Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Văn miếu - Quốc Tử Giám



Tọa lạc tại địa chỉ 58, Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội (nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long thời nhà Lý). Văn miếu - Quốc Tử Giám, được xây dựng từ năm 1070 thời vua Lý Thánh Tông, hiện là nơi tham quan, du lịch của nhiều người trong và ngoài nước. Được biết đến như là một nơi hội tụ tâm linh của người Việt.

 

Với kiến trúc cổ xưa độc đáo kết hợp với phong cảnh được thiết kế mang đậm “chất thơ”, Văn miếu đã thật sự đem đến cho du khách những giây phút thật an bình, trầm lắng. Những gì ồn ào của cuộc sống dường như đã được rũ bỏ tất cả ở bên ngoài cánh cổng, thay vào đó là những khoảnh khắc tự hào về một truyền thống hiếu học của người dân đất Việt.Được mở cửa từ lúc 7 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút tất cả các ngày trong tuần, với giá vé 10.000 đ/người, du khách có thể vào tham quan thỏa thích khu di tích mang đậm tính nhân văn này cả ngày ngay tại thủ đô Hà Nội.

 

Văn miếu được làm thành 5 khu vực rõ rệt, mỗi khu vực đều có tường ngăn cách và cổng đi lại liên hệ với nhau. Bắt đầu đi vào từ cổng chính “Văn miếu môn” đến cổng “Đại trung môn” là những thân cây có tán lá rộng che ánh nắng mặt trời, phía dưới là hai ao sen hình chữ nhật xung quanh được phủ kín bởi thảm cỏ xanh được trồng hai bên lối đi đã tạo ra một không cảnh “hữu tình”, ấm áp ngay từ những bước chân đầu tiên đi vào khu vực của Khuê Văn Các (là một lầu vuông, 2 tầng được làm bằng gỗ và gạch, nơi thường được dùng làm nơi thưởng thức các sáng tác văn thơ từ cổ xưa tới nay). Phía sau Khuê Văn Các là hồ nước Thiên Quảng Tỉnh (giếng soi ánh mặt trời) hình vuông, hai bên hồ là khu nhà bia tiến sĩ. Các bia tiến sĩ được làm bằng đá, đặt trên lưng một con rùa, trên bia ghi các thông tin về những người đã thi đậu trong kỳ thi đình (trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa, hoàng giáp, tiến sĩ) bằng chữ Hán và chữ Nôm từ năm 1442-1779.

 

Tiếp tục đi vào là khu trung tâm của Văn miếu với kiến trúc độc đáo được làm bằng gỗ, ngói và gạch bát tràng. Tòa nhà đầu tiên có tên gọi là nhà Bái đường, phía trước nhà Bái đường là một cái sân rất rộng, phía bên trái là dãy nhà của Ban quản lý khu di tích, bên phải là dãy nhà dùng để bán các mặt hàng lưu niệm (trước đây hai dãy nhà này là nơi ở, học tập của các giám sinh). Bên trong nhà Bái đường có những cây cột được sơn bằng màu đỏ (tông màu chủ yếu của Văn miếu), mỗi cây cột tại đây đều có treo một câu thành ngữ bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm. Đặc biệt có các bức tranh gỗ thời nhà Lê rất đẹp, quả chuông Bích Ung do Nguyễn Nghiễm (cha Nguyễn Du) làm năm 1768..., chính giữa nhà là nơi bài trí hương án thờ Khổng Tử và các vị hiền triết của nho giáo Trung Quốc, tại đây du khách có thể đốt nhang cầu nguyện.

 

Điểm dừng chân cuối cùng là khu Quốc Tử Giám (xây dựng năm 1076, còn gọi là khu Thái học), nơi đây có tượng thờ Chu Văn An và các vị vua thời nhà Lý và nhà Lê. Thú vị nhất là các hiện vật lịch sử, tác phẩm văn nghệ của Hà Nội cổ được trưng bày như: Bút tích của cụ Cao Bá Quát (một người nổi tiếng viết chữ đẹp), chiếc áo của trạng nguyên, gánh sách, lệnh bài, hình ảnh Hà Nội xưa, chén ngọc... Thật là thiếu sót nếu chúng ta không chụp ảnh lưu niệm và thắp nhang cầu nguyện tại đây. Đặc biệt, chúng ta có thể lên lầu nhìn xuống xem toàn bộ phong cảnh tuyệt đẹp và “hữu tình” của ngôi trường có một không hai này.

 

Với kiến trúc cổ xưa độc đáo, mang đậm “chất thơ” lãng mạn, Văn miếu - Quốc Tử Giám có thể xem như một chiếc cầu nối giữa Hà Nội xưa và nay, đã góp phần làm giàu thêm cho kho tàng văn hóa của dân tộc.

(Theo HẢI SƠN // báo Hậu Giang)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng
  • Cù Lao Chàm - Đảo xanh hoang dã đầy hấp dẫn
  • Ai lên xứ hoa đào... ghé vào Tuyền Lâm
  • Miệt vườn Mỹ Khánh
  • Kiến trúc nhà rông
  • Đèo Mang Yang
  • Di tích lịch sử- văn hoá Tây Sơn Thượng Đạo
  • Những nẻo đường... du lịch
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com