Trường quay phim Nàng Ðê Chang Kưm, do Công ty điện ảnh MBC dựng tại thung lũng Văn hóa ở tỉnh Ghi-ông-ghi, đã trở thành công viên văn hóa mở cửa đón khách tham quan, ngay sau khi phim được công chiếu tại Hàn Quốc. Trên diện tích hơn hai nghìn mét vuông, du khách được tận mắt tham quan những địa điểm đã thấy trong phim: Khu vườn Ðại Ðiện, Ngự thiện phòng, cổng Hồng Hoa, nơi ở của Ðê Chang Kưm lúc mới vào cung, thư viện nơi Ðê Chang Kưm và Min Chung Hô lần đầu gặp nhau, rồi nơi diễn ra các cuộc thi tài nấu ăn, nơi Ðê Chang Kưm, Ma-ma Han bị giam, bị tra tấn... Mi-sen, cô hướng dẫn viên du lịch Hàn Quốc có hơn chục năm kinh nghiệm đưa khách nước ngoài tham quan xứ sở Kim Chi miệng nói, tay hướng dẫn khách sử dụng những dụng cụ làm bếp của Ðê Chang Kưm, khiến khách rất hứng thú. Ðến nơi Ðê Chang Kưm lật chum lên để lấy bức thư của mẹ, Mi-sen chỉ vào những sợi dây giăng chung quanh và hướng dẫn mọi người buộc những dải lụa lên cầu may mắn...
Tận mắt tham quan, tận tay sử dụng đạo cụ phim, hình ảnh và câu chuyện Ðê Chang Kưm tái hiện trước mắt du khách. Bộ phim không còn chiếu tại các rạp, hay trên truyền hình, nhưng những người làm phim một lần nữa nhận được tình cảm mến mộ của công chúng. Có thể nói, điện ảnh đã giúp du lịch thu hút khách, ngược lại du lịch quảng bá và ghi dấu ấn cho điện ảnh.
Ðảo Chê-chu được xem là thiên đường du lịch ở Hàn Quốc, nơi có khí hậu bán nhiệt đới, tiết trời bốn mùa rõ rệt, nơi nổi tiếng với những đợt sóng xô bờ cao hơn 20m, nơi người Hàn Quốc thường chọn đi hưởng tuần trăng mật, nên còn gọi là "Ðảo trăng mật"... Sáng sớm thức dậy ngắm mặt trời mọc trên đảo thiên đường. Tham quan đỉnh Han-la-xan, một trong những ngọn núi lửa phun nham lớn nhất thế giới, đã làm nên đảo Chê-chu hơn triệu năm trước. Phóng tầm mắt ngắm nhìn những dãy núi kỳ ảo, hay thác nước hùng vĩ. Mua vài món đồ lưu niệm làm từ đá nham thạch, thưởng thức đặc sản quýt ngọt của đảo...
Ở Chê-chu, người ta nhắc tới vườn sinh thái của ông chủ Xăng Bum Y-ăng như một địa chỉ không thể bỏ qua, với tên gọi rất ấn tượng: "Vườn tinh thần". Vườn rộng 24 héc-ta, trồng hơn hai nghìn cây bon-sai thuộc khoảng 100 loài khác nhau và được xem là vườn sinh thái, cây cảnh lớn nhất thế giới. Nhiều nhà lãnh đạo các nước, như Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào, cựu Thủ tướng Nhật Bản Y.Na-ka-xô-nê..., các chính khách, các chuyên gia sinh thái, người yêu cây cảnh và làm vườn trên khắp thế giới đã thăm "Vườn tinh thần" của ông Xăng. Lý giải về tên gọi, ông Xăng nhớ lại những ngày đầu tiên, vào năm 1968, ông tới đảo Chê-chu và khởi nghiệp trên vùng toàn đá nham thạch. Người địa phương cười chế nhạo khi ông đào đá, san vườn trồng cây cảnh, mà không hề có một dụng cụ, phương tiện hiện đại nào, chỉ với ý chí quyết thực hiện cho được ước mơ xây vườn sinh thái. Và phải đến 24 năm sau, ước mơ ấy mới thành hiện thực: Vườn cây cảnh chính thức mở cửa đón khách thăm vào năm 1992. Cái tinh thần mạnh mẽ giúp ông thực hiện ước mơ đã được đặt tên cho công trình...
Khu vực bếp Đê Chang Kưm.
Người ta thường gọi Chê-chu là "Ðảo ba nhiều": nhiều đá, nhiều gió và nhiều phụ nữ. Trước đây, phụ nữ Chê-chu là trụ cột gia đình, là lao động chính kiếm thu nhập từ nghề lặn bắt hải sản. Nay vẫn còn những phụ nữ theo nghề này, có người đã 50, 60 tuổi. Thế nhưng không nhiều người biết, đảo Chê-chu còn có "ba không": không kẻ cắp; không ăn mày; không đóng cửa! Quanh các ngôi nhà của người địa phương dịp đầu đông này là bạt ngàn mầu vàng tươi của quýt tới kỳ thu hoạch. Vườn san sát vườn, ranh giới chỉ là những hàng rào đá thấp... Và thêm một điều "không" nữa: VISA! Chê-chu là một trong số rất ít lãnh thổ trên thế giới mà khách du lịch nước ngoài tới thăm mà không cần thị thực nhập cảnh. Ðã có nhiều tuyến bay thẳng thiết lập giữa Chê-chu với nhiều nước và vùng lãnh thổ. Biện pháp đặc biệt này giúp Hàn Quốc thu hút hàng triệu khách du lịch tới Chê-chu mỗi năm.
Ðã từ lâu, không phải chỉ đặt chân đến "xứ sở kim chi" mới được thưởng thức món ăn truyền thống này. Thế nhưng rất thú vị được nếm vài lát bắp cải giòn, ngọt, chua, cay nồng trong tiết trời lạnh tới vài độ C ở ngay tại đất nước này. Có hơn một trăm loại kim chi, ngon nhất và phổ biến nhất là kim chi bắp cải. Có tới 16 thứ gia vị trộn lẫn: củ cải, hành, tỏi, gừng, ớt bột, đường, muối, tôm sống, tôm chua... Mùa đông lạnh, rau xanh thiếu, các gia đình Hàn Quốc làm và cất trữ kim chi từ vụ thu hoạch hè thu để đủ dùng cho cả mùa đông dài. Mi-sen nói, số ca bệnh SARS ở Hàn Quốc không cao một phần do thói quen ăn nhiều kim chi, dù đến nay chưa có thông tin khoa học khẳng định mối liên hệ rõ ràng giữa việc ăn kim chi và sức đề kháng đối với SARS.
Khách du lịch đến Hàn Quốc nhiều nhất là Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, châu Âu. Tổ chức Du lịch Hàn Quốc cho biết, thị trường các nước Ðông - Nam Á đang là đích ngắm mới của các công ty lữ hành Hàn Quốc. Mùa đông này ở Hàn Quốc, mầu xanh và ánh nắng không nhiều, nhưng tiết trời lạnh, tuyết rơi, những khu du lịch nghỉ đông..., cùng với không gian cổ kính, trầm lắng vẫn là điểm nhấn thu hút khách du lịch. Như bài hát dân ca Hàn Quốc mà Mi-sen cố tập cho du khách: A-ri-răng, A-ri-răng... Tôi trèo lên đỉnh núi A-ri-răng... Người yêu tôi đã đi rồi... A-ri-răng, A-ri-răng...!