất 1tiếng, nhưng trong dịp hội nghị này với gần 200 đoàn nguyên thủ quốc gia hoặc lãnh đạo cao cấp, con đường đi lại lúc nào cũng tắc. Xe ưu tiên cũng chịu cứng, có khi mất 3 tiếng mới tới nơi.

Đoàn Việt Nam vừa hạ cánh lúc 5 giờ chiều, lập tức đi ngay tới chỗ họp. Vì quá đông đại biểu tới tham dự, các khách sạn của Rio đã bị quá tải, đoàn Việt nam bị chia ra ở 2 khách sạn khác nhau, cách nhau khoảng 30 phút đi taxi. Điều kiện của khách sạn nơi đoàn kỹ thuật ở chỉ khoảng 2 sao, nhưng cũng bị hét giá mỗi phòng... 320 USD.

Khách sạn của đoàn Việt Nam ở nằm ở 1 khu phố cổ - nơi ăn chơi về đêm. Ngay trước cửa là một discotec, thanh niên nam nữ đứng chật đường, họ ôm hôn nhau say sưa nhảy và có lúc kết thành những nhóm 4, 5 người lắc lư và cuồng nhiệt.

Thật khó ngủ, vì tiếng ồn ào và náo nhiệt của đám đông lúc nào cũng tưng bừng như vũ hội. Hai giờ sáng, tôi ngó từ trên cửa sổ phòng tôi xuống thấy cảnh sát đến giải tán đám đông quá khích chiếm hết lòng đường để... nhảy nhót.

Ô tô bị tắc đường không qua được bóp còi inh ỏi. Nơi đây trời vừa vào đông, ấy vậy mà nhiệt độ vẫn khoảng 20 độ về đêm, 24 độ ban ngày, trời nóng và ẩm ướt, chẳng khác gì khí hậu nhiệt đới với độ ẩm cao như ở Việt Nam.

Sáng sớm, đoàn đại biểu Việt Nam đi tới nơi diễn ra hội nghị, Thật ngoài sức tưởng tượng, chiếc xe chở chúng tôi trôi đi trong dòng xe bị tắc tưởng như bất tận. Xe đi ngang qua những khu nhà ổ chuột ở ngoại ô, cạnh những con kênh đen, bẩn thỉu đầy rác, còn kinh khủng hơn cả nước sông Tô Lịch.

Những ngôi nhà chồng chất lên nhau, vô tội vạ, chẳng theo một quy hoạch nào cả, đa phần chỉ được xây bằng gạch thô, chứ cũng chẳng được trát xi măng, hầu hết đều không có mái ngói hoặc trần lát... Trông vô cùng tạm bợ. Đây cũng là  nơi hay xảy ra các tệ nạn xã hội.

Giáo dục và những "chương trình xanh"...

Sau hơn 2 tiếng trên đường cuối cùng, xe cũng tới nơi. Hội nghị thượng đỉnh Rio+20 vì sự Phát triển bền vững, diễn ra trong bối cảnh cả thế giới đang lâm vào tình trạng suy thoái kinh tế, đặc biệt là Châu Âu. Hầu hết các nước lần lượt rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công, dẫn đến việc phải cầu viện sự trợ giúp từ bên ngoài.

Có rất nhiều vấn đề được các đoàn đại biểu chăng khẩu hiệu để gây sự chú ý của mọi người. Một nhóm từ Nhật Bản mang biểu ngữ: "Hãy ngừng sử dụng điện hạt nhân ở mọi nơi trên thế giới!". Nhóm khác lại bày tỏ sự phẫn nộ: "Hãy bắt những kẻ làm bẩn trái đất làm sạch trái đất này..."

Nơi nơi đều bàn về các chương trình xanh: Tăng trưởng xanh, năng lượng xanh...

Mỗi nước được chuẩn bị phát biểu 1 bài trong thời gian rất hạn chế. Bài của Đoàn VN do Phó TT Nguyễn Thiện Nhân trình bày trực tiếp bằng tiếng Anh. Thứ tự phát biểu sẽ theo thứ tự ưu tiên của các cấp phát biểu, từ Tổng thống tới Chủ tịch nước rồi, Thủ tướng, Phó TT, sau cùng là các vị Bộ trưởng.

"Chương trình xanh" thể hiện ngay trong môi trường, nơi con người sinh sống. Chúng tôi đến thăm 1trường ĐH ở ngay thành phố. Quả là 1 khu rừng thu nhỏ. Trong trường vắng lặng - tất cả sinh viên đã được cho nghỉ theo chính sách chung của ngài Thị trưởng, nhằm đảm bảo việc đi lại cho các đại biểu tới họp Hội nghị Rio+ 20.

Tôi bước trong tiếng lạo xạo của lá, lẫn vào đó là những quả bơ, quả sakê rơi rụng đầy trên lối đi. Ngước mắt lên, những cây ăn quả khổng lồ này như  sẵn sàng trút xuống những quả chín mà chẳng ai có thể trèo lên để hái được vì quá cao. Những cây mít, những rặng tre, vầu, trúc mọc rải rác y như rừng tại Việt Nam vậy.

Trường ĐH  PUC là 1 trong những trường lớn nhất tại thành phố. Lý do đưa tôi đặt chân tới ngôi trường này, tới miền đất xa lạ này cũng rất bất ngờ.

Vào dịp tháng 4, khi sang Hàn Quốc họp với các nhà tư vấn giáo dục của các nước Đông Bắc Á, mới hay, có rất nhiều sinh viên Brazil đã sang khu vực này học tập. Vào cuối tháng 5, khi sang Mỹ họp NAFSA, tôi đã tìm gặp các nhà giáo dục Brazil và được giới thiệu chương trình "Khoa học không biên giới" của Chính phủ Brazil - 1 chương trình rất "tuyệt", theo quan niệm của người viết bài.

Đây là một cố gắng lớn của Chính phủ Brazil cho việc hội nhập quốc tế của ngành giáo dục đang có nguy cơ bị tụt hậu vì bị cô lập với bên ngoài bởi rào cản ngôn ngữ và các chính sách.

Nó sẽ nhanh chóng giúp Brazil thoát khỏi tình trạng cô lập trong thế giới xung quanh, khi tiếng Bồ Đào Nha độc tôn tại các trường học nơi đây. Nó sẽ giúp học sinh, sinh viên Brazil hướng ngoại hơn, tìm hiểu ra bên ngoài hơn, sẵn lòng ra nước ngoài hơn và ngược lại sẽ mở lòng hơn đón nhận sinh viên quốc tế.

Chương trình có thể tóm tắt như sau: Chính phủ Brazil sẽ tài trợ cho khoảng 100.000 sinh viên Brazil đi học 1 năm ở nước ngoài trong thời gian học ĐH, hoặc làm thực tập sinh, nghiên cứu sinh. Khuyến khích các nhà khoa học Brazil ra nước ngoài tham gia vào các chương trình nghiên cứu ở các trường quốc tế.

Ngược lại, chương trình sẽ tài trợ và thu hút các nhà khoa học trẻ sang Brazil nghiên cứu trong 2 - 3 năm, hoặc các nhà khoa học có tên tuổi tới đây làm cố vấn hướng dẫn cho các nhà khoa học trẻ nghiên cứu làm tiến sỹ trong 1 hoặc 2 tháng/ năm.

Đây là một cố gắng lớn của Chính phủ Brazil cho việc hội nhập quốc tế của ngành giáo dục đang có nguy cơ bị tụt hậu vì bị cô lập với bên ngoài bởi rào cản ngôn ngữ và các chính sách.

Giờ đây chắc chắn đã  khác, chính sách này chắc chắn sẽ thu hút được những sinh viên, nhà khoa học trẻ sang học tập, nghiên cứu, hợp tác. Hỏi thăm anh Nghĩa- người lái xe taxi Việt kiều tại đây cho biết, cả thành phố Rio này chỉ có 2 người Việt Nam. Còn ở cả Brazil thì có khoảng 200 người - một con số quá nhỏ so với cả một đất nước rộng lớn đầy tiềm năng như Brazil.

Trước khi ra sân bay về nước, chúng tôi còn kịp đi thăm tượng Chúa trên đỉnh núi Corcovado nhìn xuống Vịnh biển Rio. Đây quả xứng danh 1 trong các kỳ quan thế giới.

Tôi đã từng đến thăm thành phố Lisbon của Bồ Đào Nha vài lần, ngắm nhìn bức tượng Chúa - tương tự như bức này nhưng bé hơn - nhìn xuống Vịnh biển của thành phố Lisbon và chiếc cầu bắc qua Vịnh biển tương tự  như cầu Golden gate ở thành phố Sanfrancisco của Mỹ.

Thấy rằng sự giao lưu văn hoá toàn cầu đã mang lại cho mỗi quốc gia những cách tư duy mới, và hoạch định chiến lược phát triển để hội nhập...

Người ta nói trái đất tròn, con đường từ Việt Nam tới Brazil tuy rất dài nhưng hoá ra lại rất ngắn. Sau hơn 2 ngày làm việc cật lực và vượt qua được những khác biệt về thời gian với những đêm không ngủ, đoàn chúng tôi lại lên đường về nước với những trải nghiệm thật khó quên.

Tạm biệt nhé, Brazil, hẹn ngày trở lại!
-----------------
  Tác giả: Đào Hương // Nguồn: Tuần Việt Nam

  • Top 10 khách sạn tốt nhất thế giới
  • Thiên đường dành cho mèo ở Đài Loan
  • Vì sao Bangkok hấp dẫn du khách quốc tế?
  • Mùa thu Sydney
  • Cùng đón Tết té nước của người Thái tại Bangkok
  • Năm ngày trên đất nước Chùa Tháp
  • Sân bay hấp dẫn khách... không bay
  • Khám phá vẻ đẹp của "thành phố tương lai" Dubai
  • Bất ngờ Rabat
  • Viếng chùa Phật Nha ở Singapore
  • Manukan tràn ngập nắng gió
  • Cảm nhận “cuộc sống tuyệt vời” bên vịnh Marina
  • Dạo chơi Kampot
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com