Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bếp lửa hồng và nồi bánh tét mừng xuân

Không khí ngày xuân không thể thiếu rượu, bánh mứt, phong bao lì xì đỏ, cây nêu và bánh chưng xanh. Đối với cư dân vùng đồng bằng Nam bộ, bánh tét lại là món ăn không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên như tấm lòng thành kính của con cháu sau một năm làm lụng vất vả. Ngồi bên bếp lửa hồng, nghe hơi ấm giữa lòng đêm se se chợt nghe bao ký ức tìm về.
 

 

 

Nếu ở miền Bắc trong ngày Tết, giỗ kỵ, các lễ hội cổ truyền có bánh dày, bánh chưng để dâng cúng tổ tiên, thì ở Nam Bộ bánh tét được liệt ngang hàng, coi như bánh Tổ. Hiện diện như một nét văn hóa của miền Nam, bánh tét gói ghém trong nó cả một nền văn minh nông nghiệp với gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn… quyện vào nhau thật dẻo mềm, bùi béo giữa màu xanh thẫm và láng mượt của lớp lá chuối mang hương vị tự nhiên của trời đất. Thường được gọi là bánh đòn do có hình trụ dài và tròn đều, cứ mỗi hai đòn bánh lại cột thành một cặp có dây quai để xách, vừa tiện vừa đẹp, lại phù hợp với tập quán vì năm mới phải đủ đôi, chẵn cặp mới hạnh phúc, thịnh vượng.

 
Tương truyền tên gọi “bánh tét” có xuất xứ từ hành động nắm đầu dây buộc, khoanh tròn đòn bánh đã lột vỏ, “tét” từng khoanh một đơm lên đĩa. Cũng có thuyết cho rằng bánh tét là một biến thể của chiếc bánh chưng ngoài Bắc về nguyên liệu, cách nấu, chỉ khác về hình dáng và sử dụng lá chuối để gói thay vì lá dong. Hay có nơi lại hiểu bánh tét là một trong những sản phẩm của trồng trọt và chăn nuôi Việt Nam, cái đặc sắc, độc đáo của bánh chủ yếu ở nét khác biệt trong hình khối, màu sắc, hương vị so với các loại xôi đỗ và bánh nếp khác nên cứ mỗi năm tết đến người phương Nam lại gói loại bánh này, gọi là “bánh tết”, lâu dần đọc trại ra thành “bánh tét”.
  

Được người Kinh và một số dân tộc thiểu số ở miền Nam và Trung chế biến một cách tài tình, lại tuỳ theo địa phương mà thêm thắt gia vị cho hợp khẩu nên đòn bánh tét phương Nam ngày càng phong phú về chủng loại và hương vị. Nào là bánh tét nhân ngọt (không có thịt) nhân đậu xanh có trộn đường; bánh tét nhân chuối thay cho nhân đậu xanh, đòn nhỏ một trái chuối, còn đòn lớn ba trái chuối xiêm chín có thêm đường để tăng độ ngọt cho nhân, khi chín có màu đỏ tím. Tét khoanh bánh ra trông lạ mắt, màu đỏ tím chính giữa nổi bật bên ngoài màu nếp trắng phau rất đẹp. Nào là bánh tét thập cẩm với phần nhân cao cấp gồm trứng, tôm khô, lạp xưởng, hạt sen, thịt giò Bắc thảo, đậu phộng, nấm đông cô trộn chung với nhân đậu xanh…
 

 Mỗi lần gói bánh tét, người ta thường gói chí ít 5 - 7 đòn vừa để dành ăn dần, vừa để biếu hàng xóm láng giềng, bà con thân thích. Hay nhất là cứ sau hăm ba ông Táo chầu Trời cả nhà tự xúm xít lại gói bánh. Trước tiên, xếp lá chuối ngang dọc xen kẻ nhau, sau đó cho gạo nếp, đậu xanh đãi vỏ đã nấu chín lên trên, trải đều ra thành hình chữ nhật, sau đó thêm vào giữa một miếng thịt lợn theo chiều dài đòn bánh. Kế đến cho thêm một lớp đậu xanh và một lớp gạo nếp lên trên cùng rồi bắt đầu lăn cuộn bánh. Gấp một đầu bánh lại và bắt đầu nén gạo cho chặt và buộc dây lạt nữa là hoàn tất.
 

 Để nấu bánh, chọn một cái nồi thật cao để xếp những chiếc bánh vào, cho nước ngập mặt bánh rồi đun trên bếp củi. Cách giờ phải thăm và châm nước thêm. Bánh nấu liên tục trong khoảng từ 10 - 12 tiếng đồng hồ mới chín đều. Vì thời gian nấu lâu nên hạt gạo khi chín sẽ mềm và quyện chặt lấy nhau, khác hẳn với xôi khi người ta “đồ”. Lúc này, các vật liệu như thịt (phải là thịt vừa nạc vừa mỡ mới ngon; chỉ thịt nạc, nhân bánh sẽ khô), gạo, đỗ đều chín nhừ, chan hòa, ngấm vào nhau, trở nên thơm ngon độc đáo. Cùng nhau ngồi quây quần bên nồi bánh tét đượm ánh lửa hồng, chợt nghe trong lòng lâng lâng bao cảm xúc khó tả về một sự thiêng liêng, sự hòa điệu của thiên nhiên và con người giữa đêm thanh vắng chỉ còn tiếng cười nói, tiếng tí tách của những thanh củi và bao câu chuyện vượt thời gian. Người này canh bánh thì người kia ngủ, trong giấc ngủ mơ màng bạn sẽ được nghe thoang thoảng mùi hương tỏa ra từ những đòn bánh chín đầu tiên của mùa Tết. Tự tay vớt những đòn bánh ra và xếp thành từng dãy trên bể nước, dằn cho bánh được ráo cũng sẽ rất thú vị cho những ai tự nấu bánh Tết cho người thân và gia đình.
 
Thưởng thức bánh tét cũng đòi hỏi sự tinh tế và cầu kỳ, tuyệt đối không nên dùng dao để cắt, thay vào đó, người ta bóc vỏ rồi dùng dây buộc bánh để cắt thành từng khoanh mỏng. Bánh được đánh giá là gói khéo khi khoanh bánh tròn đều, buộc chặt, nhân bánh nằm chính giữa. Bên cạnh đó, món bánh tét chiên giòn cũng ngon tuyệt, không kém phần hấp dẫn với những miếng bánh chiên phồng, vàng ruộm, thơm lừng.
 

Ngày xưa chỉ đến Tết mới gói bánh, bây giờ bánh tét, bánh dầy, bánh chưng... hiện diện cả năm, cần lúc nào có sẵn ngay lúc đó. Nhưng, dù có mỗi ngày thì đến Tết vẫn cứ phải có bánh tét. Nam bộ không có hoa, mứt, nồi thịt kho tàu và bánh tét thì cũng xem như mất đi dư vị Tết. Ấy vậy mới biết, Tết là sự tổng hòa của nhiều yếu tố, văn hóa, ẩm thực, hội hè và chỉ cần có thế thôi không khí Tết đã tồn tài và mang hơi thở ngàn năm đến với mọi người, mọi nhà trong niềm vui sum họp.

(Theo travel)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Hoa gạo tháng Ba
  • Người Jarai ở Pleiku mở hội mừng xuân
  • Chợ Hàng - Nét duyên quê giữa lòng thành phố
  • những khoảnh khắc mùa xuân
  • Tập quán mừng thọ
  • Biểu diễn đúc trống đồng Đông Sơn
  • Khám phá Vân Đồn
  • Bất ngờ sa-kê
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com