Từ xa xưa, Đại Lãnh đã là nơi dừng chân của khách bộ hành trên đường thiên lý Bắc Nam. Ngày nay, Đại Lãnh trở thành điểm dừng chân của nhiều tour du lịch miền Trung, vì tại đây đường quốc lộ, đường sắt và đường biển gặp nhau ở cự ly rất gần.
Vịnh Đại Lãnh. |
Đại Lãnh nằm ở thung lũng của 2 ngọn đèo Cổ Mã ở phía Nam và đèo Cả hùng vĩ ở phía Bắc, cách Nha Trang-Khánh Hòa khoảng 80km, cách Tuy Hòa-Phú Yên khoảng 30km. Theo những cư dân địa phương, ngày xưa khu vực hai ngọn đèo này là nơi làm ăn của bọn “thảo khấu lục lâm”. Vì vậy, khách bộ hành thường ghé lại đây để tìm bạn đồng hành, đi thành từng đoàn lên đèo để tránh bị cướp. Dần dần, Đại Lãnh từ một nơi rừng rậm trở thành một điểm dân cư đông đúc. Dưới chân đèo Cả là ga xe lửa Đại Lãnh đón nhận những đoàn tàu tuyến Bắc Nam. Cạnh bên đường QL1 tấp nập xe cộ, sát với bãi biển đông đúc tàu bè, Đại Lãnh giống như giao điểm của các loại hình giao thông ở Việt Nam.
Nhờ vị thế hiểm trở của dãy Trường Sơn và bờ biển tuyệt mỹ, năm 1836, Đại Lãnh được vua Minh Mạng sau khi dừng chân lại đây cho khắc tên nơi này vào Cửu Đỉnh đặt trước Thế Miếu ở kinh thành Huế. Đến năm 1853, vua Tự Đức cho người biên soạn đưa địa danh Đại Lãnh vào Tự điển quốc gia của triều đình. Trước khi xây dựng hải đăng ở đây vào năm 1890, mũi Đại Lãnh được xuất hiện trên bản đồ thế giới gắn với tên của người Pháp phát hiện-Cap (mũi) Varella. Ngày nay, Tổ chức Du lịch thế giới xếp Đại Lãnh vào những bãi biển đẹp nhất Đông Nam Á. Nhìn từ phía Nam, mũi Đại Lãnh yên bình trên mặt nước biếc. Khi lên lưng chừng đèo Cả, mũi Đại Lãnh trông như một con khủng long khổng lồ đưa miệng xuống mặt nước, để lộ phần đầu kỳ quái nổi trên mặt biển. Đỉnh thấp phía Bắc của ngọn núi này lởm chởm đá ở chiều thẳng đứng. Do đá núi bị thời tiết bào mòn theo thời gian đã tạo hình khơi gợi trí tưởng tượng của nhiều người.
Hải đăng trên mũi Đại Lãnh. |
Đại Lãnh là nơi rất lý tưởng để du khách ngắm bình minh. Mũi Đại Lãnh là nơi đón bình minh sớm nhất trên đất liền. Nơi đây là một nhánh của dãy Trường Sơn, như một cánh tay với ra biển Đông. Nhìn từ bờ, mũi Đại Lãnh như người lính biển canh giữ vùng đất này bao năm qua không mệt mỏi.
Hiện nay, muốn ra mũi Đại Lãnh vẫn là đường thủy. Xuất phát từ bãi Môn, cảng Vũng Rô hoặc vịnh Vân Phong..., ngồi tàu đánh cá mất ít nhất từ 1-1,5 giờ. Người dân địa phương còn gọi mũi Đại Lãnh là mũi Điện, vì trên đỉnh có ngọn hải đăng cao 110 mét so với mực nước biển. Ban đêm, hải đăng Đại Lãnh bật lên có thể nhìn thấy ở khoảng cách 27 hải lý. Những người “lính đèn” làm nhiệm vụ tại hải đăng rất thân thiện. Du khách có thể ra hải đăng và lưu trú lại để có được cuộc sống gần gũi với thiên nhiên.
Ban đêm, ánh trăng vằng vặc, soi rõ dải cát dài trắng mịn và những con sóng trắng vỗ về. Tiếng đàn ghi-ta bên ánh lửa bập bùng của nhóm bạn rất thi vị. Họ ngồi đàn hát cả đêm mà không thấy chán. Dù thức khuya nhưng buổi sáng ai nấy cũng dậy thật sớm để có cơ hội đón ánh mặt trời sớm nhất nhô lên đỏ rực từ mặt biển bao la. Thỉnh thoảng mới có đoàn khách du lịch nghỉ qua đêm tại đây, các bãi tắm nơi này rất vắng người nên vẫn giữ được vẻ thuần khiết, yêu kiều vốn có. Một số doanh nghiệp lữ hành khai thác lợi thế này để phục vụ khách yêu thích thiên nhiên, du lịch dã ngoại, sinh hoạt chan hòa với thiên nhiên. Ngồi trên ghềnh đá, du khách có thể buông câu hoặc lần mò trong các hốc đá bắt cua, ốc...
Ai một lần ghé rồi không thể quên một Đại Lãnh xinh đẹp, hoang sơ hiếm có. Vì vậy, nơi đây đã lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư lớn. Nhưng dù có biến quán nhỏ ven đường thành một resort lớn cũng xin giữ lại chút yên bình của mũi Đại Lãnh, nơi người-lính-biển-đứng-gác ngàn năm nay...
(Theo Du Miên // Cần Thơ Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com