Đoàn nhà báo Việt Nam chụp hình chung cùng Nữ hoàng và Hoàng thân - Ảnh: S.Jonsson |
Cung điện Fredensborg nằm cách thủ đô Copenhagen chừng 40 phút chạy xe. Đây là khu dinh thự mùa đông và mùa xuân của Hoàng gia Đan Mạch. Đây cũng là nơi mà Hoàng gia sử dụng nhiều nhất trong năm và là nơi tiếp lãnh đạo các nước đến thăm. Theo lịch do Bộ Ngoại giao Đan Mạch sắp xếp, Nữ hoàng Margrethe II cùng Hoàng thân Henrik tiếp đoàn chúng tôi vào lúc 14 giờ 15 ngày 7.10.
Câu chuyện hoàng gia
Với hơn 1.000 năm tuổi, Đan Mạch là một trong những nhà nước quân chủ lâu đời nhất thế giới hiện còn tồn tại. Nữ hoàng Margrethe II, sinh năm 1940, lên ngôi vào năm 1972, sau khi vua cha Frederik IX băng hà.
Hoàng thân Henrik sinh năm 1934 tại Pháp. Ông nội của ông là Henri de Monpezat đã đến Đông Dương vào cuối thế kỷ 19 để làm ăn. Ông Henri có hàng ngàn héc-ta cà phê và lúa, một số xưởng dệt và mỏ than ở Đông Dương. Năm 1920, ông lập báo La Volonté Indochinoise và nhanh chóng biến nó thành nhật báo hàng đầu Hà Nội. Con trai ông - tức cha của Hoàng thân Henrik - là André de Monpezat đã tiếp quản cơ nghiệp gia đình sau khi thân phụ Henri mất. Một thời gian, ông André đổi tên báo La Volonté Indochinoise thành L’Entente.
Ngay sau khi chào đời, Henrik được cha đưa đến Đông Dương sinh sống trong vòng 5 năm và sau đó ông trở lại Hà Nội vào năm 1950. Năm 1967, ông Henrik kết hôn với nữ hoàng tương lai của Đan Mạch. Từ năm 1972, khi bà Margrethe II lên ngôi, ông đã trở thành hoàng thân xứ sở nàng tiên cá.
Dù cơ nghiệp làm ăn của gia đình tại Đông Dương đã kết thúc ngay sau trận Điện Biên Phủ, nhưng đối với vị hoàng thân bây giờ, Việt Nam vẫn là một miền đất không thể quên. Chuyến thăm của những người đến từ Việt Nam trong mùa thu này vì thế như đưa ông trở về với thuở xưa.
Tiếp xúc với hoàng gia đương nhiên bao gồm nhiều nghi thức đặc biệt, khác xa việc tiếp xúc các chính trị gia bình thường. Trước cuộc diện kiến và phỏng vấn Nữ hoàng cùng Hoàng thân, chúng tôi đã có một bữa trưa vừa ăn vừa trò chuyện với ngài Ove Ullerup - Chánh văn phòng Hoàng gia; cùng bà Lene Balleby - Trưởng bộ phận quan hệ công chúng Hoàng gia. Câu chuyện quanh bàn ăn xoáy vào các nghi thức khi gặp gỡ Nữ hoàng và Hoàng thân, trong đó có bộ nguyên tắc những việc có thể làm (Do) và không nên làm (Don’t); cách xưng hô trịnh trọng: Your Majesty (muôn tâu Nữ hoàng) và Your Royal Highness (tâu Hoàng thân); chỉ nên bắt tay khi Nữ hoàng và Hoàng thân chìa tay ra trước; việc chụp ảnh và đặt câu hỏi cũng tuân thủ một số nguyên tắc...
Ngôn ngữ sử dụng trong cuộc phỏng vấn cũng được bàn tới. Đầu tiên, các phóng viên đều muốn sử dụng tiếng Anh cho thống nhất. Tuy nhiên, sau đó bà Balleby gợi ý: “Các bạn nên hỏi thêm bằng tiếng Pháp. Hoàng thân vốn là người Pháp nên ông sẽ có nhiều cảm xúc khi nói tiếng mẹ đẻ”. Thế là đoàn chúng tôi quyết định hỏi một số câu bằng tiếng Anh, một số câu bằng tiếng Pháp.
Không khí chan hòa
Chúng tôi đến cung điện Fredensborg vào đầu buổi chiều, nắng nhạt, gió lay động những chóp mũ lông của đội lính danh dự. Sự uy nghi và tĩnh mịch của nơi đây làm cho người mới tới ngỡ mình chợt đến với một châu Âu cổ tích. Nhưng không, đây là Vương quốc Đan Mạch hiện đại.
Sau một lát ngồi trong phòng đợi, đoàn nhà báo Việt Nam được dẫn tới một gian phòng rộng, có lò sưởi và những tấm tranh lớn với khung vàng lấp lánh treo quanh tường. Đây là nơi Nữ hoàng Margrethe II thường tiếp các lãnh đạo quốc gia đến thăm. Thời gian tích tắc trôi, cuối cùng giây phút trọng đại cũng tới, khi cánh cửa phía đầu phòng mở rộng. Nữ hoàng Margrethe II cùng Hoàng thân Henrik bước vào. Nữ hoàng có vóc dáng cao và vẻ ngoài quyền quý. Hoàng thân thì phốp pháp bình dân. Nụ cười tươi của Nữ hoàng cùng vẻ thân mật của Hoàng thân khiến không khí trong phòng dịu đi chút ít. Hai chủ nhân của cung điện Fredensborg tiến tới đoàn khách Việt Nam. Những cái bắt tay khá chặt hứa hẹn một cuộc trò chuyện cởi mở.
Mở đầu câu chuyện, người phụ nữ trị vì Vương quốc Đan Mạch đã bày tỏ mong muốn đóng góp vào việc thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong chuyến thăm cấp nhà nước vào tháng 11. “Chồng tôi đã ở Việt Nam thời trẻ nên chuyến đi vào tháng tới là một sự trở về. Với tôi, đây cũng là cơ hội để biết tới nơi chồng tôi đã sống thời trẻ, và quan trọng hơn là biết rõ về đất nước mà Đan Mạch có quan hệ tốt”, Nữ hoàng nói thêm. Bị ám ảnh bởi truyện cổ tích Andersen, tôi đã hỏi nữ hoàng về cảm xúc của người khi trị vì xứ sở tươi đẹp này. Nữ hoàng nói bà luôn tự hào về đất nước Đan Mạch, “cũng như bạn tự hào về đất nước Việt Nam vậy”.
Sau những phút đầu hơi trịnh trọng, không khí chợt giãn ra khi Hoàng thân Henrik nói về Việt Nam. Có lẽ do nói tiếng Pháp cùng với những ký ức Đông Dương trỗi dậy mà Hoàng thân nói rằng ông rất vui khi chứng kiến quan hệ Việt Nam - Pháp được củng cố và Nữ hoàng đã phải nhắc: “Quan hệ Việt Nam - Đan Mạch chứ”. Hoàng thân còn kể về quá khứ của gia đình gắn liền với xứ sở Đông Dương những năm xưa. Ông thậm chí còn nói, bằng tiếng Việt, rằng ông thích “nước mắm Phú Quốc... và Phan Thiết”. Sự uy nghiêm chốn cung đình đã vỡ òa thành một không khí thân tình. Xen giữa ký ức về một miền đất Việt Nam tươi đẹp, hoàng thân xứ sở nàng tiên cá còn có một ước nguyện của cuộc đời: tìm lại mộ phần của ông nội tại Việt Nam.
Sự thân thiện cởi mở trong chốn hoàng cung đã dẫn tới một đoạn kết bất ngờ. Trước khi chia tay, Nữ hoàng cùng Hoàng thân đã gọi cả đoàn tới chụp hình chung, một sự “ngẫu hứng” mà sau đó những người phục vụ tại cung điện nói với chúng tôi là “rất hiếm”.
Chia tay Nữ hoàng và Hoàng thân, chúng tôi bước qua những gian phòng với tượng, tranh rực rỡ để trở ra xe. Trời chiều Fredensborg nắng nhạt. Khu vườn Fredensborg xanh ngát. Nhiều em bé từ ngoài ùa vào vui chơi, ngay bên cạnh đội lính gác danh dự uy nghi, dưới những tường thành cổ kính.
Chốn cung điện này mở cửa cho tất cả mọi người.
(Theo Thanhnien online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com