Công viên quốc gia Karijini. |
Quá trưa, chúng tôi từ giã bờ Tây xứ Úc, đổi về hướng Đông đi vào vùng Pilbara. Trung tâm của vùng Pilbara là Vườn quốc gia Karijini và khu vực khai thác quặng sắt Hamersley. Càng đi sâu vào nội địa, nắng càng gay gắt, cảnh quan càng hoang vu.
Pilbara: quặng sắt và thiên nhiên Ở phía Nam, bây giờ là tiết xuân nhiệt độ 20 độ C ôn hòa. Ở đây, nhiệt độ vượt hơn 40 độ C. Máy lạnh của chiếc xe phải hoạt động tối đa. Các sinh hoạt của “sân sau” (outback) của nước Úc hiện rõ. Trên con đường thiên lý không một bóng xe, lâu lắm mới có vài chiếc “road train” ngược xuôi chở hàng hóa, thực phẩm, nhiên liệu cho các vùng sâu, hay bò, cừu đến những bến cảng xuất khẩu. “Road train” là những chiếc xe tải siêu hạng, một phương tiện chuyên chở quan trọng và hiệu quả của vùng outback, kéo một lúc ba chiếc rơ moóc có chiều dài tổng cộng gần 60 mét. Việc dự trữ xăng xe và nước uống rất quan trọng khi lái xe trên những con đường này. Những trạm xăng thường cách nhau 150-250 cây số. Đây không phải là những trạm xăng thông thường mà là “road house” (nhà bên đường) cung cấp xăng dầu, thức ăn, chỗ tắm rửa và qua đêm. “Road house” phải tự cung cấp nước từ những mạch nước ngầm và điện từ các máy phát điện. Chúng tôi tạm trú tại một “road house” giữa đường đi đến Karijini. Nhân viên của “road house” ở giữa chốn đồng không mông quạnh này là hai cậu người Anh thuộc nhóm Tây ba lô với “working visa” lang thang rày đây mai đó. Vừa mở cửa bước xuống xe, hơi nóng từ bên ngoài hắt vào như đứng trước một lò lửa. Tôi vừa nhận chìa khóa phòng vừa than phiền: “Trời nóng như thế này thì còn làm ăn nỗi gì?”. Anh nhân viên vừa cười, vừa “triết lý”: “Thời tiết nóng như thế này đã từ 20 triệu năm qua rồi ông ạ! Ở chốn này, từ thời tiền sử đến giờ vẫn y chang, không gì thay đổi”. Tôi bật cười trước cái dí dỏm nhưng chính xác của anh chàng Ăng-lê: “Tại sao anh không chọn chỗ nào thoải mái làm việc như đồng hương của anh mà tôi gặp ở thị trấn Carnarvon đấy?”. Anh ta phân trần: “Ông biết không, bên Anh rét mướt, trời u ám luôn. Nên hai đứa tôi ước mơ chọn một nơi ấm áp làm việc vài tháng kiếm thêm chút tiền, nào ngờ ở đây trời quá nóng không thích hợp với bọn xứ lạnh chúng tôi. À... mà nói nhỏ cho ông nghe, tụi tôi phải rời khỏi nơi này trước khi mùa hè ập tới, nghe đâu nhiệt độ lên sẽ đến 50 độ C. Hai tuần nữa tụi tôi sẽ vọt đi Singapore trở về với văn minh”. Vừa nói anh ta vừa rón rén ngoái cổ nhìn phía sau nhà bếp nơi bà chủ với cái dáng người phốp pháp trông khó tính đang làm việc. Nhận xong chìa khóa, chúng tôi đi về hướng các dãy “phòng”. Trong cái oi bức của nắng chiều, bụi đất thỉnh thoảng bị những ngọn gió nóng thổi tung lên mù mịt, chúng tôi nhìn nơi qua đêm, rồi nhìn nhau mà lắc đầu ngán ngẩm. Căn “phòng” qua đêm có vẻ như là một container chứa hàng xuất khẩu được tân trang thành phòng ngủ. Nó như một nhà tù 3 x 3 mét không cửa sổ, vừa đủ để hai cái giường đơn, một cái tủ lạnh nhỏ, một cái máy lạnh trên vách. Trong cuộc đời du lịch bụi, tôi chưa từng gặp một căn phòng nào thê thảm như thế với giá cắt cổ 80 đô la/đêm. Pilbara là một vùng đất có diện tích rộng hơn 400.000 ki lô mét vuông, lớn hơn cả nước Việt Nam. Tài nguyên chính ở đây là quặng mỏ, nhất là quặng sắt lộ thiên. Phía Bắc Pilbara là một vùng biển rộng lớn chứa các mỏ dầu khí quan trọng. Gần đây, Trung Quốc đã ký kết với Chính phủ Úc mua khí đốt trong khu vực này trị giá vài chục tỉ đô la. Pilbara quả là nơi của “rừng vàng biển bạc”. Hãy tưởng tượng một vùng đất tương đương với nước Việt Nam, từ Đông sang Tây, từ Bắc chí Nam chỉ chứa toàn quặng sắt và nhiều quặng kim loại khác. Có đến nơi này mới nhìn thấy đất nước Úc cực kỳ giàu có. Đất trong vùng Pilbara có màu đỏ sậm biểu hiện sự tồn tại của sắt, vì quặng sắt thường ở dạng oxít sắt màu đỏ. Oxít sắt có từ tính thì ở dạng màu đen. Nói chính xác hơn, quặng sắt là quặng oxít sắt. Người ta tinh luyện oxít sắt ở nhiệt độ cao biến oxít thành sắt ròng. Phần lớn quặng sắt ở Pilbara là quặng lộ thiên. Nó hiển hiện ngay trước mắt mọi người. Đó là những cục đá, phiến đá màu đỏ xen lẫn màu đen lấp lánh nằm lăn lóc dọc theo quốc lộ, trên những con đường mòn đi vào các địa điểm tham quan du lịch, hay là những tầng trầm tích trên vách núi, dưới vực sâu, trong dòng suối... Khu vực Hamersley là trung tâm khai thác mỏ sắt chất lượng cao nổi tiếng thế giới, kế cận là Vườn quốc gia Karijini cũng lừng danh không kém với các kỳ quan thiên nhiên. Hơn nửa thế kỷ qua, kể từ ngày khai thác quặng mỏ với quy mô lớn trong vùng Hamersley, sự cân bằng giữa việc khai thác quặng mỏ, nền kinh tế quốc gia, việc bảo vệ môi sinh, bảo tồn di sản thiên nhiên và văn hóa người Aborigine [1] không đâu rõ nét hơn qua sự tương quan giữa Hamersley và Karijini. Chính phủ Úc và chính quyền tiểu bang Western Australia đã rất thành công trong việc giữ cán cân thăng bằng giữa lợi ích kinh tế quặng mỏ trước mắt và lợi ích lâu dài trong việc bảo tồn thiên nhiên và văn hóa. Những kinh tế gia lý thuyết, những lý luận gia chính trị, những nhà lập pháp, đại biểu quốc hội, thậm chí các nhà lãnh đạo cầm cân nẩy mực “đầy tớ của nhân dân”, nên chịu khó đặt chân đến chốn này để nhìn thấy tận mắt sự hài hòa giữa việc khai thác quặng mỏ và việc bảo tồn văn hóa và môi sinh. Tiền đầu tư của các tập đoàn khổng lồ như BHP Billiton, Rio Tinto đổ vào cho việc khai thác quặng sắt đã biến vùng khỉ ho cò gáy này, một trong những vùng hoang dã nhất trên quả địa cầu, thành những ốc đảo vô cùng trù phú. Tập đoàn lớn kéo theo hàng loạt công ty con làm những công trình ngoại biên như xây dựng, chuyên chở, thủy lợi, ẩm thực, tạo ra luồng sinh khí thu hút dân tứ xứ về đây lập nghiệp. Những thị trấn hậu cần như Tom Price hay Newman với dân số không quá 3.000 mọc lên để đáp ứng nhu cầu ăn ở, sinh hoạt, giáo dục, văn hóa của gia đình nhân viên và công nhân quặng mỏ. Tôi tò mò tìm hiểu thêm cuộc sống người dân qua những tờ báo địa phương và không khỏi bị hoa mắt trước trị giá của các bất động sản. Một căn nhà 3 phòng ngủ rất bình thường có giá bán 700.000-800.000 đô la. Đẹp hơn một chút thì phải hơn 1 triệu đô la, gấp đôi những căn nhà có phẩm chất tương đương ở các thành phố lớn như Sydney hay Melbourne. Tiền thuê nhà cao hơn các thành phố gấp năm lần với giá trung bình 1.500 - 2.000 đô la cho một tuần. Tôi ngỡ báo in sai, hỏi một người địa phương thì mới biết đó là giá công ty (corporate rate) thuê cho nhân viên. Ngoài ra, đồng lương của một nhân viên lao động tay nghề bình thường là 2.000-3.000 đô la/tuần, cao hơn lương kỹ sư hay chuyên viên tin học cao cấp trong thành phố. Nhà ở đã có công ty chăm lo, công nhân ôm trọn gói tiền lương trừ đi khoản chi phí ăn uống, cứ làm việc mỗi bốn tuần thì sẽ được nghỉ một tuần và lại được công ty cho phụ cấp để bay về quê quán. Ô... đây quả thật là thiên đường của nền kinh tế thị trường kết hợp với các yếu tố xã hội! Nhưng tiếc thay, đây không phải là thiên đường vui chơi. Một nhân viên quặng mỏ than thở với tôi: “Ông à! Chốn này chán lắm. Độc thân như tôi không tìm được bạn gái ở đây. Không có con gái, bạn ơi, không có gái!” (nguyên văn: no girls here, mate, no girls). Vườn quốc gia Karijini Vườn quốc gia Karijini nổi tiếng với vực sâu và hẻm núi (gorge). Những hẻm núi giao nhau tạo ra những vực sâu thăm thẳm, làm lộ ra vách núi màu đỏ rực trong ánh nắng ban mai. Dưới đáy vực đen ngòm là dòng suối nhỏ lấp lánh như muốn reo vui chào đón những tia sáng hiếm hoi của mặt trời. Từ trên đỉnh cao nhìn xuống, dưới chân là những con hạc trắng bay thành đàn trong hẻm núi tạo cho ta một cảm giác lạ lùng, cơ hồ như lơ lửng giữa trời cùng bay với hạc. Tiếng kêu oang oác của hạc gọi đàn phá tan sự yên tĩnh gần như tuyệt đối của một chốn thần tiên. Cũng tại nơi này, khoảng đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, vì phải tránh thời tiết xấu trong một lần đi công tác, chiếc máy bay của vua quặng mỏ Lang Hancock phải bay rất thấp qua các hẻm núi, ông tình cờ khám phá ra quặng lộ thiên với những tầng trầm tích màu đỏ đặc thù của oxít sắt đã trơ gan cùng tuế nguyệt hàng trăm triệu năm qua. Việc khai thác quặng bùng lên từ đó. Những hẻm núi cách nhau vài mươi cây số rải rác trong vườn quốc gia cho những vẻ đẹp hùng vĩ khác nhau. Người ta tạo vài con đường dọc theo vách đá đi xuống đáy vực sâu 200- 300 mét. Ở đây, trong cái tĩnh mịch của thiên nhiên, ta chỉ nghe tiếng nước chảy róc rách, nhẹ nhàng xuyên qua những bụi cỏ lau còn đẫm ướt sương mai. Những tảng đá ở đáy vực vì năm tháng bị vỡ dọc theo khe nứt của các tầng trầm tích tạo thành những mặt phẳng to nhỏ khác nhau, vừa là các bậc thang thiên nhiên, vừa là đáy của con suối nhỏ, nương theo đó dòng nước lặng lẽ trôi. Tạo hóa không những là một nhà điêu khắc và kiến trúc sư tài ba tạo ra những hẻm núi kỳ vĩ ở cấp “vĩ mô”, mà cũng là một chuyên gia nghệ thuật tuyệt vời ở cấp “vi mô”. Cảnh sắc thiên nhiên của một không gian nho nhỏ có con suối chảy, bóng cây râm mát, đây đó vài bụi cỏ, lau sậy tương phản với vách núi màu đỏ lởm chởm những lát trầm tích mỏng, vài con chuồn chuồn đủ màu sắc thoạt bay thoạt dừng, hiện ra như một bức tranh sống động với những gam màu hài hòa của một danh họa tài hoa. Chúng tôi bước theo những bậc đá, đi ngược lên dòng suối, cuối cùng đến một cái hồ nhỏ thiên nhiên xung quanh được bao bọc bởi những vách đá thẳng đứng như một cõi bồng lai cô tịch hoang liêu có những nàng tiên giáng trần thẹn thùng tắm suối thường được kể trong chuyện cổ tích của một thời thơ ấu xa xưa. Ngỡ rằng “sơn trung bất kiến nhân”, nào ngờ, nơi này cũng là một cõi bồng lai hiện đại với nhóm Tây ba lô đang thoát xác thành những nàng “tiên nữ” đầy đặn quyến rũ trong bộ bikini, sấp sấp ngửa ngửa nằm tắm nắng xung quanh bờ hồ hay đùa giỡn trong làn nước trong xanh. Cái thú tắm sông hồ thuở bé của tôi bỗng trỗi dậy, thúc dục tôi cởi phăng cái áo phông, mặc nguyên cái quần short biến thành “tiên ông” nhảy vào nhập bọn... Port Hedland Karijini là điểm cuối cùng của cuộc hành trình về miền Viễn Tây xứ Úc. Chúng tôi lái xe hướng về thị xã Port Hedland ở phía Bắc Pilbara để đáp phi cơ quay về Perth và sau đó đến Melbourne. Sau gần 4.000 cây số khởi hành từ Perth và tám ngày dọc đường gió bụi, đi qua những miền cực kỳ hoang dã của đại lục Úc, hai chúng tôi quyết định dừng chân tại một khách sạn 5 sao, cùng thưởng thức đặc sản địa phương, tôm hùm nướng kem phô-mai, con hào sống, vài chai bia lạnh để rũ sạch bụi đường. Những làn gió biển về đêm vẫn không hạ được cái nóng ban chiều còn vương vất trong không khí. Trước kia, tôi chỉ biết Port Hedland qua ti vi như là một nơi giam giữ những thuyền nhân tỵ nạn từ Afghanistan, Sri Lanka, Iraq, Somalia, và những cuộc tuyệt thực, nổi loạn của họ để phản đối cách đối xử của Chính phủ Úc. Một nơi cô lập như Port Hedland thật là lý tưởng cho việc nhốt người! Port Hedland liên quan trực tiếp đến những hoạt động khai thác quặng mỏ và là một cảng quan trọng xuất khẩu quặng sắt đến châu Á và khắp nơi trên thế giới. Mọi sinh hoạt ở bến cảng hơn 10.000 cư dân này chỉ dựa vào xuất khẩu quặng và khai thác dầu khí ngoài khơi. Đây chỉ là một thị trấn nhỏ nhiều bụi bặm công nghiệp, không gì đặc biệt. Trên bờ là những dịch vụ chuyên chở, tồn trữ quặng sắt. Cách bờ không xa là những đàn cá mập lởn vởn tìm mồi trong lòng nước biển đục ngầu. Hàng ngày, những đoàn xe lửa dài hơn 7 ki lô mét, được ghi nhận là đoàn tàu dài nhất trong kỷ lục Guinness, và di động bằng tám đầu máy để chuyển quặng từ khu vực Hamersley trong nội địa đến bến cảng. Ngày hôm đó, văn phòng du lịch địa phương cho biết sẽ có bốn đợt chuyển quặng cho ba tàu Trung Quốc và một tàu Hàn Quốc. Quả nhiên, khi chúng tôi đứng ngoài bến cảng thì một chiếc tàu hàng khổng lồ dài hàng trăm thước của Trung Quốc vừa hụ còi vừa sầm sập lướt sóng chạy vào. Chúng tôi đến sân bay sớm hơn thường lệ vì không có gì làm khác hơn ngoài việc tránh cái nóng ban trưa gay gắt. Cái sân bay “nhà quê” tầng trệt chỉ có ba cửa ra vào nhưng cũng được gọi là “sân bay quốc tế”. Tại sao “quốc tế”? Không đùa đâu nhé! Một người địa phương nghiêm nghị bảo tôi, vì mỗi tuần có hai chuyến bay đi và đến từ Bali (Indonesia), cho nên “quốc tế”! À... bây giờ tôi mới nghiệm ra “nỗi buồn” ray rứt của người công nhân không bạn gái gặp ở Hamersley. Và ở bên kia bờ đại dương cách Port Hedland 2 tiếng bay là địa đàng Bali đang dang hai cánh tay dịu dàng, nồng nhiệt chào đón những người thợ mỏ cô đơn nhưng có lắm tiền hào phóng tiêu pha. ________________________________________________________ [1] Aborigine: người bản xứ sống trên đại lục Úc đã hàng ngàn năm.Đất trong vùng Pilbara có màu đỏ sậm. Một vách đá dựng đứng ở Vườn quốc gia Karijini. Ảnh: Trương Văn Tân. Các “tiên nữ” đang tắm ở hồ nước thiên nhiên trong vắt. Ảnh: Trương Văn Tân. Những đoàn tàu dài hàng ngày chở quặng sắt từ các khu mỏ ra cảng để xuất khẩu.
(Theo Trương Văn Tân // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com