Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Một thoáng Angko Wat

Khác với cung đường mọi người thường lựa chọn để sang du lịch, chúng tôi ngược lên cao nguyên rồi mới xuất ngoại sang Campuchia.
 
Một góc Angko Wat  

Đến Angko ăn canh Siem Riep

Hai sĩ quan biên phòng là Thượng tá Nguyễn Quang Văn, Trưởng phòng trinh sát, Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng Đăk Nông và Thiếu tá Đinh Văn Giang, Phó trạm trưởng, Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Bú-prăng thuộc Đồn biên phòng cửa khẩu 771 tình nguyện dẫn đường “kiêm phiên dịch viên miễn phí” cho chúng tôi.

Để yên tâm hơn, sang Campuchia, họ còn “điều” thêm một xe của Thiếu uý Đồn trưởng Đồn biên phòng Đăk Chô là Singsa Khươn mang hai dòng máu Việt-Campuchia(mẹ Việt) thạo tiếng mẹ đẻ đích thân cầm lái làm hoa tiêu dẫn đường cho chúng tôi suốt thời gian ở Campuchia. Do thời gian hạn hẹp, Thượng tá Nguyễn Quang Văn vạch lộ trình, trong ba ngày phải đến được ba điểm chính : Siem Riep, tham quan Angko Wat, đi Biển Hồ về Phnom Penh.

Trưa từ thị xã Gia Nghĩa, tỉnh lỵ Đăk Nông theo quốc lộ 14C gần hai tiếng tới cửa khẩu Búp-răng. Trước khi qua đất Campuchia, chúng tôi không quên thắp nén nhang trước Đài tượng niệm 16 Liệt sĩ thuộc Đồn biên phòng Búp-răng đã anh dũng hy sinh bảo vệ dải đường biên này vào những năm 1977, 1978. Sang đất bạn, đường xuống thành phố Xunnorun, thuộc tỉnh Muldul kyry chỉ cách cửa khẩu 35km đang được triển khai xây dựng. Dù là miền núi nhưng đường không dốc đèo cheo leo, vực thẳm, nền đường đang được thi công san ủi khá thoáng rộng. Trước khi vào thành phố nhỏ biên giới, phải qua một bùng binh có tượng hai con trâu lớn như nghênh đón khách. Thành phố không có nhà tầng cao vút, nhưng những ngôi nhà thấp tầng kiến trúc hiện đại xinh xắn. Theo ông Bảy Sên, một Việt kiều ở đây, tỉnh Muldul kyry chỉ xấp xỉ khoảng 20.000 dân, tỉnh lỵ nhỏ bé chỉ có 11 tụ điểm vui chơi giải trí…

Vùng giáp biên phía Campuchia, những ngọn đồi thoai thoải được trồng thông, còn lại đa số là những cánh đồng cỏ, dưới đó nghe đâu rất nhiều quặng bô-xít. Tiếp đó cả một vùng đất đỏ ba-zan tốt tươi màu mỡ trải dài, cứ theo miết chúng tôi mãi sâu vào tới tỉnh Kongpong cham với những cánh rừng cao su bạt ngàn xanh tốt, rồi trải ngút xuống vùng đồng bằng với những cánh đồng lúa mênh mông. Lần đầu tiên ăn cơm Campuchia tại một nhà hàng loại khá tỉnh lẻ. Cơm canh chua cá lóc, gà nướng, bò nướng và các loại rau xà lách, bắp cải, dưa chuột rất sạch, nhưng các món ăn đều hơi ngọt như ở Nam bộ, bia đen khá nặng. Tôi thấy những người phục vụ trong các quán ăn chủ yếu là thanh niên nam tuổi 17-18 rất lễ phép và chu đáo với khách. Những ngày ở đất nước chùa tháp tôi đều được các nam thanh niên trẻ tuổi này phục vụ chu đáo. Và khi vào các nhà nghỉ, các nhân viên bảo vệ, lễ tân cũng đều chỉ dẫn chu đáo nơi đỗ xe, xách hành lý cho khách, đặc biệt sáng hôm sau thấy xe được lau chùi sáng bóng. Tính toán để kịp đi Siem Riep tham quan Angko Wat cho được nửa ngày, chúng tôi cố đến nghỉ đêm ở tỉnh lỵ Kongpongcham. Đường từ biên giới về tỉnh lỵ Kongpongcham trải thảm nhựa thẳng băng, ít chướng ngại vật, đêm cũng như ngày ít nghe tiếng còi xe. Suốt cả chặng hành trình mấy ngày trên đất Campuchia không hề thấy có một trạm thu phí.

Khí hậu Campuchia mùa này thật dễ chịu. Singsa Khươn cho biết, Campuchia dường như ấm áp quanh năm. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 5, ít mưa. Mùa mưa kéo dài từ tháng sáu đến tháng mười. Mực nước sông thời gian này tăng lên rõ rệt, đường phố ướt át. Hãy đến Campuchia khi có lễ hội té nước diễn ra vào khoảng từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 11 mùa mưa kết thúc và nước bắt đầu rút. Đây là một lễ hội đặc sắc và thu hút nhiều người. Ngoài ra còn có lễ hội Bonn Chaul Chnam (Năm mới) vào giữa tháng 4. Mùa này tại đền chùa rất đông đúc người đi lễ và tham quan.

Chúng tôi Angko Wat trước. Theo chỉ dẫn, Angko Wat nằm cách thủ đô Phnôm Pênh 240 km về hướng Bắc, được xây dựng dưới thời vua Suriya-warman II(1113-1150).Ngôi chùa vĩ đại này một thời trở thành nơi ẩn náu của Khmer Đỏ. Chúng tôi thấy, khắp ngôi chùa vẫn còn hằn hiện những vết đạn. Có lẽ sau hàng chục năm bị hoang phế, công tác trùng tu tôn tạo mới được bắt đầu và trở thành địa điểm thu hút nhiều du khách từ khắp nơi trên thế giới. Không nhiều thời gian và giá vé 20 đô-la/người/ngày không mấy dễ chịu đối với kiểu “du lịch thần tốc”, chúng tôi ra một góc chiếu trước cửa Angkor Wat ngắm nhìn vẻ đẹp kỳ vĩ với những nét nghệ thuật, kiến trúc tuyệt đỉnh, được công nhận là một trong những kỳ quan, di sản văn hoá thế giới và thưởng thức những món ăn Khmer nổi tiếng là thịt gà quay, cá Biển Hồ và món canh chua cá lóc Siem Riep với các gia vị khá đặc biệt. Tám người ăn, bia, rượu ê hề hết hơn 50 đô-la. Bỏ qua điểm đến Biển Hồ, chúng vội vã về Phnôm Pênh trước lúc mặt trời lặn.

Hồi sinh trên “Cánh đồng chết”

Phnôm Pênh là một thành phố dễ chịu với những hàng cây lớn bên đại lộ rộng. Hai bên bờ sông Mekong thơ mộng là những nhà hàng ăn uống, quán bar và café. Nếu ai có điều phiền muộn, buổi chiều đến ngồi bên sông chảy qua thủ đô ngắm cảnh mặt trời lặn, nhấm nháp các loại bia, cảm giác thật dễ chịu.

Khi đã vào trong thủ đô Phnôm Pênh, chúng tôi thấy nhiều ô-tô chủ yếu nhập khẩu từ Nhật Bản. Thiếu uý Singsa Khươn cho biết, nếu trong túi có 10 nghìn đô-la hay thấp hơn tí chút đã có thể sở hữu một “con” Toyota Camry láng cóng. Giá cả cũng tuỳ chọn, khách sạn hạng sang giá ngất ngưởng cũng có, hay giá trung bình như Mean Haur Hotel chỉ từ 15-20 đô-la/ đêm. Ăn một bát phở sáng đặc biệt tự chọn tại “Quán cá vàng Hà Nội” do 7 chị em người Việt ở Sài Gòn sang mở trên đường S.45 với giá 2,5 đô và cơm gà 2,7 đô/ suất cũng chưa phải là cao. Được biết, quán phục vụ 80 suất phở, cơm mỗi ngày, với tiền thuế chỉ xấp xỉ một triệu đồng tiền Việt Nam/ tháng cũng tạm cho quán phở trụ lại được 8 năm nay giữa thủ đô Phnôm Pênh. Những ngày ở Phnôm Pênh, chúng tôi rất ít thấy đồng Riên. Thượng tá Văn bảo, muốn mua quà phải ra chợ “bát quái” đổi tiền với tỷ giá 22.500 đồng VN đổi một đô-la, 10 nghìn tiền Việt đổi 5 nghìn Riên.

Nhưng có lẽ dấu ấn nhất trong lòng mỗi người khi đến Phôm Pênh là tham quan Choeung Ek-“Cánh đồng chết”. Choeung Ek, nằm ở phía tây nam cách thủ đô Phnom Penh hơn 15 km. Đây vốn là những vườn cây ăn quả, những năm 1975-1979, chính quyền Khmer Đỏ đã biến Choeung Ek thành cánh đồng giết chóc tàn bạo và dã man nhất. Hơn 30 năm đã trôi qua, âm khí của vùng đất này vẫn chưa hết. Xương người vẫn còn rơi vãi khắp cánh đồng. Năm 1988, Choeung Ek trở thành một trong những nơi trưng bày và tố cáo những tội ác tàn bạo, dã man nhất của Khmer Đỏ, là nơi tưởng nhớ hơn ba triệu người, nạn nhân của tội ác diệt chủng dưới thời Khmer Đỏ. Một tháp cao 15 tầng được xây dựng, tầng dưới trưng bày quần áo, tầng hai trở lên chứa hơn 8.000 xương sọ của các nạn nhân. Ngoài tháp tưởng niệm cất giữ xương sọ, xương tay chân của những người xấu số, trong khu vườn còn lưu giữ: 'cây giết người' - cây Thốt nốt, cây Bồ đề… nơi quân Khmer Đỏ xách chân hơn 100 trẻ em và phụ nữ quật đầu vào thân cây rồi quẳng xuống hố. Cạnh đó là hố chôn tập thể với 166 xác chết không đầu và ngôi mộ tập thể lớn nhất với 450 thi thể.....

Từ “cánh đồng chết”, chúng tôi đến tham quan Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng(trại S21). Bảo tàng nằm khuất trong khu phố nhỏ ở phía nam Phnôm Pênh. Trại S21 vốn là trường PTTH, gồm bốn dãy nhà chính. Theo một tài liệu ghi, trong bốn năm từ 1975-1979 Khmer Đỏ cầm quyền đã bắt giam giữ, tra tấn hơn 17.000 người trước khi đưa ra “cánh đồng chết” hành quyết. Số người sống sót khi bị bắt vào trại này rất ít. Phần lớn người Campuchia bị hành quyết còn có người nhiều quốc tịch khác. Họ là nông dân, công nhân, kỹ sư, thợ cơ khí, trí thức, giáo viên, học sinh và thậm chí là công sứ, nhân viên ngoại giao…

Tại các trại giam, người ta cho trưng bày những bức tranh, ảnh mô tả lại cảnh phạm nhân bị tra tấn, giết hại. Những tủ đựng đầy sọ người với chú thích: 'Đây là xương của những người bị Khmer Đỏ giết hại'. Một trong những hình thức tra tấn phố biển ở S21 là rút móng tay, móng chân, khoan hộp sọ, đổ a-xít vào mặt, khoét ngực phụ nữ để thả rết, dùng cuốc, búa, rìu, roi đánh đập... Sự giết người dã man của chế độ Khmer Đỏ còn in vết máu của nạn nhân chưa phai mờ trên nền gạch, tường nhà... Bảo tàng thu hút nhiều du khách khắp nơi trên thế giới đến tham quan và ai cũng ghê rợn trước những hành vi giết người man rợ nhất trần gian này. Vẫn chưa xua hết cảm giác ghê rợn ở “cánh đồng chết” và nhà tù Tuol Sleng, chúng tôi đến cầu Kim Cương nơi diễn ra Lễ hội nước lại biến thành thảm hoạ. Không ngờ một cây cầu treo mặt cứng rộng 7,1m, dài 101m bắc qua khu vui chơi giải trí lại xảy ra thảm hoạ đau lòng.

Biết tin chúng tôi đang có mặt ở Phnôm Pênh, Thiếu tướng Ben.Rath, Phó giám đốc Sở Công an Phnôm Pênh, người quen của hai sĩ quan biên phòng đã đích thân đến khách sạn mời chúng tôi, rồi gọi luôn cả sếp của ông, Trung tướng Touch Naroth, Giám đốc Sở Công an Phnôm Pênh cùng một số sĩ quan cao cấp trong ngành an ninh của ông đã từng học ở VN về tư dinh rộng 2.500m2 của ông ở ngoại ô Phnom Penh chiêu đãi thân tình như với những người anh em đi xa lâu ngày trở về với những món đặc sản ở Phnom Penh. Trung tướng Touch Naroth và Thiếu tướng Ben Rath tâm sự với chúng tôi rằng, họ sẽ luôn lưu giữ kỷ niệm đẹp trong những tháng năm học tập ở VN và rất biết ơn những gì mà Việt Nam đã giúp Campuchia thoát được thảm hoạ diệt chủng của PolPot. Trong khu vườn thoáng rộng, dưới hai tán cây Thốt nốt, Thiếu tướng Ben. Rath tâm sự, điều luôn canh cánh lâu nay vẫn chưa tìm được nguồn gốc nơi cha mẹ ông đã từng sinh ra ở một tỉnh miền tây Nam VN. Ông là người trực tiếp chỉ huy lực lượng bảo vệ hiện trường vụ thảm hoạ đau lòng xảy ra tại cầu Kim Cương vào ngày 22-11-2010. Ông cho biết, lúc hỗn loạn trên mặt cầu lên đến gần một vạn người, mật độ hơn 10 người/1m2, bốn lớp người chồng lên nhau giữa cầu. Vụ hoảng loạn giẫm đạp đã làm 453 người thiệt mạng, trong đó có 8 người Việt. Hầu hết những người thiệt mạng đều do bị ngạt thở và nội thương. Bảy nghìn cảnh sát được huy động tới hiện trường để giải quyết vụ việc.

Chia tay Thiếu tướng Ben.Rath, chúng tôi mãi lưu giữ tình cảm thân tình, ấm áp mà ông và các bạn hữu của ông đã dành cho chúng tôi trong thời gian ngắn trên đất nước chùa vàng. Ngày cuối cùng chúng tôi tham quan khu Hoàng Cung nguy nga lộng lẫy với những nét kiến trúc độc đáo, tuyệt mỹ. Và khi rời Phnôm Pênh, vượt chặng đường dài trở về đất Việt, chúng tôi nghe tiếng chim ríu rít dưới những rặng thốt nốt, tiếng trẻ học bài lảnh lót vang lên cạnh khu vườn Choeung Ek… Những đoá hoa Chăm-pa trắng muốt, phảng phất toả hương hai bên những đại lộ như níu giữ chân lữ khách muôn nẻo đường về.

(Theo Minh Thư, Thành Châu/nhandan)

  • Top 10 khách sạn tốt nhất thế giới
  • Thiên đường dành cho mèo ở Đài Loan
  • Vì sao Bangkok hấp dẫn du khách quốc tế?
  • Mùa thu Sydney
  • Cùng đón Tết té nước của người Thái tại Bangkok
  • Hộp đựng bưu phẩm của những người thích đùa
  • Rau, củ hình thù cực 'sốc'
  • Một số địa điểm đón Giáng sinh thú vị trên thế giới
  • Hành trình về miền Viễn Tây nước Úc, phần 2
  • 5 sa mạc đẹp nhất ở Trung Quốc
  • Du lịch văn hóa ở Hàn Quốc
  • Hành trình về miền Viễn Tây nước Úc (1)
  • 10 hòn đảo sang trọng nhất thế giới
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com