Thành phố Vientiane, thủ đô nước bạn Lào, chỉ cách Thái Lan bằng dòng sông Mê Kông. Bên kia là làng mạc người Thái, bên này người Lào đã biến thành một thành phố đẹp ngoảnh ra dòng sông kiêu hãnh. Ở đó, có một khu phố mang dáng dấp châu Âu hiện đại, cổ kính.
Lạc vào trời Âu
Viêng Chăn (Vientiane) một ngày chớm đông. Khi chút lạnh giá chen vào cái nắng hanh khô nơi xứ bạn, tôi rảo bước trên con phố nhỏ của miền đất Triệu Voi để mong chụp được những bức ảnh đẹp. Khu vực Patuxay, nơi được gọi là tượng đài chiến thắng hay còn gọi là khải hoàn môn của người dân Viêng Chăn xây dựng nên để tưởng nhớ những người anh hùng chiến đấu giải phóng dân tộc. Từ Patuxay tới bờ sông Mê Kông cách không bao xa. Quanh Patuxay là lâu đài của các toà thị chính cổ kính, hiện đại. Patuxay trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch, vì từ đây còn nối liền với ThatLuang, biểu tượng của đất nước Lào.
Buổi bình minh, dòng người khắp nơi đổ về kín quảng trường Patuxay để chiêm ngưỡng toà tháp và tận hưởng không khí trong lành của không gian thoáng đãng bên dòng sông Mê Kông. Đứng trên tầng bốn của tháp Patuxay, du khách có thể nhìn thấy toàn cảnh của thủ đô Viêng Chăn. Một màu xanh trong của con sông huyền thoại nằm giữa Viêng Chăn cổ kính và đất nước Thái Lan giàu đẹp.
|
Anh Anuxanuvon, một kiến trúc sư người Lào cho biết: Hầu hết các công trình nhà cửa và đường phố ở khu vực này đều được xây dựng theo kiến trúc châu Âu, nhất là kiến trúc Pháp, nhưng dù được xây dựng rất hiện đại nhưng không mất đi phong cách kiến trúc của người Lào. Từ dãy phố Ruesetthathirath đến đường Laundrymixay, vành qua dãy phố Hophakeo… ngoài nhà cửa hiện đại mang phong cách châu Âu, thỉnh thoảng còn xen vào những ngôi chùa cao chót vót mang đậm kiến trúc đặc trưng của Lào.
Rảo bộ ngược bờ Mê Kông, tôi bắt đầu như lạc vào một thế giới của châu Âu. Một dãy phố mang phong cách hiện đại kiêu hãnh ngoảnh mặt ra bờ sông. Đường phố sạch đẹp và tĩnh lặng, du khách di chuyển chủ yếu là đi bộ. Khách sạn 5 sao cao hơn hai mươi tầng đầu tiên mọc lên, có lẽ đây là công trình cao nhất của thủ đô Viêng Chăn hiện nay, khách sạn mang tên Donchan Palace Hotel. Nối tiếp là dãy phố cổ kính, hai bên đường san sát nhà hàng dành để phục vụ khách du lịch phương Tây. Con phố Ruesetthathirath dài chưa đầy nửa cây số nhưng có đến hàng trăm nhà hàng đều mang tên nước ngoài. Bước vào nhà hàng Roma, cô nhân viên có tên Leng Saharutikham cho biết, nhà hàng này của một ông chủ người Lào, các món ăn chủ yếu chế biến theo hương vị của người Italia nên rất nhiều du khách châu Âu vào đây.
Chiều tà, người du lịch bắt đầu về ăn tối bên bờ sông Mê Kông rất đông. Nhà hàng nào cũng đầy ắp khách phương tây, hiếm hoi lắm tôi mới thấy khách vùng châu Á. Theo chân ba bốn du khách người Anh vào nhà hàng treo biển “Retauran Nam Phú”, được biết ông chủ nhà hàng là người Việt Nam. Điều làm tôi ngạc nhiên là giá cả không cao lắm so với một số nhà hàng khác ở trung tâm thành phố Vientiane. Cô nhân viên Lê Thu Hiền cho biết: Ngoài các món ăn phục vụ người phương tây, nhà hàng Nam Phú còn có rất nhiều món ăn khác phục vụ cho người Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan…nên lúc nào cũng tấp nập người vào ra.
Cũng nằm trên con phố này, nhà hàng mang tên Hungary cũng tấp nập khách. Cô Mariana Victoria, một du khách đến từ Hungary tâm sự, tới Vientiane họ thực sự như đang ở châu Âu, ngoài phong cảnh đẹp, nhiều di tích văn hoá hấp dẫn thì các món ăn ở Vientiane cũng luôn hợp khẩu vị với họ.
Phía sau nhà hàng này là một công viên nhỏ, có hệ thống vòi phun nước, kề bên là một siêu thị mini cho khách du lịch. Các nhân viên nhà hàng ở đây cho biết, thượng đế của họ hầu hết đến từ phương tây. Rất ít khi có người Lào hoặc một ai đó của Việt Nam hay Thái Lan vào đây mua sắm bởi hàng may mặc, thời trang không hợp phong cách và phải trả bằng đô la.
|
“Vương quốc” nói tiếng Anh
Vừa đặt chân đến dãy phố có tên gọi Souphanouvong, tôi bắt gặp hai người Lào chạy xe tuktuk chào mời du khách bằng tiếng Anh khá thạo. Dọc bờ sông Mê Kông giống như một công viên tình yêu. Nơi đây không chỉ dành cho trai gái Lào yêu nhau ra ngồi hóng gió mà còn có cả những cặp tình nhân nước ngoài. Một số trẻ em bán hàng rong cũng biết nói tiếng Anh. Sau lời chào mời, dù du khách không mua hàng cũng nhận được câu cám ơn bằng tiếng Anh từ những đứa trẻ này. Em Ankhămphalom (13 tuổi) tâm sự, buổi sáng đến trường học chữ, buổi chiều đi học thêm tiếng Anh, chập tối em ra phố người tây bán hàng rong kiếm tiền, nhưng chủ yếu là để được giao tiếp với du khách nước ngoài để rèn luyện kỹ năng tiếng Anh.
Được biết, trường hợp như em Ankhămphalom không phải là hiếm ở khu phố châu Âu này. Em Southone Phouny (12 tuổi) tâm sự, mấy ngày nay ở thủ đô Vientiane diễn ra sự kiện SEA Games 25 nên lượng du khách đổ về đây đông gấp nhiều lần so với những ngày bình thường. Nhà Southone Phouny có bốn chị em, được nghỉ học trong dịp SEA Gams 25 nên cả bốn đều đi bán hàng rong bên bờ sông Mê Kông, nhưng bán hàng chỉ là cái cớ, còn việc chính đó là đi phiên dịch cho du khách. Nhiều du khách phải thuê các em đi theo để phiên dịch từ tiếng Lào sang tiếng Anh. Ngày nào may mắn các em cũng kiếm được 50 đô la/người.
Vào một nhà hàng mang tên Tây Ban Nha, cô nhân viên quầy rượu tên là Nguyễn Thị Khánh Huyền, quê Hà Tĩnh (Việt Nam) tâm sự: Muốn vào làm việc cho các nhà hàng ở khu vực này, ngoài hình thức ưa nhìn, buộc nhân viên còn phải biết giao tiếp bằng tiếng Anh. Hầu hết các gia đình sống bên bờ sông Mê Kông thuộc thành phố Vientiane ai cũng biết sử dụng tiếng Anh. Sở dĩ nơi đây trở thành một vương quốc nói tiếng Anh là vì trẻ em được đi học từ bé, chưa kịp lớn các em đã được tiếp xúc với du khách nước ngoài từng ngày, từng giờ.
(Theo Phan Sáng // Báo Nghệ An Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com