Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cơ hội mới cho Kiên Giang

Trong một trang trại tư nhân.
 "Con đường tơ lụa" trên Vịnh Thái-lan nối Kiên Giang với Chan-tha-bu-ri (Thái-lan) sẽ là cơ hội tốt để phát triển du lịch, thương mại, văn hóa... Trung tuần tháng 2-2009, Hiệp hội Du lịch Thái-lan tài trợ cho một đoàn đại diện các hãng lữ hành, Công ty du lịch, Hội Nông dân của 11/13 tỉnh thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long tham gia khảo sát mở tour Du lịch nông nghiệp.

 

Có gì ở tour nông nghiệp

 

Chan-tha-bu-ri, "Thiên đường ẩn giấu" như người Thái thường tự hào có điều kiện khí hậu thổ nhưỡng khá tương đồng đồng bằng sông Cửu Long với sáu tháng mưa, sáu tháng nóng. Nơi đây giàu tài nguyên thiên nhiên đặc biệt là đá quý, cây công nghiệp (cao-su). "Vương quốc trái cây" của Thái-lan cũng chính là đây. Trung tâm nghiên cứu việc làm vườn Chan-tha-bu-ri và bộ sưu tập 20 nghìn loài là nơi có nhiều dự án nghiên cứu và phát triển giống cây, trái cây, hoa, thảo mộc. Vườn trái cây Suphattra Land với hơn 20 loại cây ăn trái nhiệt đới giá trị cao (nhãn, sầu riêng, măng cụt, vải, chôm chôm, xoài, bưởi, dứa...) cùng những trang trại rộng cả nghìn ha thiết kế đẹp như những "vườn quốc gia"... Các khu trồng cây ăn trái được quy hoạch rất khoa học và áp dụng công nghệ tiên tiến bên cạnh phương thức canh tác truyền thống. Hai tỉnh Ray-ong và Chan-tha-bu-ri có hàng chục nhà vườn nhưng chỉ một số ít được đánh dấu chất lượng Q (quality) để kinh doanh du lịch (doanh thu chính nhờ vào tiền vé tham quan, không phải từ trồng trọt). Cũng nơi đây, lễ hội trái cây được tổ chức hằng năm vào tháng năm, kéo dài một tuần.

 

Mô hình "Mỗi làng một sản phẩm" (làng dệt chiếu Bang Sakao khép kín như một khu công nghiệp) giúp người nông dân gắn kết với quê hương, ly nông bất ly hương lại tạo ra sản phẩm du lịch. Mô hình chợ đầu mối theo vùng và chợ đầu mối theo mùa ở các tỉnh phía đông, trong đó có Chan-tha-bu-ri, cho một số loại trái cây đặc biệt. "Văn phòng Hiệp hội Du lịch Thái-lan" tại Chan-tha-bu-ri là 1/25 văn phòng được đặt trên toàn nước Thái nhằm giúp ngành du lịch trong khu vực tiếp nhận đầy đủ thông tin; giới thiệu, khai thác hàng thủ công, sản phẩm địa phương rộng rãi hơn; xây dựng chiến lược tiếp thị, phát triển...

 

Loại hình du lịch nông nghiệp đã có trên thế giới từ thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước, từ châu Âu lan ra nhiều nước, vừa hòa vào khung cảnh thiên nhiên thôn dã, vừa khám phá những sinh hoạt truyền thống, công nghệ nông nghiệp. Pi-chai Rác-ta-sin-ha - Giám đốc Văn phòng Hiệp hội Du lịch Thái-lan - TAT tại thành phố Hồ Chí Minh là con người năng động và rất quan tâm đến việc liên kết du lịch giữa Thái-lan và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ông còn nhận xét qua du lịch nông nghiệp nông dân Việt Nam và Thái-lan có thể học tập lẫn nhau về phương pháp, kỹ thuật canh tác...

 

"Rất thiết thực, nhất là cho nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long", ông Lê Thanh Liêm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An, thành viên trong đoàn khảo sát khẳng định. Nếu "xã hội hóa" nguồn kinh phí (chính quyền, Hội Nông dân...) sẽ mở ra cơ hội cho người nông dân, cán bộ quản lý nông nghiệp đi tham quan, học hỏi và có thể sẽ thu hút cả lượng khách phía bắc bởi cầu hàng không Hà Nội - Cần Thơ đã khai thông. Cô Lê Thị Tú, Việt kiều Thái-lan thuộc Công ty Donna Tour Co.LTD, đối tác tương lai của tour chuyên đề này cho biết, đây sẽ là tour mang tính khả thi cao do đi đường bộ giá cạnh tranh hơn lại ghé được nhiều nơi, trao đổi được nhiều kinh nghiệm, ít bị ảnh hưởng thời tiết, tạo cơ hội cho lượng khách cận biên ba nước, đồng thời mở ra nhiều hướng đầu tư mới, không chỉ cho ngành du lịch.

 

Từ cửa khẩu quốc tế Xà Xía (Hà Tiên - Kiên Giang) đi đường bộ qua Kam-pot - Cam-pu-chia đến Pa-tham-pon về Chan-tha-bu-ri - một tỉnh miền đông Thái-lan, điểm chính của tour chỉ khoảng 500 km (từ đây tới Băng-cốc còn khoảng 291 km theo Xa lộ 3). Lý thú của chuyến đi ở chỗ "Một ngày qua ba quốc gia": sáng lót dạ hủ tiếu cá ở Hà Tiên, trưa ngồi nhà hàng thủy tạ tại Kohkong ngắm chiếc cầu bắc qua biển sát biên giới Cam-pu-chia - Thái-lan, tối lai rai bên lề đường Băng-cốc. Từ ngã ba Ve-rinh rẽ phải hướng về Koh Kong là đến cửa khẩu Cham Yeam nối với Thái-lan. Ðây là xa lộ số 48 xuyên qua rừng nguyên sinh chạy dọc theo dãy núi Voi từ ngã ba Ruộng Muối (thuộc Phu-mi Chro-uy) đến tận cửa khẩu Khlong Yai, tỉnh Trat của Thái-lan. Ði hết xa lộ dài 300 cây số này (do Thái-lan làm tặng Cam-pu-chia) chỉ mất hơn bốn giờ đồng hồ và chính nhờ tuyến lộ này mà người ta đã tạo nên ý tưởng mở tuyến du lịch đường bộ xuyên ba nước, làm Hà Tiên và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long gần hơn với khu vực ASEAN.

 

Rộng mở con đường giao thương

 

"Chan-tha-bu-ri rất vui mừng được đón tiếp đoàn và mong rằng sự hợp tác sẽ ngày càng phát triển, không chỉ trong du lịch mà trên nhiều lĩnh vực khác. Hai tàu đi biển phục vụ cho tuyến này đã sẵn sàng", Phó tỉnh trưởng Chan-tha-bu-ri thông báo. Ðây là tín hiệu vui bởi việc hợp tác mở tuyến du lịch biển ven vịnh Thái-lan nối ba điểm Phú Quốc (Việt Nam) - Si-ha-núc-vi-lê (Cam-pu-chia) - Chan-tha-bu-ri (Thái-lan) đã được khởi động từ năm 2005, chính thức ký kết từ tháng 11-2007 và được Chính phủ cùng ngành du lịch ba nước ủng hộ. Cuối năm 2008, theo đúng cam kết sẽ có chuyến đầu tiên khởi hành từ Kiên Giang nhưng bất thành do vấn đề kỹ thuật (tàu của ta không đủ tiêu chuẩn hàng hải quốc tế).

 

"Con đường tơ lụa" trên Vịnh Thái-lan nối Kiên Giang với Chan-tha-bu-ri sẽ là cơ hội tốt không chỉ để phát triển du lịch mà còn phát triển thương mại. "Kết hợp với du lịch, chúng ta có thể chở thêm hàng hóa trao đổi chính ngạch với nhau. Kiên Giang có thể mang hải sản nguyên liệu, chế biến và nhiều mặt hàng khác đến Chan-tha-bu-ri; và ngược lại, chở về trái cây và các loại nguyên liệu khác mà Kiên Giang cần" - ông Mon-tri Ta-na-vi-oát, Trưởng Ban Chiến lược phát triển tỉnh Chan-tha-bu-ri đã từng đề cập về tuyến đường này như vậy từ mấy năm trước. Thời điểm đó, hai bên còn cam kết tìm kiếm đối tác giúp nhập khẩu clinker, hạt nhựa PP, thức ăn cho tôm và gia súc. Hằng năm, Kiên Giang sẽ nhập bò giống thịt cỏ năng suất cao, giống măng cụt, quy trình ủ rơm phục vụ chăn nuôi cũng như chuyển giao quy trình sản xuất các loại giống cá rô phi đơn tính, cá bống mú từ Chan-tha-bu-ri. Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Kiên Giang, Văn Hà Phong nhận định khả quan về tuyến du lịch ven vùng vịnh Thái-lan và cho rằng nếu mở rộng liên kết hơn với TP Hồ Chí Minh và sân bay quốc tế Phú Quốc hoàn thành (sau 2015) sẽ thúc đẩy nhanh chóng ngành "công nghiệp không khói" trong khu vực phát triển.

 

Ông Nguyễn Ðại Hổ, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên DLLH Kiên Giang cho biết, "Vòng cung du lịch" với điểm khởi nguồn từ Phú Quốc - Hà Tiên vươn tới một loạt điểm du lịch nổi tiếng liên quốc gia với các nước tiểu vùng sông Mê Công (Chan-tha-bu-ri, Pát-tay-a, Băng-cốc - Thái-lan; Kep, Kam-pot, Si-ha-núc-vi-lê, Koh Kong - Cam-pu-chia) nhằm tạo ra dòng khách đa chiều. Hiện tại nhiều du khách Thái-lan rất thích đi du lịch ở Việt Nam, nhất là các tỉnh phía Nam. Họ quan tâm và mong muốn đến đảo Phú Quốc, nơi còn giữ được nhiều bãi biển đẹp, những cánh rừng nguyên sinh hoang sơ. Chan-tha-bu-ri hiện có khoảng 8.000 người Việt, đông nhất Thái-lan; rất nhiều người trong cộng đồng này muốn đưa con cái về thăm lại quê hương.

 

"Một giá một sản phẩm một dịch vụ" là hướng đi đúng, tạo được sự gắn kết, sức mạnh cho du lịch đồng bằng, đặc biệt trong bối cảnh suy thoái kinh tế như hiện nay. Con tàu cao tốc Hải Âu trị giá gần 50 tỷ đồng của ngành Du lịch Kiên Giang dự định đưa vào khai thác tuyến du lịch ven vịnh Thái-lan cũng không đủ điều kiện về hàng hải quốc tế nên "vuột" mất cơ hội, "nhường sân" cho Chan-tha-bu-ri cho ta thấy cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho du lịch đồng bằng. Gần hai tiếng đồng hồ làm thủ tục xuất nhập cảnh cho đoàn khách 30 người tại cửa khẩu quốc tế Xà Xía là khá lâu so với hai cửa khẩu tại Cam-pu-chia và Thái-lan, ngay cả khi họ còn phải chụp ảnh từng người.

 

(Bài và ảnh:  Vũ Thống Nhất // Báo nhân dân)

 

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Chắp cánh cho tre, trúc
  • Làng dệt lụa Nha Xá, Hà Nam
  • Làng dệt Hồi Quan
  • Bình Định: Lễ hội Đô thị Nước mặn 2009
  • Dương Xuân - "Chợ tình" mỗi năm họp 1 lần
  • Chùm ảnh: Hoa anh đào ở thủ đô Hà Nội
  • Làng cổ Phước Tích được xếp hạng di tích quốc gia
  • Vui chơi ở huyện đảo Kiên Hải
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com