Khi thực hiện loạt bài Di sản văn hóa Tây Nguyên, nhóm phóng viên đã về Đông Giang (trước đây gọi là huyện Hiên), một huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh Quảng Nam, địa bàn cư trú chính của dân tộc C’tu. Ở đó, giữa rừng đại ngàn Trường Sơn, ngoài câu chuyện về Ker Tik, nghệ nhân điêu khắc của rừng xanh còn có nhiều câu chuyện thú vị về nghệ thuật điêu khắc của người C’tu, trong đó đặc biệt là điêu khắc nhà mồ…
Đường vào Đông Giang, nếu chú ý, có thể thấy một nhà mồ dựng bằng gỗ nhỏ nằm lẻ loi trên triền đồi bên cạnh đường cái. Tuy chỉ nhỏ như cái lều, nhưng ngôi nhà mồ này làm bất kỳ ai cũng phải sửng sốt vì sự bề thế của phương cách cấu trúc và mật độ điêu khắc dày đặc tuyệt đẹp.
Nếu như không phải trên đường nhựa, mà giữa rừng già, thì chắc người dạn dày nhất cũng phải... đứng tim vì cái màu lạnh lẽo ảm đạm của những cái đầu trâu bằng gỗ được tạc y như thật, bạc màu vì sương gió trên nóc, trên chái nhà. Cái vẻ linh thiêng làm con người phải nghiêng mình kính cẩn. Người nằm trong mồ là ai? Ai đã làm ra ngôi nhà mồ độc đáo cứ như đã đứng hàng trăm năm ở đấy? Họ vẫn còn sống hay là cũng đã đi về phía bên kia thế giới?
Nhà mồ gạch hoa - mái tôn của bố vợ chủ tịch huyện Tây Giang |
Đi tìm nhà mồ trong truyền thuyết C’tu…
Chuyến đi của chúng tôi ban đầu chỉ là để tìm lại những ngôi nhà Gươl nổi tiếng của người C’tu (nhà Gươl là một công trình kiến trúc công cộng của một làng C’tu, tựa như nhà Rông ở Tây Nguyên hay ngôi đình Bắc Bộ) chứ không có ý định tìm nhà mồ. Đến khi dừng chân tại xã A Rớh để thăm nhà Gươl của ông Briu Pố, được nghe ông Pố kể mê mẩn gần một buổi tối về nhà mồ C’tu, thì mọi người nổi ý định đi tìm... nhà mồ. Theo lời ông Pố, thời trước chiến tranh chống Pháp, người C’tu làm rất nhiều nhà mồ. Nổi tiếng nhất trong số ấy là Ping Quanh Treo ở Kon K’trăng (Ping: nhà mồ. Quanh: bố. Treo: tên riêng.
Nghĩa là Ngôi nhà mồ của bố anh Treo ở núi K’trăng) cách đây khoảng hơn 50 năm. Ngôi nhà mồ này rất đẹp, cơ man nào là điêu khắc, chi chít tượng lớn tượng nhỏ. Nó đẹp đến mức, theo ông Pố nói, những người già C’tu hồi đó chỉ mong nếu chết đi được an nghỉ trong ngôi nhà mồ như Ping Quanh Treo. Hỏi bây giờ những ngôi nhà mồ như thế còn không thì ông Pố lắc. Chiến tranh loạn lạc, chẳng còn thời gian nào mà làm. Làm nhà mồ thì phải làm vào thời bình, mất hàng năm mới xong. Thời binh lửa đói kém, mạng người giống như con chó con mèo, lo cho người sống chưa xong lo sao được cho người chết. Sau này khi hòa bình thì rừng cũng hết gỗ tốt, thợ giỏi...
Nhà mồ C'tu ở Đông Giang. |
Suốt chuyến đi, cứ hễ tạt vào ngôi nhà Gươl nào là chúng tôi lại tìm cách hỏi thăm về nhà mồ. Nhưng hầu như tất cả đều lắc đầu không biết. Họ chỉ cho chúng tôi ra xem những ngôi nhà mồ mới xây bằng gạch. Dọc đường về, chúng tôi bắt gặp một ngôi nhà mồ xây gạch hoa, mái tôn nằm ngay bên đường (đường mòn Hồ Chí Minh).
Nhà mồ này có chút đặc biệt là thanh xà nóc bằng gỗ có chạm khắc hai hình ảnh: một chiếc đầu trâu bằng gỗ trên mái và một cái đầu chim Tring (chim Tring là một họa tiết quen thuộc trong điêu khắc C’tu). Ngoài ra, trên cột gạch có treo chiếc xương sọ trâu còn nguyên sừng. Hỏi thăm người qua đường mới biết rằng đó chính là mộ của bố vợ anh Briu Liếc - hiện đương là chủ tịch huyện Tây Giang. Chúng tôi nghĩ, đến mộ của bố vợ chủ tịch huyện mà điêu khắc cũng ít ỏi vậy thì chắc hết hy vọng tìm được ngôi nhà mồ truyền thống!
Chạy quanh mãi chẳng thấy, cuối cùng cái cần tìm lại ở ngay trước mắt. Trên đường về Đà Nẵng thì cả đoàn gặp mưa, phải dừng lại trú. Chợt một người chỉ tay bảo cái gì kìa! Mọi người nhìn theo thì thấy một tòa “lăng mộ gỗ” nho nhỏ xám xám thấp thoáng ngay trên triền đồi. Mặc mưa gió, tất cả chúng tôi chạy lên xem, ai cũng tấm tắc mừng rỡ vì đã tìm được ngôi nhà mồ truyền thống C’tu 100%. Đúng lúc ấy, có một đám trẻ con đi học ngang qua, hỏi thăm thì chúng bảo đó là Ping Quanh Đen (nhà mồ của bố Đen). Và thật bất ngờ nhất là, người làm ra nó khá trẻ, và ở ngay gần đấy. Tên anh ta là Briu Ngà!
Con rể làm nhà mồ cho bố vợ
Chúng tôi bước vào căn nhà mái bằng cao ráo đang xây dở dang của Briu Ngà lúc trời vẫn mưa. Đây là địa phận thôn A’Liêng, xã A Ting - huyện Đông Giang. Đợi một chút thì Briu Ngà tóc xoăn cởi trần, xăm xăm đội mưa đi về. Trên gương mặt ngăm ngăm của anh để một hàng ria Cô - dắc trông rất ngạo nghễ.
Briu Ngà, sinh năm 1962, ở Khu 7 huyện Hiên cũ, giáp biên giới Lào. Cả gia đình anh chuyển xuống xã A’Ting này năm 1984. Ngà là anh cả trong gia đình có sáu anh chị em. Năm 1985 anh cưới vợ. Đám cưới của người C’tu rất tốn kém, phải cưới ba lần. Lần cưới thứ nhất tuy đã linh đình, nhưng mới là bước “báo cáo” để đôi vợ chồng trẻ về ở với nhau. Chưa phải đã xong, chàng rể phải mời nhà gái “ăn trâu” một lần nữa mới đích đáng (ngả thịt hẳn một con trâu). Cuối cùng là khi có con đầu lòng thì phải mổ tiếp mấy con heo khao nhà gái nữa mới hết thủ tục.
Nhưng thế vẫn chưa phải là chàng rể đã hết nghĩa vụ. Phong tục của người C’tu còn một nhiệm vụ khó khăn cuối cùng. Đó là việc chàng rể tự tay làm một ngôi nhà mồ cho bố vợ mới thực là trọn vẹn. Người con rể nào làm được việc ấy mới là giỏi nhất, có thiện tâm nhất. Người C’tu bảo rằng con rể cho trâu cho ché cũng không bằng làm nhà mồ cho bố vợ (con trai lại không làm nhà mồ cho bố mình).
Nhà mồ C'tu do Briu Ngà dựng tại Bảo tàng Dân tộc học. |
Ông Đinh Văn Đeng, bố vợ của Briu Ngà tuổi càng gần đất xa trời thì càng hay kể cho con rể nghe về những ngôi nhà mồ ông từng được thấy hồi nhỏ (người C’tu không có họ Đinh, bố mẹ ông Đeng bị thực dân Pháp giết từ khi ông còn bé nên ông quên mất họ, lớn lên ở lẫn với người xuôi bèn lấy họ của người dưới xuôi) . Ước mong của ông là được nằm yên nghỉ trong những căn nhà mồ như thế. Nhưng để làm nhà mồ có nhiều cái khó. Cái khó thứ nhất là... trâu bò thật. Người C’tu kiêng không dám khắc hình trâu trên mái nhà mồ nếu như không có... trâu thật để thịt trong đám ma. Muốn khắc bao nhiêu trâu thì phải chuẩn bị sẵn từng ấy con trâu thật.
Làm nhà mồ càng to, đám ma càng phải to mới tương xứng. Để dành cho đám ma của mình, ông Đeng đã có được hai con bò, một con trâu, năm con heo... (cũng bởi lý do tốn kém thế mà người ta hiện nay ít người dám làm nhà mồ). Cái khó thứ hai là phải có một người đục đẽo giỏi, vừa có tài thợ mộc, vừa có tay nghề điêu khắc để tạc tượng. Sau mấy mươi năm không ai làm nhà mồ, số thợ giỏi gần như không có. Cửa ải khó khăn thứ nhất thì ông Đeng đã dành dụm tiền nong cả đời để chuẩn bị thì được rồi.
Còn cái khó thứ hai là tay ông không khéo, không thể làm nổi. Ông đem chuyện này tâm sự với con rể. Và với chàng rể đã dám xăm lên ngực mình ba chữ Tài - Trí - Dũng thì chuyện làm nhà mồ nào có đáng kể gì! Kể cả dù trước đây Briu Ngà tuy khéo tay, nhưng... chưa bao giờ biết đục tượng. Ông Đeng lấy than vạch những cái hình nhà mồ ông nhớ trên nền đất và lấy que làm mô hình nho nhỏ cho con rể xem. Briu Ngà cứ theo những hình ấy mà teng ping (làm mộ). Anh dùng một chiếc rìu (gọi là chu) và một con dao nhỏ (gọi là tr’pia) để làm từng thứ một. Đầu tiên là cái Hjooc, tức là cái hòm bỏ xác, thì khá dễ. Đến cái donch’na, tức là cái mâm cơm cúng, vẫn chưa khó.
Nhưng tới cái k’diêu, tức là cái bộ đòn khiêng, thì là cả một vấn đề. Bởi ông Đeng vẽ ra cơ man nào là hình điêu khắc. Có cái thì đục như phù điêu, có cái thì đục xuyên qua như chạm lộng. Hình rau dớn, trâu húc nhau, người cưỡi ngựa, cưỡi rồng, người ngồi khóc. Ở giữa thì có chim Tring, bốn đầu đòn là hình người đánh trống đánh chiêng. Bốn cái trụ là hình bốn người ngồi dâng rượu, thuốc lào, cơm, trầu cau, chim Tring... cho vong trong mộ.
Mất cả năm trời Briu Ngà mới làm xong cái phần k’diêu này. Cuối cùng mới là cái Ping - achua. Tức là phần thân và mái nhà mồ. Hai đầu hồi và hai đầu mái trước chạm bốn cái đầu trâu rất kỳ công trông như thật. Mái cũng lợp bằng gỗ dựa trên sáu thân cột. Ngôi nhà mồ dành cho ông Đeng làm nơi an nghỉ cuối cùng cũng được Briu Ngà hoàn thành sau hai năm cật lực, và chỉ bằng gỗ ghép chốt lại chứ không hề có một chiếc đinh nào.
Ông Đeng mừng hơn bắt được vàng nên lúc con rể làm xong nhà mồ thì ông lại thấy... khỏe ra. Ông đem cả cái nhà mồ vào trong buồng ngủ, và cứ nằm trong đó thay giường. Sau 5 năm ngủ sống trong nhà mồ, ông mới mất. Trước khi chết, ông cụ không cho chôn ngay trong nhà mồ mà dặn chôn ông trong áo quan bên cạnh mồ ngoài một năm, sau đó mới chuyển sang nhà mồ này. Đám ma của ông Đeng hoành tráng nhất vùng, cả làng ăn sáu ngày sáu đêm, hết khoảng 50 triệu tiền trâu bò lợn gà vào đầu những năm 1990 (tính ra bây giờ ngót nghét 300 triệu)...
Sẽ làm nhà Gươl to nhất huyện...
Tính ra từ khi ngôi nhà mồ hoàn tất, nó đã được hơn 20 tuổi, cũng gần từng ấy năm trải mưa gió trên sườn đồi. Nó chỉ bị bạc màu đi chứ chưa hỏng vì Briu Ngà làm toàn bằng gỗ S’riêng (gỗ Thọ) và gỗ Trai, là hai loại gỗ cực tốt. Hoàn thành xong ngôi nhà mồ này, Briu Ngà cũng nổi tiếng khắp huyện Hiên (tên cũ của huyện Đông Giang) về cả... tài và đức! Đối với người C’tu, anh có thể tự hào là chàng rể giỏi nhất, ngay cả những người có quan chức hay học hành đỗ đạt cao cũng không bằng.
Nghe xong câu chuyện, chị bạn cùng đoàn quay sang nói vui với mọi người: Nếu phải làm bố vợ, tôi cũng xin làm bố vợ người C’tu, chứ không làm bố vợ người Kinh để “phải đấm” đâu.
Cách đây vài năm, cán bộ Bảo tàng Dân tộc học trong quá trình sưu tầm nhà mồ C’tu đã mỏi chân đi khắp hai huyện Hiên, Giàng là địa bàn của dân C’tu ở Quảng Nam mà không tìm thấy một ngôi nhà mồ nào. Cuối cùng họ được nghe về cái Ping quanh Đen của Briu Ngà và... lác mắt khi đến nơi, vì tìm thấy một cái nhà mồ duy nhất bằng gỗ, mà lại đẹp kỳ lạ, một tác phẩm kiến trúc - điêu khắc cực độc đáo như vậy. Họ đặt anh làm ngay một ngôi nhà mồ y hệt như vậy để chuyển ra Bảo tàng lưu giữ. Lần này thì Briu Ngà không phải mò mẫm nữa, anh làm ngôi nhà mồ thứ hai hết đúng một năm. Sau đó cùng sáu người chuyển gỗ ra Hà Nội lắp ráp. Bảo tàng trả công anh 45 triệu đồng (năm 2006).
Nói chuyện với Briu Ngà, thấy chàng hảo hán này rất khoái... dựng những công trình số một. Ngoài tài năng làm nhà mồ “nhất” ra. Anh từng dựng một căn nhà gỗ to nhất xã. Ở nhà gỗ mãi chán, nên anh dỡ bỏ để xây căn nhà mái bằng hiện cũng đang to nhất khu này. Thôn A’ Liêng đang định dựng nhà Gươl, đội thợ dựng nhà Gươl chắc chắn phải do Briu Ngà lãnh đạo. Và anh thổ lộ sẽ dựng nhà Gươl gỗ truyền thống to cao, nhiều điêu khắc nhất cái huyện này, mọi người cứ chờ đấy mà xem...
(Theo Thể thao & Văn hóa/AGO)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com