Các liền chị đang chuẩn bị phục vụ cho phiên chợ Âm Dương đầu năm Canh Dần. Ảnh do ban tổ chức cung cấp. |
Gần hai ngàn năm trước, đất Kinh Bắc có một phiên chợ đầu xuân khá lạ lùng, nhóm họp vào lúc trời nhá nhem tối ngày mùng 4 Tết Nguyên đán hằng năm. Gọi là chợ, nhưng không có sạp hàng, lều quán và hàng hóa chỉ là những con gà mái đen, hàng mã và những thứ dùng cúng người quá cố…
Đó là phiên chợ Âm Dương, nhóm họp tại làng Ó (làng Xuân Ó, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh ngày nay). Tên gọi chợ Âm Dương xuất phát từ quan niệm ngày thuộc dương và đêm thuộc âm, và hoàng hôn là thời khắc chuyển giao giữa cõi âm và dương thế, chính là lúc con người sống trên dương gian có thể gặp gỡ với các linh hồn người quá cố. Theo truyền thuyết, phiên chợ này không có lều quán và cũng không dùng đèn thắp sáng nên cả người mua và người bán đều không tỏ mặt nhau. Việc mua bán diễn ra trong im lặng, gần như không có lời qua tiếng lại. Đây là phiên chợ của các vong linh mọi đời mọi kiếp cùng tụ về đây sắm sửa, bán mua, đổi buồn lấy vui. Đặc biệt, đầu chợ luôn đặt chậu nước để thử tiền cõi âm hay tiền cõi dương... Theo dòng lịch sử Cụ Nguyễn Thanh Tụy (74 tuổi), trưởng ban nghiên cứu lịch sử làng Ó cho biết, “Chợ Âm Dương bắt từ những năm 40 sau công nguyên. Khi đó, trong vùng diễn ra cuộc chiến ác liệt của quân Hai Bà Trưng chống quân Hán. Sau chiến trận, thân nhân của các chiến binh tử trận đến đây tìm vong hồn tử sĩ. Người ta mua bán các đồ tế lễ, cúng bái để chiêu hồn, câu phúc... Dần dà, chợ Âm Dương được hình thành, ban đầu chủ yếu bán các đồ hàng mã, đồ tế lễ cúng cho người chết. Đến thời kỳ Bắc thuộc (những năm 200 - 270 sau công nguyên), văn bia sử sách có ghi: “Đạo Lão phổ biến nên việc trừ tà ma, tà khí được coi trọng. Nơi đây trước là bãi chiến trường, số lượng người chết không kể xiết. Khi đi chợ mùng 4 tết, người xưa bán, mua gà mái đen để tế thần, trừ tà ma. Mọi nhà trong các ngõ xóm giết gà đen, cắt lấy tiết, rồi vẩy cùng vôi bột thành hình cánh cung trước cổng nhằm trừ tà, xua khí độc. Sân nhà còn trồng thêm cây nêu, cũng là để trừ ma quỷ”.Đêm chợ Âm Dương. Hàng bán tiền đồng.
Khoảng năm 1266 khi nhà Trần đã lên thay nhà Lý, bà Lý Huệ Nương, hậu duệ cuối của nhà Lý lánh nạn từ kinh thành về đây, dạy dân trông dâu nuôi tằm trên các bãi dâu của bờ sông Tiêu Tương. Nghề ươm tơ, dệt lụa ở đây phát triển và nức tiếng khắp vùng Kinh Bắc. Chợ Âm Dương, từ đó có bán thêm mặt hàng tơ lụa.
Giai đoạn tiếp theo, sau khi bà Quý Minh, con gái bà Lý Huệ Nương dấy binh tụ nghĩa giúp nhà Trần đánh giặc Nguyên Mông. Bà đã mang quân đến các bãi chợ để luyện tập, khu đất họp chợ Âm Dương thành thao trường luyện binh sĩ. Tối tối trai gái trong làng rủ nhau đến bãi chợ, khi binh sĩ nghỉ ngơi, giải lao thì họ ca quan họ giao lưu với nhau. Từ đó, chợ Âm Dương có thêm sinh hoạt quan họ. Phục dựng tập quán ngày xuân Hiện nay, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam xây dựng kịch bản “Chợ Âm dương", phục dựng phiên chợ độc đáo thành một ngày hội văn hóa vào ngày mùng 4 và mùng 5 tết Canh Dần (nhằm ngày 17 và 18-2-2010) tại làng Xuân Ó, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh. Chiều mùng 4 tết, tại đền thờ trong khuôn viên lễ hội, du khách sẽ được thưởng thức lề lối quan họ lễ thờ, lối hát thường mở đầu các ngày hội quan họ - trước khi liền anh liền chị ra hát vui ở hội và hát canh ở nhà. Đêm đến, trong làng Ó, một canh quan họ giải hạn sẽ được tổ chức nhằm cầu cho may mắn, bình yên cho du khách và dân làng khi mùa xuân mới. Sáng mùng 5 tết, lối hát đối đáp - lối hát đặc trưng của hội hè vùng quan họ sẽ được thể hiện tại sân khấu chính của lễ hội. Theo ban tổ chức, các sân khấu trong bối cảnh của phiên chợ xuân độc đáo này sẽ được dựng tự nhiên trên một bãi đất trống có gốc cây đa cổ thụ bên rìa làng Ó, bên cạnh bãi tha ma của làng – vị trí được cho là nơi từng diễn ra những cuộc giao tranh của Hai Bà Trưng chống quân Hán; với cách thức biểu diễn hoặc thực hành nghi thức đúng theo lối cổ để có thể phục hồi lại không gian diễn xướng truyền thống của người Việt. Mừng xuân năm mới, đến với ngày hội độc đáo này, du khách có thể tham gia các trò chơi dân gian vùng Kinh Bắc, thưởng thức âm nhạc truyền thống và nhất là hòa mình trong không gian thấm đẫm ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng của người Việt xưa.
(Theo Thoa Nguyễn // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com