Đêm Bàngkok, nhìn từ tháp Baiyoke Sky. |
Bangkok là một trong những thành phố hiện đại và náo nhiệt nhất khu vực Đông Nam Á. Vừa đặt chân xuống phi trường Suvarnabhumi, chúng tôi đã cảm nhận không khí nhộn nhịp đầy sức sống ở cửa ngõ ra vào đất nước Thái Lan và quên bẵng đi những e ngại sau một thời gian dồn dập những sự kiện bất ổn xã hội, chính trị ở đất nước này.
Theo anh hướng dẫn viên du lịch người Thái, đây là sân bay quốc tế mới tại Bangkok, hoạt động từ năm 2006, tên gọi Suvarnabhumi (đọc phiên âm tiếng Việt là Xu-va-na-bum) có nghĩa là “đất vàng” dùng để ám chỉ vùng đất Thái Lan là vùng đất vàng bạc, giàu có, thịnh vượng.
Thật không hổ danh khi Suvarnabhumi được xếp trong nhóm 18 sân bay nhộn nhịp nhất thế giới. Khi đặt chân xuống nơi đây, cảm nhận đầu tiên của tôi là sự choáng ngợp, mọi thứ đều quá đỗi hoành tráng. Suvarnabhumi lớn quá, nhộn nhịp quá, dòng người nối nhau tuôn chảy khắp mọi nẻo, dễ khiến cho người mới đến lần đầu dễ bị lạc lối, cuốn đi theo dòng người đó cứ như bị thôi miên.
Một góc sân bay quốc tế Suvarnabhumi, Bangkok. |
Sau một lúc đi bộ lòng vòng tôi mới đến được quầy làm thủ tục nhập cảnh, xong lại đi tiếp một đoạn khá xa mới đến nơi lấy hành lý. So với Tân Sơn Nhất thì Suvarnabhumi quả thật to lớn hơn nhiều. Vừa ra khỏi nhà ga hành khách, một cô gái Thái xinh đẹp với nụ cười thật tươi bước đến choàng vòng hoa lan vào cổ tôi và chụp cùng tôi một tấm hình kỷ niệm. Đó là hình ảnh đầu tiên trong mắt tôi về sự thân thiện, mến khách của người Thái.
Có thể đối với những người đã có nhiều dịp xuất ngoại, nhất là đến các nước phát triển ở châu Âu, Mỹ... sẽ không đồng tình với những nhận xét của tôi về đất nước Thái Lan trong bài viết này; nhưng thiển nghĩ, với một thanh niên sinh trưởng tại Sài Gòn mới bước sang năm thứ hai trong giảng đường đại học như tôi thì cảm nhận - tất nhiên là rất chủ quan - về những điều tai nghe mắt thấy ở xứ người không phải là không có nguyên cớ.
Cảm nhận đầu tiên
Xe của hãng lữ hành đưa chúng tôi về khách sạn. Trên đường đi, tôi có cơ hội ngắm nhìn đường phố Bangkok. Tất cả đều gây ấn tượng mạnh với tôi. Đường cao tốc chồng lên nhau đến ba, bốn tầng, mỗi đường có ba làn xe lên và xuống. Rộng lớn vậy nhưng thành phố này vẫn hàng ngày phải đối mặt với tình trạng kẹt xe hàng giờ đồng hồ do lượng xe ô tô quá sức lớn.
Đêm Bangkok nhộn nhịp phố phường. |
Đêm Bangkok không phải là thời gian ngơi nghỉ, cứ như ở đây người ta không ngủ. Ban ngày, ngoài những lúc cao điểm đầu và cuối giờ đi làm, đường phố thưa hẳn, ít xe cộ hơn, thế nhưng từ sau 9 giờ tối, dường như thành phố mới... thức dậy, hoạt động rộn ràng. Những cửa hàng bán đồ ăn, cà phê, quán bar… đồng loạt mở cửa, nhạc mở xập xình, xe cộ đông đúc, phố phường náo nhiệt, du khách nước ngoài túa ra đường dày đặc. Dạo qua các con phố lớn, bạn có thể nghe đủ loại ngôn ngữ như tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Ấn Độ, tiếng Pháp… và cả tiếng Việt nữa.
Thả bộ trên đường phố Bangkok, chốc chốc du khách lại gặp những thanh niên đưa những tấm hình các cô gái ăn mặc "mát mẻ”, mời gọi khách đi massage, xem vũ thoát y … với những mức giá trên trời. Những trò giải trí như thế đầy rẫy ở Bangkok, nếu thích bạn nên tự tìm hiểu trước, hỏi nhân viên khách sạn hoặc hướng dẫn viên địa phương hay người quen tại chỗ và chủ động tìm đến những nơi đó. Nếu dễ dãi nghe theo những anh "cò" đường phố này du khách có thể bị lừa với những chiêu rất tinh vi, có thể mau chóng "thủng túi", thậm chí có thể trở nên “nghèo” giống như những cô gái trong hình luôn đấy!
Đi chợ ở Bangkok cũng là một thú vui hấp dẫn. Trong chợ bán đủ loại mặt hàng, nhưng chủ yếu là quần áo thời trang, túi xách, bóp tiền… chỉ có điều, giá bán thì mới nghe đã thấy "choáng". Những người bán hàng ở Bangkok thường nói thách đến gần chục lần giá thật. Ai thường đi chợ ở Việt Nam chắc có dịp trổ tài trả giá.
Đường phố Bangkok ngày đêm đông đúc xe cộ lưu thông. |
Nói vậy thôi, chứ người bán hàng ở Thái rất hiền. Khách tha hồ trả giá tùy thích, được giá thì họ bán, không thì thôi, rất thoải mái cho cả đôi bên. Thậm chí, dù khách có trả quá thấp người bán hàng vẫn cười vui vẻ và lắc đầu. Họ không bao giờ chửi khách hay... đốt phong long như ở Việt Nam.
Vì vậy, khi đi chợ ở Bangkok, du khách cần "tỉnh táo", đừng vì gặp món hàng vừa ý mà lộ vẻ thích thú, mê mẩn sẽ dễ bị "hét" giá lên trời. Ở Bangkok, khi vào những quầy hàng không treo bảng giá, bạn cứ vô tư mà trả giá. Và cũng nên biết rằng khi bạn mua số lượng càng nhiều thì việc trả giá sẽ dễ dàng hơn khi bạn chỉ mua một món hàng ít giá trị.
Đi taxi ở Bangkok cũng khác với TPHCM. Thường thì khi khách lên xe, đồng hồ tính cước sẽ chỉ 35 baht (cho cây số đầu tiên), càng đi xa, đơn giá giảm dần. Nhưng đi taxi vào giờ cao điểm hoặc từ sau 9 giờ tối, lái xe thường không bật đồng hồ nữa mà đưa ra giá tiền sau khi khách nói nơi đến. Khách đi xe có quyền trả giá, nhưng dù có trả giá "siêu" cỡ nào thì cũng không bao giờ rẻ hơn hoặc bằng giá với đồng hồ được.
Gặp trường hợp lái xe không chịu bật đồng hồ tính cước, bạn nên từ chối dứt khoát, đi bộ một đoạn ra khỏi khu mua sắm và bắt xe taxi khác. Đó là cách để tránh bị bắt chẹt giá cước khi đi taxi ở một thành phố xa lạ, tất nhiên đòi hỏi bạn phải kiên nhẫn. Có điều, không biết là cánh lái xe ở Bangkok có dở trò lưu manh chở khách chạy vòng vèo để lấy tiền như ở Sài Gòn không?!
Kiến trúc xưa và nay
Tòa nhà Baiyoke Sky - cao nhất Bangkok với 84 tầng. |
Đến Bankok, bất kỳ du khách nào cũng nhìn thấy tòa nhà Baiyoke Sky, khách sạn 4 sao với 84 tầng cao sừng sững ở khu trung tâm thành phố. Đây là tòa nhà cao nhất Bangkok và cũng là cao nhất Thái Lan. Khách sạn này dành hẳn 3 tầng phục vụ 3 loại buffet, gồm buffet các món châu Á, buffet các món châu Âu và buffet quốc tế.
Buffet quốc tế có giá vé cao nhất, khoảng 650 baht (gần 460.000 đồng) với hơn 200 món ăn của nhiều nước trên thế giới, tọa lạc tại tầng thứ 81 sẽ cho thực khách một cảm giác mới lạ khi thưởng thức bữa ăn đầy đủ hương vị và ngắm nhìn Bangkok về đêm từ trên cao.
Sau bữa buffet vừa no mắt vừa no bụng, chúng tôi theo cầu thang bộ lên tầng 84 - tầng cao nhất của Baiyoke Sky. Đứng ở lan can có thể xoay tròn được, chiêm ngưỡng vẻ đẹp toàn cảnh Bangkok về đêm lấp lánh ánh đèn huyền ảo, chợt thấy nhẹ nhàng, thanh thản đến lạ. Từ đây phóng tầm mắt hướng về chân trời mới cảm nhận sự bao la với một cảm giác khoáng hoạt mà tôi chỉ có thể gọi đó là “một cảm giác rất Baiyoke!”.
Chùa Phật Vàng. |
Một kiến trúc khác của Bangkok nổi tiếng từ lâu là ngôi Chùa Vàng (hay còn được gọi là Chùa Phật Vàng). Thật đúng với tên gọi, đến đây bạn thấy đâu đâu cũng được mạ vàng sáng lóa cả mắt.
Tương truyền, ngày xưa có một nhóm người Trung Hoa sang đất Thái Lan lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Sau khi ổn định được cuộc sống, họ muốn tạ ơn trời đất nên đã cùng nhau xây nên ngôi chùa này. Chùa xây xong rồi nhưng tiền không còn đủ để đúc tượng Phật. Gần đó có một ngôi chùa khác đã rất lâu đời, có một pho tượng Phật làm từ đá vôi trắng, để ngoài trời. Nhóm người Trung Hoa này xin thỉnh pho tượng này về chùa mới.
Trong lúc chuyển pho tượng đá vôi đưa lên vị trí ở trên cao, vô tình sợi dây buộc tượng bị đứt, pho tượng rơi xuống, vỡ một mảnh ở đấu gối pho tượng. Thật bất ngờ! Nhìn qua chỗ sứt mẻ đó, người ta phát hiện ra bên trong có một khối vàng óng ánh. Người ta quyết định đục bỏ lớp đá vôi bên ngoài đi thì hiện ra bên trong là một pho tượng Phật được đúc bằng vàng khối, cao 3 mét, nặng đến 5,5 tấn. Một thời gian sau, người ta nghiên cứu phong thủy và quyết định xây dựng một tòa tháp lớn với đài sen bằng cẩm thạch rồi chuyển pho tượng về đó an vị.
(Theo Thời báo kinh tế SG)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com