Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đi tìm nàng Lakshmi

Trong hành trình đến miền chùa tháp, mỗi khi đi qua những đền đài, những vùng cố đô ngàn năm tuổi, hình ảnh nữ thần sắc đẹp Lakshmi, người vợ của thần Vishnu – một vị thần cao cả trong Hindu giáo – đã trở thành một câu chuyện lôi cuốn tôi bước vào hành trình đi khám phá vẻ đẹp của nàng Lakshmi qua các nét điêu khắc rải rác trong tổng số 1.800 ngôi đền dưới thời kỳ Angkor.

Tượng nữ thần Lakshmi khắc trên nền gạch nung ở đền Krovan.

Với một nền văn minh Angkor rực rỡ, biết bao điêu khắc của những tường thành miêu tả những huyền tích từ sử thi Mahabharata, Ramayana đến những chuyện kể vang vọng từ quá khứ ngàn năm dưới các triều vua trị vì một đế chế hùng mạnh. Trong tất cả các điêu khắc ấy, hình bóng nàng Lakshmi hiếm khi xuất hiện, và để diện kiến được dung nhan của nàng tôi đã rong ruổi trên một hành trình dài đi qua những ngôi đền vẫn còn ôm trọn trong mình những bí ẩn khó giải đáp với những người hậu thế.

Lakshmi – nàng là ai?

Lời giải đáp ấy nằm ở mảng điêu khắc trên vách tường phía đông của Angkor Wat – biểu tượng về kiến trúc trong tất cả các đền đài của thời kỳ Angkor – thể hiện rõ trích đoạn trong sử thi Ramayana miêu tả rằng: nữ thần Lakshmi sinh ra trong tích khuấy biển sữa tìm thuốc trường sinh của các vị thần và quỷ dữ. Ngày xưa, các vị thần tổ chức tiệc mừng và mời đạo sĩ dưới trần gian lên dự, đạo sĩ mang theo món quà tặng cho các vị thần, khi mở quà các thần chế nhạo vì thấy không giá trị. Vị đạo sĩ tức giận để lại lời nguyền: các thần dù có phép nhưng rồi cũng chỉ sống và chết như người phàm. Các vị thần hoảng sợ tìm đến thần Vishnu, thần Vishnu cho biết có một loại thuốc trường sinh dưới biển sữa, nếu khuấy cạn sẽ tìm được thuốc trường sinh.

Các vị thần chung sức cùng loài quỷ dữ dùng rắn thần Naga và núi Meru ở Hymalaya để làm điểm tựa khuấy biển sữa trong 1.000 năm, khi biển sữa gần cạn, núi Meru lún dần, thần Vishnu hoá thân thành rùa chống núi lên. Biển sữa cạn dần, nữ thần sắc đẹp Lakshmi nổi lên đầu tiên, thần Vishnu liền nhận nàng làm vợ. Sau đó đến các linh vật như ngỗng thần Hamsa, bò thần Nandin, chim thần Garuda, voi ba đầu Ganesha, tiên nữ Apsara... cũng lần lượt nổi lên từ biển sữa. Khi ấy có một con quỷ hoá thân thành một vị thần chính là thần gió Rehu, chờ cơ hội khi các thần khác đang ngắm Apsara, liền lén chộp lấy lọ thuốc trường sinh uống, giọt nước thần mới chảy đến cổ họng con quỷ, thần Vishnu phát hiện ra và lấy vòng lửa phóng đứt đầu con quỷ. Vì vậy, con quỷ chỉ trường sinh bất tử có cái đầu thôi, bởi vậy gương mặt thần gió Rehu trên các mảng điêu khắc ở thời kỳ Angkor trông rất dữ tợn, nhưng đã được trường sinh bất tử. Khi các vị thần được thần Vishnu phân phát và uống nước thần, từ đó có sức mạnh, và trở nên trường sinh, vì vậy mới đủ sức tiêu diệt hết các loài quỷ dữ.

Một chóp mái của đền Preah Vihear với mảng điêu khắc vũ thần Lakshmi.

Lakshmi trong kiến trúc Angkor

Thời kỳ Angkor có 12 công trình kiến trúc đáng chú ý, có thể kể đến Sambo Preykuk, (kiến trúc Pray Khmeng, kiến trúc Kleng,) rồi đến kiến trúc Bakheng, kiến trúc Angkor, kiến trúc Wat Phou – có những đền như Wat Phou, Preah Vihear. Kiến trúc Bayon, gồm đền Bayon, Tah Prom, Preak Khan, Banteay Chmar. Kiến trúc Banteay Srey – có ngôi đền Banteay Srey… trong tổng số 12 công trình ấy, hình tượng nàng Lakshmi đã xuất hiện ngay từ lối kiến trúc đầu tiên, nơi khởi phát cái nôi của đế chế Angkor hùng mạnh – ngôi đền Sambo Preykuk được triều vua Isanavarman I (615 – 635) xây dựng ở tỉnh Kompong Thom.

Theo sách sử, cả tỉnh Kompong Thom có 177 ngôi đền, và nay chỉ mới tìm ra được 140 ngôi đền. Riêng trong quần thể Sambo Preykuk có 54 ngôi đền lớn nhỏ chia làm bốn cụm đền, nằm trong diện tích 30km2. Đang vào mùa khô, những ngôi đền dần hiện ra dưới tán rừng già với lối kiến trúc bằng gạch nung không có chất kết dính quen thuộc. Khi đến cụm đền Yeai Poeun ở phía nam của Sambo Preykuk, tôi chợt nhận ra hình tượng nàng Lakshmi được khắc trên nền gạch nung. Nàng đứng đó, dù thời gian đã bào mòn nhiều đi sắc đẹp và dung nhan của nàng, chỉ còn lại chút hình ảnh mờ mờ ảo ảo, nhưng đó là một minh chứng cho thấy vẻ đẹp của nàng Lakshmi đã ngự trị trong các đền đài của đế chế Angkor ngay từ buổi ban đầu.

Hành trình vạn dặm Angkor lại đưa tôi đến với ngôi đền Preah Vihear, giáp biên giới Thái Lan và Campuchia. Trên đỉnh núi Don Rek, nơi ngôi đền Preah Vihear linh thiêng và danh tiếng toạ lạc, kiến trúc của ngôi đền này được chọn làm bản sao cho rất nhiều những kiến trúc sau này của thời kỳ Angkor như dãy hành lang dài của đền Angkor Wat, hay các chóp mái cong vút thể hiện hình tượng rắn thần Naga ở đền Banteay Srey… Và trên một mảng điêu khắc ở cổng đền, tôi lại thấy bóng hình nàng Lakshmi đứng đó trong tích truyện khuấy biển sữa tìm thuốc trường sinh được chạm trên nền đá sa thạch xanh, với những đường cong nảy nở, thể hiện một biểu trưng cho vẻ đẹp của người phụ nữ trong suốt thời kỳ Angkor.

Trở lại Siem Reap, khi đến ngôi đền Banteay Srey – biểu tượng điêu khắc nổi bật của thời kỳ Angkor. Ngôi đền có rất nhiều những hình tượng các nàng tiên nữ tượng trưng cho vẻ đẹp thuỳ mị của người phụ nữ Campuchia thời kỳ Angkor được điêu khắc một cách tinh tế, hài hoà trên nền đá sa thạch đỏ – một vật liệu hiếm trong kiến thiết các đền đài của thời kỳ Angkor. Nhưng có một vẻ đẹp được tôn thờ ở vị trí cao hơn, đó chính là hình ảnh nàng Lakshmi trên một mảng trang trí đầy tinh tế, sống động. Bức điêu khắc miêu tả lại thần tích hai con voi thần – cũng nổi lên từ biển sữa trong tích khuấy biển sữa tìm thuốc trường sinh – đang tắm cho nàng Lakshmi trước lễ thành thân cùng thần Vishnu.

Nữ thần Lakshmi đang được hai voi thần tắm cho
nàng trước lễ thành thân cùng thần Vishnu ở đền Banteay Srey.

Đền thờ Lakshmi

Trong tổng số 1.800 đền đài của thời kỳ Angkor, bóng hình nàng Lakshmi như một vẻ đẹp khi đầy bí ẩn trong những đền đài, khi đầy cuốn hút như đang từ sử thi Ramayana bước ra với hậu thế. Và có một điều đặc biệt, trong tổng số 1.800 đền đài ấy, chỉ có duy nhất một ngôi đền xây nên mang mục đích tôn vinh vị nữ thần sắc đẹp Lakshmi, ngôi đền ấy có tên gọi Krovan, nằm ở phía đông khu quần thể Angkor Wat, được xây dựng từ cuối thế kỷ thứ 10.

Tổng thể kiến trúc của đền được xây bằng chất liệu gạch nung, tuy giản đơn thô sơ nhưng vẫn là một dấu hỏi lớn với người hậu thế, không hiểu vì sao những khối kiến trúc ấy lại có thể vững chãi, vượt thời gian hàng thế kỷ. Tuy nhiên, rất dễ nhận ra đền Krovan đang trong giai đoạn xây dựng và chưa hoàn tất, bởi các đền đài ở thời kỳ Angkor khi hoàn tất phải có tường thành bao quanh, nhưng Krovan thì không có tường thành và còn nhiều chi tiết trang trí cho đền vẫn chưa hoàn thiện.

Điểm nổi bật nhất của đền là gian thờ có mảng điêu khắc nữ thần sắc đẹp Lakshmi với những đường cong nảy nở, những nét uyển chuyển của thân mình, cùng những hình khối điêu khắc các nàng tiên nữ Apsara hầu cận càng tôn lên vẻ đẹp của nữ thần Lakshmi trong sử thi Ramayana của Hindu giáo. Và có thể nói rằng, trong suốt hành trình đi tìm nàng Lakshmi qua các đền đài của thời kỳ Angkor, hình tượng nàng Lakshmi ở ngôi đền Krovan – một ngôi đền hiếm hoi thờ vị nữ thần sắc đẹp – cho đến nay vẫn là hình tượng điêu khắc vị nữ thần sắc đẹp một cách tinh tế nhất, hoàn hảo nhất mà tôi được dịp trải nghiệm và khám phá.

Mảng điêu khắc tích khuấy biển sữa ở tường thành phía đông đền Angkor Wat.
Krovan - ngôi đền duy nhất trong tổng số 1.800 ngôi đền ở thời kỳ Angkor thờ vị nữ thần sắc đẹp Lakshmi.

(Theo bài và ảnh: Nguyễn Đình/sgtt)

  • Top 10 khách sạn tốt nhất thế giới
  • Thiên đường dành cho mèo ở Đài Loan
  • Vì sao Bangkok hấp dẫn du khách quốc tế?
  • Mùa thu Sydney
  • Cùng đón Tết té nước của người Thái tại Bangkok
  • Dubai: shopping không ngừng nghỉ
  • Ai Cập: nhật ký biển đỏ
  • Vancouver - Thành phố lý tưởng nhất thế giới
  • Nhớ miền Bắc Thái
  • Đến Nhật ngắm hoa anh đào
  • Top mười thành phố đáng sống nhất trên thế giới
  • London là thủ đô mua sắm lớn nhất của thế giới
  • Fiji vào tốp địa điểm hưởng tuần trăng mật lý tưởng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com