Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khám phá thủ phủ tam thất

Đó là khu chợ họp quanh năm ngày tháng giống nhiều khu chợ khác tại thủ phủ của châu Văn Sơn (Trung Quốc). Chỉ có điều chợ này bán duy nhất một thứ, đó là tam thất, mỗi ngày tiêu thụ đều đặn hàng tấn củ.

Khu chợ nằm kế trung tâm của thủ phủ châu Văn Sơn trên trục đường nối từ cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang, Việt Nam) qua huyện Molipo (Trung Quốc). Chợ tam thất rộng tới gần 10ha, thiết kế khá bài bản và hiện đại, nhìn bề ngoài trông giống một sân vận động.

Đặc sản “kim bất hoán"

Châu Văn Sơn là nơi cư trú của 11 dân tộc như: Hán, Choang, Mông, Dao, Di… Phong tục tập quán của họ rất đa dạng với nhiều lễ hội độc đáo như: lễ hội mùng 3 tháng 3, lễ hội phố hoa của người Choang, lễ hội Thái Hoa sơn của người Mông, lễ hội Bàn Vương của người Dao, lễ hội đốt đuốc, lễ hội bôi nhọ nồi…

Đặc sản châu Văn Sơn có thể kể đến ớt, thảo quả, bát bảo…, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là tam thất.

Tam thất là một loại dược liệu quý, được người Trung Quốc mệnh danh là “kim bất hoán”, nghĩa là đem vàng cũng không đổi được. Có tác dụng cầm máu, tạo máu, hoạt huyết, tam thất được sánh ngang với linh chi và nhân sâm. Hoa tam thất cũng chữa được chứng cao huyết áp.

Người Trung Quốc hay dùng gà ác hầm với tam thất để bồi bổ sức khỏe cho người ốm. Đối với phụ nữ, nhất là phụ nữ sau sinh nở, tam thất thực sự cần thiết. Từ xa xưa, đây là món ăn - vị thuốc dành riêng cho những sản phụ thuộc hàng danh gia vọng tộc.

Theo các tài liệu ghi chép, tam thất được người dân châu Văn Sơn thuần hóa từ cây dại gần 400 năm về trước, tức từ cuối nhà Minh đầu nhà Thanh. Trải qua mấy trăm năm canh tác, kỹ thuật chăm sóc tam thất của người dân Văn Sơn đã được giới chuyên môn công nhận.

Cũng chính vì vậy, Văn Sơn được tôn vinh là "tam thất chi hương" (quê hương của tam thất). Hiện nay, dọc 200km đường từ cửa khẩu Thanh Thủy (Việt Nam) đến thủ phủ châu Văn Sơn là những cánh đồng tam thất trải dài vô tận.

Cô hướng dẫn viên giới thiệu với chúng tôi kinh tế châu Văn Sơn phụ thuộc khá nhiều vào tam thất. Vì là thảo dược quí nên từ khi đặt cây giống xuống đất đến khi thu hoạch, cả vườn tam thất lúc nào cũng được phủ bằng một lớp lưới đen dày cao hơn 1m để phòng ngừa sâu bọ, sương muối.

Người dân Trung Quốc chỉ thu hoạch tam thất khi cây tròn một năm hoặc bảy năm tuổi. Họ cho rằng đây là hai quãng thời gian cây phát huy dược tính tốt nhất. Không giống như nhiều người nghĩ, tam thất ở châu Văn Sơn không đen. Tam thất bảy năm tuổi to cỡ quả trứng gà. Tam thất có thể sao tẩm, tán nhỏ thành bột dùng dần.

Thủ phủ của châu Văn Sơn, Trung Quốc (Ảnh: H.Thắng)

Dạo chợ tam thất

Chúng tôi đến chợ tam thất châu Văn Sơn vào tầm 9 giờ sáng. Trời lất phất mưa nhưng chợ vẫn nhộn nhịp, đông đúc. Ngoài chợ là các quầy hàng bán lẻ, còn bên trong lồng kính bán buôn và là nơi các chủ đầu mối sàng lọc hàng trước khi đóng bao.

Sản phẩm ở đây chủ yếu là tam thất một năm tuổi, tam thất bảy năm tuổi và hoa tam thất khô. Chế biến sẵn có bột tam thất, huyết tắc thông (thuốc hoạt huyết), sinh lực tinh...

Gặp chúng tôi, một chủ buôn dáng người to béo, khoát tay nói: "Hàng tốt lắm, hiếm lắm”, rồi cúi xuống nhặt một củ tam thất quảng cáo: “Hàng này bảy năm rồi đấy. Quý lắm!".

Một góc chợ tam thất

Ông chủ buôn này cho biết đang sở hữu hơn chục tấn tam thất khô. Để kịp tiến độ giao hàng, ông ta phải thuê hơn chục công nhân chuyên phơi, tuyển chọn và đóng hàng. Phía cuối chợ, hàng trăm bao tải đầy căng tam thất thành phẩm được đổ ra thành từng đống phân loại. Tam thất và đất khô bụi mù cả một góc chợ.

Mặc dù được bày bán ở ki-ốt lớn nhưng hàng hoá ở đây tuyệt nhiên không đề giá. Giá 1kg tam thất trung bình 50-60 tệ, tương đương 130.000 – 150.000 đồng, nhưng cần lưu ý 1kg của Trung Quốc chỉ bằng 1/2 kg Việt Nam. Hoa tam  thất có giá cao hơn, khoảng 70 tệ/kg. Tam thất bảy năm tuổi có giá thấp hơn tam thất một năm tuổi. 

Tam thất được mệnh danh là "kim bất hoán" (Ảnh: Internet)

Muốn mua rẻ hơn, du khách chịu khó tìm gặp những người nông dân chở hàng ra chợ bán. Tình cờ gặp một người nông dân ngoài chợ, chúng tôi đưa 10 tệ, anh ta bình thản xúc một xẻng đầy ắp, chừng phải đến hơn 2 kg Trung Quốc.

Người nông dân này kể anh sống ở huyện lỵ Malipo, mỗi năm gia đình anh thu hoạch được khoảng vài trăm kg tam thất tươi. Anh nói với chúng tôi nếu cần mua nhiều hơn, anh cũng bán với giá như vậy. Chúng tôi tiếc rẻ nói hành lý không cho phép mang nhiều hàng như vậy.

Do tam thất được thu hoạch theo tuổi cho nên chợ tam thất không bao giờ cạn hàng. Trước đây, chợ tam thất chỉ chuyên buôn bán nhưng nay đã trở thành nơi dừng chân lý tưởng cho du khách mỗi khi đến vùng đất châu Văn Sơn giàu bản sắc văn hóa này.

(Theo HỮU THẮNG // Nguoilaodong Online)

  • Top 10 khách sạn tốt nhất thế giới
  • Thiên đường dành cho mèo ở Đài Loan
  • Vì sao Bangkok hấp dẫn du khách quốc tế?
  • Mùa thu Sydney
  • Cùng đón Tết té nước của người Thái tại Bangkok
  • Độc đáo lễ hội múa kéo ở Peru
  • Rực rỡ chợ cuối tuần Chiang Mai
  • Viettours - Đặc sắc du lịch MICE
  • Cùng Carnival khám phá Tây Tạng huyền bí
  • Auckland, thành phố mặt trời mọc
  • 7 điểm du lịch hấp dẫn bị lãng quên ở Trung Quốc
  • 10 kỳ quan tự nhiên nên thưởng lãm trong đời
  • Đi du thuyền khổng lồ trên biển
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com