Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tản mạn về ASEAN qua những chuyến đi

Tòa nhà Phủ thủ tướng ở Putrajaya, thủ đô hành chính mới của Malaysia. - tinkinhte.com
Tòa nhà Phủ thủ tướng ở Putrajaya, thủ đô hành chính mới của Malaysia.

Trong năm qua, tôi lại được dịp tới nhiều nước châu Á, đặc biệt là hầu hết các nước ASEAN. Nhiều nước hơn mười năm qua tôi đã không có dịp trở lại. Malaysia là một, Myanmar là hai. Và cả Trung Quốc cũng như Indonesia rất nhiều năm rồi tôi mới được dịp trở lại.

Tất nhiên ấn tượng nhất về sự thay đổi vẫn là Trung Quốc. Nhiều bạn bè, người quen đã về hưu, tóc cũng bạc thêm. Nhưng cũng có những người trẻ hồi xưa giờ đã lên nắm những chức vụ then chốt, kể cả trở thành lãnh đạo trong ngành thống kê.

Có những nước tôi ở cả tháng, có những nước chỉ một hai tuần, thậm chí vài ngày, chưa đủ để biết rõ về những biến chuyển xã hội nhưng khá đủ để biết về một thực thể gọi là ASEAN, tổ chức 10 nước Đông Nam Á mà theo lộ trình định sẵn kéo dài từ 1992, sẽ giảm thuế nhập khẩu hàng hóa có nguồn gốc giữa các nước trong khối xuống 0-5%, và xuống 0% giữa sáu nước thành viên kỳ cựu vào năm 2010. Điều này xem như sẽ đạt được.

Ít nhất do sự hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn về mặt kinh tế, việc đi lại của công dân các nước ASEAn không còn cần thị thực nhập cảnh, trừ Myanmar. Lần đầu tiên tôi cảm thấy tấm hộ chiếu Việt Nam cầm trong tay thực sự có giá trị. Trừ Myanmar, tôi không cần qua các sứ quán xin thị thực nhập cảnh, vừa nhiêu khê và lại tốn tiền lệ phí.

Đi lại giữa các nước thành viên không cần thị thực nhập cảnh là một bước tiến khó tưởng tượng được khi các nước còn thù nghịch và nghi ngờ lẫn nhau đến tận cuối những năm 1990, và hiện nay cũng chưa hết, như đang tồn tại giữa Thái Lan và Campuchia.

Tháng bảy năm ngoái, theo yêu cầu của Ban thư ký ASEAN, tôi đã được sự tài trợ của USAID làm một chuyến đi bảy nước ASEAN để đánh giá và làm một cuộc vận động tổ chức cuộc họp hàng năm về thống kê khu vực, với mục đích tạo khung hoạt động để các nước ASEAN giúp đỡ lẫn nhau về mặt thống kê kinh tế. Đây là sự hợp tác đã đạt được ở Liên hiệp châu Âu, ở nhóm các nước Hồi giáo và ở nhóm các nước Nam Mỹ. Các nước ASEAN sau đó có cuộc họp phê chuẩn kế hoạch nhưng qua một năm vẫn chưa có động thái thực hiện.

Cái khó hiện nay là có những nước rất giàu, hoặc có lực tài chính lớn vì đông dân; có nước lại rất nghèo và ít dân, khó có thể tham gia toàn bộ các cuộc họp, hay các hoạt động nhằm gắn bó các hoạt động của nhóm nước này. ASEAN hiện nay vẫn chưa có hình thức tổ chức quỹ chung để tài trợ hoạt động của những nước thiếu khả năng tài chính, và một lý do nữa cũng không kém quan trọng là ngay cái nhìn gắn bó mang tính chiến lược giữa các nước ASEAN cũng chưa có.

Chừng nào chưa xác định được lợi ích chung của toàn khối các nước ASEAN, và chừng nào các nước này chưa sẵn sàng cùng chung sức bảo vệ “thương hiệu” ASEAN thì chừng đó tổ chức ASEAN sẽ chỉ là cái diễn đàn để nước lớn sử dụng.

Malaysia

Tôi đã ở Malaysia hơn một tháng rưỡi. Làm việc gần một tháng và du lịch gần một tháng. Hình như vấn đề xã hội ở đây nóng hơn trước, mạch ngầm mâu thuẫn dân tộc mạnh hơn trước, mặc dù đã có chính sách mới nới rộng hơn chính sách “chỉ tiêu” trong việc phân phối theo tỷ lệ dân tộc (Mã Lai, Hoa, Ấn) số sinh viên được nhận vào trường đại học công và số người giữ các chức vụ quan trọng trong chính phủ và số hợp đồng của nhà nước. Chính trị gia gốc Hoa đã hợp tác với các đảng phái Mã Lai, hoạt động đối đầu với liên minh nắm chính quyền hiện nay.

Xã hội Malaysia đã mở rộng hơn, việc thiết lập nhiều trường đại học tư đã cho phép người Hoa và người Ấn không vào được trường công vì chính sách chỉ tiêu đã có cơ hội thăng tiến. Kinh tế Malaysia có thể nói là phát triển nhất trong khu vực, không kể Singapore nhỏ bé, một quốc gia thành phố dễ dàng quản lý hơn, cũng không tránh khỏi khó khăn vì cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay. Trước đây Malaysia đã phải cần đến lao động tay chân của nhiều nước chung quanh, từ Indonesia đến Bangladesh và cả Việt Nam. Thất nghiệp đã tạo ra những người lang thang, gây ra tội ác và tác động đến cái nhìn với những người trong khu vực.

Tôi được dịp đến thăm Ipoh, Malacca và Penang, và được dịp gặp các công nhân Việt Nam làm việc tại đó, và kể cả những chị em người Việt kết hôn với người Malaysia mà không nói nổi một câu tiếng Anh. Một số chị em làm việc cho một công ty làm găng tay cao su dùng trong y tế ở chung với nhau hơn chục người trong một căn nhà khang trang.

Họ kể với tôi họ đi làm, thường kéo dài đến 10 tiếng rồi về nấu ăn chung và để dành tiền gửi về gia đình. Cuộc đời ba năm hợp đồng chỉ có thế. Không có cơ hội học một vài chữ tiếng Anh. Thế mà có khi trên đường đi về nhà họ cũng bị chặn đánh lột tiền. Một gia đình người Mã Lai thân quen với tôi cả chục năm trước, cũng có người trong gia đình bị chặn giết lột tiền trên đường về nhà. Mà đây là ở khu vực có mức sống cao hơn mức trung lưu.

Sông Malacca, Malaysia..

Cái nhìn thiện cảm về người lao động nước ngoài mất đi rất nhiều. Trước đây, khi tôi đến Malaysia, người ta nhìn người Việt như những anh hùng, giỏi giang, đáng nể. Bây giờ khi tiếp xúc với nhiều người lao động, hình như người ta nhìn người Việt khác đi nhiều. Chính sách xuất khẩu lao động đã giúp nền kinh tế Việt Nam đỡ khó khăn và mở lối thoát cho bế tắc kinh tế trong nước không vì lý do gì phải ngăn chặn, nhưng chính sự phát triển không từ nội lực này cũng không phải là lối thoát, để tạo ra lòng tự tin dân tộc.

Trong lúc trà dư tửu hậu, những người bạn thân quen Philippines đã nói với tôi, Philippines đã từng là quốc gia phát triển nhất châu Á, không tiến được cũng vì đã phải chấp nhận con đường này, đó là chưa kể Philippines đã liên tục chảy máu chất xám, sáng sủa nhất là làm chuyên gia cho các tổ chức quốc tế.

Cũng vừa qua Mông Cổ làm việc, rõ ràng tôi thấy sự tự tin của họ. Chế độ cộng sản không còn, nhưng Đảng Cộng sản lại đắc cử, trở lại chính trường nắm quyền. Không nhìn thấy đâu một chữ tiếng Hoa ở Ulan Bator. Ngay chữ tiếng Anh cũng hiếm. Người Mông Cổ phải nói là cố gắng hết sức tự nguyện tham gia, vừa học hỏi, vừa tạo vai trò trong các hoạt động thống kê, ít nhất là ở châu Á. Tôi và nhiều người đã có cái nhìn rất khác về người Mông Cổ. Một nước đang vươn lên nhằm khẳng định mình.

Việt Nam hình như đang rơi vào cái bẫy như Philippines. Không ít trí thức trẻ tuổi trong nước cũng tìm đường mưu sinh và thăng tiến ở nước ngoài.

Trở lại Malaysia, nơi tôi đã nhiều năm bỏ công xây dựng một phần thống kê kinh tế cho họ, xúc động vì sau hơn mười năm họ vẫn nhớ đến việc làm của tôi, đón tiếp như một người bạn. Trở lại như thế tôi có thể nhanh chóng nắm bắt vấn đề, điều hành việc thực hiện điều họ cần. Liên minh cầm quyền ở Malaysia đã mất quyền ở một vài bang cho nên vấn đề phát triển kinh tế đồng đều được đặt ra và thế là họ cần tính toán GDP của từng bang.

Và đó là lý do tôi đã làm việc liên tục, ngồi cùng một phòng, ngày 8 tiếng, với một nhóm chuyên viên khoảng 10 người, lúc làm chung, lúc làm riêng, thử nghiệm và thiết lập hệ thống tính GDP cho từng tỉnh, hoàn thành công việc trong một tháng. Đây là một hướng thực hiện đúng đắn, thay vì để từng bang tự tính và tự thổi phồng, nâng thành tích như đã xảy ra ở Việt Nam và Trung Quốc.

Một số nguyên tắc tính toán đã được tranh luận, thảo luận với tổ kế hoạch kinh tế trong văn phòng Thủ tướng và đi đến quyết định khá nhanh chóng. Thí dụ bang Teranggnu là bang nghèo nhất ở Malaysia, nhưng nếu tính khai thác dầu hỏa thì bang này lại có thu nhập đầu người cao nhất Malaysia.

Vậy thì tính như thế nào? Tôi hỏi vậy thu nhập dầu hỏa đi về đâu? Vào tay Petronas là công ty dầu hỏa quốc gia hay vào ngân sách chính quyền bang? Đại diện Petronas trả lời là hoàn toàn thuộc về chính quyền trung ương. Như thế đây là một hoạt động kinh tế thuộc chính quyền trung ương, chứ đâu thuộc bang. Nếu tính vào thu nhập của bang sẽ chẳng khác gì đem kết quả hoạt động của dầu khí ngoài khơi Việt Nam ghép vào Bà Rịa - Vũng Tàu hay TPHCM, hay sau này ghép khai thác bauxite vào Tây Nguyên. Đây chỉ là một trong nhiều vấn đề cần giải quyết để tính GDP cho bang hay tỉnh.

Lào

Khi đến Lào làm việc một tháng, ngoài nội dung chính, tôi cũng được yêu cầu giải quyết một vấn đề tương tự. Dĩ nhiên Lào ở mức thấp hơn vì số liệu thống kê chưa được thu thập trên cơ sở từng tỉnh như ở Malaysia. Nhưng người Lào rất ấn tượng về Việt Nam là đã có GDP từng tỉnh và yêu cầu chính trị là thiết lập chúng. Tôi có góp ý, các bạn chắc không muốn lặp lại kinh nghiệm của Việt Nam và Trung Quốc là GDP tỉnh nào cũng tăng khoảng 10% một năm nhưng GDP cả nước thì chỉ 7-8%.

Tượng và phù điêu ở một ngôi chùa tại Vientiane, Lào.

Lào là một quốc gia có truyền thống hữu nghị lâu đời với cách mạng Việt Nam. Rất nhiều người đã được gửi sang Việt Nam học từ bé, và gần đây dù không lớn lên trong môi trường Việt Nam thì cũng thường xuyên được sang Việt Nam học ngắn ngày hoặc tham quan. Nhiều người trong cấp lãnh đạo nói tiếng Việt rất sõi.

Luang Prabang là một tỉnh tôi nghe tiếng từ lâu, lần này mới được đến thăm và làm việc. Đây có thể là một tỉnh kiểu mẫu, phát triển mà vẫn có ý thức bảo vệ môi trường và di tích lịch sử. Đường sá sạch sẽ hơn hẳn Vientiane, nơi mặc dù không có rác, nhưng đầy bụi bặm. Ít có một tỉnh nào ở châu Á còn sót lại như vậy. Nhiều khu rừng bạt ngàn được trồng. Những công viên thác nước được xây dựng với ý thức bảo vệ thiên nhiên. Có lẽ Việt Nam cần sang học người Lào thay vì ngược lại. Thế mà lãnh đạo ở đây đều học từ Việt Nam.

Ông phó chủ tịch tỉnh và nhiều quan chức mà tôi gặp nói tiếng Việt thông thạo. Nhưng điều này tôi sợ cũng khó dài lâu. Người Trung Quốc đã xâm nhập khá sâu vào Lào. Ở Vientiane có thể tìm thấy rất nhiều tiệm ăn tàu hoành tráng, nhưng gần như không tìm ra một tiệm ăn Việt Nam nào có thể sánh kịp. Tất nhiên người Lào vẫn thích ăn phở, phở Lào có lẽ bắt nguồn từ Việt Nam nhưng đã được biến chế mang hương vị Lào. Ở thủ đô, chỉ có một tiệm phở Việt Nam là Yep, rất đông người ăn. Ngay trung tâm thành phố, còn có một trung tâm thông tin về Việt Nam nhưng quả thực không có gì để coi hoặc để hỏi. Cái nữa mà quan chức Lào ở trung ương hơn hẳn Việt Nam là họ nói tiếng Anh rất tốt. Tôi làm việc với Cục Thống kê Lào bằng tiếng Anh mà không cần thông dịch. Buổi thuyết trình ở Bộ Kinh tế Kế hoạch cũng không cần thông dịch.

Myanmar

Myanmar là nước trong cả chục năm nay bị cô lập. Sự cô lập này đã đẩy Myanmar chỉ còn một đối tác duy nhất: đó là Trung Quốc. Theo tin tình báo thì Trung Quốc đã xây dựng một cảng quân sự ở miền Nam Myanmar, mở đường vào Ấn Độ Dương. Đây cũng là lý do Mỹ không thể mãi cô lập họ. Và đây cũng là lý do tôi được dịp trở lại Myanmar, trong một chương trình của Liên hiệp quốc gọi là tạo sự hữu hảo với chính quyền Myanmar.

Ngay cả thủ đô mới Nay Pyi Taw (thành phố của vua) cũng hoàn toàn cô lập với nội địa Myanmar, một phần nghe nói để không làm tăng mức dân của Yangon, thủ đô cũ, nhưng một phần không nhỏ là triệt tiêu hoàn toàn ảnh hưởng của sự chống đối nếu có. Thủ đô mới nằm trong một thung lũng lớn, trước đây là rừng, đã bị đốn sạch, được nối với Yangon bằng một xa lộ, đổ bê tông, ít nhất là 4 làn xe, nhưng nhiều nơi là 8 làn xe, chạy bon bon phải mất hơn 4 tiếng lái xe.

Một ngôi chùa ở Yangoon, Myanmar.

Trên đường, cả lần đi tới và về tôi chỉ thấy vài chiếc xe hơi. Con đường đi qua khu vực gần như không có dân cư. Một cảnh tượng rất siêu thực. Thủ đô cũng chỉ có một số nhà cao tầng dành cho viên chức, rải rác trên vài con đường nhỏ hơn từ một đại lộ chính. Có một vài khách sạn rất lớn, gồm những ngôi nhà riêng lẻ, nhìn ra hồ nhân tạo, hoành tráng, gần như chỉ dành cho những người đi công tác, nhiều ngày chỉ có tôi và một hai người nữa là khách trú.

Lác đác ở thủ đô là một vài nơi có người, có tiệm ăn. Nhưng đi tới nơi cũng mất 15 phút hoặc nửa tiếng lái xe từ khách sạn tôi ở. Đi từ cơ quan này đến cơ quan khác thì không thể không có xe hơi. Có thể nói, đây là một thành phố đầy bê tông và chưa có người. Trong một bữa ăn được mời vì tôi là khách ở quá lâu, ông giám đốc quản lý khách sạn nói với tôi, nhiệm vụ của ông ấy là làm sao giảm lỗ tới mức thấp nhất.

Hai tuần lễ huấn luyện, ăn trưa hàng ngày với 20 chuyên gia cấp cao ở Bộ Kế hoạch, ngân hàng, tài chính và một số giáo sư đại học, tôi nhận thấy là Myanmar vẫn còn nhìn người Việt như những anh hùng. Ảnh hưởng của Trung Quốc có thể chỉ ở cấp lãnh đạo tối cao chứ không lan đến quan chức và người dân.

Cuộc xung đột nhằm nắm quyền kiểm soát người thiểu số ở vùng biên giới với Trung Quốc đang gây căng thẳng giữa hai nước. Myanmar là thành viên của ASEAN nhưng hình như họ là một thành viên cô lập. Và có lẽ họ sẽ bỏ phiếu cho những người không cô lập họ. Ở vị thế chủ tịch ASEAN năm 2010, việc giúp Myanmar và Mỹ đạt tới những hiểu biết để hai bên từ bỏ chính sách đối nghịch sẽ làm tăng vai trò của Việt Nam trong việc xây dựng uy thế cho ASEAN. Và tất nhiên là lợi ích mang đến cho Việt Nam không phải là nhỏ.

Trung Quốc

Một năm qua tôi đã bốn lần đi Bắc Kinh. Có lúc tôi đã có ý định sang Bắc Kinh dạy học theo lời mời của một trường đại học ở đó. Cũng đã bỏ công hai năm, rị mọ học chữ Hán, nhưng rồi phải suy nghĩ lại vì một sự kiện. Đó là bài viết của tôi trên Vietnamnet về yêu sách phi lý của Trung Quốc, coi vùng biển trong đường lưỡi bò, chiếm tới 80% Biển Đông là lãnh hải của họ. Điều này hoàn toàn không phù hợp với luật biển Liên hiệp quốc.

Một anh bạn người Trung Quốc đã báo cho tôi biết là có điện thoại thẳng từ Trung Quốc nói là không hài lòng với bài viết. Tôi ngạc nhiên hỏi lý do. Anh ấy trả lời là đó là vì bài viết đã được dịch ra tiếng Trung. Tôi nói mục đích bài viết không phải là để chống Trung Quốc, mà là để kêu gọi đi đến một giải pháp mà mọi người ở châu Á và các nước đang có quyền đi lại tự do trong vùng biển này có thể chấp nhận được.

Đường dẫn lên chiếc cầu bắc qua sông Hoàng Phố, Thượng Hải, Trung Quốc.

Một giải pháp tốt đẹp hợp lý dựa trên luật quốc tế sẽ đương nhiên nâng vai trò lãnh đạo trong khu vực của người Trung Quốc. Còn không sẽ tiềm ẩn một cuộc tranh chấp có thể đi đến chiến tranh mà không ai được lợi. Phản ứng của Trung Quốc như thế làm tôi tưởng sẽ không còn được thị thực vào Trung Quốc làm việc trong chương trình của họ. Nhưng họ đã không làm điều đó.

Trung Quốc có một chính sách khá rõ là gậm nhấm và đe dọa, gây cho đối phương sợ hãi về sức mạnh của họ, không cần đánh nhưng đòi được nhượng bộ và sẵn sàng cho mượn tiền đầu tư, để quyền lợi của nước sở tại gắn chặt vào lợi ích của Trung Quốc. Tất nhiên nước lớn nào muốn bá chủ cũng làm thế. Có chăng nước lớn khác còn có nguyên tắc ứng xử minh bạch.

Dùng tiền viện trợ dưới hình thức cho vay có lẽ là nguyên nhân đưa Philippines tới việc ký kết cùng hợp tác nghiên cứu địa chấn trong khu vực thỏa thuận ở Biển Đông. Việc thỏa thuận này ngầm công nhận Trung Quốc có quyền lợi rộng rãi ở Biển Đông, đồng thời đẩy Việt Nam vào thế chấp nhận tham gia. Nhưng nghiên cứu địa chấn ấy lại cũng xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Phản đối mãnh liệt từ nghị viện Philippines, đã làm thỏa ước này không thể tiếp tục.

(Theo Vũ Quang Việt // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Top 10 khách sạn tốt nhất thế giới
  • Thiên đường dành cho mèo ở Đài Loan
  • Vì sao Bangkok hấp dẫn du khách quốc tế?
  • Mùa thu Sydney
  • Cùng đón Tết té nước của người Thái tại Bangkok
  • Mê hoặc 10 cảnh quan có địa hình lạ nhất
  • Dấu ấn Jakarta
  • Bí ẩn đảo Easter
  • 10 điểm du lịch thú vị năm 2010
  • Du lịch Campuchia - vừa lạ vừa quen
  • Phong cách ẩm thực châu Âu
  • Thăm thành phố Philadelphia
  • Nghệ thuật “thưởng” Sushi
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com