Cổng vào Việt Phủ Thành Chương (ảnh Nhật Nguyên) |
Từ trung tâm Hà Nội, qua gần 40 km đến dốc Dây Diều, xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, trên một quả đồi trọc sỏi đá đã hiện lên một tổ hợp công trình mang tên Việt Phủ Thành Chương (hoặc Biệt phủ Thành Chương).
Cái tên Việt Phủ Thành Chương đã trở nên quen thuộc từ gần chục năm qua với những ai ưa thích khám phá văn hóa Việt bởi đây không hẳn là bảo tàng, cũng không phải là điểm đến thoáng qua để vui chơi, giải trí mà còn là nơi gìn giữ, sưu tập tinh hoa văn hoá truyền thống Việt. Nằm trên quả đồi tựa lưng vào một nhánh chính của triền núi Sóc Sơn, biệt phủ của họa sĩ Thành Chương trải rộng hơn 10 ngàn mét vuông, thu hút đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế tới viếng thăm bởi dấu ấn của hàng vạn hiện vật văn hóa - lịch sử từ các triều đại Đinh - Lý - Trần - Lê... mà họa sĩ Thành Chương đã sưu tầm, lưu giữ suốt cả đời mình. Con đường bình dị dẫn đến cổng Việt phủ, những ngôi nhà, cái cây, hồ sen, nhà thủy đình và những biểu tượng văn hóa của nền văn minh lúa nước như chiếc gầu tát nước, chiếc cối giã gạo, cái giỏ đựng cá, chõng tre, bậc đá... đã mang lại cho du khách một cảm giác cổ xưa mà gần gũi một cách kỳ lạ. Với sự sáng tạo độc đáo trong kiến trúc, họa sĩ Thành Chương đã mở rộng không gian và tính hữu dụng của những ngôi nhà Việt truyền thống nhưng vẫn giữ nguyên nét tinh tế và đặc trưng lịch sử trải qua bao đời. Những ngôi nhà cổ của người Việt ở nhiều vùng địa lý và văn hóa khác nhau được mang về đây dựng lên một không gian văn hóa tràn ngập sự sống tinh thần dân dã của người Việt. Họa sĩ Thành Chương, chủ công trình giới thiệu, phía bên phải biệt phủ Thành Chương là một ngôi nhà sàn cổ, rộng hơn trăm mét vuông mà họa sĩ mua của đồng bào Mường vùng Hòa Bình, rồi thuê xe tải chở về. Trước mặt nhà sàn là một chiếc ao rộng với dãy lan can gạch quây xung quanh và một chiếc cầu đá cổ, đem đến vẻ tĩnh lặng của bóng nước thôn quê. Bên cạnh đó là một chiếc tháp cao 5 tầng được xây cất theo lối cổ, đứng sừng sững trên triền đồi mà từ xa năm sáu cây số người ta còn nhìn thấy. Nhà Tường Vân trong trang phủ đầy màu sắc văn hóa (ảnh Nhật Nguyên)
Chính giữa phủ là một ngôi nhà cổ rộng hơn 200m2 với những cột gỗ lim lớn đã được mua về từ một vùng quê Nam Định. Bên trái phủ là một khu nhà 5 tầng kiến trúc rất ngoạn mục, ẩn mình dưới những vòm mái cong theo lối đình chùa cổ, khu nhà mang cái tên khá thơ mộng là “Tường Vân” (Mây lành).
Liền đó là nếp nhà Thủy Đình mộc mạc với những cánh cửa gỗ đã bạc màu thời gian. Điểm nhấn quan trọng, cái trục nối kết mang đến tinh thần văn hóa cho toàn bộ hệ thống kiến trúc ấy chính là quần thể tượng đá, tượng gỗ, tượng Phật, đồ đồng và gốm cổ được sắp đặt, bài trí trong nhà, ngoài sân có mặt khắp nơi trong trang phủ. Trong thế giới độc đáo đó, còn là một thế giới nhiều sắc màu qua những tác phẩm hội họa của chính chủ nhân tổ hợp công trình ấy - họa sĩ Thành Chương. Tất cả đã tạo nên sự khác biệt của Việt Phủ Thành Chương - không chỉ là nơi vui chơi giải trí đơn thuần mà trở thành điểm đến một không gian văn hóa nhiều sắc màu, phảng phất thế giới tâm linh của người Việt Nam. Trong một không gian đậm văn hóa Việt, du khách còn được thưởng thức những màn trình diễn nghệ thuật dân tộc như quan họ, ca và có cả những tiết mục rối nước tại nhà thủy đình với những tích trò quen thuộc. Theo ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Hà Nội, Việt Phủ Thành chương đậm đà giá trị văn hoá Bắc bộ. Sự sàng lọc, bố trí hợp lý những nét tương đối nhất khiến khách quốc tế có cái nhìn tổng thể về văn hoá vùng đồng bằng này, do đó, nơi đây sẽ là điểm đến lý tưởng cho khách du lịch tìm hiểu văn hoá Việt. Được xây dựng từ năm 2001, ý tưởng ban đầu của họa sĩ Thành Chương là tạo dựng một không gian văn hóa, nghệ thuật, tâm linh rất Việt Nam dành cho riêng ông và gia đình thế nhưng, sự hấp dẫn của một mô hình bảo tàng ngoài trời đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến đây mỗi năm. Sau một buổi tham quan văn hóa tại Việt Phủ, du khách sẽ dừng chân tại nhà ẩm thực. Với thực đơn đa dạng, mỗi người có thể chọn cho mình đồ ăn, thức uống với nhiều món ăn rất Việt: nem, bún riêu, bánh đa, bánh đúc…/
(Theo Thoa Nguyễn // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com