Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dương Xuân - "Chợ tình" mỗi năm họp 1 lần

Xuân Dương là “chợ tình” của đồng bào Tày, Nùng.

"Chợ tình" Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn là “chợ tình” của đồng bào Tày, Nùng sinh sống tại các huyện miền núi cao của các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên mỗi năm chỉ họp một phiên duy nhất vào ngày 25/3 âm lịch.

 

Chợ họp không có người mua, người bán. Những người đến đây chỉ để tìm lại bóng dáng người xưa. Người ở xa khởi hành từ chiều hôm trước, kẻ ở gần khăn gói xuống chợ từ khi sương chưa kịp tan để kịp họp phiên chợ mà họ chờ đợi suốt một năm ròng.

Mới 7 giờ sáng ngày 19/4 (tức ngày 25/3 âm lịch), tất cả các con đường dẫn đến chợ tình Xuân Dương đều bị tắc nghẽn. Tại phiên “chợ tình” năm nay, tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về "Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam" (ngày 19/4).

Ông Lô Minh Ngôn, Bí thư Đảng uỷ xã Xuân Dương kể về sự tích của chợ Xuân Dương: Truyện kể rằng, ngày xưa, tại vùng đất họp chợ bây giờ, có đôi vợ chồng nghèo nhất mực thương yêu nhau. Một ngày nọ, hai vợ chồng cùng làm đồng, chồng cuốc nơi cuối ruộng, vợ phát cỏ nơi đầu ruộng. Một viên quan đi qua thấy người phụ nữ đẹp đã cho quân bắt nàng mang đi. Người vợ chống cự, kêu cứu thảm thiết nhưng do thửa ruộng quá dài, người chồng không nghe thấy.

Nhiều năm sau, người vợ tìm về gặp lại chồng cũ. Lúc ấy, mỗi người đã có một gia đình riêng của mình, không thể tính đến chuyện hàn gắn, họ chỉ còn biết ôm nhau khóc. Dân làng biết chuyện ai nấy đều cảm động, đồng ý cho những đôi lỡ duyên được gặp lại nhau tại Nà Lỳ (ruộng dài) vào ngày 25/3 âm lịch hàng năm.

Bà Lô Thị Bằng, dân tộc Nùng, 77 tuổi, cùng cháu nội đến từ xã Đổng Xá, huyện Na Rì kể, năm 15 tuổi, bà gặp được người yêu trong một lần đi xem hát sli, hát lượn (làn điệu dân ca dân tộc Nùng). Hai người yêu nhau suốt 3 năm ròng, nhưng tình duyên trắc trở không lấy được nhau. 20 năm trở lại đây, năm nào bà cũng tìm đến “chợ tình” Xuân Dương để gặp người tình cũ, ôn lại những kỷ niệm xưa và hỏi thăm xem người cũ giờ sống thế nào.

Anh Trương Văn Sinh, dân tộc Tày, xã Lãng Ngâm, huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn) hồn nhiên nói: "Mình là người đã có gia đình rồi. Mình muốn gặp lại bạn cũ để xem cô ấy sống có vui không thôi, xem nó có hạnh phúc như mình không thôi. Nếu cô ấy cũng vui, cũng sướng như mình thì mình cũng vui mà".

Vậy nhưng, không phải ai cũng được toại nguyện với tình yêu của mình như trường hợp của anh Lâm Trường Ngang, dân tộc Nùng đến từ huyện Bình Gia (Lạng Sơn). Trong ngày chợ họp, anh ngồi lặng lẽ góc chợ nhìn dòng người đi lại bằng ánh mắt buồn. Cách đây, 5 năm cũng tại đây, anh đã gặp lại người yêu cũ và dù đã trao cho nhau kỷ vật, nhưng suốt từ ấy đến nay, năm nào anh cũng đi “chợ tình” nhưng vẫn không thể gặp lại “cố nhân”.

Năm nay, “chợ tình” Xuân Dương được Sở Văn hoá – Thể Thao – Du lịch tỉnh Bắc Kạn nâng lên thành “Ngày Hội văn hóa truyền thống xã Xuân Dương”, song chợ vẫn giữ được nguyên nét truyền thống, là nơi “tìm nghĩa, tìm tình” của biết bao lứa đôi. Họ đến để trải nỗi lòng qua những điệu sli, lượn...

Du khách đến với “chợ tình” Xuân Dương năm nay không chỉ được đắm mình trong một không gian lễ hội đậm đà bản sắc văn hoá mà còn được chơi các trò chơi dân gian như ném còn, đẩy gậy, kéo co và thưởng thức những món ăn đặc sắc của người vùng cao như thắng cố, mèn mén, thịt treo./.

( Theo TTXVN)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Chùm ảnh: Hoa anh đào ở thủ đô Hà Nội
  • Làng cổ Phước Tích được xếp hạng di tích quốc gia
  • Vui chơi ở huyện đảo Kiên Hải
  • Hội cù Cẩm Phổ
  • Đầu xuân hành hương Yên Tử
  • Ngày Xuân thăm bà chúa đền Bờ
  • Đầu xuân, tìm về cội nguồn Côn Sơn
  • Các điểm mua sắm hoa Tết tại Hà Nội
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com