Một đợt rét đậm từ miền Bắc tràn vào. Tại thị trấn Ba Đồn, nhiệt độ dưới 100C. Đi trong giá rét vô biên ở chỗ ngày xưa quân Trịnh đồn trú, chúng tôi chợt nghĩ, thực ra biên giới cũng tại lòng người. Đoàn làm phim Ký sự sông Gianh háo hức khám phá con sông một thời là ranh giới giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong của nước Việt với cảm xúc lẫn lộn.
Đoàn làm phim Ký sự sông Gianh và người dẫn đường Hồ Khanh (bên phải) trước cửa hang Khanh, một động nước đổ vào sông Son được Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đặt tên theo người dẫn đường. |
Thế giới những tộc người
Sông Gianh như một nhát chém nghiêng qua chỗ rẻo đất hẹp nhất trên bản đồ Việt Nam. Từ thượng lưu tới hạ lưu, sông chỉ dài 160km. Hai nguồn chính Rào Nậy và Rào Son gặp nhau ở gần cửa biển. Hành trình làm phim khám phá dòng sông này bắt đầu từ ngã ba sông để ngược lên thượng nguồn với bao bí ẩn của thời gian mà những ngôi làng cổ, những vùng đất ven bờ sông Gianh xanh màu ngọc bích đến lạ lùng vẫn còn lưu giữ. Từ đây con sông bắt đầu một con đường tráng lệ đi qua 99 ngọn núi đá vôi huyền thoại ở làng Lệ Sơn lên thị trấn Đồng Lê của huyện miền núi Tuyên Hoá. Chúng tôi kết thúc hành trình ngược dòng bằng thuyền tại đây để vượt rừng vì phía thượng nguồn ở tây Quảng Bình, sông Gianh chảy dốc với hàng chục thác ghềnh, có lúc chui vào lòng núi đá vôi để mở ra những nguồn nước bí ẩn.
Từ ngã ba Tả Bảo – Khe Ve, địa danh ghi dấu phong trào Duy Tân của vua Hàm Nghi, sông chảy dọc theo đường 12 từ đỉnh núi Giăng Màn đổ xuống, những người làm phim như lạc vào thế giới khác, thế giới của những mái nhà sàn đơn độc giữa núi rừng. Đó là xứ sở của người “lá vàng”. Người Khùa hay sợ ma, người Mày lang thang trong những túp lều lá xanh giữa rừng tới khi lá ngả vàng thì bỏ đi, người Rục sống trong hang đá, người Sách nói được năm, sáu thứ tiếng của các dân tộc xung quanh…
Đêm ở Cha Lo là những đêm không ngủ vì trời lạnh đến thấu xương, đỉnh Giăng Màn như một bức tường thành chạm tới các vì sao, bên kia là Lào. Với những người làm phim chúng tôi, và cả những nhà địa lý thật sự cũng không thể biết rõ giọt nước đầu tiên của sông Gianh khởi nguồn từ đâu ở bên kia núi xuyên qua biên giới bên này với những khe suối chảy ngầm bởi đặc điểm của hiện tượng karst (hiện tượng phong hoá đặc trưng của những miền núi đá vôi bị nước chảy xói mòn).
Kỳ vĩ sông Gianh
Bạn đã từng ngạc nhiên trước những dòng sông Việt thơ mộng hay hùng vĩ. Nhưng, khám phá sông Gianh qua hai nguồn Rào Nậy và Rào Son, cảm giác kỳ vĩ nâng lên gấp bội. Đó chính là cảm giác bé nhỏ của con người trước thiên nhiên vĩ đại. Đứng trong một cái hang động nước chảy ngầm giữa vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, để nghe dòng thác ầm ào đâu đó trong lòng núi. Người dẫn đường cho chúng tôi cứ quả quyết nếu thả một quả bưởi xuống hang, một ngày sau sẽ thấy quả bưởi nổi lên ở thác Nước Mội, mà người ta tin chắc đó chính là nguồn của Rào Son. Chúng tôi cũng đã gặp được “vua hang động” Hồ Khanh, người dẫn đường số 1 cho Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh tìm ra hang động Sơn Đoòng dài nhất thế giới và những hang động khác. Việc tìm thấy các hang động này là những cố gắng khám phá vẻ đẹp kỳ vĩ ẩn mình trong những dãy núi đá vôi thượng nguồn sông Gianh. Một phần, nó còn có ý nghĩa giải mã dần dần nơi khởi nguồn của dòng sông kỳ lạ này.
Tập đầu tiên của ký sự truyền hình Ký sự sông Gianh (10 tập) được thể hiện theo phong cách Vietnam Discovery bắt đầu phát sóng lúc 18 giờ 45 ngày thứ hai 30.8.2010 trong chương trình Việt Nam ngày nay trên kênh VTV4.
(Theo Nguyễn Minh Sơn // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com